THÔNG ĐIỆP
LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
- Năm 1981, Đức
Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành thông điệp: “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” và tuyên bố Chúa Kitô là lòng
thương xót nhập thể của Thiên Chúa Cha. Giáo Hội có quyền và có bổn phận loan
truyền lòng thương xót Chúa cho thế giới.
- Ngày
30-4-2000, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong hiển thánh cho nữ tu Faustina và
thiết lập Thánh lễ suy tôn lòng thương xót Chúa vào ngày Chúa Nhật II Phục
Sinh, mà chúng ta mừng kính hôm nay.
- Thật ra đây
không phải là “lại thêm một thứ sùng kính
nữa!”, nhưng là điều mà một lòng sùng kính chân thực phải có trong ý nghĩa
căn bản, là một cam kết trọn vẹn với Chúa, để sống nhân lành có lòng xót
thương, như chính Chúa là Đấng nhân lành và giàu lòng xót thương “Anh em hãy có lòng nhân lành như Cha anh em
là Đấng nhân lành” (Lc 6,36).
- Thực hành việc
sùng kính này đúng nghĩa đó chính là dấn thân vào một giao ước tình thương, một
việc sống đạo đích thực theo sát Tin Mừng, chứ không phải chỉ là những “tình cảm hời hợt chóng qua bên ngoài”,
vì chính Thiên Chúa muốn biểu lộ lòng xót thương với tất cả mọi người: “vì vậy Đức Chúa đợi chờ để thi ân cho anh
em, Ngài sẽ đứng lên để tỏ lòng thương xót” (Is 30,18); “cây lau bị dập, Ngài không đành bẻ gãy. Tim
đèn leo lét, Ngài không nỡ tắt đi” (Is 42,3).
- Lòng sùng kính
theo cách thức hiện nay phát nguồn từ những mặc khải Chúa ban cho nữ tu
Faustina từ năm 1931 cho đến khi chị qua đời vào năm 1938. Ngày 22-2-1931, tại
tu viện Plock, Chúa Giêsu đã hiện ra với chị và trao cho chị một thông điệp vĩ
đại về lòng thương xót Chúa cho toàn thể nhân loại.
- Thông điệp
lòng thương xót Chúa nói lên Thiên Chúa yêu thương hết mọi người chúng ta, dầu
cho tội lỗi của chúng ta nặng đến cỡ nào. Chúa muốn chúng ta nhìn nhận lòng
thương xót Chúa còn lớn hơn tội lỗi chúng ta. Vậy hãy tín thác vào Người, đón
nhận lòng thương xót của Người.
- Theo như cuốn
nhật ký của chị Faustina, muốn được Thiên Chúa dủ lòng thương xót và lãnh lấy
ân sủng của Người, chúng ta hãy thực hiện ba việc sau đây:
1/ Thỉnh cầu lòng thương xót Chúa
Chúa muốn chúng
ta tìm đến gặp gỡ Người qua việc:
• Cầu nguyện và
ăn năn sám hối tội lỗi của mình.
• Để thỉnh cầu
Người đoái thương đến chúng ta và toàn thể thế giới.
- Chúa Giêsu là
hiện thân của lòng thương xót Chúa. Người đã tự hiến bản thân để cứu chuộc nhân
loại:
+ Người là Người
mục tử nhân lành, tụ họp các con chiên bị phân tán, tìm con chiên bị lạc, băng
bó chiên bị thương tích, chữa lành con chiên bị đau ốm, chăm sóc đoàn chiên
theo đường công chính (Ez 34,11-17). Chính Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Tôi là mục tử nhân lành, tôi biết chiên tôi
và chiên tôi biết tôi” (Ga 10,10-14); “Tôi
đến để chiên tôi được sống và sống dồi dào”
+ Người là người
tôi trung đau khổ: Ngài hạ mình khiêm tốn, nhường nhịn, dịu hiền khả ái. Người
đặc biệt quan tâm đến những kẻ yếu kém lầm lạc. Người cũng bận tâm mang lại hòa
bình và công lý cho nhân loại.
+ Cuối cùng Người
chịu đóng đinh vào thập giá. Thập giá là đỉnh cao cuộc đời của Chúa Giêsu, cũng
là đỉnh cao của tình yêu giàu lòng thương xót Chúa, như Chúa Giêsu đã nói: “Không có tình yêu nào lớn hơn là hiến mạng
sống vì người mình yêu”.
- Qua cuộc khổ nạn
và cái chết của Người, cả một đại dương lòng thương xót được mở ra cho chúng
ta. Chúa đòi chị Faustina phải cầu nguyện liên lỉ để xin Chúa thương xót chính
mình và cả nhân loại. Người nói: “các
linh hồn nào kêu gọi đến lòng thương xót của Ta đều làm cho Ta vui thích. Ta sẽ
ban cho các linh hồn ấy còn nhiều hơn cả điều họ xin. Thậm chí Ta không thể trừng
phạt các tội nhân gian ác nhất, nếu kẻ đó kêu cầu lòng trắc ẩn của ta. Con hãy
van nài lòng thương xót cho toàn thế giới. Không một linh hồn nào kêu gọi tới
lòng thương xót của ta mà phải thất vọng bao giờ”.
Thực hành: Dâng chuỗi thương xót mỗi ngày, tốt nhất là đọc
vào lúc 3 giờ chiều để nhớ đến giờ tử nạn của Chúa và xin ơn thương xót cho
toàn thế giới.
2/ Thực hành lòng thương xót đối với tha nhân
Thiên Chúa muốn
chúng ta lãnh nhận lòng thương xót cho mình, và qua mình, chúng ta truyền sang
cho tha nhân.
- Chúng ta phải
yêu thương và tha thứ cho anh em như Người đã đối xử với chúng ta:
+ “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh
em hãy yêu thương nhau... như thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34)
+ “Anh em hãy có lòng nhân từ như cha anh em
là Đấng nhân từ” (Lc 6,36)
+ Hãy đọc dụ
ngôn: “Người cha nhân hậu” (Lc
15,11-21)
+ Người Samari tốt
lành (Lc 10,29-37)
+ Người phú hộ
và kẻ nghèo khó Lazarô (Lc 16,19-31) để chúng ta xác tín về nghĩa vụ thi hành
lòng thương xót.
Khi cuộc chung
thẩm diễn ra, Chúa sẽ chú trọng đến những hành động thương xót thực tế và giúp
đỡ tha nhân của chúng ta: “Vì xưa ta đói
các người đã cho ăn...” (Mt 25,31-46).
- Chúa Giêsu có
những chỉ dẫn cụ thể và cặn kẽ khi mạc khải cho chị Faustina về vấn đề này: “Ta xin con hãy làm những việc thương xót,
và chúng phải xuất phát từ tấm lòng yêu mến Ta. Con có bổn phận thi hành lòng thương xót đối với những người thân cận của
mình, bất cứ lúc nào và ở đâu, không được thoái thác hay tránh né, chữa mình.
Ngay cả đức tin mạnh mẽ nhất cũng vô dụng nếu không có việc làm kèm theo. Những
ai không thực hành việc gì cả thì kẻ ấy chẳng được Ta thương xót vào ngày phán
xét”.
- Mỗi ngày, Chúa
sắp xếp cho chúng ta nhiều cơ hội và hoàn cảnh để chúng ta mở mắt, mở tai, mở
lòng trước những nhu cầu của anh chị em... điều gì có thể giúp được và giúp cho
ai?
Thực hành: sống bác ái bằng 3 cấp độ: cầu nguyện - lời nói - việc làm. Và như Giáo Hội dạy trong kinh: thương người có 14 mối.
- Mỗi Kitô hữu
là sứ giả của Chúa cũng được mời gọi để phân phát tình yêu thương, lòng tha thứ,
khoan dung, những tin vui đem đến cho mọi người, nhất là những người cùng khổ bất
hạnh. Bởi vì, Chúa Giêsu cần đến đôi tay chúng ta để phục vụ; Ngài cần đến trí
hiểu và con tim chúng ta để sống tình liên đới yêu thương; Ngài cần đến đôi
chân chúng ta để đem Tin Mừng đến với mọi người. Đó là tiêu chuẩn và điều kiện
vào Nước Trời. Bởi vì như cha Mark Link nói: “Khi Chúa đến Người không cân đo trí khôn chúng ta thông minh thế nào.
Nhưng người sẽ cân đo trái tim chúng ta yêu thương ra sao”.
3/ Tín thác vào lòng thương xót Chúa
Thiên Chúa muốn
chúng ta xác tín điều này là các ân huệ do lòng thương xót của Chúa ban tùy thuộc
vào mức độ lòng tín thác của chúng ta. Càng tin tưởng phó thác vào Chúa bao
nhiêu, chúng ta càng nhận lãnh được nhiều ân huệ bấy nhiêu. Tin tưởng chưa đủ
nhưng cần phải tín thác triệt để. Chủ đề xuyên suốt trong cuốn “Nhật ký” là “con hãy khuyến khích các linh hồn tín thác vào lòng thương xót khôn dò
của Cha, bởi vì cha muốn cứu độ hết mọi người”.
Thực hành: năng cầu nguyện bằng câu: “Lạy Chúa Giêsu con tín thác vào Chúa”.
=====//////=====
Lm. Giuse Phạm Thanh Minh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét