Thứ Năm, 2 tháng 1, 2014

Tài Liệu Học Tập Căn Bản Cấp Xứ Đoàn

TÀI LIỆU TẬP HUẤN
GIA ĐÌNH PHẠT TẠ THÁNH TÂM VIỆT NAM

ĐỀ TÀI 1
NGUỒN GỐC – TÔN CHỈ - MỤC ĐÍCH
LINH ĐẠO GIA ĐÌNH PHẠT TẠ THÁNH TÂM

I.            NGUỒN GỐC
Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm là đoàn thể do sự hiệp nhất 2 đoàn thể Công giáo tiến hành cùng tôn sùng Thánh Tâm Chúa là Liên Minh Thánh Tâm và Gia Đình Phạt Tạ.
A.  Đoàn Liên Minh Thánh Tâm
Phong trào Liên Minh Thánh Tâm thành lập cho nam giới, do Linh mục Edouard Haiuon Dòng Tên sáng lập năm 1883 tại Canada (Gia Nã Đại), và khai sinh sang Giáo Hội Việt Nam năm 1942 do Linh mục Géra Gagnon ( tên Việt Nam là Cha Nhân ), dòng Chúa Cứu Thế, thuộc Tỉnh Dòng Saint Anne De Beaupré - Canada, phát động phong trào tôn sùng Thánh Tâm Chúa tại Hà Nội với tên gọi là Hội Liên Minh Thánh Tâm đến năm 1948, Cha Giacôbê Đào Hữu Thọ (1917 – 1984) nhận lãnh chức vụ Tổng Tuyên Úy cho Hội và Ngài đã phát động phong trào mạnh ở nhiều nơi tại Miền Bắc.
Năm 1957, các Giám mục Việt Nam thẩm định phong trào Liên Minh Thánh Tâm là một đoàn thể Công giáo tiến hành, trao quyền cho Cha Giacôbê Đào Hữu Thọ làm tổng Giám Đốc Hội Liên Minh Thánh Tâm Việt Nam. Trong những năm kế tiếp, Hội được phát triển khắp các Giáo phận của Việt Nam.
B.  Gia Đình Phạt Tạ
Gia Đình Phạt Tạ là đoàn thể được khai sinh tại Giáo phận Vĩnh Long do Cha Phêrô Phạm Tuấn Binh vào năm 1945 và đã được Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục Giám mục Giáo phận cho phép thành lập Hội Phạt Tạ và hoạt động để tôn sùng rất Thánh Trái Tim Chúa Giêsu .
Sau khi Cha Phêrô Binh qua đời, Cha Phêrô Phạm Tuấn Tri đã vâng lệnh Đức Cha tiếp tục công việc hình thành và phát triển Hội, Ngài đã xin các Đức Cha Sài gòn, Đức Cha Cambodge, Đức Cha Cần Thơ ban phép truyền bá việc phạt tạ trong các họ đạo, và nơi nào Cha bổn sở ưng thuận thì giúp lập Hội Phạt Tạ, Cha đã tổ chức được Hội Phạt Tạ trong 43 họ đạo thuộc địa phận Vĩnh Long; 28 họ đạo thuộc địa phận Sài gòn ; 27 họ đạo thuộc địa phận Cần Thơ – Long Xuyên và 6 họ đạo thuộc địa phận Cambodge.
Năm 1953 Đức Cha Phêrô Ngô Đình Thục thấy cách tổ chức của Hội Phạt Tạ chú trọng đến gia đình và muốn cho hoạt động của Hội hướng về gia đình nhiều hơn, nên Đức Cha thêm hai chữ Gia Đình vào tên của Hội, từ đó Hội có danh hiệu chính thức là Đoàn Thể Gia Đình Phạt Tạ.
Năm 1999, Đức Tổng Giám mục Giáo phận Thành Phố Hồ Chí Minh (nay là Hồng Y) Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn nhận thấy hai đoàn thể đều nhắm đến việc cổ động Tôn Sùng Trái Tim Chúa Giêsu , nên ngày 14/04/1999 Ngài quyết định sát nhập 02 đoàn thể này làm một và lấy tên gọi chính thức là “Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm”, và Ngài bổ nhiệm linh mục JB. Võ Văn Ánh làm Tổng linh Hướng.
Năm 2004 trong quá trình phát triển của Đoàn Thể Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm ở mọi miền đất nước, theo hướng dẫn của Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam lúc bấy giờ, đoàn thể đã đổi tên thành Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Việt Nam.
II.         Tôn Chỉ
Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Việt Nam là đoàn thể Công giáo tiến hành tập hợp tất cả mọi người nam – nữ từ 18 tuổi trở lên thuộc các gia đình Công giáo chuyên việc cầu nguyện và hoạt động Tông đồ trong sự hợp nhất với Thánh Tâm Chúa Giêsu – lấy việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa làm nền tảng cho mọi hoạt động tông đồ.
III.     MỤC ĐÍCH
1.    Cổ động Lòng Tôn Sùng và đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu.
-         Để thi hành mệnh lệnh Trái Tim Chúa Giêsu đã ban khi hiện ra cùng Thánh Nữ Magarita Maria là lo cho Trái Tim Chúa Giêsu được nhiều người nhận biết và yêu mến, việc tôn sùng Trái Tim Chúa Giêsu phải bao gồm : yêu mến và phạt tạ.
-         Đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu, vì :
·    Trái tim Chúa Giêsu yêu thương loài người quá bội, mà loài người hằng vong ân, không mấy người mến yêu trả nghĩa.
·    Loài người hằng phạm nhiều tội lỗi, cho nên bổn phận của Ta là đền bồi phạt tạ trái tim Chúa Giêsu, dùng Tình yêu đáp trả Tình yêu.
2.    Thánh hóa bản thân và gia đình, thực hiện sứ mệnh Tông đồ của người Kitô hữu.
-         Thánh hóa bản thân :
Mời gọi, huấn luyện, tác động để các đoàn viên trong đời sống biết xa lánh tội lỗi, những thói hư tật xấu : ích kỷ, ghen ghét, độc ác … ; biết tạo điều kiện biến tất cả mọi sinh hoạt, công việc hàng ngày thành cơ hội nên Thánh : sống trung thực, bác ái, khiêm tốn yêu thương, tha thứ … ; để dần hoàn thiện nhân cách tốt lành trong đời sống yêu thương phục vụ : Kính Chúa – yêu người.
-         Thánh hóa gia đình :
Qua nghi thức Tôn Vương, đem Chúa Giêsu Kitô làm chủ gia đình, mời Chúa ở lại đây chia sẻ niềm vui và nỗi buồn, hạnh phúc và đau khổ với gia đình, hầu có thể biến các gia đình thành gia đình Bêtania : biết yêu thương và phục vụ Chúa, trở thành gia đình Nazareth, gia đình Thánh, mẫu gương trong đời sống đạo đức, biết yêu thương và gìn giữ chăm sóc, biết vượt lên mọi sự thấp hèn của đời sống hoàn toàn vật chất và sự xấu xa của sa đọa tội lỗi.
-         Thực hiện sứ mệnh Tông đồ của người Kitô hữu.
·    Nếu người Kitô hữu phải thực hiện nhiệm vụ Tông đồ giáo dân thì người đoàn viên Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm phải nhiệt thành hơn trong việc Tông đồ Truyền giáo, vì đó là bổn phận của đoàn thể Công giáo Tiến hành. Nếu các đoàn viên không đủ nhiệt thành, không đủ quyết tâm so với những ham mê lạc thú trên đời, thì các đoàn viên sẽ không thể làm sáng danh Chúa Giêsu, không thể làm cho nước Chúa hiển trị.
·    Việc thực thi nhiệm vụ Tông đồ cần phải : kết hợp mật thiết với Chúa Kitô để trong việc phục vụ Giáo hội và Xã hội nhằm giới thiệu tình yêu của Chúa Giêsu với mọi người, nhất là những người chưa biết Chúa qua đời sống chứng nhân, mẫu gương … Trong tinh thần cầu nguyện, hy sinh, hãm mình, nhằm phục vụ nhiệm vụ cao cả của Giáo hội : Nước Cha trị đến.
3.    Thực thi sứ mạng yêu thương, phục vụ các đối tượng nghèo khổ, cơ nhỡ, đặc biệt đối với những người bất hạnh.
Thực hiện sứ vụ tông đồ truyền giáo, cùng với Giáo hội địa phương thực hiện những công tác phục vụ xã hội đem tình yêu thương của Thiên Chúa đến với mọi người, nhằm xoa dịu những đau khổ, bất hạnh qua các công tác Bác ái xã hội, để làm chứng tá cho Thiên Chúa Vua Tình Yêu.
4.    Liên kết chặt chẽ với Thánh Tâm Chúa Giêsu sống đức tin Công giáo trong môi trường gia đình và xã hội nhằm ngăn ngừa, hạn chế mọi thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội.
Chúng ta cần phải củng cố đức tin nhờ vào lòng trông cậy và lòng kính mến nơi trái tim Chúa Giêsu. Vì gia đình là môi trường giáo dục đức tin cho người Ki tô hữu để trở nên những tông đồ truyền giáo, để nhận thấy quyền thống trị của Chúa Giêsu trên mọi sự. Nhờ vậy sẽ ngăn ngừa hạn chế được những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội.
IV.     Linh Đạo Đoàn Thể Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm
-         Gia đình phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu quyết tâm tiến bước trên đường tình yêu của Chúa Giêsu nhằm thắp lên ngọn lửa yêu thương của Thánh Tâm Chúa Giêsu trong lòng mọi người, mọi gia đình, mọi môi trường sống, để qua trái tim nhân ái của Chúa biến đổi tất cả trở nên muối men và ánh sáng Tin Mừng sự sống và Tình thương của Chúa trong xã hội hôm nay. Nhờ đó, Gia đình phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu trở thành Giáo hội tại gia, Giáo hội Chúa Giêsu hiện diện ở giữa dân Người, Giáo hội vì loài người.
-         Đền tạ những lỗi lầm mà con người xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa Giêsu ; tín thác hoàn toàn vào tình yêu và lòng thương xót vô biên của Chúa đối với gia đình nhân loại; và nhiệt tâm loan báo Tin Mừng để mở rộng nước Chúa là Nước Chan hòa ánh sáng chân lý và tình yêu, ánh sáng an bình.
V.        Khẩu Hiệu
Hy Sinh – Yêu Thương – Phục Vụ
Để Nước Cha Trị Đến
VI.     Cha Linh Hướng
Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Việt Nam được sự hướng dẫn bởi Cha Tổng Linh hướng. Mỗi cấp trong Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm đều được Cha Linh hướng phụ trách.
VII. Lễ Bổn Mạng
Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Việt Nam có hai lễ được mừng kính trọng thể là:  Lễ Thánh Tâm và Lễ Chúa Ki tô Vua. Riệng Lễ Thánh Tâm được chọn là lễ Bổn Mạng của đoàn thể.

ĐỀ TÀI 2.
HỆ THỐNG TỔ CHỨC
Đoàn Thể Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Việt Nam được tổ chức theo 4 cấp :
-         Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Trung ương
-         Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Giáo phận
-         Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Giáo hạt
-         Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Giáo xứ (Xứ Đoàn)
I/            CẤP XỨ ĐOÀN
1/    Điều kiện cơ bản để hoàn thành một Xứ Đoàn
-         Cha Linh hướng Xứ Đoàn chấp thuận.
-         Có một ban chấp hành xứ Đoàn dưới sự chăm sóc hướng dẫn của Cha Linh hướng.
-         Qui tụ được các thành viên cả nam lẫn nữ từ 18 tuổi trở lên (nếu dưới 18 tuổi là đoàn viên dự bị). Trong các gia đình Công giáo, hợp thành toán từ 10 người đến 15 người, bố trí gắn liền với địa dư của Giáo khu xứ đạo do Toán trưởng phụ trách; Nếu mỗi giáo khu có nhiều toán; có thể thành lập Liên toán do liên toán trưởng phụ trách.
2/    Cha Linh hướng Xứ đoàn
Đoàn thể Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm là một đoàn thể Công giáo tiến hành do Giáo hội cho phép tổ chức, tập hợp những người giáo dân hoạt động tông đồ phục vụ Giáo hội nên cần phải có Linh mục Linh hướng trong mọi hoạt động.
3/    Ban Chấp Hành Xứ Đoàn Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm
a.    Ban Thường Trực
-         Đoàn Trưởng
-         Đoàn Phó nội vụ
-         Đoàn Phó ngoại vụ
-         Thư ký
-         Thủ Quỹ
b.    Các Ủy viên chuyên môn
-         Ban Tuyên huấn và Phúc Âm hóa
-         Ban Bác Ái Xã Hội
-         Ban Phụng Vụ
-         Ban Thông Tin Liên Lạc
-         Các Liên toán trưởng – Phó và Toán trưởng – phó
Không tham gia vào các chức vụ trên đều là ủy viên Ban Chấp hành Xứ đoàn.
4/    Nhiệm vụ Ban Chấp Hành Xứ Đoàn
-         Tổ chức điều hành các phiên họp và mọi sinh hoạt của Xứ đoàn.
-         Thâu nhận thành viên mới, tổ chức huấn luyện và tuyên hứa cho Đoàn viên sau thời gian tập sự 6 tháng, nhắc nhở các đoàn viên vi phạm nội qui.
-         Chọn các thành viên toán trưởng – liên toán trưởng
-         Đề cử thành viên BCH xứ đoàn vào Ban Chấp hành Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm cấp hạt.
-         Phổ biến và thực hiện các chỉ thị của Cha Linh hướng và các văn bản hướng dẫn của cấp trên.
-         Quản lý tài sản của đoàn
5/    Vai trò và Nhiệm vụ của thành viên Ban Chấp Hành Xứ Đoàn
(1)      Đoàn trưởng
-         Đứng đầu Ban Chấp hành dưới sự hướng dẫn của Cha Linh hướng.
-         Lập kế hoạch hoạt động của Xứ đoàn.
-         Khai mạc, bế mạc, điều khiển các buổi họp các cuộc thảo luận của BCH và của Đoàn.
-         Nhắc nhở đoàn viên về phương diện Kính mến Thánh Tâm Chúa, về tư cách và cách thức hoạt động tông đồ.
-         Trực tiếp với Cha Linh hướng, trình bày tình hình của Đoàn và nhận chỉ thị các công tác phải làm.
-         Nhận lãnh chỉ thị cấp trên: Giáo hạt, Giáo phận. Liên hệ, cộng tác với Hội Đồng Mục Vụ Giáo xứ và các thành viên trong Ban chấp hành phụ trách các phận việc chuyên môn.
-         Tham dự các buổi họp của Ban chấp hành Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm cấp trên.
-         Đoàn trưởng phải có lòng nhiệt thành, kính mến Thánh Tâm Chúa và là gương mẫu cho các đoàn viên.
(2)      Đoàn  phó nội vụ và ngoại vụ
a.          Nội vụ
-         Hỗ trợ Đoàn Trưởng trong các công việc của Đoàn và điều hành các sinh hoạt khi Đoàn Trưởng vắng mặt, phụ trách các phần việc chuyên môn.
-         Phối hợp với Ủy viên phụng vụ, tuyên huấn lập chương trình các giờ kinh, lễ, rước kiệu, khánh tiết.
-         Xét khen thưởng, kỷ luật các cá nhân tập thể có thành tích tốt hoặc vi phạm kỷ luật của Đoàn.
-         Điều hành trật tự trong các buổi họp, học tập.
b.          Ngoại vụ
-         Liên lạc với các đoàn thể bạn trong giáo xứ với Ban Chấp Hành Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm (BCH GĐ.PTTT) các xứ đoàn và BCH GĐ.PTTT Hạt.
-         Hỗ trợ tổ chức các cuộc hành hương, tĩnh tâm cho Đoàn.
-         Phối hợp với ủy viên Bác ái xã hội, Thông tin liên lạc tổ chức công tác bác ái xã hội. Đi thăm viếng đoàn viên đau yếu, phúng viếng cầu nguyện khi đoàn viên qua đời. Mời gọi họp mặt.
(3)      Thư ký
-         Giữ sổ sách của Đoàn, cập nhật tăng giảm, ngày gia nhập, tuyên hứa, di chuyển hay qua đời của Đoàn viên.
-         Điểm danh và lập biên bản các buổi họp.
-         Lưu trữ công văn đi và đến.
-         Phụ trách kế toán với Thủ Quỹ.
-         Soạn thảo chương trình sinh hoạt, văn thư, báo cáo tháng, quỹ, năm để lưu giữ và gởi lên cấp trên.
-         Hợp tác với ủy viên tuyên huấn soạn thảo chương trình huấn luyện học tập.
(4)      Thủ Quỹ
-         Chịu trách nhiệm về Tài chính.
-         Quản lý tài sản của Đoàn.
-         Mở sổ, thu chi, mở sổ Ân nhân các cấp để theo dõi và chăm sóc.
-         Dự toán ngân sách để cân đối nguồn thu chi.
-         Báo cáo tài chánh trong các kỳ sinh hoạt của Ban chấp hành.
(5)      Ủy viên tuyên huấn và Phúc âm hóa
-         Nghiên cứu giới thiệu đoàn thể nhằm hỗ trợ công tác phát triển Đoàn, đặc biệt mời gọi giới trẻ.
-         Lên kế hoạch và tổ chức học tập cho Đoàn.
-         Nghiên cứu hướng dẫn điều lệ, nội qui của đoàn.
-         Hướng dẫn học hỏi và chia sẻ Lời Chúa
(6)      Ủy viên Phụng vụ
-         Phụ trách các giờ kinh tối.
-         Hướng dẫn thực hiện các nghi thức.
-         Lập kế hoạch chương trình phục vụ các ngày lễ lớn.
-         Tổ chức giờ cầu nguyện tại gia đình Đoàn viên và Ân nhân.
(7)      Ủy viên Bác ái xã hội
-         Lên danh sách đoàn viên, An nhân khó khăn đau yếu, già cả, neo đơn để theo dõi giúp đỡ, thăm viếng, động viên và cầu nguyện.
-         Thực hiện nhiệm vụ tông đồ Bác ái. Quan tâm hỗ trợ, chia sẻ với mọi người trong và ngoài giáo xứ. Tổ chức thăm viếng những nơi cần thiết như nhà hưu dưỡng, cô nhi viện, viện dưỡng lão, bệnh nhân, trại phong… khi đoàn có điều kiện hoặc được phân công.
-         Khi đoàn viên, Ân nhân qua đời : Tổ chức viếng xác, phúng điếu, cầu nguyện, xin lễ, tham gia tiễn đưa.
-         Quan tâm hỗ trợ gia đình đoàn viên, các gia đình trong và ngoài giáo xứ gặp khó khăn hoạn nạn trong khả năng của Đoàn.
(8)      Ủy viên thông tin liên lạc
-         Ghi nhận và soạn thảo bản tin liên quan đến sinh hoạt của Đoàn để phổ biến.
-         Liên lạc với Ban chấp hành xứ đoàn bạn và với BCH GĐ.PTTT hạt.
-         Thông báo tin tức, mời họp và phân phối tài liệu, báo chí cho đoàn viên.
(9)      Nhiệm vụ của liên toán trưởng – toán trưởng
-         Mời gọi, phổ biến nội quy và thâu nhận thành viên mới, lập danh sách gởi về xứ đoàn.
-         Tổ chức giờ đền tạ luân phiên trong các gia đình.
-         Cổ động và tổ chức tôn vương Thánh Tâm Chúa Giê su trong các gia đình.
-         Tổ chức và điều hành các buổi họp toán, liên toán, tham dự các buổi họp xứ đoàn.
-         Thăm viếng Đoàn viên khi cần thiết.
-         Phổ biến và nhắc nhở Đoàn viên tham gia các sinh hoạt của Đoàn.
-         Hàng tháng gửi báo cáo về Ban chấp hành xứ đoàn theo biểu mẫu chung.
6/    Nhiệm vụ của Đoàn viên
a. Nhiệm vụ thiêng liêng
Tuân giữ 05 điều hứa là :
(1)      Rước lễ đền tạ ít nhất mỗi tháng một lần.
(2)      Giữ ngày Chúa Nhật và thúc giục người khác cũng tuân giữ ngày này, nhất là các thành viên trong gia đình mình
(3)      Không nói những điều lỗi đức trong sạch, và ra sức làm cho những người khác cũng đừng nói những điều ấy.
(4)      Giữ đức tiết độ, không vướng mắc các tệ nạn xã hội.
(5)      Vâng phục các mệnh lệnh của Giáo hội.
Thực thi các việc đạo đức:
-         Hàng ngày đọc kinh : Dâng mình cho Thánh Tâm Chúa.
-         Tham dự Thánh lễ và rước Mình Thánh Chúa trong các ngày đền tạ Thứ sáu đầu tháng.
-         Tham dự giờ Thánh tại nhà thờ – giờ đền tạ tại gia đình.
-         Tôn vương Thánh Tâm Chúa trong gia đình, cổ động cho nhiều người, nhất là thành viên trong gia đình, tôn sùng và yêu mến Thánh Tâm Chúa.
b. Nhiệm vụ Tông đồ
-         Thường xuyên thăm viếng giúp đỡ nhau, đặc biệt khi đau yếu và khi qua đời.
-         Làm việc Tông đồ, bằng chính đời sống bác ái phục vụ, làm gương sáng trong gia đình, nơi giáo xứ và ngoài xã hội.
-         Tham dự tích cực các cuộc họp toán, họp Đoàn.
-         Nhiệt thành tham gia mọi công tác của Toán, Đoàn khi được phân công.
-         Đóng góp quỹ đoàn và sẵn sàng đáp ứng lời kêu gọi của cấp trên trong việc hỗ trợ quĩ bác ái để làm việc tông đồ.
7/    Quyền lợi của Đoàn viên
a. Quyền lợi Thiêng liêng :
Được hưởng Mười Hai Điều Chúa Hứa Ban cho ai Kính thờ Thánh Tâm Chúa Giê su :
(1)                        Ta sẽ ban mọi ơn cần thiết cho đời họ.
(2)                        Ta sẽ ban bình an cho gia đình họ.
(3)                        Ta sẽ an ủi họ trong lúc đau khổ.
(4)                        Ta sẽ là nơi trú ẩn chắc chắn cho họ suốt đời, nhất là trong giờ phút lâm chung.
(5)                        Ta sẽ ban mọi phúc lành cho công việc họ làm.
(6)                        Những kẻ tội lỗi sẽ gặp ở Trái tim Ta một nguồn Tình yêu vô tận.
(7)                        Những linh hồn nguội lạnh sẽ chóng trở nên sốt sáng.
(8)                        Những linh hồn sốt sáng trở nên trọn lành.
(9)                        Ta sẽ chúc phúc lành cho gia đình nào tôn thờ Trái Tim Ta.
(10)Ta sẽ ban cho những vị linh mục được những ơn riêng để cảm hóa lòng người cứng cỏi.
(11)Ta sẽ khắc vào Trái Tim Ta tên những người cổ động, tuyên truyền việc đạo đức, tôn thờ Thánh Tâm Ta.
(12)Ta hứa sẽ ban cho những ai rước lễ chín ngày thứ sáu đầu tháng liên tiếp ơn thống hối trong giờ lâm chung, và không phải chết khi linh hồn đang mất ơn nghĩa Thánh khi chưa kịp lãnh nhận các bộ tích cần thiết.
A.  Quyền lợi vật chất
Căn cứ vào điều kiện, hoàn cảnh và đặc trưng của từng xứ đoàn, đồng thời dựa vào các nề nếp sinh hoạt Hiếu Hỷ của từng giáo xứ, mà mỗi xứ đoàn GĐ.PTTT đưa ra các quyền lợi vật chất đối với Đoàn viên trong xứ đoàn mình, sao cho phù hợp nhất.
8/    Quyền lợi các thành viên BCH Xứ Đoàn.
a. Quyền lợi thiêng liêng
Các thành viên trong Ban Chấp Hành xứ đoàn đều là Đoàn viên, nên được hưởng lợi ích thiêng liêng mà GĐ. PTTT dành cho các đoàn viên.
b. Quyền lợi vật chất
-         Khi đau ốm nằm bệnh viên : được thăm viếng ủy lao.
-         Khi qua đời : được đại diện BCH GĐ. PTTT hạt phối hợp với BCH xứ đoàn phân ưu, xin lệ
-         Tứ thân phụ mẫu, người bạn Hôn phối của Thành viên BCH đương nhiệm khi qua đời : được đại diện BCH GĐ. PTTT hạt và BCH xứ đoàn phân ưu, xin lễ, phúng điếu.
-         Thành viên BCH xứ đoàn đã mãn nhiệm khi qua đời : được đại diện BCH GĐ.PTTT hạt và BCH xứ đoàn đến cầu nguyện và phúng điếu.
9/    Bầu cử – Ứng cử – Nhiệm kỳ – Hội họp
a. Điều kiện để ứng cử vào BCH Xứ Đoàn GĐ. PTTT
-         Mọi đoàn viên có nhiệt tâm, khả năng tổ chức, đạo đức, gương mẫu trong đời sống, được sự tín nhiệm của tập thể.
-         Được Cha linh hướng GĐ. PTTT xứ đoàn giới thiệu.
b. Hình thức Bầu Ban Chấp Hành xứ đoàn GĐ. PTTT
*   Phiếu kín, trực tiếp.
-         tín nhiệm quá bán ( hơn phân nửa đoàn viên tín nhiệm. )
-         các thành viên trúng cử họp cùng Cha linh hướng xứ đoàn phân công chọn Đoàn Trưởng, sau đó Đoàn Trưởng chọn các Thành viên Ban Chấp hành trình lên Cha linh hướng và toàn thể đoàn viên biểu quyết tín nhiệm.
* Các hình thức bầu cử phù hợp do Cha linh hướng chọn.
*  Cử tri là tất cả đoàn viên của xứ đoàn.
c. Bầu bổ sung nhân sự khiếm khuyết ở Ban Chấp Hành Xứ Đoàn GĐ. PTTT.
-         Trong trường hợp có Thành viên trong Ban Thường Trực bị kỷ luật, từ nhiệm hay qua đời, Đoàn trưởng hay đoàn phó nội vụ (trường hợp Đoàn trưởng khiếm khuyết) có trách nhiệm thông qua Cha linh hướng, tổ chức triệu tập Đoàn viên, bầu chức danh khiếm khuyết bổ sung nhân sự cho Ban Chấp Hành trong thời gian sớm nhất không quá 3 tháng.
-         Trường hợp khiếm khuyết là các ủy viên chuyên môn, Đoàn trưởng có thể giới thiệu nhân sự bổ sung vào Ban Chấp Hành nhưng phải thông qua Cha linh hướng.
d. Nhiệm kỳ phục vụ của Ban Chấp Hành GĐ. PTTT.
-         Thống nhất là 03 năm.
-         Nhiệm kỳ của Đoàn trưởng Ban Chấp Hành Xứ Đoàn GĐ. PTTT kéo dài theo nhiệm kỳ của Ban Chấp Hành Xứ Đoàn ( 03 năm ) và chỉ được đảm nhiệm nhiệm vụ 02 nhiệm kỳ liên tiếp ( sau nhiệm kỳ thứ 03, nếu vẫn được tín nhiệm, có thể được đảm nhận nhiệm vụ Trưởng Ban ở 02 nhiệm kỳ tiếp theo ).
10. Sinh hoạt thường kỳ của Xứ Doàn GĐ. PTTT.
a/     Toán hay liên toán : họp ít nhất mỗi tháng 01 lần vào Thứ sáu cuối tháng.
b/    Xứ đoàn GĐ.PTTT có những sinh hoạt hàng tháng như sau :
-         Kiệu Thánh Tâm Chúa Giêsu vào Thứ Sáu đầu tháng,
-         Họp sinh hoạt giữa Ban Chấp Hành và đoàn viên có Huấn từ của Cha linh hướng,
-         Chầu Thánh thể, làm giờ thánh, đọc kinh đền tạ tại gia đình theo điều kiện phù hợp của từng giáo xứ.
-         Tổ chức Tôn Vương gia đình
11. Cờ đoàn – Phù hiệu – Đồng phục
a. Cờ đoàn – gồm hai mẫu chính là đỏ và trắng ( biểu trưng cho lửa và nước là tình yêu và ơn cứu chuộc )
-         có hai hình chính là : biểu tượng “Tình yêu hiến tế trong Bí tích Thánh Thể và Tình yêu bị xúc phạm qua vòng gai vong ân bội nghĩa”
b. Phù hiệu
Hình Trái tim Chúa Giêsu đã tỏ lộ cùng Thánh nữ Margarita Maria, trên có Thánh giá cứu chuộc, Lửa Tình yêu bởi trái tim bốc lên tỏa ra tứ bề, vòng gai xúc phạm xỉ nhục quấn quanh trái tim, tội lỗi làm vết thương lưỡi đồng luôn rỉ máu.
c.     Đồng phục
Nam : sinh hoạt giao lưu, thăm viếng : “áo sơ mi trắng, bỏ trong quần tây đen, đeo phù hiệu GĐ.PTTT
- Lễ hội : Áo sơ mi trắng dài tay bỏ trong quần đen, thắt cà vạt GĐ.PTTT có phù hiệu (dùng trong lễ Trọng, rước kiệu, hội họp, lễ tang), cà vạt màu đỏ sậm (bordeau) là màu máu của Chúa Giêsu đổ ra là tình yêu là sự sống.
Nữ : - Sinh hoạt, giao lưu, thăm viếng : áo ngắn trắng, quần tây màu, có đeo phù hiệu.
- Lễ hội : áo dài trắng, quần dài đen, đeo dây ảnh Thánh Tâm đỏ ( dùng trong lễ trọng, rước kiệu, hội họp, lễ tang )
12. Quỹ – sử dụng Quỹ xứ đoàn.
a. Quỹ xứ đoàn gồm :
-         Tiền đóng góp nguyệt liễm của các Đoàn viên,
-         Tiền đóng góp của các An nhân,
-         Tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm,
-         Tiền hỗ trợ của Cha linh hướng
b. Sử dụng Quỹ xứ đoàn
-         Thủ quỹ chịu trách nhiệm quỹ trước Ban Chấp Hành và phải báo cáo đầy đủ về việc thu chi.
-         Chi : Thăm viếng – văn phòng phẩm, in ấn tài liệu – công tác bác ái xã hội.
-         Đoàn trưởng được chi tối đa là 300.000đ. Trên 300.000đ phải triệu tập BCH để quyết định,
-         Đoàn khi cần chi một số tiền lớn mà quỹ không đủ cung ứng thì phải triệu tập BCH để quyết định.
-         Trường hợp bất đắc dỉ đoàn không sinh hoạt nữa số tiền còn lại và các vật dụng sẽ dâng vào Thánh đường hay ủng hộ vào các cơ quan từ thiện tùy theo quyết định của Đại diện đoàn viên,
-         Mỗi lần báo cáo quỹ đoàn, Thư ký phải ghi vào biên bản. Đoàn trưởng phải ký nhận vào sổ thu chi.
-         Ban chấp hành xứ đoàn chịu trách nhiệm đóng nguyệt liễm cho Ban chấp hành GĐ.PTTT giáo hạt.
II. CẤP GIÁO HẠT
Ban Chấp Hành GĐ. PTTT Cấp Giáo Hạt
1.    Mục đích :
-         Ban chấp hành GĐ.PTTT cấp giáo hạt là :
* Mối dây liên lạc giữa BCH GĐ.PTTT Giáo Phận và các Ban chấp hành xứ đoàn, để phối hợp thực hiện các nhiệm vụ chung của Giáo Phận về công tác Tông đồ giáo dân.
* Liên kết và hợp nhất hoạt động của các xứ đoàn dưới sự hướng dẫn của Cha linh hướng cấp hạt.
2.    Sự hình thành Ban chấp hành GĐ.PTTT
-         Đơn vị Hạt của Đoàn thể GĐ.PTTT dựa vào đơn vị Hạt của Giáo phận,
-         Để hình thành một ban chấp hành GĐ.PTTT cấp Hạt cần có ít nhất 03 xứ đoàn GĐ.PTTT được thành lập trong 03 giáo xứ của Hạt.
-         Được sự chấp thuận của Cha Hạt trưởng và được Cha bổ nhiệm một Cha linh hướng cho GĐ.PTTT cấp hạt.
3.    Thành phần cơ bản của Ban chấp hành GĐ. PTTT cấp hạt.
Ban Chấp hành GĐ. PTTT cấp hạt có từ 05 thành viên lên, được tổ chức như sau :
a. Ban Thường vụ :
- Trưởng Ban
- Phó Trưởng Ban nội vụ
- Phó Trưởng Ban ngoại vụ
- Thư ký
- Thủ quỹ
b. Các Ủy viên chuyên môn : Tuyên huấn và Phúc âm hóa, Phụng vụ, Bác ái xã hội, Thông tin liên lạc.
c. Các Ủy viên BCH – Hạt : bao gồm  Đoàn Trưởng các xứ đoàn không tham gia vào các chức vụ trên và có trách nhiệm tham gia các phiên họp Thường kỳ của BCH. GĐ.PTTT Hạt
4.    Điều kiện để ứng cử vào Ban Chấp hành GĐ.PTTT cấp Giáo hạt :
-         Phải là thành viên trong Ban Thường Trực các xứ đoàn cùng nhiệm kỳ, được bầu chọn và có sự chuẩn thuận giới thiệu của Cha linh hướng xứ đoàn.
-         Được Cha linh hướng GĐ.PTTT giáo hạt giới thiệu.
5.    Nhiệm kỳ của Ban chấp hành GĐ. PTTT cấp hạt thống nhất 03 năm.
6. Nhiệm kỳ của Ban chấp hành GĐ. PTTT cấp hạt:
 Kéo dài theo nhiệm kỳ của Ban chấp hành GĐ. PTTT cấp hạt (03 năm) và chỉ được đảm nhiệm 02 nhiệm kỳ liên tiếp (sau nhiệm kỳ thứ 03, nếu vẫn được sự tín nhiệm, có thể đảm nhiệm chức vụ Trưởng ban ở 02 nhiệm kỳ tiếp theo).
7. Hình thức bầu cử Ban Chấp Hành GĐ. PTTT cấp Giáo hạt: .
a/     - Phiều kín – trực tiếp
-         Tín nhiệm quá bán ( hơn phân nửa Đoàn viên tín nhiệm )
-         Các thành viên trúng cử họp cùng Cha linh hướng giáo hạt phân công chọn Trưởng Ban, sau đó Trưởng Ban chọn các thành viên Ban Chấp Hành trình lên Cha linh hướng và Ban Chấp Hành các xứ đoàn biểu quyết tín nhiệm.
b/    Các hình thức bầu cử phù hợp do Cha linh hướng chọn.
c/     Cử tri là tất cả thành viên của Ban chấp hành các xứ đoàn cùng nhiệm kỳ.
8. Thành viên Ban chấp hành GĐ.PTTT cấp giáo hạt bị loại :
-         Những thành viên trong Ban chấp hành GĐ.PTTT cấp Giáo hạt nếu vi phạm nội qui, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt ở các xứ đoàn, nhiều lần nhắc nhở không hiệu quả, đều có thể bị kỷ luật loại ra khỏi đoàn thể.
-         Ban chấp hành cần mở phiên họp biểu quyết công khai và kết quả biểu quyết kỷ luật phải được chuẩn thuận của Cha linh hướng.
9. Bầu bổ sung nhân sự khiếm khuyết ở Ban chấp hành GĐ.PTTT cấp giáo hạt:
-         Trong trường hợp có thành viên Ban Thường vụ GĐ.PTTT giáo hạt bị kỷ luật, từ nhiệm hay qua đời, Trưởng Ban hay Phó Trưởng Ban Nội vụ ( trường hợp Trưởng Ban khiếm khuyết ) có trách nhiệm thông qua Cha linh hướng, tổ chức bầu lại chức danh khiếm khuyết trong phiên họp của BCH. GĐ.PTTT giáo hạt gần nhất.
-         Trường hợp khiếm khuyết là các ủy viên chuyên môn, Trưởng Ban có thể giới thiệu nhân sự bổ sung vào Ban chấp hành nhưng phải thông qua Cha linh hướng.
10. Nhiệm vụ BCH. GĐ.PTTT cấp Giáo hạt :
-         Tổ chức thành lập xứ đoàn mới trong hạt.
-         Tổ chức, điều hành các phiên họp thường kỳ của hạt.
-         Lên kế hoạch và thực hiện tập huấn, học tập cho BCH. GĐ.PTTT các xứ đoàn.
-         Đề cử thành viên vào BCH. GĐ.PTTT Giáo phận.
-         Phổ biến, tổ chức học tập, trao đổi, thực hiện các văn bản hướng dẫn của Giáo Hội và đoàn thể,
-         Có kế hoạch quan tâm, chăm sóc các xứ đoàn trong hạt.
11. Sinh hoạt thường kỳ của Ban chấp hành GĐ.PTTT cấp Hạt:
-         Họp sinh hoạt ít nhất 03 tháng một lần, ngoài thành phần BCH. GĐ.PTTT cấp giáo hạt, cần mời đầy đủ thành viên Ban chấp hành các xứ đoàn trực thuộc.
-         Phải có sự hiện diện của Cha linh hướng GĐ.PTTT Giáo hạt.
-         Nếu được nên xoay vòng địa điểm họp ở các giáo xứ để giúp Ban chấp hành nắm bắt tình hình Giáo hạt thuận lợi hơn.
III. CẤP GIÁO PHẬN
1.    Điều kiện để hình thành BCH. GĐ. PTTT Giáo phận:
-         Được Đức Cha, Giám mục Giáo phận chấp thuận và bổ nhiệm một Cha linh hướng phụ trách đoàn thể trong toàn Giáo phận,
-         Có ít nhất 03 BCH. GĐ.PTTT Giáo hạt được thành lập,
-         Có được một BCH. GĐ.PTTT lâm thời quy tụ bởi các thành viên trong các BCH. GĐ.PTTT Giáo hạt trong Giáo phận.
2.    Thành phần BCH. GĐ.PTTT Giáo phận:
-         BCH. GĐ.PTTT Giáo phận có tối thiểu từ 09 đến 15 thành viên ( ở các giáo phận lớn, số thành viên không giới hạn tùy tình hình hoạt động, phát triển, được hướng dẫn bởi Cha linh hướng giáo phận,
-         Ban chấp hành GĐ. PTTT Giáo phận gồm Ban Thường vụ và các ủy viên như sau :
a. Ban Thường vụ:
-         Trưởng Ban
-         Phó Trưởng Ban nội vụ
-         Phó Trưởng Ban ngoại vụ,
-         Ban Thư ký gồm : Tổng Thư Ký và hai Thư ký
-         Thủ Quỹ ( có thể thêm Kế toán phụ trách sổ sách )
b. Các Ủy viên Ban chấp hành:
-         Tất cả các Trưởng BCH. GĐ.PTTT Giáo hạt không tham gia vào các chức vụ trên
-         Các Trưởng Ban chuyên môn : Tuyên huấn và Phúc âm hóa, Phụng vụ, Bác ái xã hội, Thông tin liên lạc truyền thông.
-         Tùy theo nhu cầu hoạt động BCH.  GĐ.PTTT Giáo phận có thể bổ sung thêm nhiều ủy viên chuyên trách khác dưới sự chuẩn thuận của Cha linh hướng, các ủy viên chuyên trách này không tham gia biểu quyết trong các sinh hoạt của BCH. GĐ.PTTT giáo phận.
3.    Điều kiện để ứng cử vào Ban chấp hành GĐ. PTTT cấp Giáo phận:
-         Phải là thành viên trong Ban Thường Vụ cấp Giáo hạt, được Ban chấp hành giới thiệu và được sự chuẩn thuận của Cha linh hướng cấp Giáo hạt
-         Được Cha linh hướng GĐ. PTTT cấp Giáo hạt, Giáo phận giới thiệu.
4.    Hình thức bầu cử BCH. GĐ.PTTT Giáo Phận:
a/     Hình thức bầu tín nhiệm:
-         Cử tri bỏ phiếu kín, trực tiếp, hình thức tín nhiệm quá bán (hơn phân nửa cử tri tín nhiệm sẽ trúng cử)
-         Các thành viên trúng cử họp cùng Cha linh hướng họp kín chọn Trưởng ban sau đó Trưởng ban phân công các thành viên trúng cử vào các nhiệm vụ trong Ban chấp hành, và trình lên Cha linh hướng BCH. GĐ.PTTT Giáo phận và cử tri biểu quyết tín nhiệm (nếu đồng ý vỗ tay chúc mừng).
b/    Các hình thức bầu cử phù hợp do Cha linh hướng GĐ.PTTT giáo phận chọn.
c/     Cử tri là các thành viên các Ban chấp hành Giáo hạt cùng nhiệm kỳ.
5.    Nhiệm kỳ của BCH, GĐ.PTTT Giáo phận thống nhất là 06 năm.
6.    Nhiệm kỳ của Trưởng BCH. GĐ.PTTT Giáo phận.
Kéo dài theo nhiệm kỳ của BCH, GĐ.PTTT Giáo phận (03 năm) và chỉ được đảm nhiệm 02 nhiệm kỳ liên tiếp (sau nhiệm kỳ thứ 03, nếu vẫn được tín nhiệm có thể đảm nhận chức vụ Trưởng Ban ở 02 nhiệm kỳ tiếp theo).
7.    Thành viên BCH. GĐ.PTTT Giáo phận bị loại
Những thành viên BCH. GĐ.PTTT Giáo phận nếu vi phạm nội quy, gây mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt ở các Giáo hạt, nhiều lần nhắc nhở không hiệu quả, đều có thể bị kỷ luật loại ra khỏi đoàn thể. Ban chấp hành cần mở phiên họp biểu quyết công khai và kết quả biều quyết kỷ luật phải được sự chuẩn thuận của Cha linh hướng.
8.    Bầu bổ sung nhân sự khiếm khuyết ở BCH. GĐ.PTTT Giáo phận:
-         Trong trường hợp có thành viên Ban Thường vụ GĐ. PTTT giáo phận bị kỷ luật, từ nhiệm hay qua đời, Trưởng Ban hay Phó Trưởng Ban Nội vụ ( trường hợp Trưởng Ban khiếm khuyết ) có trách nhiệm thông qua Cha linh hướng, tổ chức bầu lại chức danh khiếm khuyết trong phiên họp của BCH. GĐ.PTTT giáo phận gần nhất.
-         Trường hợp khiếm khuyết là các ủy viên chuyên môn, Trưởng Ban có thể giới thiệu nhân sự bổ sung vào Ban chấp hành nhưng phải thông qua Cha linh hướng.
9.    Nhiệm vụ BCH. GĐ.PTTT Giáo phận:
-         Hoạch định những chương trình hoạt động Tông đồ cho đoàn trong các Giáo hạt và Giáo xứ, dưới sự chỉ đạo của Đức Giám mục và Cha linh hướng Giáo phận,
-         Vận động thành lập các Xứ đoàn mới, các BCH. GĐ.PTTT Giáo hạt.
-         Tổ chức các buổi họp, các cuộc tĩnh tâm huấn luyện,
-         Phổ biến, tạo điều kiện trang bị cho mỗi đoàn viên có một quyển nội quy, để học hỏi và thực hiện những điều lệ của Đoàn.
-         Phát hành tờ tin tức nội bộ hàng tháng, phổ biến kiến thức, huấn luyện và thông tin nhằm định hướng hoạt động cho GĐ. PTTT toàn Giáo phận.
-         Phổ biến các tài liệu, sách báo liên quan đến GĐ. PTTT
10.     Sinh hoạt của BCH. GĐ.PTTT Giáo phận:
a/     Họp Thường kỳ
-         BCH. GĐ.GTTT Giáo phận họp thường kỳ mỗi tháng một lần vào ngày thứ sáu cuối tháng ( nhằm có điều kiện kiện tổng kết hoạt động của đoàn thể các cấp trong Giáo phận, cũng như có điều kiện kịp thời hổ trợ thành lập các xứ đoàn các hạt mới.
b/  Tổ chức Đại hội tổng kết hoạt động toàn Giáo phận.
Mỗi năm một lần, tổ chức vào dịp lễ Chúa Kitô Vua ( trong tháng 11 hàng năm ) nhằm tổng kết đánh giá việc thực hiện chương trình định hướng hoạt động do BCH. GĐ.PTTT Giáo phận đề ra. Đại biểu là thành viên các BCH. GĐ.GTTT các cấp, các ân nhân và các Cha linh hướng GĐ.PTTT trong toàn Giáo phận.
IV. CẤP TRUNG ƯƠNG
Ban Chấp Hành Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Cấp Trung ương.
1. Mục đích:
-         Cổ võ, phát triển và duy trì sinh hoạt của Đoàn thể GĐ.PTTT trong cả nước Việt Nam.
-         Hướng dẫn cho BCH. GĐ.PTTT các Giáo phận sinh hoạt đúng tinh thần của Giáo hội và đường hướng của GĐ.PTTT Việt Nam
2. Thành phần BCH. GĐ.PTTT Trung ương
BCH. GĐ.PTTT Trung ương có từ 09 đến 15 thành viên được hướng dẫn bởi Cha Tổng linh hướng,
Thành phần gồm :
-         Trưởng Ban
-         Ba Phó Ban phụ trách
-         Ban Thư ký : Tổng Thư ký và ba Thư ký
-         Thủ Quỹ
-         Các Trưởng ban chuyên môn : Tuyên huấn và Phúc âm hóa, Phụng vụ, Thông tin liên lạc – Truyền thông, Bác ái xã hội.
-         Tất cả những Trưởng BCH. GĐ.PTTT Giáo phận không tham gia các chức vụ.
3. Nhiệm vụ Ban Chấp Hành Trung Ương
-         Hoạch định những chương trình hoạt động Tông đồ cho GĐ.PTTT các Giáo phận dưới sự chỉ đạo của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam và Cha Tổng Linh hướng.
-         Khuyến khích thành lập các BCH. GĐ.PTTT Giáo phận mới.
-         Tổ chức các buổi họp, các cuộc tĩnh huấn, học hỏi tài liệu của Giáo hội và Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.
-         Phổ biến, thúc đẩy thi hành những điều lệ trong bản Nội Quy của GĐ.PTTT Việt Nam.
-         Phát hành tờ tin tức nội bộ hàng tháng về tư tưởng, học hỏi huấn luyện và liên lạc thông tin GĐ.PTTT toàn quốc.
-         Phổ biến các tài liệu, sách báo nói về GĐ.PTTT
-         BCH. GĐ.PTTT Trung ương nhận lãnh phúc trình của BCH. GĐ.PTTT các Giáo phận.
-         Giải quyết các vấn đề khó khăn của GĐ.PTTT mà các cấp dưới không giải quyết được.
-         Giải thích Nội quy, Thủ bản GĐ.PTTT trong những trường hợp gặp khó khăn khi áp dụng.
-         Liên lạc thường xuyên với BCH. GĐ.PTTT các Giáo phận.
4. Nhiệm kỳ của Ban chấp hành Trung ương:
Thống nhất là sáu năm, nhưng sau ba năm BCH sẽ tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm Ban Thường Vụ, Thành viên nào trong Ban Thường Vụ không đạt được sự tín nhiệm thì được bầu bổ sung từ các thành viên còn lại của Ban chấp hành.
Chức vụ Đoàn trưởng, Trưởng ban BCH. GĐ.PTTT các cấp chỉ được đảm nhiệm hai nhiệm kỳ liên tiếp.


ĐỀ TÀI 3
NGHI THỨC TUYÊN HỨA
1.    Chuẩn bị cho Nghi thức tuyên hứa
-         Cờ có giá cắm trên cung Thánh.
-         Một bàn nhỏ trải khăn trắng.
-         Đĩa đựng huy hiệu để làm phép.
-         Ủy nhiệm thư.
-         Cử một linh hoạt viên để dẫn chương trình.
2.  Làm phép cờ
-         Sau bài giảng, đoàn trưởng cầm cờ tiến ra trước bàn thờ và hạ cờ ngang mặt.
-         Khi Cha chủ sự rẩy nước phép trên cờ xong, đoàn trưởng giơ thẳng cờ lên và cắm vào vị trí cũ.
       3.  Nghi thức Gia Nhập Đoàn:
-         Đoàn viên tiến lên quỳ trước Cung Thánh (ít người) hoặc quỳ tuyên hứa tại chỗ (nhiều người) đại diện cầm cờ tiến ra trước bàn thờ (có sự hiện diện của cấp cao hơn) BCH xứ đoàn cần có sự hiện diện của Trưởng hay Phó BCH GĐ.PTTT Hạt, BCH Hạt cầm cờ sự hiện diện của Trưởng hay Phó BCH Giáo phận.
-         Khi đoàn viên đọc kinh tuyên hứa xong thì cờ cũng hạ xuống ngang mặt.
-         Các đoàn viên giơ cao tay phải trước mặt ngang tầm mắt để tuyên hứa và bỏ tay xuống khi tuyên xong 5 lời hứa.
-         Cha chủ sự đọc xong lời nguyện trên đoàn viên và cộng đoàn đáp Amen thì người cầm cờ giơ thẳng lên và cắm cờ vào vị trí cũ, các đoàn viên tuyên hứa đứng lên.
4. Trao phù hiệu
-         Nếu số đoàn viên tuyên hứa ít trao tại cung thánh.
-         Nếu số đoàn viên nhiều, quì tại chỗ tuyên hứa, tuyên hứa xong thì đi lên nhận phù hiệu như đi ln rước lễ.
5. Ban Chấp Hành tuyên hứa
-         Cha chủ sự đọc tên BCH và người được đọc tên tiến lên quì trước Cung Thánh.
-         Người cầm cờ tiến ra giữa bàn thờ có sự hiện diện của cấp cao hơn, BCH xứ đoàn cần có sự hiện diện của Trưởng hay Phó BCH. GĐ.PTTT Hạt, BCH Hạt cần có sự hiện diện của Trưởng hay Phó BCH Giáo Phận.
-         Cờ hạ xuống ngang mặt khi Cha chủ sự hỏi : “Anh chị em có quyết tâm làm tròn nhiệm vụ theo nội quy của GĐ.PTTT không”.
-         BCH giơ cao tay phải trước mặt ngang tầm mắt, đọc lời hứa và bỏ tay xuống khi đọc xong.
-         Cha chủ sự đọc chấp nhận lời tuyên hứa và rẩy nước Thánh (người cầm cờ giơ thẳng lên và cắm cờ vào vị trí cũ).
-         Toàn thể thành viên BCH đứng lên để nhận Ủy Nhiệm Thư
-         Sau đó BCH cúi chào Cha chủ sự và quay mặt xuống chào ra mắt cộng đoàn trước khi về chỗ.
/////===////
Lm. Giuse Phạm Thanh Minh



0 nhận xét:

Đăng nhận xét