Thứ Tư, 8 tháng 10, 2014

THIẾU NHI THÁNH THỂ: CHƯƠNG TRÌNH THĂNG TIẾN CẤP 3 (tập 2)

CHƯƠNG TRÌNH THĂNG TIẾN
THIẾU NHI THÁNH THỂ
CẤP 3(tập 2)

BÀI THỨ TÁM
A. HỌC HỎI THÁNH KINH:
CHUYỆN ÔNG SAMSON
4. Samson nói xạo nhiều kiểu có thể làm mình ra yếu ớt như mọi người, nhưng sau cùng chàng nói thật điều bí mật ấy rằng: “Tại từ lúc sinh ra anh đã thề hiến cho Thiên Chúa bộ tóc quí này rồi. Nếu cắt đi sức khoẻ của anh cũng đi luôn”.
5. Khi biết thật điều đó, Dalia đã dụ chàng ngủ vùi trên lòng mình, rồi vừa lấy kéo húi bảy đường trên bộ tóc chàng vừa nói: “Quân Philitinh sẽ giết mày, Samson ạ”.
6. Samson thức giấc mà chẳng biết mình đã mất hết sức lực Chúa ban, thế là quân Philitinh vội vàng kéo chàng tống vào ngục thất. Chẳng bao lâu tóc chàng dài ra mà quân Philitinh chẳng hay.
7. Vào dịp đại lễ của quân Philitinh, họ bảo nhau: “Bắt thằng Samson ra đây làm trò cho mình coi”. Họ dẫn Samson ra khỏi ngục thất và để đứng giữa hàng cột nhà. Chàng bảo: “Để ta chết cùng bọn Philitinh này”. Nói rồi chàng lấy sức đẩy hai cột khiến cả nhà sụp xuống đề chết hết mọi người.
B. HỌC HỎI PHONG TRÀO:
ĐIỀU LUẬT THỨ 7
Ấu Nhi bác ái một lòng,
Tim luôn quảng đại mới mong giúp người.
GIẢI NGHĨA:
Làm việc BÁC ÁI là thực hành giới răn thương yêu người ta mà Chúa Giêsu đã dạy làm. Người công giáo tốt là người có tấm lòng rộng mở, thấy ai cần gì cũng muốn giúp, thấy ai thiếu thốn cũng mau mắn ban phát.
Có hai thứ giúp đỡ:
1/ Giúp đỡ về mặt tinh thần: Bằng lời cầu nguyện, Dâng Thánh Lễ, bớt tiêu xài phung phí, hay khuyên người khác cầu nguyện, hay nhắc đến việc thương người, nhịn nhục tính xấu người khác, làm gương sáng trong việc phụng sự…
2/ Giúp đỡ về mặt vật chất: Bằng việc chia sẻ của ăn, cho đồ dùng, cho tiền  của, vui vẻ cộng tác làm việc, làm hộ người khác những việc tốt, dẫn người qua đường, làm công tác Tông đồ xã hội…
Để trở thành một người Kitô hữu hoàn hảo, người công dân tốt, để nên môn đệ Ấu Nhi của Chúa Giêsu Thánh Thể, em phải tập làm việc bác ái với tâm hồn rộng rãi, quảng đại, mau mắn, không keo kiết mà chỉ nghĩ cho người khác vì họ cần và làm cho họ là làm cho Chúa vậy.
C. ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO:
Ý NGHĨA VIỆC BỎ TIỀN
Trong Thánh Lễ
Khi tới nhà thờ dự lễ, em thường thấy mọi người bỏ tiền vào nhà thờ. Việc bỏ tiền ấy có những mục đích:
1/ Dâng tiền làm lễ vật tượng trưng cho công lao khó nhọc hằng ngày ta làm để dâng kính Chúa, như Cain và Aben dâng Chúa của lễ đầu mùa.
2/ Dâng tiền trong nhà thờ là để bảo trì nhà thờ, nhà xứ, nơi thờ phượng chung của cộng đoàn dân Chúa.
3/ Dâng tiền trong nhà thờ để duy trì trường sở và phát triển việc giáo dục, dạy dỗ con cái Chúa nên người hoàn thiện.
4/ Dâng tiền vào nhà thờ là để làm việc tông đồ truyền giáo, truyền đạo cho nhiều người trở về cùng Chúa.
Do đó hết mọi người đều có nhiệm vụ đóng góp tiền của, công sức vào việc xây dựng Giáo hội này.
D. ĐỜI SỐNG ĐỨC DỤC:
LÀM ƠN KHÔNG CẦN TRẢ NGHĨA
Anh Bình là người rất tốt trong làng. Anh sống thật rộng rãi với bạn bè. Một hôm nghe tin anh Lễ người bạn cùng xóm làm ăn lỗ lãi quá nhiều đến phải liều mình vào tù đền nợ. Bình muốn giúp, nhưng biết bạn mình xưa nay vẫn là người khí khái, không chịu nhận nếu ra mặt giúp đỡ. Anh khôn khéo hỏi dò món nợ, rồi đi mua ngân phiếu gửi đủ số tiền ấy cho bạn, mà không cho biết tên mình. Anh Lễ nhờ có món tiền ấy mà khỏi phải ngồi tù đền nợ, nhưng anh vễn ân hận vì không biết ai đã giúp mình món tiền lớn ấy. Trái lại Bình vẫn qua lại chuyện trò, nhưng cũng không hề mở miệng nói đến chuyện mình đã làm cho bạn.
GIẢI NGHĨA:
Khí khái: Tính không muốn lụy ai cả.
Hỏi dò: Hỏi người này người kia để biết số tiền nợ.
Ngân phiếu: Tấm giấy lãnh tiền ở ngân hàng.
Ân hận: Khó chịu trong lòng vì không biết rõ ai cho tiền.
CÂU HỎI:
1/ Anh Bình giúp đỡ bạn mà không cho bạn biết thì cũng giống như lời Chúa nói trong Phúc Âm. Lời đó thế nào? (Khi tay trái làm việc nghĩa thì đừng cho tay phải hay).
2/ Tại sao lại không cho bạn biết mình giúp đỡ?
3/ Anh Bình đã làm gì để giúp bạn?
4/ Giúp người ta bao nhiêu là đủ? (Cho với cả tấm lòng thành thật, rộng rãi, dù chỉ một đồng).
5/ Thái độ của em khi cho phải thế nào? (Vui vẻ, nhã nhặn, không mắng mỏ, hất hủi, làm nhục người ta).
6/ Tập viết các câu sau đây:
- Cách cho hơn của đem cho.
- Cái nết đánh chết cái đẹp.
- Chọn bạn mà chơi.
E. SINH HOẠT CHUYÊN MÔN:
CA HÁT


b. Cánh của em là vui đời mến Chúa.
 Cánh của em là thương mến anh em.
c. Cánh của em là vâng phục ý Chúa.
 Cánh của em là tuân ý cha mẹ.
ĐIỆU VŨ: (Đứng vòng tròn).
1. Tay phải nắm lại chỉ xuống đất theo nhịp. Tay trái chống trên hông.
2. Tay phải chỉ lên trời theo nhịp.
3. Để tay lên trán với vẻ suy tư.
4. Giơ hai tay lên trời.
5. Như số 1.
6. Như số 2.
7. Giang hai tay ra làm cánh.
8. Vỗ cánh 3 cái.
9. Quay mặt sang phía tay trái (theo chiều kim đồng hồ), chân bước đều theo nhịp. Tay trái trên hông, tay phải chỉ sang trái theo nhịp.
10. Quay mặt lại sau lưng, (đi ngược kim đồng hồ) chân bước theo nhịp. Tay phải trên hông, tay trái chỉ sang phải theo nhịp. (hết bài hát thì quay mặt vào tâm vòng tròn và làm như số 1).
TRÒ CHƠI:
CHÚA BẢO
Đứng thành vòng tròn hoặc hàng ngang. Trưởng cho các em biết khi nào nghe thấy tiếng CHÚA BẢO thì các em phải làm theo. Nhưng khi không có tiếng Chúa bảo thì không được làm theo. Ai làm theo là sai.
Thí dụ: Hôm đó anh đang đi trên đồi, chợt nghe CHÚA BẢO quì xuống (mọi người đều quì). Rồi anh (hô to) đứng lên (mọi người vẫn quì, ai đứng lên là sai, vì không có tiếng Chúa bảo). Đi một quãng nữa anh (hô) bảo giang tay ra (ai giang là sai), nhưng CHÚA BẢO đứng lên (Ai không đứng là sai)…
Sau cùng để mua vui, Trưởng mời các em làm sai ra giữa hát Ngày xưa Adong Eva Thiên Chúa cho làm mẹ cha… rồi cho các em làm theo hình con vật được kể tới. Em nào làm đúng cho về chỗ trước.
HỌC MOORSE:
A. Ôn lại các chữ đã học:
E, I, S, H.         T, M, C, CH.        A, B, C.        N, D, G.
B. Học thêm các chữ mới:
K  _ . _
Q  _ _ . _
W . _ _       L . _ . .
R . _ .
X _ . . _      O _ _ _
U . . _
Y _ . _ _     P . _ _ .
V . . . _
Z  _ _ . .    

BÀI THỨ CHÍN
A. HỌC HỎI THÁNH KINH:
CHUYỆN TIÊN TRI SAMUEL
1. Thuở ấy có người phụ nữ son sẻ tên là Hanna vợ ông Elkana. Ngày kia, bà vào đền thờ (nơi thầy cả Eli phục dịch) cầu nguyện. Bà hứa rằng nếu Chúa cho bà sinh con, bà sẽ dâng nó cho Chúa để phụng sự Ngài.
2. Chúa đã nhận lời và chẳng bao lâu bà Hanna sinh hạ một người con đặt tên là Samuel. Bà lại đưa con trẻ vào đền thờ để dâng con cho Chúa. Con trẻ được nuôi dưỡng trong đền thờ để phục vụ nhà Chúa dưới sự chỉ giáo của tiên tri Eli.
3. Đang khi Eli ngon giấc ngủ, Samuel nghe tiếng Chúa gọi, cậu ngỡ là tiếng Thầy nên vội vàng chỗi dậy chạy đến phòng Thầy mà thưa rằng: “Thưa Thầy, Thầy gọi con”. Tiên tri Eli trả lời: “Không, ta không gọi, con về ngủ đi”.
4. Samuel lại đến đánh thức Thầy lần thứ ba, Eli hiểu đó là tiếng Chúa gọi Samuel, nên Thầy bảo: “Con hãy về ngủ đi và nếu có tiếng gọi con nữa, con hãy thưa rằng: “Lạy Chúa xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”.
5. Lần thứ tư Chúa nói với Samuel rằng: “Con cái Eli đã chống lại lời Ta mà Eli chẳng chịu ngăn đe chúng. Do đó, Ta sẽ xét xử dòng tộc này”…. Hết thảy con cái Israel hãy biết rằng Thiên Chúa đã đàm đạo cùng Samuel, nên Người đã chọn Samuel làm tiên tri của Người rồi.
B. HỌC HỎI PHONG TRÀO:
ĐIỀU LUẬT THỨ 8
Ấu Nhi ngay thẳng trọn đời,
Nói làm đúng mực người người tin yêu.
GIẢI NGHĨA:
Ngay thẳng là đức tính tốt của em Ấu. Bởi thế có câu ca dao rằng “đi hỏi già về nhà hỏi trẻ”. Em không biết nói dối, nói sai sự thật.
Chuyện kể rằng:
Em Loan ham chơi, ít khi đi ngủ đúng giờ. Lần đó em bị mẹ la, em vội vàng chạy lên giường nằm, nhắm mắt lại. Má em lại gần hỏi:
- Loan, con ngủ chưa?
Em nghĩ rằng ngủ tức là nhắm mắt, nghe tiếng mẹ hỏi em nhắm mắt trả lời:
- Thưa má con ngủ rồi.
Nghe em trả lời con ngủ rồi ai cũng cười, nhưng đó là sự ngay thật của em. Cũng chính vì thế mà ai cũng thương, cũng mến.
Chuyện khác kể rằng:
Hôm đó ba Loan đi làm về mệt nên ông muốn ngủ lấy lại sức khoẻ. Ông bảo con rằng:
- Loan con, nếu có ai hỏi ba có nhà không thì con trả lời là “ba cháu không có nhà” để ba ngủ nghe.
Em cất tiếng dạ rất ngon lành. sau chừng nửa tiếng, có người đến gõ cửa. Em Loan ra mở cửa và cất tiếng chào:
- Chào bác Năm, bác muốn gặp ai?
- Ba cháu có nhà không?
Em ngần ngừ suy nghĩ rồi trả lời:
- Ba cháu bảo: “Ba cháu không có nhà để ba cháu ngủ”.
Lời nói ngay thẳng, thật thà ai cũng quí mến cả. Do đó em hãy nhớ luôn sống thật với lòng mình, luôn ngay thẳng trong lời nói và không nói dối, nói sai sự thật.
C. ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO:
GIÚP LỄ
Giúp lễ là một việc làm Thánh thiện, vì em được phục vụ mọi việc trên gian Thánh, nơi chỉ dành riêng cho các Linh Mục và các người có chức Thánh dâng Lễ tôn kính Chúa. Em được đại diện cộng đoàn dân Chúa để phục vụ bàn thờ, để cộng tác với Chủ tế trong việc sửa soạn tiến dâng lễ vật. Em được hợp với Chủ tế thưa, đáp các lời kinh nguyện và chia sẻ Thánh thể của nuôi sống linh hồn...
Bởi đó khi được tuyển chọn vào ban Giúp lễ, phục vụ bàn thờ, em hãy mau mắn đáp lời và sốt sáng nghiêm trang thi hành nghĩa vụ Thánh cho xứng đáng.
D. ĐỜI SỐNG ĐỨC DỤC:
BƠ VƠ TRÊN XỨ LẠ QUÊ NGƯỜI
(An ủi kẻ âu lo)
Tuyết là bé gái sáu tuổi, tị nạn tại Hồng Kông có một mình. Em hối hả chạy lại hỏi tôi:
Bác ơi! Cháu sợ quá. Đại diện Liên Hiệp Quốc hỏi cháu bao nhiêu thứ mà cháu chỉ trả lời được có vài câu. Nhiều câu cháu không biết trả lời. Họ có đuổi cháu về Việt Nam không bác?
Đừng lo cháu ạ. Miễn sao cháu không nói dối là được rồi. Liên Hiệp Quốc sẽ chăm sóc cháu và lo cho cháu mọi chuyện. Cháu sẽ được xếp ưu tiên để nhận vào Hoa Kỳ. Bác bảo đảm với cháu như  vậy.
Tuyết nhoẻn miệng cười, một nụ cười tươi như hoa.
GIẢI NGHĨA:
Bơ vơ: bị bỏ rơi, không có người thân thuộc hay bạn bè quen biết.
Hối hả: Hấp tấp vội vàng. Vội vã lo sợ.
Đại diện: Người thay mặt cho người nào hay cơ quan nào.
Liên Hiệp Quốc: Các nước hợp lại với nhau để làm việc.
Ưu tiên: Được chú ý đến trước nhất.
Bảo đảm: Cam đoan chắc chắn là được.
ĐẠI Ý:
Bài này nói về nỗi lo lắng của em bé tị nạn vừa được tra hỏi để cho đi định cư.
TẬP NÓI CHUYỆN:
1/ Tuyết là em gái còn nhỏ hay đã lớn?
2/ Tại sao Tuyết đến Hồng Kông?
3/ Tuyết có đi cùng cha mẹ, anh chị hay bạn bè nào không?
4/ Tuyết vui sướng hay sợ hãi khi bị tra hỏi?
5/ Cơ quan nào giúp người tị nạn?
6/ Tuyết được xếp vào loại ưu tiên sang Hoa Kỳ, vậy em sẽ đi trước hay đi sau những người khác?
7/ Sau khi được giải nghĩa Tuyết còn buồn không?
E. SINH HOẠT CHUYÊN MÔN:
CÁCH SỬ DỤNG DẤU ĐI ĐƯỜNG
Một trong những kiến thức tổng quát (Moorse, gút dây, phương hướng, Semaphore, Mật mã…) mà em cần biết đó là dấu đi đường. Dấu đi đường giúp ta tìm tới đích mà Huynh Trưởng muốn dẫn em tới. Dấu đi đường cũng có thể áp dụng trong các giờ sinh hoạt hàng tuần để chơi các trò chơi.
Dấu đi đường gồm 2 loại: Dấu thiên nhiên và dấu nhân tạo. Cả hai đều có hình thức giống nhau và thông dụng như nhau, nhưng tuỳ trình độ các em mà sử dụng.
A. DẤU THIÊN NHIÊN:
Dấu thiên nhiên là loại dấu dùng vật liệu sẵn có nơi thiên nhiên để thực hiện như đá, gỗ, sỏi, cành cây, cây cỏ. Loại dấu đường thiên nhiên có thể gây khó khăn đôi chút cho người đi tìm, nhưng nếu để ý thì không khó gì cả.
MẬT MÃ
Ý NGHĨA CỦA MẬT MÃ:
Mật mã là dấu hiệu đặc biệt để loan tin một cách bí mật mà người không đọc ký hiệu này không thể biết được, mặc dù họ cầm bản tin trên tay.
Mật mã được áp dụng vào các trò chơi của Ấu Nhi để làm cho trò chơi thêm tính cách hào hứng, linh động và gây cấn.
CÁC LOẠI MẬT MÃ:
Có rất nhiều loại mật mã khác nhau. Hiện nay chúng ta có thể dùng tới 36 loại. Chúng ta sẽ học biết dần dần trong các chương trình học hỏi. Mỗi loại mật mã có một chìa khoá riêng để tìm ra cách đọc. Nếu chìa khoá không chính xác, không rõ ràng sẽ làm mất thì giờ và kết quả sẽ không được như ý muốn.
BÀI TẬP 1:
Cho các em thử dịch mật thư sau đây:
ẤU NHI GIỐNG CHÚA GIÊSU”
Chìa khoá:
Một anh còn sống gánh hai anh đã chết.
XANHUC ANHTHAIID NGUOITHOAKNHIGX ICHCHSTUPLAM NGU OIL QER ASN HUN.
BÀI TẬP 2:
Cho các em dịch mật thư sau đây:
“VÂNG LỜI NHỊN NHỤC CẦN CÙ HY SINH”
HVUVAIANHNGH BLATOILIP KNENHENIEONG
TNUNHITUCHCA GCUTANHNA SCECUO
 PHISYS TSREIHGNETHE.




VŨ ĐIỆU:
Lần 1:
Hô: Dân ta – Khởi hành.
Rồi cầm tay nhau nhảy một chân sang bên mặt, chân trái co lên, chân phải nhảy.
Lần 2:
Hô: Băng rừng – Vượt núi.
Hai tay  dập vào đầu gối, cúi người thật sâu, dậm chân đi ngược vòng kim đồng hồ.
Lần 3:
Hô: Về đất – Hứa.
Ngồi xuống. Về: Hai tay vỗ thật mạnh vào đùi mình. Đất: Hai tay vỗ đùi người bên mặt. Nhiêu: Vỗ đùi mình rồi vỗ đùi người bên trái và cứ thế tiếp tục.


BÀI THỨ MƯỜI
A. HỌC HỎI THÁNH KINH:
DÂN CHÚNG XIN CÓ VUA
1. Samuel đã đến tuổi già và các con trai ông cũng không tốt như ông. Các vị kì lão trong dân Do Thái lo ngại Samuel chết sớm, nên họ đến thưa ông rằng: “Các con trai ngài không ai làm quan xét ngay chính như ngài, nên xin ngài cho chúng tôi một vị vua để xét xử chúng tôi”.
2. Samuel cầu nguyện cùng Thiên Chúa và Thiên Chúa dạy rằng: “Cứ cho như chúng xin và hãy tấn phong cho chúng một vị vua để cai trị chúng. Ta sẽ dẫn đến cho ngươi một thanh niên để ngươi xức dầu và tấn phong nó làm vua cai trị dân Ta. Nó sẽ cứu dân Ta thoát khỏi dân Philitinh”.
3. Có một người thuộc Chi họ Bengiamin tên là Kít, ông có người con rất đẹp trai tên là Saolô. Saolô đến gặp Tiên tri Samuel, Samuel lập tức nhận rằng Saolô là người đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm vua đầu tiên của dân Do Thái.
CÂU HỎI HỌC ÔN:
1/ Chúa dựng nên thế giới và mọi vật trong đó dễ dàng cho ai dùng?
2/ Con người đầu tiên Chúa dựng là ai? Evà bởi đâu mà có?
3/ Hai người con ông Adong bà Evà tên là gì?
4/ Tại sao ông Noe đóng tàu? Lụt hồng thuỷ bao nhiêu lâu?
5/ Chuyện tháp Babel thế nào?
6/ Ba vị tổ phụ dân Do Thái tên là gì?
7/ Ông Giacóp là tổ phụ thứ 3, ông có mấy người con?
8/ Kể lại một giấc mơ của ông Giuse.
9/ Ông Giuse bị bán sang Ai cập, về sau ông làm gì giòng tộc ông?
10/ Ông Moisen là ai? Sinh ra ở đâu? Ông làm gì?
B. HỌC HỎI PHONG TRÀO:
ĐIỀU LUẬT THỨ 9
Ấu Nhi dù khó trăm chiều,
Chu toàn bổn phận mọi điều chuyên chăm.
GIẢI NGHĨA:
Điều luật thứ 9 nhắc nhớ em hãy cố gắng chu toàn các việc bổn phận hằng ngày, mặc dù gặp nhiều trắc trở, khó khăn.
Hãy lược kê công việc hằng ngày của em? Sáng thức dậy, làm dấu Thánh giá và đọc kinh dâng mình cho Chúa. Đi đánh răng, rửa mặt. Xếp lại giường ngủ cho gọn gàng. Sửa soạn sách vở, đồ ăn trưa, chào ba má, anh chị… trước khi đi học. Đến trường chào thưa thầy cô, bạn học cách lễ phép, lịch sự. Học hành tử tế, lắng nghe lời thầy cô, chơi đùa tử tế, chia sẻ nâng đỡ bạn bè yếu kém hơn em. Cám ơn Chúa Mẹ đã cho em một ngày học có nhiều ý nghĩa… Về nhà em lo làm bài, học bài trước rồi mới coi truyền hình. Em có thể giúp má dọn bàn ăn và sẵn sàng khi má cần phụ giúp…. Đọc kinh trước khi đi ngủ….
Thế nào là làm tròn bổn phận? Làm tròn bổn phận là làm một cách sẵn sàng, tự tình. Làm với giáng bộ vui tươi nhí nhảnh và với tâm hồn yêu mến, chứ không tỏ thái độ ngại ngùng, ép buộc hay hờn giỗi…. Có ai nhờ gặp lúc trái ý, phật lòng, hay đang ngăn trở việc riêng…. Nếu tốt, em ngưng việc mình để giúp người hoặc nếu không thể làm được em lựa lời từ chối khéo léo để họ cũng hài lòng.
Là Ấu Nhi ngoan, em nhớ luôn làm cho người khác là làm cho Chúa, vui với người là vui với Chúa. Có Chúa ở bên, em sẽ thấy vui vẻ cả làng.
Bây giờ các em cùng đọc to điều luật thứ 9.
C. ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO:
Ý NGHĨA DÂNG HOA.
Tháng năm tại các nước Âu Châu là tháng hoa nở đầy đồng. Họ thường gọi tháng 5 là tháng của nữ thần thực vật. Họ có thói quen tuyển chọn một thiếu nữ đẹp, trang điểm hoa tươi sặc sỡ làm hoa hậu của mùa hoa và mở tiệc tùng múa nhảy để mừng cho mùa hoa mới. Người Công giáo nhìn nhận chỉ có Mẹ Maria đáng là hoa hậu trần gian và thiên quốc, nên đã thích nghi việc tổ chức vui này vào việc  tỏ lòng tôn kính Mẹ Maria, một tạo vật đẹp lòng Thiên Chúa nhất, bằng cách thi nhau đi hái hoa về làm thành những kiệu hoa tuyệt đẹp rồi đi rước hoa, đồng thời cũng rước Đức Mẹ là nữ hoàng muôn hoa nữa. Tại Việt Nam, từ khi được đón nhận Đức tin Công giáo, các nhà truyền giáo Tây phương cũng gieo vào lòng các tín hữu lòng tôn sùng quí hoá này, nên từ đầu Giáo Hội Việt Nam đã dành tháng hoa để tôn kính Mẹ cách đặc biệt.
Tháng hoa ngày nay vẫn là tháng sốt sáng nhất của các Kitô hữu Việt Nam. Trong tập tục của Thiếu Nhi Thánh Thể cũng có thói quen tổ chức rước kiệu Mẹ, dâng hoa kính Mẹ rất trọng thể để các em có dịp tỏ lòng kính yêu Mẹ mình. Trong các sa mạc kết thân, các Đoàn cũng hay dành một đêm cho việc tôn kính này gọi là “Đêm Thánh Mẫu”. Đó là việc biệt kính tôn vinh Mẹ trong Phong trào, nhưng nhiều Cha Tuyên Úy còn khuyên các em mỗi ngày hái một bông hoa cắm trước ảnh mẹ để tỏ lòng kính yêu mẹ nữa. Em nào chưa làm, xin đừng bỏ qua thói quen tốt này hôm nay.
LỜI TÂM NIỆM:
Để kính yêu Đức Mẹ, em sẽ hái dâng Mẹ
một bông hoa hy sinh thật đậm đà ngày
hôm nay. Xin Mẹ nhắc nhớ con luôn.


D. SINH HOẠT CHUYÊN MÔN:



TÂM NIỆM:
NHIỀU CỦA CẢI
Bảo đảm sự sống đời đời chăng (Lc 12:15)
Trưởng đọc cho các em nghe đoạn Phúc Âm Thánh Luca 12:15… đoạn suy niệm cho các em theo tư tưởng sau đây:
Đoạn Phúc Âm hôm nay các em vừa nghe kể lại chuyện người nhà giàu tìm mọi cách thu nhặt cho đầy của cải rồi nghĩ rằng mình đã giàu có đủ để ăn chơi mà không nghĩ lúc đó Chúa gọi về, ông phải từ bỏ hết mọi của cải mà suốt đời ông tìm cách chiếm giữ. Ông ra đi tay không chẳng mang theo được gì, ngay cả bộ áo ông mặc cũng không.
Thánh Phaolô nhắc cho dân thành Côlôsê rằng: “mọi sự trần gian đều chóng qua chóng hết… Anh chị em phải tìm cách tích trữ của thiêng liêng cho đời sau, đừng tham lam tìm tiền bạc mà bỏ phụng sự Chúa, bỏ đi lễ, bỏ đọc kinh. Ai có nhiều tiền, hãy hưởng dùng, lại phải dành một phần giúp người nghèo, giúp kẻ thiếu ăn thiếu mặc. Anh chị em làm thế là làm cho Chúa và đáng được phần thưởng sau này. Hãy sống đạo tử tế, hãy nhân từ, nhịn nhục, hãy thứ tha, thương yêu mọi người…. Làm như thế là anh em đã tích trữ vào kho tàng nước trời. Đến khi Chúa gọi về trời, anh chị em tha hồ mà dùng”.
Các em bắt chước các Thánh sống cho Chúa, hy sinh cho mọi người, để dành của thiêng liêng cho đời sau.
Ấu Nhi giống Chúa Giêsu,
Vâng lời nhịn nhục cân cù hy sinh.
Mỗi ngày em nhớ nhủ mình,
Vâng yêu cha mẹ và Huynh trưởng Đoàn.

BÀI MƯỜI MỘT
A. HỌC HỎI THÁNH KINH:
SAOLÔ ĐƯỢC CHỌN LÀM VUA ISRAEL
1. Samuel họp các chi tộc Israel lại. Ông dạy họ rằng: “Đây là người Thiên Chúa đã chọn để làm vua anh em”. Lập tức dân chúng reo lên “Vạn tuế Đức vua”.
2. Saolô được chúc an và trở thành Đức vua với quân lính đầy uy thế. Vua hướng dẫn con cái Israel tiến vào trận chiến, chống lại quân Philitinh.
3.      hắng trận nhiều nên dần dần nhà vua không vâng theo ý Chúa nữa. Samuel đã thưa vua rằng: “Chúa đã ban cho vua cai trị nhà Israel, nhưng từ nay ngai vàng ấy sẽ không còn nữa”.
HỌC HỎI:
1/ Tại sao dân Israel lại muốn có vua cai trị?
2/ Ai đã được Chúa chọn làm vua dân Israel?
3/ Vua Saolô có biết ơn Chúa không? Tại sao?
4/ Vua đã tỏ thái độ thế nào với Chúa?
5/ Tại sao Chúa muốn bỏ vua Saolô đi?
CÂU HỎI HỌC ÔN:
11/ Chúa gọi Môisen ở đâu? Chúa bảo ông làm gì?
12/ Ăn lễ vượt qua là ăn thế nào?
13/ Kể một phép lạ Moisen làm cho dân chúng? Em nào biết chuyện khác ông Moisen đã làm?
14/ Anh ông Moisen tên là gì?
15/ Ngọn núi Chúa trao 10 giới luật tên là gì?
16/ Kể  chuyện dân Do Thái đúc bò vàng để thờ?
17/ Em nhớ được bao nhiêu các chi tộc Israel?
18/ Ông Moisen chết trên núi nào? Tại sao ông không được vào đất hứa?
19/ Ai dẫn dân Do Thái vào đất hứa? Đất hứa tên là gì?
20/ Ai kể được chuyện ông Samson?
B. HỌC HỎI PHONG TRÀO:
ĐIỀU LUẬT THỨ 10
Ấu Nhi thực hiện hoa thiêng,
Chép ghi mỗi tối, cộng biên mỗi tuần.
Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể chú ý đến 2 phương tiện giáo dục tuổi Ấu Nhi là: Phương diện tự nhiên và phương diện siêu nhiên, hầu giúp các em trở thành người Công giáo hoàn hảo và thành người công dân tốt.
Để giúp các em tiến dần từ em Ấu sốt sáng tới em Ấu đạo đức, từ em Ấu đạo hạnh tới em Ấu hoàn thiện và cao độ hơn (nên thánh). Phong trào dạy các em sống kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể bằng cách thực hiện các việc làm hằng ngày với Chúa và vì Chúa để Ngài thánh hoá và biến đổi em thành em Ấu thiện hảo. Để giúp em vui đời hy sinh và thích hiến thân làm việc với Chúa đó là thực hiện bó hoa thiêng.
Vậy bó hoa thiêng là gì? Bó Hoa Thiêng là cuốn sổ kho, ghi lại kết quả một số việc đạo đức mà em thực hiện được trong ngày. Thí dụ đọc kinh sáng tối, đọc 3 kính kính mừng khi đi hoặc về học, ngoan với ba má, thầy cô, vui giúp bạn bè, giữ sạch sẽ sách học, không đánh em, thu dọn đồ chơi sau khi em bé bày ra…
HÌNH THỨC SỔ KHO HOA THIÊNG:

                                                                                  
Tối đến em xét mình và ghi vào sổ kho (số lần) những việc em đã làm với Chúa và vì Chúa, để biết sự cố gắng nên hoàn thiện của mình mỗi ngày và tìm cách cố gắng hơn trong ngày hôm sau.
Trưởng nên khích lệ và khen em mỗi cuối tuần để em thêm phấn khởi tiến thân. Nhờ phương thức này Trưởng tập cho em  quen làm lành và dễ hy sinh vì Chúa khi gặp khó trong đời.
C. ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO:
Ý NGHĨA ĐÊM HALLOWEEN
Đêm Halloween được gọi là đêm vui của tuổi trẻ. Vào thờ cổ xưa (từ năm 43 Dương lịch) tại Âu châu đêm này thường được tổ chức vào trước lễ các Thánh (31 tháng 10). Người Âu châu quan niệm rằng trước đêm mừng kính các Thánh, hồn các người đã chết (cả kẻ lành người dữ) sẽ chỗi dậy để chung vui nếu là hồn lành, để xin cầu nguyện và cứu giúp nếu là hồn còn đang phải tẩy luyện, để quấy phá nếu là hồn tội lỗi bị lưu đày đời đời. Đêm này được gọi là đêm vong hồn – Halloween – đêm hiện về.
Đêm nay các em là vai chính, các em hoá trang thành hồn mà em thích, từ hồn kẻ dữ đến người lành, từ hồn vua Chúa đến thứ dân, từ hồn kẻ giàu đến kẻ nghèo…. Các em vui trong một thế giới huyền bí và kỳ quái. Các em đi khắp đường phố để la để hét, để diễn lại những cảnh khổ đau, vui sướng của các hồn.
Để mua vui cho các em, cha mẹ thường cho các em kẹo, bánh khi các em tới chơi nhà bạn. Sau này việc cho kẹo biến thành thói quen, em nào đến nhà gõ cửa cũng được kẹo. Để tỏ lòng biết ơn, các em hò reo  vui vẻ, nhất là khi được nhiều. Có người còn bày trò vui, đố hỏi các em để khen thưởng nữa.
Trải qua bao tháng năm dài, nhiều hình thức vui bị lạm dụng, nhất là những trẻ em thiếu giáo dục, lợi dụng những ngày vui để quấy phá, chọc giận chòm xóm với lời thách thức: “Muốn phá hay muốn vui”. Hành động đó làm nhiều người tức giận khiến nhiều em bị hại thù cách oan uổng.
Thiếu Nhi Thánh Thể cũng có đêm vui tương tự gọi là đêm Tử thần với mục đích giúp các em học hỏi về những sự đời sau: Sự sống, sự chết, phán xét, thiên đàng, hoả ngục, ma quỉ, tội lỗi, hạnh phúc, hình phạt… qua trò chơi Đêm tử thần hiện về (Halloween). Kết thúc đêm Tử thần bằng hoạt cảnh phán xét và hạnh phúc thiên đàng. Tất cả lồng dưới hình thức học hỏi, rút kinh nghiệm và giờ cầu nguyện cho kẻ đã qua đời.
D. ĐỜI SỐNG ĐỨC DỤC:
EM LÀ NGƯỜI VIỆT NAM
Em là người Việt Nam, vì cha mẹ em là người Việt Nam. Các Ngài đã truyền sang em cùng giòng máu thắm ngọt ngào, cùng làn da vàng dị biệt, cùng giáng vóc đan thanh, cùng phong cách dân tộc.
Ngày nay người Việt Nam hiện diện trên khắp thế giới, trước mặt muôn người muôn nước, em mới thấy hãnh diện về dân tộc mình. Hãnh diện về làn da vàng nghệ, về vóc giáng đan thanh, hãnh diện về trí thông minh, về tình tự dân tộc. Em yêu quê hương Việt Nam vì chính từ giòng máu ấy em được tạo thành.
HỌC HỎI:
1/ Làm cách nào để phân biệt em là người Việt Nam?
2/ Em hãy kể những màu da em thấy.
3/ Tập viết: EM LÀ NGƯỜI VIỆT NAM.
4/ Tập vẽ : Cô gái Việt Nam.
E. SINH HOẠT CHUYÊN MÔN:
CÁCH SỬ DỤNG DẤU ĐI ĐƯỜNG (tiếp theo)
B. DẤU ĐƯỜNG NHÂN TẠO:
Dấu đi đường nhân tạo là loại dấu dùng các vật liệu nhân tạo như than, phấn, sơn… để vẽ trên đường, trên tường nhà, thân cây, trên giấy trắng… Dây vải màu để cột trên cây.
C. CÁCH ĐÁNH DẤU ĐI ĐƯỜNG:
1/ Luôn đánh dấu bên phía tay phải.
2/ Đánh trong khoảng hạn định: từ mặt đất lên tới ngang tầm mắt thôi.
3/ Không đặt quá xa lối đi. Xa nhất khoảng 2 thước tây.
4/ Khoảng cách 2 dấu xa nhau tối đa 5 thước tây.
5/ Các dấu luôn đánh rõ ràng, không quá khó tìm nhưng cũng không quá dễ tìm thấy làm mất hào hứng.
6/ Không đánh dấu trên các vật di chuyển hoặc dễ di động như: Xe hơi bên đường, thùng rác… vì có thể làm mất hướng đi.
7/ Không nên hủy bỏ dấu đã tìm thấy, vì có thể người đi sau sẽ bị mất liên lạc.
CỨU THƯƠNG:
KHÁI NIỆM VỀ VI TRÙNG
Vi trùng là gì?
Vi trùng là loài sinh vật bé li ti, chỉ nhìn thấy qua kính hiển vi. Chúng là nguyên nhân gây ra nhiều chứng bệnh. Chúng sống rất nhiều trong thiên nhiên. Da là cơ quan bảo vệ vi trùng xâm nhập cơ thể, nhưng trên da và trên các đồ vật lại có rất nhiều vi trùng. Một khi chúng đã đột nhập được vào cơ thể qua vết thương, chúng sẽ làm độc vết thương. Nếu không chữa trị kịp thời, chúng có thể làm chết người. Việc săn sóc vết thương lần đầu tiên sẽ làm giảm bớt sự nhiễm trùng và giúp cho vết thương mau lành.
Có cần giữ vệ sinh không?
Giữ vệ sinh cơ thể là điều rất cần thiết để người được khoẻ mạnh. Em cũng phải rửa tay khi dơ bẩn bằng sà bông, nhất là giữ các khe móng tay, móng chân sạch các chất bẩn. Khi bị thương, em phải rửa sạch vết thương bằng nước lạnh trước hoặc bằng thuốc sát trùng rồi băng lại bằng băng cá nhân sạch. Các loại này có bán trong các hiệu thuốc tây.
HỌC BIẾT VỀ PHƯƠNG HƯỚNG
Không gian được chia ra làm bốn phương chính là Đông, Tây, Nam, Bắc. Để việc nhận hướng được chính xác hơn, người ta còn chia ra thêm bốn hướng phụ nữa là Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, Tây Nam.
Có nhiều cách định hướng khác nhau, nhưng có hai cách hợp với chúng ta là phương pháp coi ánh mặt trời và phương pháp coi địa bàn.
A. Định hướng bằng cách nhìn mặt trời:
Mặt trời luôn luôn mọc từ hướng Đông và lặn về hướng Tây. Nếu em  đứng thẳng, giang tay ra và mắt nhìn về phía mặt trời mọc ban mai là hướng Đông, sau lưng em là hướng Tây, phía tay phải em là hướng Nam và tay trái em là hướng Bắc.
B. Định hướng bằng cách xem địa bàn:
Địa bàn là vật dụng để xem phương hướng. Trên địa bàn hình tròn, xung quanh ghi rõ các hướng Đông, Tây, Nam, Bắc…. Chính giữa tâm là trục quay của địa bàn. Một cây kim nằm ngang, có thể tự do quay tròn xung quanh trục. Đầu cây kim có dính chất nam châm, chất này có đặc tính là luôn luôn hướng về phía Bắc. Em nhìn mũi kim chuyển động và dừng lại khi nó chỉ đúng hướng bắc. Từ đó em có thể đọc được các hướng ghi rõ trên địa bàn.

BÀI MƯỜI HAI
A. HỌC HỎI KINH THÁNH:
CHÚA CHỌN ĐAVÍT LÀM VUA
1. Chúa phán dạy Samuel rằng: “Ta đã cất ngai vàng khỏi tay vua Saolô và trao cho vị tân vương, đó là một trong những người con của Jesse. Hãy đi báo cho Jesse hay chuyện đó và Ta sẽ ở cùng ngươi”.
2. Samuel đến gặp Jesse tại làng Belem; Ông giới thiệu bảy người con trước mặt Samuel, nhưng không ai được chọn. Samuel hỏi Jesse: “Ông chỉ có ngần ấy con thôi sao?” Ông đáp lại: “Còn một thằng út đang chăn chiên ngoài đồng”.
3. Samuel bảo ông: “Hãy gọi nó về đây”. Jesse đưa con tới. Cậu là một chàng trai tuấn tú. Thiên Chúa bảo Samuel: “Hãy chỗi dậy, xức dầu cho nó vì đây là kẻ Ta chọn”. Samuel chỗi dậy, xức dầu (tấn phong cậu làm vua) trước mặt các anh em. Từ ngày đó Thánh Thần Chúa hằng gìn giữ Đavít.
HỌC HỎI:
1/ Chúa thường chọn những người thế nào?
(Chúa thường chọn những người tốt, có lòng với tha nhân, biết kính thờ Chúa và tuân theo các điều Ngài dạy).
2/ Có bao nhiêu bậc ơn gọi?
a/ Ơn gọi thừa hành tác vụ Thánh (tự nguyện sống độc thân – Chức Linh Mục).
b/ Ơn gọi (tự hiến mình sống độc thân) làm Tông đồ bằng gương sống thánh thiện, làm việc truyền giáo, cộng tác với Linh Mục trong việc thi hành chức vụ Thánh (Tu sỹ nam nữ).
c/ Ơn gọi (sống đời gia đình) thánh thiện giữa đời và cộng tác chia sẻ các tác vụ của Tu sỹ và Linh Mục (Thầy Sáu vĩnh viễn giáo dân).
d/ Ơn gọi sống đời gia đình để tăng số con cái và làm việc truyền giáo bằng gương sáng: Sống đạo, cộng tác làm việc tông đồ giáo dân, dạy dỗ con cái và phục vụ xã hội.
3/ Chúa làm gì cho người Chúa gọi?
(Ban ơn Thánh riêng cho từng bậc. Gìn giữ và giúp họ thi hành chức vụ mình cách xứng đáng).
4/ Khi làm trọn nhiệm vụ Chúa trao trong bậc mình thì được lợi gì?
(Được bình an, hạnh phúc tâm hồn, được gấp trăm ở đời này và được hạnh phúc thiên đàng đời sau).
B. HỌC HỎI PHONG TRÀO:
Ý NGHĨA VÀO SA MẠC
Sau khi Chúa giải thoát dân Do Thái khỏi ách nô lệ và đưa họ ra khỏi Ai Cập, họ truyền cho Moisen dẫn họ đi qua rừng vắng, sống giữa cảnh thiên nhiên suốt 40 năm trời. Chính nơi cảnh thiên nhiên này Ngài đã huấn luyện cho họ từ thân phận nô lệ, nhu nhược hèn nhát, cuồng tín dị đoan… trở thành một dân riêng tài trí, thành thạo, thông minh lanh lợi, can trường, dũng mạnh, tin tưởng và thắng lướt mọi khó khăn trên đời. Chúa đã huấn luyện họ thành một dân hùng mạnh trước khi giao đất hứa cho họ.
Ngày nay Phong trào cũng dùng cảnh thiên nhiên làm môi trường huấn luyện người Thiếu Nhi Thánh Thể nên những tông đồ hoàn thiện và nhiệt thành phục vụ tha nhân. Môi trường thiên nhiên với núi non hùng vĩ, với lá hoa thơ mộng, với thanh âm thanh thoát, với thiên nhiên thanh vắng… gọi là Sa mạc. Vào sa mạc để quên đi những bận rộn, mệt nhọc, thoát khỏi cảnh ồn ào, bon chen, sống thoải mái, gần với thiên nhiên, lấy lại sức lực thể xác và quân bình tinh thần.
Nơi sa mạc chúng ta vừa nghỉ ngơi giải trí vừa chơi vui thoả thuê, vừa khám phá thiên nhiên, vừa ôn luyện và tìm tòi học hỏi thêm…. Chúa không vô tình dẫn dân Do Thái đi vào sa mạc suốt 40 năm để hành hạ họ, nhưng để đào luyện họ nên dân riêng. Ngày nay Phong trào cũng dùng sa mạc để giải trí, tìm hiểu, hướng dẫn và huấn luyện đoàn viên nên con riêng của Chúa.
C. ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO:
NGÀY DÀNH CHO BỐ (Thầy, Ba)
Công cha như núi Thái Sơn.
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Câu ca dao đó nói hết được ý nghĩa của ngày dành cho các ông bố. Đây là ngày ghi nhớ công ơn của các đấng làm cha, làm thầy. Công ơn người mẹ ví như nước trong nguồn suối chảy ra không bao giờ cạn, thì công ơn nuôi dưỡng của người cha cao ví như ngọn núi, không bao giờ với tới.
Trong gia đình của người Việt Nam vị trí của người cha rất quan trọng. Người cha là trụ cột trong gia đình là chỗ dựa vững chắc nhất không gì có thể thay thế được. Dân gian cũng đã có câu: “Con không cha như nhà không nóc”. Do đó chúng ta phải cố gắng học tập, phải vâng lời cha, không nên làm cho cha buồn lòng.
D. ĐỜI SỐNG ĐỨC DỤC:
TÔI YÊU QUÊ TÔI
Quê hương tôi là nước Việt Nam, là cửa ngõ dẫn vào các nước. Bởi thế quê tôi được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông (của vùng Đông nam châu Á).
Quê hương tôi có hình cong chữ S, Bắc giáp Trung Quốc, Nam giáp Vịnh Thái Lan, Đông giáp Thái Bình Dương và Tây giáp Ai lao, Cao miên.
Quê hương tôi không rộng nhưng dài, và trải dọc ven bờ Thái hải. Quê hương tôi đã xuất hiện từ bao ngàn năm trước, và danh còn lưu mãi với non sông. Quê hương tôi ba miền lãnh thổ cùng giòng huyết thống Rồng Tiên, cùng chung vui sắc thái dân tình (phong tục tập quán).
Quê hương tôi đã vượt trên bốn ngàn năm bất khuất. Hùng khí ấy đáng tôi yêu và quí mến: Việt Nam tôi. 
HỌC HỎI:
1/ Theo truyện kể thì người Việt Nam là con ai?
(Con Rồng cháu Tiên – Kể chuyện Lạc Long Quân và Âu Cơ).
2/ Vua nào là người dựng nước được mọi người Việt Nam gọi là ông tổ? (Vua Hùng Vương).
3/ Kể đặc tính y phục của 3 miền.
4/ Vẽ hình nước Việt Nam
5/ Tìm một điểm đặc biệt của Việt Nam mà em thích.
E. SINH HOẠT CHUYÊN MÔN:
DẤU MẬT THƯ
Mật thư là bản tin mà Trưởng muốn em đọc và thực hiện. Bản tin này được viết bằng một trong các loại Mật mã và được dấu kín để em tìm ra mà thực hiện.
Mật mã cũng có mục đích luyện cho trí khôn tinh anh, suy luận chính xác, luyện óc phán đoán tinh tường, luyện chi thể lanh lợi. Tìm ra được mật thư, em sẽ cảm thấy tâm hồn sung sướng và hãnh diện về khả năng tìm tòi của mình.
Mật thư thường được dấu trong khu vực chơi, trong gốc cây, hốc đá, bờ tường, đống đất mối…. Nhưng không bao giờ dấu trên cao ngang đầu người, không khó tìm quá mà cũng không hiểm trở quá với trình độ của em.
Mật thư luôn được dấu trong khoảng cách đã được ghi rõ trên bàn chỉ dẫn mật thư. Khi nhìn thấy dấu chỉ nơi cất mật thư, em không nên cầm lên xem hoặc xê dịch khỏi vị trí, để khỏi bị thất lạc hướng tìm. Trong khi tìm, em luôn để ý kiểm soát lại hướng để mật thư, đừng tìm lung tung để sinh nản chí.
Chìa khoá ghi trong mật thư là điều quan trọng. Nếu thấy chìa khoá không rõ, khó hiểu…. Em phải hỏi Trưởng để được chỉ dẫn, đừng nóng lòng cũng đừng tự ái, nhưng hãy kiên nhẫn tìm hiểu. Em hãy nhớ câu châm ngôn này: “Có khó mới có khôn” để kiên tâm học hỏi.
THỰC TẬP:
1/ Ôn lại cho các em những loại mật mã đã học.
2/ Dạy thêm cho các em loại mật mã mới.
3/ Cho chơi trò chơi để áp dụng.

BÀI MƯỜI BA
A. HỌC HỎI KINH THÁNH:
ĐAVÍT CHIẾN ĐẤU VỚI GOLIAT
1. Thiên Chúa đã chọn Đavít làm vua, Ngài là vị quốc vương lớn nhất các vua Do Thái. Đavít là con út của ông Jesse thuộc chi họ Juda, là chú chăn chiên nhưng cũng là nhạc sỹ và văn sỹ nữa.
2. Khi Đavít nghe tin tướng Goliat thách đố, chàng liền đến xin vua Saolô cho phép mình đi đánh tướng Goliat. Vua Saolô bảo Đavít rằng: “Không… (vua lắc đầu), Goliat là quân tướng đã từng chiến đấu nhiều từ hồi còn nhỏ. Con còn non quá”. Đavít tâu vua: “Con đã từng giết được sư tử thì con cũng có thể giết được tên Goliat này chứ. Có Chúa gìn giữ con khỏi tay quân Philitinh này mà”.
3. Nhà vua (gật gù) đáp: “Được… Con hãy làm đi, Xin Chúa ở cùng con”. Đavít nhặt gậy đi ra. Cậu đi nhặt 5 viên sỏi dưới khe suối, bỏ vào túi rồi cầm cây ná (bắn chim) tiến lại phía Goliat.
4. Goliat xông tới đánh, Đavít thò tay vào túi lấy viên sỏi tra vào ná, dương lên nhả trúng vào trán hắn. Goliat bị đạn té nhào xuống đất mà chết.
5. Thế là tin Đavít thắng trận cứ thế đồn ra khắp dân gian. Đavít mới là vị đại anh hùng. Nghe lời đó, vua Saolô đâm lòng ghen tị cùng Đavít và tìm dịp giết cậu. Đavít biết vua âm mưu hại mình nên đã vào rừng lẩn trốn.
HỌC HỎI:
1/ Cho các em kể lại chuyện Đavít giết Goliat.
2/ Cha của Đavít tên gì? Ông có mấy anh em?
3/ Đavít có những tài nghệ nào?
4/ Em có những tài nghệ nào?
B. HỌC HỎI PHONG TRÀO:
VÀO SA MẠC CẦN MANG GÌ
Để thời gian sống trong sa mạc được thoải mái, khỏi thiếu thốn, các em nên đem theo những vật dụng cần thiết sau đây:
- Đồ vệ sinh cá nhân: khăn mặt, thuốc và bàn chải đánh răng, khăn tắm, sà bông rửa tay, bình đựng hay ly uống nước, bát, muỗm dĩa…
- Đồ thay đổi như: Quần áo lót, quần áo thường để thay đổi, đồng phục phong trào, giày dép, đồ hoá trang lửa thiêng, mũ, áo ấm…
- Săn sóc sức khỏe: thuốc cảm, thuốc đau bụng, dầu gió, băng thuốc cá nhân…
- Các vật dụng khác: Dao nhỏ, kéo, giấy màu, keo gắn, tài liệu chuyên môn…
Ngoài ra còn các đồ chung đội, chung đoàn như lều, gậy, cọc, dây, kìm búa bổ củi, đồ nhà bếp…
C. ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO:
SUY NIỆM LỜI CHÚA
1/ Suy niệm Lời Chúa là gì?
Suy niệm lời Chúa là tìm biết ý Chúa muốn em thực hiện.
2/ Muốn suy niệm lời Chúa em phải làm gì?
a/ Trước tiên em phải làm dấu Thánh giá trên mình. Em cầu xin Chúa soi sáng cho em biết điều em phải làm.
b/ Sau cầu nguyện, em mở sách Thánh và đọc. Đọc cho đến câu nào em cảm thấy hay thì dừng lại. Thí dụ: “Con phải sống đơn sơ như con chim bồ câu…”
c/ Em tự đặt câu hỏi: Chúa dạy em điều gì qua câu đó? Sau đó em tìm cách trả lời: Chúa dạy em… (sống đơn sơ, dễ dạy).
d/ Em thực hiện câu đó thế nào trong cuộc sống
Em trả lời: Em sẽ… (nói thật chứ không nói dối), em sẽ… (nghe lời người trên cách mau mắn, không nũng nịu), em sẽ…
3/ Em quyết định sống lời Chúa thế nào?
Câu 2d là quyết định của em sống trong tuần (nói thật, mau mắn vâng lời). Em nhớ kiểm điểm mỗi tối trước khi đi ngủ. Nếu chưa làm được hôm sau làm lại.
THỰC TẬP:
1/ Trưởng đọc cho các em nghe một câu Phúc âm.
2/ Sau đó Trưởng đặt câu hỏi: Chúa muốn điều gì qua lời sách em vừa nghe? Trưởng trình bày, giải nghĩa rộng của lời Chúa vừa đọc.
3/ Tiếp theo Trưởng đặt câu hỏi: Chúa muốn em làm gì, sống thế nào? Trưởng tóm tắt ý chính để các em biết.
4/ Sau cùng Trưởng đặt câu hỏi: Em sẽ thực hiện thế nào trong tuần? Trưởng giúp các em tìm cách thực hiện.
D. ĐỜI SỐNG ĐỨC DỤC:
LÀM ƠN KHÔNG CẦN BÁO ĐỀN
Anh Chu Văn là người nhà quê lên tỉnh kiếm việc làm, trong túi không có một đồng. May gặp được bác Tám là người quen biết, nên nhờ bác tìm một nơi trú chân chờ tìm việc làm. Bác Tám cũng nghèo nhưng lòng rộng mở. Bác mời bạn về nhà ở và ân tình giúp đỡ.
Ở hơn một tháng mà vẫn chưa tìm ra việc làm. Hoạ đâu lại đến, anh Văn ốm liệt suốt hơn một tháng trời. Dầu nghèo, nhưng bác Tám cũng không quản công lao tốn kém, trông nom thuốc thang cho bạn.
Sau khi khỏi bệnh, anh Văn tìm được việc làm, anh cố để dành tiền đem lại đền trả công ơn. Bác Tám không nhận mà rằng: “Tôi giúp chú không mong chú trả ơn, miễn là sau này gặp người khác, chú cũng giúp người ta như tôi giúp chú”.
GIẢI NGHĨA:
Người có lòng rộng mở là người hay cho, hay giúp đỡ (bố thì mà không muốn được trả lại), hay nghĩ đến làm việc thiện như thấy ai nghèo khổ thì giúp, tìm việc cho làm, thấy khốn khó thì bênh đỡ, an ủi, thấy bệnh nạn thì chăm sóc, trông nom…
Người có lòng rộng mở thì khi giàu hay nghèo họ cũng đều giúp người được cả. Nghèo không có tiền nhưng có lòng tốt, khuyên răn, an ủi, chăm sóc. Giàu có tiền thì bố thí, làm việc thiện, lập cơ sở bác ái để nuôi dưỡng kẻ nghèo, kẻ bệnh, kẻ sa cơ
TÌM HIỂU:
1. Việc thiện khác với việc bố thí thế nào?
2. Người có lòng tốt hay làm những việc gì?
3. Bác Tám giúp anh Văn như thế nào?
4. Em có hay thương giúp người nghèo không?
5. Em có hay giúp đỡ bạn bè em không?
6. Người nghèo xung quanh em là những ai?
E. SINH HOẠT CHUYÊN MÔN:
DẤU ĐI ĐƯỜNG
BÀI TRẮC NGHIỆM
Dấu đường phải đánh như thế nào?
(Đánh dấu X vào các câu đúng)
Đánh bên mé đường phía tay trái.
Đánh bên mé đường phía tay phải.
Đánh không rõ để họ khỏi thấy.
Đánh rõ và không quá xa lề đường.
Đánh cao từ ngang tầm mắt trở xuống.
Đánh sai dấu để người tìm bị lạc.
Được đánh dấu đường vào các vật di chuyển như xe hơi, thùng rác…
Không dùng cây thiên nhiên làm dấu đường vì nó dễ di chuyển
Được dùng cây thiên nhiên, gỗ đá… để làm dấu đường nhưng phải để vào chỗ an toàn, dễ nhìn thấy lại không bị di chuyển.

BÀI MƯỜI BỐN
A. HỌC HỎI THÁNH KINH:
ĐAVIT LÀM VUA ISRAEL
1. Trên đường tìm kiếm Đavít, Saolô vào trong hang động nghỉ ngơi. Thấy vua ngủ say, Đavít tiến lại rút kiếm cắt vạt áo cẩm bào của vua. Khi Saolô tỉnh giấc, Đavít đến tâu vua rằng: “Sao thánh thượng lại nghĩ hạ thần mưu phản? Thực ra hạ thần đã rút kiếm nhưng không nỡ giết thánh thượng, hạ thần chỉ (tỏ lòng mình bằng cách) cắt vạt áo thôi, vì bệ hạ là vua đã được Thiên Chúa tuyển chọn”.
2. Vua Saolô lại tiếp tục chiến với quân Philitinh. Trong một trận chiến ác liệt. Cả cha con, Saolô và Gionathan cùng bị giết. Đavít khóc thương Saolô vua mình và khóc thương Gionathan là tướng quân người thân tình của mình.
3. Chi tộc Giuđa họp nhau tại Hebron và suy tôn Đavít lên làm vua. Sau đó các chi tộc khác cũng đến và tôn nhận Đavít làm vua của Israel. Đavít trị vì ngai báu trọn 40 năm trường.
4. Đavít thấy đời mình đã tàn nên thưa cùng Tiên tri Nathan rằng: “Xin Tiên tri dẫn Salomon con trẫm tới Gihon và xức dầu tấn phong hoàng tử làm vua toàn cõi Israel, cùng thổi kèn truyền cho dân hay rằng Thiên Chúa đã phong vương cho Salomon. Đoạn đưa hoàng tử về đây lãnh ngai vàng thay trẫm”. Khi mọi xong cả, Đavít từ trần và mai táng trong thành Đavít.
HỌC HỎI:
1. Đavít là người Chúa chọn làm vua nên có những đức tính nào?
2. Tại sao vua Saolô tìm giết Đavít?
3. Saolô cai trị dân Israel bao nhiêu năm?
4. Tại sao Đavít thương Jonathan? Em nào biết chuyện kể cho các bạn nghe.
B. HỌC HỎI PHONG TRÀO:
THỦ CÔNG SA MẠC
1/ Thủ công sa mạc là gì?
Thủ công sa mạc là cách dựng lều trại, trình bày hay trang hoàng khu vực góc đội của mình cho đẹp mắt, bằng những vật dụng thiên nhiên.
Thủ công sa mạc gồm:
- Dựng lều trại đúng phương pháp (theo mùa, thời tiết, hướng trại...)
- Làm hàng rào xung quanh góc đội, cổng đội, bàn ăn, đào bếp...
- Xử dụng các nút dây thông dụng cần cho việc kiến thiết lều trại.
Tất cả những điều em thực hiện đây đều với mục đích để cuộc sống ngoài trời được thoải mái. Bao giờ các em làm được đầy đủ phần thủ công sa mạc mới có thể nói được rằng em đã thành thạo nghề rừng.
2/ Lều sa mạc:
Có nhiều kiểu lều khác nhau hiện nay đã có một số loại may sẵn bằng vải chỉ việc dựng lên là được.
C. ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO:
VIỆC PHỤNG VỤ NHÀ CHÚA
1/ Các công tá c phụng vụ:
Các công tác phụng vụ trong Thánh lễ các em Thiếu Nhi nam thường là: Giúp lễ, dọn bàn thờ, đồ lễ, tiến nến. Các em Thiếu Nhi nữ thường làm là: tiến vũ lễ vật, dâng lễ vật.
Công tác cho cả nam nữ: Đọc sách Thánh, đọc lời nguyện, chăm hoa cảnh, phân phát thông tin hàng tuần, ca đoàn Thiếu Nhi.
2/ Việc đọc sách Thánh:
Đọc sách Thánh là công bố lời Chúa cho mọi người nghe, do đó em đọc sách phải có những tâm tình sau đây:
- Cầu nguyện xin Chúa cho em ý thức mình là sứ giả công bố lời Chúa trước mặt mọi người.
- Tập đọc trước để lời đọc được xuôi tai, gọn gàng dễ hiểu, giọng đọc êm dịu, ấm tiếng… Hầu lời Chúa lọt vào tai người nghe cách nhẹ nhàng, thích thú.
- Ăn mặc gọn gàng, đẹp mắt. Đi đứng khoan thai, nghiêm trang mà không gò bó… Vì em biết rằng em đang làm việc phụng vụ trước nhan Chúa và trước mặt mọi người.
D. ĐỜI SỐNG ĐỨC DỤC:
NGUỒN GỐC VIỆT NAM
Tục truyền rằng thuở ấy trên đất Việt có Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đẻ ra một bọc có trăm cái trứng, nở ra một trăm người con. Một hôm Lạc Long Quân bảo bà Âu Cơ rằng: “Nàng là Tiên nữ bởi trời còn ta là Rồng biển bởi đất. Bởi trời đất giao hoà lúc tan lúc hợp. Chúng ta chắc có ngày phải chia ly. Để thuận ý trời và để đức cho con, nàng hãy dẫn 50 con lên núi lập ấp còn ta đem 50 con xuống biển lập nghiệp”. Bàn chuyện rồi, Rồng Tiên vân vũ dẫn con đi theo mình.
Ít lâu sau Lạc Long Quân đặt con trưởng lên làm vua vùng đất Văn Lang, lấy hiệu là Hùng Vương, đóng đô ở Phong Châu và lập ra họ Hồng Bàng. Họ Hồng Bàng truyền ngôi cho con cháu hết thảy được 18 đời vua. Vì vậy mà chúng ta được gọi là con Rồng cháu Tiên, là con Hồng cháu Lạc.
HỌC HỎI:
1/ Theo sử cũ thì họ nào làm vua nước ta đầu tiên?
2/ Theo truyền sử thì Lạc Long Quân là ai? Âu cơ là ai?
3/ Ai được phong làm vua nước Nam?
4/ Vua Hùng Vương thứ nhất đóng đô ở đâu?
5/ Tập viết:
VẺ VANG THAY CON CHÁU LẠC HỒNG.
6/ Học thuộc lòng:

E. SINH HOẠT CHUYÊN MÔN:
PHƯƠNG HƯỚNG
CÁC LOẠI ĐỊNH HƯỚNG
Trưởng cho các em biết qua về cách định các hướng sau đây:
1/ Định hướng bằng gốc cây rêu mọc:
trong sa mạc, nơi rừng cây. Thường ẩm ướt và thiếu ánh sáng mặt trời, nên ở gốc cây thường mọc rêu. Muốn biết phương hướng, em tìm đến xem những gốc cây to. Nếu thấy phía nào có rêu xanh mọc lên và thấy thân cây ở phía đó  ẩm ướt hơn các chỗ khác thì hướng có rêu là hướng Bắc, sau là hướng Nam.
2/ Định hướng bằng cách nhìn mặt trăng:
Ban đêm trong sa mạc, em có thể tìm phương hướng bằng cách xem mặt trăng. Mặt trăng luôn mọc ở đàng Đông và lặn ở đàng Tây như ánh mặt trời.
Nếu xem trăng vào tuần đầu tháng (từ mừng 1 đến 15), em sẽ thấy mặt trăng non hình lưỡi liềm, hai đầu nhọn quay về hướng đông. Vào khoảng 18 giờ (tức 6 giờ chiều) trăng ở hướng Nam.
Nếu xem trăng vào ngày trăng rằm, trăng sẽ tròn và sáng, vào khoảng 18 giờ chiều trăng ở hướng Đông.
Nếu xem trăng vào cuối tháng, trăng có hình bán nguyệt khuyết, hai đầu nhọn quay về hướng Tây. Trăng lên thật muộn. Khoảng 24 giờ trăng mới xuất hiện ở hướng Đông.


                 Tr. Hạ tuần                        Trăng Rằm                       Tr. Thượng tuần
MOORSE
1/ Học ôn lại các chữ Moorse đã học
2/ Nguyên tắc đánh dấu theo Việt Ngữ:
Sắc: S . . .
Huyền : Q _ _ _ . _
Nặng: J . _ _ _
Hỏi: Z _  _  . .
Ngã: X _ . . _
3/ Cách đánh Moorse bằng cờ:
* Dấu tích: Tay phải cầm cờ đưa ngang vai. Tay trái xuôi theo thân người.
* Dấu tè: Hai tay cầm cờ đưa ngang vai.
* Hết một chữ: Hai tay bắt chéo trước ngực.
* Hết bản tin: Hai tay bắt chéo trước ngực rồi đưa lên khỏi đầu.
* Sửa soạn đánh bản tin đi: Múa cờ hình số 8.
* Đánh sai xin đánh lại: Hai tay giang rộng ra phía ngang hông.
=====//////=====

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét