Lễ Vọng Phục Sinh

Thánh lễ Vọng Phục Sinh diễn ra trong bầu khí trang nghiêm và thành công tốt đẹp

Lễ Kỷ Niệm Bổn Mạng Cha Chánh Xứ

Giáo xứ Chợ Cũ mừng bổn mạng Cha Sở Giuse nhân dịp lễ quan thầy ngày 19-3. Sau lễ Cha phát quà cho bà con giáo dân để cùng chia vui trong ngày trọng đại này.

Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Xứ Chợ Cũ

Thiếu nhi Thánh Thể Giáo xứ Chợ Cũ sinh hoạt cuối tuần chung với hai bạn người Pháp.

Kỷ Niệm Ba Năm Hồng Ân Linh Mục - Cha Phó Antôn

Giáo xứ Chợ Cũ mừng kỷ niệm ba năm hồng ân linh mục của Cha phó Antôn Phạm Trần Huy Hoàng nhân dip Lễ Truyền Tin

Mừng Xuân Đinh Dậu 2017

Giáo xứ Chợ Cũ cùng nhau đón tết cổ truyền của dân tộc, có nhiều tiết mục đặc sắc và ý nghĩa.

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

MỤC VỤ HÔN NHÂN - GIA ĐÌNH

MỤC VỤ
HÔN NHÂN - GIA ĐÌNH

 I. HIỂU BIẾT VÀ CẢM THÔNG trong đời sống vợ chồng

  HIỂU VỢ VÀ THÔNG CẢM VỚI VỢ
 Một người chồng tốt thiết yếu là một người đàn ông luôn biết quan tâm đến vợ mình:
 - Ý thức được những khác biệt của vợ
 - Đoán biết đâu là những chờ đợi  của vợ.
 1./ ­ Trong đời sống vợ chồng có lẽ không có hình ảnh nào đẹp cho bằng hình ảnh người vợ chờ  chồng đi làm về. Suốt một ngày chờ đợi như nổ tung ra khi người chồng xuất hiện. Người vợ sẽ phá  tan đi sự căng thẳng chờ đợi ấy bằng đủ thứ chuyện mà chị muốn kể cho chồng mình nghe: từ  chuyện  hàng xóm, con cái đến chuyện chợ búa, bếp núc, nhà cửa … có những chuyện quan trọng  mà có thể  cũng có những chuyện không quan trọng. Nhưng đối với  người vợ, điều quan trọng  không phải là  nội dung của những gì họ kể ra cho bằng chính nhu cầu được nói, được tâm sự, được  chia sẻ.
 - Cô đơn là thử thách nặng nề nhất đối với  người đàn bà.. Do đó nhu cầu lớn nhất của họ là được ra  khỏi chính mình.
 Một người chồng tốt là một người chồng luôn biết quan tâm đến nhu cầu ấy. Sau một ngày vất vả  ngoài đồng áng, tất bật nơi sở làm, bị bao vây bởi biết bao nỗi bực dọc, người chồng nào cũng muốn  tìm giây phút thanh thản yên lặng. Nhưng họ nên nhớ rằng cái nhu cầu được thông tin, được chia sẻ  của người vợ có lẽ còn lớn hơn cả cái nhu cầu được yên tĩnh của họ.
 Sự hòa hợp trong đời sống vợ chồng đòi hỏi người chồng bước thêm một bước nữa trong sự hy sinh  của họ. Đó là lắng nghe, cảm thông với vợ mình.
 2./ ­ Nhu cầu:
 - Được nói
 - Được lắng nghe
 - Được chia sẻ
 - Được ra khỏi chính mình
 Thật ra cũng là thể hiện một nét đẹp thiên phú của tâm hồn nữ giới. Đó là dâng hiến, trao ban. Nhu  cầu ấy là động lực nguyên thủy trong tâm hồn người đàn bà.
 3./ ­ Người đàn bà không thể sống, không thể hành động không thể hưởng thụ một mình. Trái lại  người đàn ông có thể cuộn mình trong cái vỏ của họ để hưởng thụ, để sống một mình mà không cần  quan tâm đến sự hiện hữu của những người chung quanh.
 Người đàn bà muốn:
 - Những cảm xúc của họ được vang dội trong tâm hồn người khác.
 - Sự hy sinh của mình được người khác nhìn nhận và biết ơn.
 - Niềm vui của mình cũng được chia sẻ cho người khác (Điển hình nhất hẳn phải là tâm hồn đầy nữ  tính của Mẹ Maria).
 Sự nhậy cảm – nhu cầu muốn chia sẻ được thể hiện qua những cử chỉ quảng đại. Đó là mẫu số chung  của mọi tâm hồn phụ nữ mà thiết tưởng một người chồng tốt không thể không quan tâm đến.
 4./ ­ Trao ban và dâng hiến, người đàn bà xem đó như  một thể hiện của nữ tính, là cách thế thể  hiện chính mình. Bởi đấy người đàn bà còn có nhu cầu được nhìn nhận và biết ơn.
 (Bài huấn đức của Đức cố Giáo Hoàng Phaolô I. P. 25)
 Một tiếng cám ơn chân tình không xuất phát một cách tự nhiên,  mà là kết quả của sự thay đổi trong  cái nhìn, sẽ được người đàn bà đón nhận và cất giữ rất trân trọng.
 5./ ­ Người đàn bà có nhu cầu được khen ngợi và đón nhận những lời cám ơn của người khác.
 - Một người chồng muốn giữ vợ, muốn sống hòa thuận với vợ phải biết mở miệng khen ngợi và cám  ơn vợ mình.
 - Một người chồng tốt sẽ không bao giờ coi những việc vợ làm cho mình là một bổn phận, là điều  phải làm. Hãy đón nhận tất cả những gì vợ làm cho mình như một trao ban, và không ngừng nói lên  lời cám ơn và khen ngợi.
 - Người chồng đừng quên rằng những cái mà ông cho là nhỏ nhặt, là vớ vẩn, là chuyện đàn bà có thể  là những điều rất quan trọng đối với  vợ ông. Nếu người đàn ông biết nhận ra tầm  quan trọng của  những cái nhỏ nhặt, không ra gì đó, có lẽ ông đã tìm ra được bí quyết của hạnh phúc gia đình.
 Nói cách khác, người chồng đã hiểu được vợ, đã thông cảm với vợ, và nhất là đã quan tâm đến vợ  mình.
 6./ Trong bài thơ bằng tiếng Phạn, người Ấn Độ đã giải thích sự bí ẩn kỳ diệu của người đàn bà qua  câu chuyện  sáng tạo như sau:
Thượng đế đã lấy
Vẻ uyển chuyển nhẹ nhàng
Của chiếc lá rơi
Và cái nhìn ngơ ngác
Của nai tơ giữa rừng
Ngài đã lấy sự nhảy múa tung tăng
Của ánh mặt trời buổi sớm
Và những giọt nước mắt của sương mai,
Ngài đã lấy sự bất thường của gió
Và sự nhút nhát của con thỏ
Ngài đã lấy sự uyển chuyển kiêu xa
Của loài công vương giả
Và nét dịu dàng của chùm lông
Trên cổ chim én.
Ngài thêm vào tất cả những thứ đó
Sự cứng cỏi của đá kim cương,
Sự dịu ngọt của mật ong rừng
Sự hung bạo của loài cọp,
Sức nóng của lửa thiêu
Và hơi lạnh của băng tuyết.
Ngài còn thêm vào nữa
Tiếng hót của chim bạc má
Và tiếng gù của chim bồ câu.
Ngài đã trộn lẫn
Tất cả những thứ đó
Để tạo nên người đàn bà
Và Ngài đã mang tặng
Cho người đàn ông.
   7./ Bài thơ trên đây muốn diễn tả những cái bất thường mà người đàn ông có thể nhìn thấy nơi người    đàn bà. Những bất thường ấy lại được xây trên rất nhiều lý lẽ vững chắc mà chỉ có người đàn bà mới    hiểu được.
 Người chồng có lẽ chỉ hiểu được những cái bất thường ấy sau một vài năm chung sống với nhau.
 Có lúc, người vợ làm cho người chồng ngỡ ngàng
 - Về tính nhẹ dạ, nông nổi
 - Những ước muốn trẻ con của họ
 Nhưng rồi đến lúc, người chồng sẽ phải cảm phục:
 - Sự sáng suốt
 - Óc thực tế bén nhạy nơi người vợ
 Nhất là có những lúc người đàn bà tỏ ra quảng đại và can đảm gấp trăm nghìn lần người đàn ông.
 Trước một biến cố bất bình thường hoặc đau thương của gia đình, đôi khi óc lý luận, và sự tỉnh táo  của người đàn ông cũng không giải quyết được gì. Cuối cùng thì phải cần đến sức mạnh của người  đàn bà. Đó là sức mạnh của sự chịu đựng, lòng vị tha mà Thiên Chúa đã phú bẩm cho người đàn bà.  Sức mạnh ấy kiến hiệu và vượt xa những tính toán của người đàn ông.
 - Người đàn bà yếu đuối và dễ bị thương tích hơn đàn ông, nhưng sức chịu đựng bền bỉ lại trổi vượt  hơn đàn ông.
 - Người đàn bà dễ bị xúc động hơn đàn ông, nhưng lại đứng vững trước thử thách hơn đàn ông.
 - Người đàn bà có nhiều bệnh tật, nhưng lại sống dai hơn đàn ông.
 - Người đàn bà chịu cảnh góa bụa dễ dàng hơn đàn ông.
 Sức mạnh đó cộng với sự hiến thân và trực giác nơi người đàn bà là những hệ số vững chắc để bảo  vệ hạnh phúc hôn nhân và gia đình vốn bị đe dọa bởi không biết bao thứ đột xuất.
 - Dĩ nhiên, không có nghĩa là người đàn ông phải nhắm mắt làm ngơ trước những hành động thiếu  suy nghĩ của vợ, nhất là những phản ứng thiếu khoan dung phát xuất từ sự ghen tuông, từ đầu óc  thiên vị.
 8./ ­ Cường  độ tình yêu của người đàn ông gắn liền với óc chinh phục và cảm tính. Họ có thể là  những người tình say mê, nhưng lại là người chồng hờ hững. Khi nét hấp dẫn nơi người đàn bà phai  mờ với thời gian thì mối tình đã một thời bốc cháy nơi người đàn ông cũng dễ dàng tàn lụi.
 - Người đàn bà thì khác hẳn. Tình yêu của họ là một lò lửa luôn bùng cháy. Dù cho thân xác có hao  mòn, trái tim của người đàn bà vẫn luôn tươi trẻ. Người đàn bà cho mà không tính toán. Sự hiến thân  không giới hạn ấy là một trong những nền tảng vững chắc cho gia đình.
 9./ ­ Người chồng phải luôn tâm niệm rằng: người vợ là quà tặng cao quý nhất mà Thiên Chúa đã  ban  cho mình. Một món quà cao quý, nhưng gói ghém bao điều bất thường. Người đàn ông không  bao giờ hiểu được chỉ bằng phân tích và lý luận của mình. Để tạo hạnh phúc gia đình, người chồng  cần đến sự hỗ trợ của trái tim người vợ.
 Đời sống hôn nhân là trường dạy yêu thương. Nếu người chồng biết tìm hiểu và đi sâu vào tâm hồn  của vợ mình, thì dù có gặp những trái ý và bất thường đến đâu nơi người vợ, người chồng sẽ không  bao giờ châm ngòi cho sự cãi vã gây gổ.
 Tâm niệm và luyện tập được phản xạ như thế rồi, thì người chồng hãy tin chắc rằng họ đang nắm  trong tay chìa khóa của hạnh phúc.
                                                           ØØØm×××

II./ HIỂU CHỒNG VÀ THÔNG CẢM VỚI CHỒNG

 Có rất nhiều người vợ trẻ than vãn rằng:
 - Chồng tôi không còn để ý đến tôi nữa!
 - Chồng tôi không còn săn sóc tôi nữa!
 - Chồng tôi không không muốn hiểu tôi nữa!
 Đó có thể là tâm trạng chính những người vợ không muốn hiểu, hoặc chưa hiểu và thông cảm với  chồng mình.
 - Họ quên rằng người chồng có những cách suy nghĩ, phản ứng, bộc lộ khác với mình.
 - Họ cũng quên rằng hôn nhân là một hòa hợp những khác biệt giữa hai tính khí khác biệt.
 1./ ­ người ta có thể nói:
 - nơi đàn bà tất cả đều là quả tim, trong khi đó nơi người đàn ông tất  cả đều là cái đầu.
 Ngay cả khi yêu  người đàn ông cũng yêu với đầu óc, với sự lý luận của mình. Đó là lý do tại sao  người đàn ông đơn giản hơn người đàn bà. Đơn giản ở đây không cùng nghĩa ngây ngô khờ khạo mà  chính là trong suốt minh bạch. Tính đơn giản nơi người đàn ông một phần cũng do chính cấu trúc thể  lý của họ.
 - Người đàn ông không để ý đến những chi tiết, họ nhìn thẳng vào điều cốt yếu. Họ xếp loại mọi sự.
 - Người đàn ông có khuynh hướng nhắm thẳng vào mục đích hơn là đi vòng vo. Điều này dễ tạo ra  xung đột và ngay cả gây tổn thương cho người khác. Do đó, khi biểu lộ tình cảm của mình, người  đàn ông xem ra ít tế nhị, ít tinh tế, ngay cả cục mịch nữa.
 Người vợ cần hiểu rằng một trong những nhu cầu lớn của chồng mình chính là hoạt động:
 - Người đàn ông chỉ thực sự được thỏa mãn khi họ hiến thân cho một công việc, một lý tưởng , một  hành động , một công cuộc.
 - Người đàn ông luôn muốn sáng tạo bằng sức mạnh của đôi tay, bằng sự suy nghĩ của khối óc.    Người đàn ông thích nghĩ đến những cái mới mẻ.
 Sự phát triển nhân cách, niềm hạnh phúc của người đàn ông tùy thuộc phần lớn vào sức hoạt động  ấy.
 Do đó, người vợ tốt:
 - Không nên là một cản trở đối với  hoạt động của người chồng.
 - Không tỏ ra buồn phiền khi người chồng không dành mọi tâm tư và suy nghĩ cho mình.
 - Phải nghĩ rằng nhân cách của một người đàn ông mình yêu thương kính trọng chỉ được thực hiện  qua những hoạt động và thi thố bên ngoài ấy.
 2./ ­Những cách biểu lộ tình cảm của người đàn ông dành cho gia đình, vợ con thường được biểu  lộ qua sự chú tâm, những hy sinh, sự cặm cụi làm việc.
 Người chồng có thể không nhớ ngày sinh nhật hay những ngày đáng ghi nhớ khác của người vợ hay  của đời sống gia đình. Điều đó có thể là những thiếu sót của người chồng. Nhưng những điều thiếu  sót đó cũng không hẳn đã là thể hiện sự vô tâm.
 - Người vợ không nên trách chồng mình là người vô tâm, mà phải tự nhủ rằng người đàn ông không  thể hiện tình yêu thương giống như mình.
 - Người vợ yêu chồng và tha thiết với hạnh phúc gia đình phải là một người vợ sống trọn vẹn cho  chồng, xem những tham vọng, sở thích, hoạt động của chồng như của chính mình.
 Với sức mạnh của đôi tay, với tính khách quan trong phán đoán, với sự tự chủ trong những cảm xúc  người đàn ông nào cũng muốn làm chủ trong nhà. Người đàn bà, tự bản chất, cũng muốn bên cạnh  mình có một nơi nương tựa vững chắc.
 - Một người vợ yêu chồng sẽ biết nhìn nhận vai trò ấy của chồng và tạo điều kiện để chồng mình thi  thố vai trò ấy.
 Người chồng còn muốn xã hội cũng nhìn nhận vai trò chủ động của ông trong gia đình nữa.
 - Một người vợ yêu chồng phải là một người tha thiết với những hoạt động xã hội của chồng, luôn  sát cánh bên chồng trong tất cả mọi hoạt động, nhưng luôn biết rõ vị trí của mình, biết rút lui đúng  lúc để đừng xen vào những quyết định của chồng.
 3./ ­ Điều cơ bản nhất là người vợ trẻ nên nhớ đó là người đàn ông không muốn được đối xử như  trẻ con, không chờ đợi nơi vợ mình một thứ tình yêu mà mẹ ông đã dành cho ông.
 - Người đàn bà nào cũng có khuynh hướng cư xử đối với  chồng như một người mẹ. Họ lo cho chồng  từng ly từng tí. Họ luôn có mặt để nhắc nhở khuyên răn, từ việc ăn uống đến việc phục sức. Dĩ nhiên  ai cũng muốn được yêu thương, chiều chuộng săn sóc, nhưng một sự chiều chuộng thái quá, một  cách cư xử với chồng bằng tình mẫu tử sẽ khiến cho họ có cảm tưởng rằng họ không phải là một  người đàn ông cứng rắn, một người trưởng thành và không đáng tin cậy.
 4./ ­ Người đàn ông tự bản chất thích được độc lập:
 - Kinh Thánh nói: Người đàn ông sẽ lìa bỏ cha mẹ mình để luyến ái và nên một với vợ mình, phải  chăng đó không phải là một hình ảnh nói lên nỗi khao khát muốn được tự lập của người đàn ông.
 - Một gia đình riêng, một mái nhà riêng, một công việc riêng, vai  trò chủ động trong gia đình … tất  cả đều thể hiện của tinh thần độc lập nơi người đàn ông.
 Cái khuynh hướng độc lập nơi người đàn ông thường khiến họ tìm mọi cách để thoát khỏi sự kiềm  tỏa trong gia đình, nhất là của người vợ.
 - Người vợ trẻ nên lưu ý:
 S ự ân  cần hỏi han của họ làm cho người chồng cảm thấy thoải mái, được khích lệ, nhất là khi gặp  căng thẳng ngoài xã hội.
 Đừng biến sự ân cần hỏi han ấy thành một thứ hạch sách, điều tra, vì như thế, người chồng sẽ cảm  thấy bị tổn thương và mặc cảm, dễ đi đến chỗ khép kín đối với người vợ.
 - Cái duyên dáng của người đàn bà chính là sự dịu dàng kín đáo. Bao lâu người vợ vẫn còn giữ được  nét dịu dàng kín đáo ấy, họ vẫn còn thu hút và giữ được chồng.
 5./ Hôn nhân là một cách sống ơn gọi làm người. Chính nhờ đời sống hôn nhân mà vợ chồng nên  người hơn, nên phong  phú hơn, nên thành toàn trong nhân cách hơn. Và để đạt được ơn gọi ấy hai  người phối ngẫu phải biết tiếp nhận nhau, biết xem những khác biệt tâm lý: về lối suy nghĩ, cách  thức biểu lộ và sở thích khác nhau …, như là kho tàng quí giá nhất làm cho đời sống vợ chồng thêm  phong phú hơn. Nói tóm lại, nên một với nhau, nhưng không đánh mất chính mình. Đó là vẻ đẹp của  đời sống vợ chồng.
 6./ Cảm thông tốt có thể tạo ra một bầu khí đồng cảm cho một tương quan đậm tình yêu thương.
 - Cảm thông tốt hàm ý:
 Chia sẻ ý tưởng và cảm xúc của bạn.
 Diễn đạt tình yêu của bạn cho người phối ngẫu.
 Nói rõ ý định của bạn
 Lắng nghe người bạn đời của bạn
 - Một số chỉ dẫn để có được cảm thông tốt hơn:
 * Minh bạch: nói ý tưởng và ước muốn của bạn rõ ràng và thẳng thắn.
 * Dừng ngắt lời: hãy dốc hết chú ý vào người bạn đời của bạn. Đừng cắt ngang câu nói.
 * Diễn giải: sau khi người bạn đời của bạn nói xong, hãy trình bày lại những gì đã được nói ra. Đây  là cách tốt nhất để gạn lọc sự hiểu lầm.
 * Hãy nhậy cảm với ngôn ngữ thân xác: để ý đến thông điệp không lời được chuyển  tải qua giọng  nói, biểu lộ trên gương mặt và qua điệu bộ
 * Hãy nhìn người phối ngẫu của bạn: giao tiếp bằng ánh mắt thiện hảo với người bạn đời giúp bạn  xây dựng mối thiện cảm và cho phép bạn thật sự nắm bắt được cảm tưởng và ý nghĩ của người bạn  đời.
 * Hãy dành thời giờ riêng cho người bạn đời. Hãy nhắm đến những nhu cầu và làm cho người bạn  đời cảm thấy tốt đẹp.
ØØØm×××

III./ Nhìn nhận sự bình đẳng của vợ

Nhìn nhận vợ như người bạn đường
I./ Sự bình đẳng vợ chồng trong hôn nhân
Tình yêu vợ chồng đích thực chỉ có thể được xây dựng trên sự bình đẳng.
1./ Đã qua rồi cái quan niệm: “chồng chúa vợ tôi” của nhiều người Việt Nam chúng ta. Quan niệm này đã in đậm trong tâm trí nhiều người chồng, khiến họ nghĩ là họ có quyền: từ chỗ kén vợ, chọn vợ  đến việc “dạy vợ từ thuở ban sơ mới về” người ta đi chọn vợ như đi chọn một món hàng. Từ đó, một  số người chồng tự cho mình cái quyền dạy dỗ, răn bảo khuyên nhủ, răn đe, đôi khi sửa trị bằng những hành động vũ phu, vì họ cho rằng người vợ trong tay họ như một dụng cụ để chiếm hữu và sử dụng theo ý mình muốn.
2./ Hôn nhân đích thực chỉ có thể xây dựng trên tình yêu. Mà yêu là muốn đều thiện hảo cho người mình yêu, là tôn trọng, bình đẳng, là sống cho và hy sinh tất cả vì người mình yêu. Tình yêu đích thực là một tình yêu tỉnh thức và quảng đại.
- Người chồng nên biết: mỗi con người là một huyền nhiệm. Tâm hồn người phụ nữ phong phú đến nỗi dù cả một đời người, người chồng vẫn không thể hiểu được trọn vẹn vợ mình. Một tác giả đã nói: “người đàn bà dịu dàng và quí phái đến đâu cũng có chút diêm sinh của hỏa ngục, và không có một người đàn bà nào xấu xa đến độ không còn một góc của thiên đàng trong tâm hồn họ
- Một khuyết điểm nơi người đàn bà là tính hay ghen. Người ta vẫn nói một chút ghen tương là gia vị làm cho tình yêu thêm đậm đà. Nhưng khi ghen tương đã trở thành bệnh hoạn thì tình yêu sẽ chỉ còn là mật đắng.
- Một quan niệm đứng đắn về tình yêu như thế sẽ giúp người chồng dễ chấp nhận những khác biệt hay cả những khuyết điểm của người vợ, cũng như những đức tính tốt tiềm ẩn nơi người vợ để rồi quảng đại tha thứ cho những thiếu sót của vợ.
- Người chồng cũng nên hiểu rằng tự nó ghen tương là mặt trái của tình yêu không được hướng dẫn. Hiểu như thế người chồng sẽ dễ dàng cảm thông với vợ hơn.
3./ Bước vào đời sống hôn nhân, những người chồng trẻ không nên nghĩ rằng họ sẽ làm chủ hay làm thầy dạy vợ mình. Chức năng của người chồng không phải là uốn nắn, cải tạo vợ theo ý muốn của mình, người vợ sẽ không bao giờ trở thành mẫu người như người chồng mong muốn.
II./ Hãy coi vợ như người bạn đường
- Cung cách cư xử theo lối “chồng chúa vợ tôi” sẽ đưa đến hệ quả là phủ nhận tính cách ngang hàng, bình đẳng và đồng hành của người vợ.
- Một quan niệm như thế khó có thể mang đến hạnh phúc cho vợ chồng.
- Người chồng trẻ nên có cái nhìn khoan dung hơn trước những thiếu sót của vợ và nhận ra những đức tính cao đẹp của vợ. Nhờ đó bản thân họ cũng được kiện toàn hơn.
1./ Một người chồng có ý thức và công bình sẽ nhận ra rằng công việc của mình ngoài gia đình và công việc của vợ trong gia đình đều có giá trị ngang nhau. Cả hai đều cần thiết để xây dựng và bảo trì hạnh phúc lứa đôi và gia đình. Biết nhận ra sự phân chia trách nhiệm như thế tức là đã nhận ra sự bình đẳng giữa vợ chồng.
2./ Ý thức về sự bình đẳng giữa vợ chồng sẽ giúp cho người chồng biết tôn trọng và quan tâm đến vợ mình hơn. Nếu người chồng sau một ngày làm lụng vất vả biết chờ đợi sự chăm sóc, phục vụ âu yếm của vợ thì hẳn người vợ còn cảm thấy cái nhu cầu ấy còn gấp bội. Sự bình đẳng đòi hỏi cả hai phải biết quan tâm phục vụ nhau. Một tạp chí khuyên người chồng như sau:
- Nếu bạn muốn biến vợ thành một người đàn bà suốt ngày cau có, làu nhàu, thì phương pháp hữu hiệu nhất là bạn đừng lắng nghe bất cứ đều gì vợ bạn nói.
- Người chồng cần lắng nghe, trò chuyện với vợ, cố gắng có chung với nhau vài sở thích.
- Người vợ nào lại không cảm thấy hạnh phúc khi được người chồng góp ý trong cách ăn mặc và trang điểm.
- Người vợ nào không cảm thấy sung sướng khi được chồng khen ngợi về nghệ thuật nấu nướng của mình. Một người chồng biết quan tâm đến vợ cũng sẽ là một người bạn đường khéo léo và hấp dẫn nhất đối với vợ.
3./ Người chồng phải biết chú ý đến những cái thường ngày, những đều nhỏ nhặt trong đời sống vợ chồng. Hạnh phúc lứa đôi và bình an trong gia đình tùy thuộc phần lớn vào những đều nhỏ ấy. Giúp vợ nấu nướng, giặt giũ, quét dọn, hay cùng làm với vợ bất cứ việc nhỏ nào trong nhà, đó là muôn nghìn cách thế người chồng tỏ ra quan tâm đến vợ và nhất là tôn trọng vợ. Qua những trợ giúp ấy người chồng cũng sẽ cảm thấy được lớn lên trong nhân cách của mình.
      Người ta nói: muốn biết được tư cách của người đàn ông, hãy nhìn cách sống của họ trong gia đình. Người ta trở về nhà không phải chỉ để ăn uống, để bồi dưỡng, để trốn thoát những khó khăn trong xã hội mà là để tìm lại chính mình. Đó phải là những tâm niệm của người chồng trẻ vậy.
*  Nhà gia đình học Brent C.Miller, sau một thời gian khảo cứu đã đưa ra nhận định rằng: vào khoảng giữa năm thứ  7 và thứ 10 của hôn nhân thường xẩy ra cuộc khủng hoảng trong gia đình. Thời gian đó khi đứa con đầu lòng bắt đầu cắp sách đi học là vợ chồng lủng củng dữ dội nhiều hơn bao giờ hết. Thêm vào đó, những lo lắng về công ăn việc làm và lo cho con cái làm cho ho không còn thời giờ để nghĩ đến nhau nữa cả về phương diện tình dục lẫn tình yêu! Đây là lúc họ cần nhau hơn hết để cùng nhau:
Đôi ta lên thác xuống ghềnh,
em ra đứng mũi cho anh chịu sào
*  Thánh Ambrôsio căn dặn các đấng trượng phu rằng:
“ bạn không phải là chủ vợ mình,
mà là chồng…
người nữ được trao cho bạn để làm vợ,
chứ không phải để làm nô lệ…
hãy lo lắng chăm sóc cho nàng,
như lo cho chính bạn,
và phải biết ơn nàng,
vì tình nàng dâng hiến cho bạn”.
ØØØm×××

IV. NHỮNG KHÁC BIỆT TÂM SINH LÝTRONG ĐỜI SỐNG VỢ CHỒNG

I./ Những Khác Biệt Nơi Người Vợ
Những ngày hẹn hò đã qua. Những giây phút thần tiên của tuần trăng mật cũng đã hết. Bây giờ là cuộc sống chung mà đôi vợ chồng trẻ phải giáp mặt và cùng nhau xây dựng. Thực tế trước tiên mà họ phải đối diện chính là những khác biệt giữa hai người.
Do đó, nguyên tắc để xây dựng đời sống chung là ý thức được sự khác biệt của nhau và chấp nhận sự khác biệt ấy như một kho tàng giúp phong phú hóa lẫn nhau.
À Để hiểu vợ mình, hay nói chung, hiểu một người đàn bà, rõ ràng cho thấy rằng người chồng không thể xử sự với vợ chỉ bằng lý luận khúc chiết của ông, mà trái lại, còn phải có tình thương, có sự cảm thông hơn, có sự khoan nhượng hơn.
Người chồng đừng bao giờ quyên rằng:
Y Người vợ tự bản chất, mong muốn cho những người thân của mình được hạnh phúc. Nhưng dĩ nhiên theo cách thế của bà. Ý muốn làm cho người khác được hạnh phúc và bắt người khác phải làm theo ý mình thực ra cũng là một hình thức dâng hiến của người đàn bà.
Y Người đàn bà thường hành động bằng tình cảm hơn bằng lý trí. Đó là lý do khiến người đàn bà dễ khăng khăng với lập trường của mình hơn. “vợ muốn là trời muốn
Y Khác với đàn ông, người đàn bà nhìn vào thực tế bằng một cái nhìn phân tích: dừng lại ở những đặc điểm nhỏ và chi tiết của sự vật, do cảm tính thúc đẩy và hướng dẫn.
Y Cái nhìn của người đàn bà về cuộc sống thường nồng nhiệt, hăng say hơn cái nhìn của người đàn ông. Họ dễ cảm xúc hơn đàn ông khi đứng trước nỗi khổ của người khác.
Y Người ta gọi cái nhìn của người đàn bà là cái nhìn trực giác: nghĩa là người đàn bà nhìn xuyên suốt qua bản chất của sự vật và thích nghi với thực tế dễ dàng hơn đàn ông: chính vì cái nhìn trực giác ấy mà có lẽ tính khí của đàn bà dễ thay đổi hơn đàn ông.
Á Trong một đại hội y khoa quốc tế mới đây người ta khẳng định rằng: cơ thể của người đàn bà bù đắp cho sự yếu đuối của bắp thịt bằng hiệu năng của những giác quan và hệ thống thần kinh.
Do đó thực là sai lầm khi cho rằng có một phái mạnh và một phái yếu.
Tác giả Asler Montéguy trong quyển sách nhan đề “Sự trổi vợt của đàn bà” đã nhận định rằng: sự trổi vượt của người đàn bà trên người đàn ông được thể hiện trong sức mạnh yêu thương của họ, cũng như sức đẩy nội tại khiến họ có thái độ hợp tác hơn là gây hấn. Sự sống còn và định mệnh của nhân loại tùy thuộc ở tình yêu và sự tương trợ. Vai trò của người đàn bà chính là dạy cho người đàn ông sống nhân bản, sống nên người hơn.
Một tác giả đã ví von như sau: người đàn bà đối với  người đàn ông cũng như con số không đối với  những con số khác. Tự nó, số không chẳng có giá trị nào. Nhưng thêm vào nó một đơn vị nó sẽ tăng gắp mười lần giá trị của một con số.
ÂĐời sống hôn nhân là khởi đầu của cuộc khám phá. Yêu nhau, nên một với nhau, không có nghĩa là xóa bỏ mọi khác biệt, cũng không có nghĩa là bắt người khác phải nên giống mình. Sự hòa hợp chỉ có khi hai bên biết tôn trọng những khác biệt của nhau. Mãi mãi người phối ngẫu vẫn là một mầu nhiệm để chiêm ngưỡng.
Bao lâu người chồng ý thức rằng vợ mình có những khác biệt trong suy nghĩ, trong hành động, trong cách cư xử, và cố gắng để tôn trọng và hòa hợp với những khác biệt ấy thì đó là dấu chỉ cho  thấy người chồng còn tha thiết với tình yêu và hạnh phúc lứa đôi. Trái lại, khi người chồng không nhìn những khác biệt ấy và cưỡng bách người vợ phải khuôn rập  theo cách suy nghĩ, hành động và ý muốn của mình, lúc đó sẽ không có tình yêu nữa mà chỉ có nô lệ và sợ hãi.
Người chồng nên tâm niệm rằng: những khác biệt ấy không phải là một cản trở cho tình yêu, mà trái lại, là một yếu tố giúp cho mình được phong phú, và cần thiết cho việc vun đắp và củng cố tình yêu vợ chồng.
II./ Những Khác Biệt Nơi Người Chồng
Sau thời gian hẹn hò, sau những ngày thần tiên của tuần trăng mật, nhiều người vợ trẻ đã thất vọng về người chồng của mình với nhiều giới hạn và khuyết điểm. Con người lý tưởng họ đã từng ôm ấp trong trái tim, giờ đây đã lộ chân tướng của mình.
À Những người vợ trẻ đừng nên thất vọng, nhưng hãy thực tế để chấp nhận chồng mình, một người chồng với rất nhiều giới hạn và khuyết điểm. Nên nhớ rằng người chồng đó là một người đàn ông, nghĩa là một con người có những suy nghĩ, hành động, cách cư xử khác với đàn bà theo cách thế riêng của mỗi người.
Á   U   Người đàn ông nào cũng muốn:
- Đóng trọn vai trò đàn ông của họ trong gia đình.
- Thể hiện tính đàn ông của mình, theo cách thế đàn ông của họ, chứ không theo sự chỉ đạo và yêu cầu của người vợ.
Y Người đàn ông nào cũng có đôi chút ích kỷ. Sự ích kỷ ấy thường thể hiện bằng nỗi khao khát được độc lập nơi người đàn ông.
Y Người đàn ông, tự bản chất, không thích dựa vào đàn bà như một bóng mờ. Họ muốn làm chủ, điều khiển trong gia đình. Sự độc lập ấy cũng thường được biểu lộ qua những phản ứng đầy tự ái của họ.
Y Người đàn ông không thích vợ lên lớp chỉ bảo. Cho dù rất yếu đuối khi đứng trước đàn bà; cho dù là nô lệ của rất nhiều đam mê, người đàn ông vẫn luôn tỏ ra làm chủ được tư tưởng, đời sống trí thức, những xác tín về tôn giáo và chính trị của mình. Người đàn ông không muốn tỏ ra lệ thuộc vào cách suy nghĩ của đàn bà. Lắm khi chúng ta nghe đàn ông thốt lên: “chuyện đàn bà! Chuyện vớ vẩn”.
 không muốn tỏ ra mình lệ thuộc đàn bà, người đàn ông đương nhiên muốn tỏ ra mình là chủ trong nhà, điều khiển và chỉ đạo trong nhà. Từ đó, chúng ta không ngạc nhiên khi thấy có nhiều người đàn ông cư xử cách độc tài. Hình ảnh của một người chồng vừa về đến nhà đã nằm ngửa trên ghế bành, vặn nút ti vi, đọc báo, trong khi vợ mình phải đầu tắt mặt tối trong bếp, đó là hình ảnh tiêu biểu nhất của những người đàn ông ích kỷ và độc tài. Sự ích kỷ đôi khi cũng khiến cho người chồng thiếu quan tâm đến vợ mình. Ông chán cả những âu yếm vuốt ve của người vợ.
Dĩ nhiên không phải mọi người đàn ông đều hành động theo sự ích kỷ của mình. Sự rèn luyện, tình yêu thương giúp cho rất nhiều người đàn ông thắng vượt những hẹp hòi nhỏ nhen của họ để có thể hy sinh sống trọn vẹn cho vợ con.
Tuy nhiên, không có người đàn ông nào lý tưởng cả, mỗi người đàn ông đều có những đức tính và những khuyết điểm của họ. Trong những đức tính và khuyết điểm ấy, điểm nổi bật hơn cả nơi người đàn ông chính là thể hiện đàn ông tính của mình. Hôn nhân là điều kiện để cho tính đàn ông của họ được thể hiện một cách trọn vẹn. Vai trò của vợ là giúp cho chồng mình được trở nên đàn ông hơn.
Tình yêu vợ chồng chỉ có thể được xây dựng, được vun xới trong chân lý và bác ái. Trong chân lý nghĩa là chấp nhận và chịu đựng những khuyết điểm, những thiếu sót của nhau, cũng như những khác biệt trong bản chất của mỗi người. Trong bác ái, nghĩa là không ngừng cảm thông và tha thứ.
Xét cho cùng, sự hiện diện và tình yêu của người chồng là một thách đố đối với  người vợ. Người chồng sẽ là động cơ, là trợ lực giúp cho người vợ sống trọn ơn gọi đàn bà của họ hơn.
ØØØm×××

V. HẠNH PHÚC ĐẾN TỪ ĐÂU?

I./ Đặc Điểm Của Cái Nhìn Yêu Thương:
Một trong những định luật của tình yêu lâu bền là cái nhìn của tình yêu. Muốn giữ cho tình yêu được bền vững, hai người phối ngẫu phải luôn luôn nhìn nhau bằng ánh mắt yêu thương.
Cái nhìn yêu thương giữa hai vợ chồng hoàn toàn khác hẳn cái nhìn bàng quan, soi mói, nghi kỵ. Ngạn ngữ Tây phương có câu: “một bình nước bị theo dõi sẽ không bao giờ sôi”. Một hành động canh chừng dường như ngăn cản sự việc xảy ra tốt hơn.
Trong đời sống vợ chồng cũng thế, nếu hai người phối ngẫu không ngừng nhìn nhau với ánh mắt dò xét theo dõi phê bình, thì họ sẽ không thấy được bất cứ thay đổi nào nơi mỗi người. Người yêu sẽ không rạng rỡ thêm, nhưng sẽ ngày càng lu mờ bởi cái nhìn rình rập đầy nghi kỵ.
Nhà văn hào Saint-Exupery đã nói: “yêu nhau không phải là nhìn nhau, mà cùng nhau nhìn về một hướng
Một cái nhìn yêu thương thiết yếu phải là một cái nhìn đầy khoan dung. Trong cuộc sống lứa đôi, tuy nên một thân xác và tinh thần, mỗi người phối ngẫu vẫn là một thế giới riêng tư. Sự nên một không bao giờ xóa bỏ nhân vị của mỗi người. Nhưng nói đến nhân vị là nói đến khác biệt và ngay cả bất toàn và khuyết điểm. Nếu không có sự khoan dung người ta chỉ dừng lại ở những khác biệt và thiếu sót của nhau. Nhưng với sự khoan dung người ta sẽ thấy đó như khởi điểm của một cuộc phấn đấu nhằm cải thiện bản thân.
Một tình yêu đích thực và bền vững không chỉ đợi người mình yêu phải là một người lý tưởng, nhưng đòi hỏi chính mình không ngừng trở thành người yêu lý tưởng. Với cái nhìn tình yêu, người ta không đòi hỏi người mình yêu phải hoàn hảo, mà đòi hỏi mình phải trở thành người đáng yêu.
II./ Sống Hòa Thuận Thương Yêu Nhau:
Gia đình phải êm ấm rồi mới mong hạnh phúc. Hạnh phúc là cảm khái của tâm hồn, nằm trong vùng suy tư của tâm não. Hạnh phúc hôn nhân thể hiện được nguyện vọng sâu xa nhất của đôi bạn là thấy mình được an toàn trong tình yêu: yêu và được yêu. Bí quyết tự nhiên của hạnh phúc gia đình là sự hòa hợp giữa hai vợ chồng; là lúc vợ chồng giúp nhau trong thông cảm, đồng ý với nhau trong thoải mái:
Y Sau cơn mưa hờn dỗi, vợ sụt sùi nói với chồng:
“Em kỳ cục quá phải không anh?” Lời nói như hạt bụii vương vào mắt chồng.
“Em à, em hiểu như vậy là anh mừng lắm rồi. Em kỳ cục thiệt đó. Nhưng anh chịu được cái kỳ cục của em. Anh yêu em”. Hạnh phúc tràn đầy.
Y Sau cơn sấm sét, chồng rã rượi:
“Anh thô lỗ quá, tệ quá phải không em?” Lời nói như đem ánh sao vào đôi mắt u buồn của vợ.
“Anh biết vậy là em mừng lắm. Em hiểu, đàn ông các anh thì như vậy đó. Đừng làm em buồn nữa nhé. Em yêu anh mà.” Hạnh phúc tràn đầy.
Y Vợ chồng đôi khi thủ thỉ:
“mình à, mình thích tóc ngắn hay tóc dài?”
“mình à, nếu mình để tóc dài, anh thích tóc dài. Nếu mình cắt tóc ngắn, anh thích tóc ngắn. Tóc dài hay tóc ngắn, miễn là tóc của mình là anh thích”. Hạnh phúc tràn đầy.
Y Sau  một cuộc họp nhà bạn, trên đường về, chồng ậm ừ:
“mình à, anh hôm nay ‘quê’ quá, ăn nói chẳng bằng chồng chị X”
“mình à,
Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm, xông hương  mặc người
(ca dao)
Của mình mình thích, của mình mình yêu. Hạnh phúc tràn đầy.
Là vợ, là chồng cần hiểu được tâm lý nhau, cần học được nghệ thuật sống, áp dụng ba điều này trong đời sống vợ chồng:
1./ hết lòng yêu thương nhau
2./ hết lòng tha thứ nhau.
3./ Hết lòng nhịn nhục nhau.
Vợ chồng hạnh phúc, gia đình êm ấm là tiên trên đời.
Tình yêu vợ chồng lúc nào cũng như hai câu thơ dưới đây:
Từ lúc yêu nhau hoa nở mãi,
Trong vườn thơm ngát của hồn tôi”.
ØØØm×××

   VI. MÂU THUẪN, BẤT HÒA GIỮA VỢ CHỒNGNGUYÊN      NHÂN, HẬU QUẢ, CÁCH GIẢI QUYẾT

Vợ chồng: Hai con người sống động, khác biệt về nhiều phương diện khi chung sống với nhau thì chuyện bất hòa là đương nhiên. Chén dĩa là những vật bất động trong tủ còn bị va chạm bể nát, huống chi con người!
Vậy đâu là những nguyên nhân gây bất hòa?
I./ Thiếu Cảm Thông Với Gia Đình:
1./ Do mẹ chồng, em chồng:
Gia đình bên chồng đang sống an vui, mẹ con, anh chị em đang sống hợp quần vui vẻ trên thuận dưới hòa.
Thế rồi một đám cưới được cử hành trong niềm vui tươi phấn khởi của mọi người.
Nhưng chẳng ai ngờ, ngày vui tiệc cưới đón thành viên mới vào gia đình cũng là ngày tắt mọi nụ cười.
- Ông anh hồn nhiên thuở nào bây giờ đã thay đổi hẳn:
Thời giờ dành cho mẹ, cho em bây giờ dành cho vợ.
Tiền kiếm được đưa cho mẹ, cho em tiêu dùng mua sắm trong gia đình, bây giờ lọt cả vào túi  chị dâu.
- Những nụ cười, âu yếm mấy chục năm qua không ai dám chia sẻ, vậy mà thành viên mới chiếm hết, chiếm một cách quá lộ liễu.
Bất hòa giữa gia đình người chồng từ đó bắt đầu nẩy sinh nhiều khi kéo theo cả bất hòa giữa cặp uyên ương mới cưới, duyên chưa thắm, tình chưa trọn.
Lỗi tại ai? Tại mẹ chồng, tại mấy bà cô bên chồng? Tại đôi uyên ương?
- Chính là tại lòng ghen hờn ích kỷ.
- Chính là tại thiếu tế nhị và kín đáo của cặp uyên ương lộ liễu biểu lộ tình cảm, biểu hiện uy quyền trên nhau mà kết tụ thành bất hòa xào xáo.
  2./ Do bên nhà vợ:
  Một thời gian sống bên nhà vợ, cá tính xấu của chàng rể, trước kia che giấu kỹ, nay bộc lộ chân           tướng, vì ván đã đóng thuyền, hấp dẫn ban đầu không còn nữa.
 Cách cư xử bên  nhà vợ có đôi chút khinh khi coi thường biểu lộ trên nét mặt, ánh mắt, và cả trên lời  nói bóng gió nữa. Tệ hại hơn còn dùng nhiều lời không đẹp với chàng rể mà lúc đầu ai cũng quí  trọng. Xào xáo, cãi vã bắt đầu nẩy sinh.
  3./ Do cuộc sống chung đụng trong đại gia đình:
 Một điểm phổ biến gây xáo trộn trong gia đình là vấn đề chung đụng.
 Mọi người quên rằng một điểm hệ trọng trong đặc tính căn bản của một gia đình mới là đặc tính  phân cách, có nhiều cái rất riêng tư không thể chung đụng, nên tốt  hơn hết để tình cảm khỏi sứt mẻ,  ngay từ đầu hãy tạo cho gia đình mới được sống riêng độc lập.
 Đối xử thân ái và đồng đều giữa hai bên gia đình vợ chồng thì sẽ tránh được xào xáo.
 II./ Do Tại Người Chồng:
 1./ Thiếu vị tha, hy sinh, hiểu biết:
 Dù muốn hay không, xã hội vẫn mặc nhiên công nhận vai trò chủ chốt của người chồng trong gia  đình.
 Là chủ gia đình, người chồng phải có lòng vị tha, hy sinh và hiểu biết.
 - Có lòng vị tha, mọi chuyện sẽ chín bỏ làm mười, không có lòng vị tha, chuyện bé xé ra to.
   - Hy sinh là đặc tính căn bản của một lãnh đạo tình yêu. Gia đình được cấu trúc trên tình yêu, nên           không thể nào không có hy sinh. Thiếu hy sinh, từ bỏ, ích kỷ nhỏ nhen sẽ bùng lên không thể nào        dập tắt được.
 2./ Ham danh lợi quá đáng:
 Ham danh lợi, nên thời giờ tiền bạc đều dùng hết vào việc trục lợi, không có chút nào dành cho gia  đình tránh sao khỏi xào xáo.
 3./ Thiếu sức khỏe:
 Sức khỏe có một vai trò quan trọng trong cuộc sống lứa đôi.
 4./ Không có tình thương bền vững với vợ:
 Lúc đầu mới xây tổ uyên ương, thì rất cưng chiều yêu thương vợ. Nhưng sau một thời gian chung  sống thì lơ là bỏ rơi vợ.
 5./ Tính xấu nẩy sinh:
  Do tiếp xúc với bạn bè xấu, do tính có mới nới cũ, người chồng sẽ sa đà vào con đường xấu xa trụy     lạc.
  III./ Do Tại Vợ:
  1./ Vụng về trong cư xử:
  Đối với cha mẹ, anh chị em bà con bên chồng, người vợ bắt buộc phải có những tiếp xúc thường         xuyên nên chuyện xô xát hiểu lầm chắc không thể nào tránh hết được.
  Nhưng với tính nhu mì, hiền hậu và tế nhị trời phú, việc thu phục cảm tình người bên nhà chồng         không phải là chuyện khó, không thể làm được.
 Y Để công việc được êm đềm thuận lợi, người vợ phải luôn luôn tâm niệm rằng:
 - Cha mẹ chồng cũng là cha mẹ mình.
 - Anh chị em bên chồng cũng là anh chị em ruột thịt của mình.
 - Cô bác chú dì bên chồng cũng là cô bác chú dì của mình. Tự thâm tâm đã có quan niệm đối xử như   vậy thì mọi chuyện bất hòa nho nhỏ cũng dễ dàng bỏ qua, và do đó không khí gia đình rất thuận hòa   êm ấm.
  Ngược lại, nếu coi mình là người từ dòng họ khác tới, tứ cố vô thân, rồi lúc nào cũng sẵn sàng tự vệ   chống đối để không ai dám coi thường mình, ăn hiếp mình, thì kết quả sẽ khác xa, thay vì được kính   nể thì chỉ nhận được những ánh mắt khinh khi thù địch, thay vì được cảm phục thì là những lời           nguyền rủa; thay vì có cuộc sống êm đềm lại là những cuộc đôi co, cãi vã thường xuyên.
  Vấn đề còn lại để có cuộc sống an bình thay vì những xô xát, cãi vã thường xuyên chính là ý thức và   hành động của người vợ.
 2./ Không biết tính toán thu xếp trong gia đình:
 Nhiệm vụ chính của người vợ là người nội trợ trong gia đình, do đó:
 - Phải biết thu dọn nhà cửa cho gọn gàng sạch sẽ, trang trí trong nhà, nhất là nơi ở riêng tư sao cho  đẹp mắt có mỹ thuật.
 - Tiền bạc chồng kiếm về phải tiêu theo kế hoạch. Nhà cửa luộm thuộm, tiền bạc thiếu trước hụt sau  khó tránh được những cãi vã, đôi co giữa hai vợ chồng.
 Y Hãy cư xử đồng đều giữa gia đình đôi bên.
 - Đem tiền bạc, của cải bên nhà chồng bù đắp cho nhà mình là chuyện vô cùng đố kỵ, cho dù cả khi  có sự đồng ý của chồng, ngoại trừ trường hợp tối cần thiết.
 - Hai vợ chồng cơm ngon canh ngọt không nói làm chi, đến khi bất hòa, vấn đề này sẽ trở nên những  kể lể đay nghiến nhức óc, và sự xô xát sẽ xẩy ra.
 Y Chính bản thân người vợ cũng cần săn sóc cho mình: giữ gìn sức khỏe, ăn mặc xinh xắn gọn gàng  sẽ là những liều thuốc an thần rất hiệu nghiệm để dập tắt những không đâu của vợ chồng.
 Y Nhiều khi hai vợ chồng bất hòa với nhau vì nguyên nhân tế nhị nào đó, nhưng cả hai lại ngại đề  cập tới, mà lợi dụng có sai lỗi nào đó, dù nhỏ nhặt, để như là cái cớ đay nghiến nhau. Người vợ khôn  ngoan cần lưu tâm giữ gìn.
 IV./ Nguyên Nhân Tài Chánh:
 1./ Vợ có ưu thế tài chánh hơn chồng:
 - Bên nhà vợ có khả năng tài chánh trợ cấp cho vợ chồng, hay do vợ làm tiền nhiều hơn chồng.
 - Người vợ nên rất thận trọng, tế nhị trong lời ăn tiếng nói. Một câu nói, một cử chỉ, nhiều khi chỉ là  vô tình, nhưng đã làm tổn thương đến tính tự trọng, và lòng tự ái của người chồng.
 - Người vợ hiền thục, nết na nên lưu ý điểm tế nhị này, kẻo hòa khí gia đình sẽ mất vui khi sức của  người chồng đã không thể kiềm chế được sẽ bộc phát sự bất mãn là điều chắc chắn xẩy ra.
 2./ Tiền bạc  eo hẹp, hay quá phủ phê cũng là những nguyên nhân gây bất hòa chia rẽ.
  - Tiêu xài đúng mức cho những nhu cầu cần thiết.
  - Trách tiêu xài phí phạm, nhất là phía các bà vợ, như mua sắm những thứ nữ trang quá mắc tiền,  hoặc quần áo giầy dép vượt quá nhu cầu làm đẹp.
 Có những lúc chuyện cãi vã rồi sẽ bùng nổ vì tiêu xài phí phạm.
ØØØm×××

    VII. TRỌN ĐỜI YÊU THƯƠNG GIÚP ĐỠ LẪN NHAU

 1./ Theo giáo lý Công giáo thì tình yêu vợ chồng bao gồm một tổng thể trong đó có đủ mọi yếu tố  cấu tạo nên ngôi vị: tiếng gọi của thân xác và của bản năng, sức mạnh của cảm tính và lòng yêu mến,  khát vọng của tinh thần và của ý chí; tình yêu ấy nhắm đến một sự hiệp nhất sâu xa về ngôi vị, không  chỉ là sự kết hiệp thành một thân xác, nhưng là sự hiệp nhất đến độ chỉ còn một trái tim, một linh  hồn; tình yêu ấy đòi hỏi sự bất khả phân ly và trung tín trao hiến cho nhau một cách dứt khoát, nó  mở ngõ cho việc sinh sản. Tắt một lời, đó chính là những yếu tố thông thường của tình yêu vợ chồng  nhưng với một ý nghĩa mới mẻ, một ý nghĩa không chỉ thanh luyện và củng cố những yếu tố ấy  nhưng còn nâng chúng lên cao độ, biến  chúng thành lời diễn tả những giá trị đặc biệt của Kitô giáo”.  (GLCG 1643 –x. Tông huấn gia đình 13)
     2./ Tình yêu vợ chồng đòi hỏi sự trợ giúp tương hợp. Câu Kinh Thánh: “Adam không tìm được cho        mình một trợ tá xứng đáng” diễn tả “cái thiếu cái cần” của Adam. Dù Adam được Thiên Chúa  cho       cai quản muôn loài muôn vật trên mặt đất, ông vẫn cảm thấy thiếu, thấy trống vắng. Phải có cái gì       để    lấp đầy sự trống vắng đó. “cái để lấp đầy”, chính Thiên Chúa  đã ban cho Adam, đó là Evà. Khi     Evà    được đưa tới, Adam thốt lên: này xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi… từ nay  người nam sẽ      bỏ cha    mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương một thịt.” (St 2, 23-24)
  Như tế, đôi bạn đến với nhau là do tình yêu thúc đẩy. Và tình yêu ấy phải dựa trên cùng một nhân        tính và một phẩm giá ngang nhau mới có thể bù đắp cái thiếu của nhau để tương trợ nhau trong tình   yêu và cuộc sống.
   3./ Tương trợ trong tình yêu và trong cuộc sống còn là để phục vụ sự sống mới. Vợ chồng yêu            thương kết hợp với nhau trong đời sống hôn nhân sẽ nhắm tới việc tác sinh mầm sống mới và giáo      dục chúng nên người và nên con Chúa. Đó là ơn gọi rất cao quý của cha mẹ Công giáo. Công đồng   Vaticanô II trong Hiến Chế Mục Vụ đã dạy: “con cái là ân huệ cao quý nhất của hôn nhân và là sự     đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ… Nhờ đời sống lứa đôi, Người làm cho gia đình       của Người ngày càng tiến triển và phong phú.
    4./ Để đạt được sự hòa hợp trong tình yêu và cuộc sống, đôi bạn, người này phải khám phá tâm hồn       người kia và gọt giũa những góc cạnh của tâm hồn mình để có thể dung hợp trong đời sống lứa đôi.
 Người nam và người nữ đến với nhau là để “lấp đầy” cho nhau, để bù đắp cái “thiếu” của nhau, cần  học hỏi và tìm hiểu tâm lý sai biệt giữa nam và nữ và cách dung hợp của vợ chồng để tạo hạnh phúc.
 5./ Hạnh phúc hôn nhân là trạng thái hoàn toàn mãn nguyện trong tâm hồn, thể hiện được nguyện  vọng sâu xa nhất của đôi bạn là được an toàn trong tình yêu: yêu và được yêu. Bí quyết tự nhiên của  hạnh phúc gia đình là sự hòa hợp vợ chồng. Muốn gia đình êm ấm thuận hòa vợ chồng phải hiểu biết  về những khác biệt tâm sinh lý nam-nữ để bổ túc cho nhau.
    Khoa tâm lý học đã khám phá ra giữa nam và nữ  có những nét tâm lý khác biệt nhau. Những tâm lý     sai biệt ấy không loại trừ nhau mà bổ túc cho nhau.
 Sau đây là những khác biệt tâm  lý Nam–Nữ theo năm định luật tâm lý và cách dung hợp của vợ  chồng để tạo hạnh phúc:
 a) Luật ưu tiên
 - Nam: thể xác ưu tiên
 - Nữ: trái tim ưu tiên
  Giải thích:
  Nam:
 - Ưu tiên cho thể xác, thích vẻ đẹp nữ giới
 - Anh chú trong trước tiên tới cái đẹp thân xác và coi đó như cái chính yếu. Còn cái đẹp tâm hồn của   chị anh nghĩ tới sau đó.
 - Tình yêu bắt nguồn từ sắc đẹp.
 - Dễ đam mê sắc đep.
  Nữ:
  - Ưu tiên cho trái tim, tình yêu
  - Trọng tài đức, yêu vì mến phục.
  - Cần tình yêu hơn là thân xác.
  - Sống trọn cho tình yêu.
  - Tình yêu của chị nặng về lý tưởng và dâng hiến.
   Dung hợp:
    Vợ chồng cần cảm thông và chiều nhau. Chồng nên duy trì sự cảm phục của vợ, vợ phải biết làm       đẹp  cho chồng.
  - Người chồng hãy nhớ vợ mình cần đến tình yêu chân thành, sâu sắc, tế nhị, cần sự nương tựa an       toàn nơi anh. Hãy chăm sóc tình cảm của người vợ bằng những lời âu yếm, những cử chỉ thân             thương.
  - Người vợ đừng quên khía cạnh sắc diện là yếu tố ràng buộc chồng mình. Hãy giữ gìn và trau dồi       dáng nét của mình: trang điểm, ăn mặc gọn gàng sạch sẽ dễ thương, khả ái; nhà cửa luôn ngăn nắp     ấm cúng. Hãy biết chăm sóc nhu cầu vật chất của chồng.
 b) luật phân cách.
  - Nam: trái tim nhiều ngăn.
  - Nữ: trái tim một ngăn.
   Giải thích:
  Quan niệm sống của người nam:
 - Đời sống của người nam có 4 ngăn
    Tình yêu
    Công việc
    Lý tưởng
    Giải trí
   - Người  ta gọi là trái tim nhiều ngăn
   - Đôi khi các ngăn này như biệt lập nhau, khiến chị không hiểu nổi anh, chẳng hạn khi anh say mê      vào một công việc, xem ra anh quên tất cả, quên cả chị, điều này làm chị khó chịu.
   Quan niệm sống của người nữ.
  - Trái tim của người nữ như chỉ có một ngăn đó là tình yêu.
   - Đời sống của chị là một trái tim và một tình yêu: yêu chồng, yêu con. Mối tình lớn lao ấy xâm          chiếm và chi phối hoàn toàn con người chị. Mọi cái khác như công danh, giải trí như bị đẩy ra ven      bờ của trái tim chị.
  Dung hợp:
  Đôi bạn phải biết trao đổi với nhau những vấn đề căn bản của cuộc sống chung: như nhân cách, tổ       chức gia đình, công ăn việc làm, giao tế xã hội, sinh sản giáo dục con cái, đời sống tôn giáo, những     giải trí … để dễ dàng thông cảm và hòa hợp với nhau.
  - Người chồng cần nhớ rằng vũ trụ của chị là căn nhà, là mái ấm gia đình, trong đó có những người     thân yêu. Chị quan tâm đến gia đình hơn nghề nghiệp con người hơn sự việc. Do đó, người chồng       hãy biết chăm sóc đời sống tình cảm của vợ hơn, bằng cử chỉ và lời nói yêu thương, để chị khỏi tủi     khi thấy chồng chỉ nghĩ tới công việc mà “bỏ rơi” chị.
     - Phần người vợ đã biết trái tim anh có 4 ngăn chắc chắn sẽ thông cảm với chồng trong những công       việc làm ăn, giải trí, lý tưởng phục vụ.
Trái tim của anh 4 ngăn mà trái tim của chị chỉ có một ngăn không phân cách, còn anh có phân cách như thế anh mới có thể chu toàn trách nhiệm cả trong gia đình và ngoài xã hội.
Mỗi bên cần biết hy sinh sở thích vì lợi ích gia đình, song không phải vì thế mà đánh mất đi sắc thái riêng tư. Mỗi người hãy giữ bản lĩnh của mình mà làm phong phú cho đời sống chung.
  c) Luật chi tiết.
  - Nam: Lưu tâm đến điều tổng quát, cốt yếu.
    - Nữ: Lưu ý tới chi tiết, từng khía cạnh.
  Giải thích:
  - Người nam : thường nhìn tổng quát, bỏ qua chi tiết, tiến thẳng tới vấn đề chính yếu trong công việc   cũng như trong tình yêu. Anh phác họa rõ ràng chương trình hành động, lý luận vững chắc. Anh         không thích một công việc không đòi hỏi tất cả nghị lực.
     - Người nữ: thường lưu tâm tới những cái chi tiết, nhỏ bé. Một sự kiện nhỏ cũng có thể trở thành          quan  trọng, che lấp cái chính.
     Thiên Chúa ban cho chị một trực giác thật bén nhạy về chi tiết để chị có thể chu toàn nghĩa vụ làm       vợ và làm mẹ, chăm sóc cho chồng cho con.
     Người Phi Châu có câu: “Người đàn ông thấy rừng, đàn bà thấy cả cây lẫn lá”.
  Dung hợp:
  Sự khác biệt tâm lý này thường là nguyên do cho nhiều vui buồn sướng khổ trong đời sống đôi bạn.
   - Người chồng không nên quên các chi tiết có thể mang đến hạnh phúc cho vợ mình: một lời khen,     một cái nhìn khích lệ, một quà tặng nhỏ, một cử chỉ yêu thương… Anh cũng tập suy nghĩ như cách      chị suy nghĩ: mỗi ngày anh hãy biết hỏi chị về những chi tiết, những lo âu nhỏ, những niềm vui nhỏ    của chị để chị được tràn ngập hạnh phúc, chồng cũng phải hiểu và cảm thông với bản chất tự nhiên    của vợ, và giúp vợ tiến lên.
   - Người vợ phải cố hiểu chồng, mở rộng tầm nhìn để vợ chồng thống nhất với nhau trong công việc       cũng như trong đời sống vợ chồng. Chị đừng quá tỉ mỉ với anh, dặn dò từng chi tiết, lập đi lập lại           những lỗi lầm nhỏ nhặt. Chị nên bớt đi những cái vụn vặt chỉ làm chồng bực dọc khó chịu. Hãy chia     sẻ với những dự tính lớn lao của chồng.
  d) Luật bất đồng cảm.
  - Nam: phản ứng nhanh nhưng mau chấm dứt.
    - Nữ: phản ứng chậm nhưng kéo dài.
  Giải thích:
  - Người nam: phản ứng bộc phát, sôi nổi, mau bốc nhưng cũng mau tàn. Cảm xúc của người nam       bùng lên như ngọn lửa rơm và cũng mau tàn khi rơm cháy hết, không để lại sức nóng nào. Chính vì     thế ta thường thấy “tiếng sét ái tình” xẩy ra cho nhiều thanh niên hơn là cho thanh nữ. Người nam       thường phản ứng nhạy bén trong tình cảm yêu; sự giận hờn bộc lộ rõ rệt ra bên ngoài, nhưng lại mau   nguôi, mau qua.
     - Người nữ: phản ứng chậm chạp, êm đềm, chậm bốc chậm tàn. Do đó, tình yêu, cảm nhận, sự giận     buồn từ từ đến, nhưng khi phát lộ thì gia tăng rất nhiều và tồn hại lâu dài.
   Người Pháp nói: “đàn ông là chuyến xe lửa tốc hành, đàn bà là chiếc xe điện ngầm chạy chậm”.
   Dung hợp:
  - Người chồng cần phải tránh cử chỉ hấp tấp, hãy tỏ ra dịu hiền và kiên nhẫn trước phản ứng quyết     liệt của chị. Hãy giúp chị thoát khỏi nỗi khổ tâm buồn tủi.
    - Người vợ biết rằng chồng mình dễ nổi nóng, phản ứng tức thời mạnh bạo, chị nên tránh những lời       nói, cử chỉ như đổ dầu vào lửa:
Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi nhỏ lửa thì đời nào khê
  Chị chỉ nên phân tích lẽ phải đường hơn khi anh đã nguôi giận. Chị cũng biết dùng sự khả ái để làm   dịu lại tình thế.
  Hiểu được luật bất đồng cảm, vợ chồng sẽ hiểu nhau, thông cảm, nâng đỡ nhau, tha thứ và chờ đợi     nhau để đồng cảm, đồng điệu và quan tâm tạo hạnh phúc cho nhau, cả trong sự nên một thân xác.
  đ) Luật thính giác.
  - Nam: không thích nói, trầm ngâm.
    - Nữ: thích nghe và ghi nhớ lâu dài.
   Giải thích:
  - Người nam: ở nhà thường trầm ngâm, ít nói, nhưng ở ngoài gia đình anh lại thao thao bất tuyệt. Vì   đàn ông thích bàn những vấn đề có tính cách tổng quát như thể thao, bóng đá, chính trị, nghề               nghiệp. Còn khi nói với vợ thì phải nói chuyện tâm tình, đi vào chi tiết vụn vặt, nên người chồng         ngại nói.
    - Người nữ: không chỉ là một trái tim mà còn là một cái tai. Những gì lọt vào lỗ tai sẽ rơi thẳng vào       trái tim. Do đó, chị thích nghe, dễ tin những điều người ta nói, nhất là những lời âu yếm, tán tỉnh           đường mật. Các lời người ta nói thường làm người nữ chú ý hơn là việc người ta làm. Người chồng       có  thể làm đủ thứ việc giúp chị, nhưng nếu anh không nói, chị vẫn cho là anh không yêu chị.
    Dung hợp:
     - Người chồng nên biết nói vợ những lời âu yếm, an ủi, động viên, nâng đỡ vợ; năng nhắc lại những      kỷ niệm êm đềm của ngày cưới, ngày mới yêu nhau, vì chị thích nghe và muốn sống lại dĩ vãng đó.       Anh hãy thành thật khen cách phục sức, bình hoa trên bàn, tài làm bếp của chị. Anh hãy hỏi thăm         chị  về những công việc vặt vãnh: chuyện nhà cửa, bếp núc, chợ búa … Giọng nói phải dịu dàng,           âu  yếm,  tôn trọng chị. Gắt gỏng, cộc cằn không bao giờ chinh phục được chị.
      - Người vợ cũng cần nói với anh những điều anh thích nghe, và cũng phải biết lắng nghe những              chuyện của anh như chuyện đá banh, chuyện thời sự, chuyện làm ăn, chuyện bạn bè… với một             thái  độ  cởi mở, quan tâm và chia sẻ. Vợ cũng cần thông cảm với chồng, khi ở nhà, thường ít                 nói và dễ  quên,  nên khi cần phải căn dặn kỹ càng.
     Yêu là muốn cho bạn mình tham dự vào những tâm tình, ý nghĩ và trao cho bạn cái quan trọng là           chính “nội tâm” của mình.
     Vậy anh chị hãy nói hãy nghe, hãy cởi mở tâm hồn: “một người khao khát nghe, và một người lên          tiếng khen ngợi thì còn gì hòa điệu hạnh phúc hơn”.
      Kết luận: Mỗi con người là một vườn ươm cây, đời sống vợ chồng là một vườn hoa chung, cần cả       hai người sắp đặt, vun trồng cho vườn hoa hạnh phúc được triển nở. Phải bớt cái “tôi” để dành cho       cái  “chúng ta”, phải tuyển cái ưu của mình và của người kia, để loại cái dở, cái khuyết, hầu xây           dựng gia  đình hạnh phúc.
=====//////=====

Lm Giuse Phạm Thanh Minh