Thứ Tư, 15 tháng 10, 2014

THIẾU NHI THÁNH THỂ: CHƯƠNG TRÌNH THĂNG TIẾN CẤP 3 (tập 3).

CHƯƠNG TRÌNH THĂNG TIẾN
THIẾU NHI THÁNH THỂ
CẤP 3(tập 3)

BÀI MƯỜI LĂM
A. HỌC HỎI THÁNH KINH:
TRIỀU ĐẠI SALÔMON
1. Tiên tri Nathan đã thi hành như ý vua và đã xức dầu tấn phong Slômon làm vua Israel. Trước khi Đavít từ trần, vua đã chúc phúc cho Salômon rằng "Con hãy bước đi vững mạnh trên đường Chúa dẫn đưa và hãy tuân theo giới luật của Ngài".
2. Đêm đó Chúa hiện đến cùng Salômon và dạy rằng: "Con muốn xin gì Ta sẽ ban cho" Salômon thưa cùng Chúa rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa con, Chúa đã phong cho con lên ngai hoàng đế, nhưng con chỉ là một đứa trẻ chẳng biết trị dân thế nào. Xin ban cho con đức khôn ngoan và lòng hiểu biết, để con biết xét xử và phân biệt phải trái cho dân".
3. Thiên Chúa rất mãn nguyện về lời Salômon xin và ban cho vua khôn ngoan hơn cả các vua cha ông mình và sáng suốt hơn các vua kế nghiệp mình nữa.
4. Salômon đã cai trị suốt 40 năm. Ngài đã xây đền thờ Thiên Chúa tại núi Moriah. Ngài đã lập gia đình với công chúa Pharao và yêu nhiều đàn bà ngoại đạo nữa. Điều đó không làm đẹp lòng Thiên Chúa nên khi Salômon qua đời, Thiên Chúa truất bỏ ngai vàng khỏi con cháu và trao vào tay Jerobam là kẻ bầy tôi vua.
HỌC HỎI:
1/ Vua Salômon được Chúa ban cho ơn gì?
2/ Vua xây đền thờ Thiên Chúa ở đâu?
3/ Tại sao Chúa trao ngai vàng cho Jerobam?
4/ Vua đã làm gì để Chúa không hài lòng?
5/ Ai đã xức dầu phong  vương cho Salômon?
6/ Nếu Chúa hỏi, em sẽ xin Chúa ban những gì?
B. HỌC HỎI PHONG TRÀO:
LỬA THIÊNG THÁNH THỂ
1/ Đặc tính của lửa:
Ánh lửa đầu tiên xuất hiện trong vườn địa đàng là ánh lửa phát ra từ lưỡi gươm lửa Thiên Thần Chúa xua đuổi Adam Evà ra khỏi vườn địa đàng.
Khi Aben và Cain con ông bà nguyên tổ dâng tiến lễ vật, Chúa kiến lửa bởi trời đốt cháy lễ vật và khói lòng thành bay lên tận trời cao.
Con người đã thấy lửa và biết lửa có khả năng đáp ứng nhu cầu sinh sống. Họ dùng lửa đề nấu ăn, để thiêu đốt, để soi sáng, để sưởi ấm tâm hồn…
Tóm lại lửa là lợi khí hữu ích trong đời sống.
2/ Lửa trong Thánh Kinh.
Trong Thánh kinh ta thấy Chúa dùng lửa để chứng tỏ sự hiện diện của Ngài: Bụi gai bốc lửa Moisen thấy. Cột mây, cột lửa chỉ sự hiện diện, phù trợ, hướng dẫn của Chúa nơi dân Do Thái. Lửa đốt cháy lễ vật của Noe, của Elia, thành Sodoma, lửa trên đầu các Tông đồ…. Lửa sáng trong đêm phục sinh.
3/ Lửa thiêng Thánh Thể.
Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể có nghi thức mời gọi lửa thiêng, chào mừng lửa thiêng như một lời nguyện cầu xin Chúa ngự trị giữa đêm vui, chứng kiến những tâm tình đoàn tụ, xum vầy của bầy con nhỏ trong gia đình Thiếu Nhi Thánh Thể. "Ta đem lửa từ trời xuống và ao ước cho lửa đó cháy lên trong lòng mỗi người". Lửa ấy chính là Lửa Thiêng Thánh Thể. Lửa bởi trời thời Cựu ước không còn xuất hiện. Thay vào đó có lửa Tân ước, lửa tình yêu "Thánh thể ở cùng ta mọi ngày cho đến tận thế".
Tóm lại Lửa Thiêng Thánh Thể là một phương thế dẫn đưa các em lại gần sự hiện diện của Thiên Chúa.
C. ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO:
Ý NGHĨA LỄ CHÚA NHẬT
1/ Tại sao Giáo Hội buộc dâng lễ Chúa Nhật?
Theo các Thánh Tông đồ truyền lại thì Chúa sống lại vào ngày Chúa Nhật. Do đó các ngài nhận ngày Chúa Nhật là ngày trọng thể nhất để ton thờ Chúa và mừng kính mầu nhiệm Chúa Phục Sinh. Các ngài buộc giáo hữu phải nghỉ việc ngày Chúa Nhật để làm việc thờ phượng Chúa. Do đó Giáo Hội cũng giữ truyền thống ấy và đặt vào giới luật thứ nhất trong Giáo Hội "Xem lễ ngày Chúa Nhật cùng các ngày lễ buộc".
2/ Dự lễ ngày Chúa Nhật còn có ý nghĩa gì nữa?
Ngày Chúa Nhật đi dự lễ còn là hình thức tuyên xưng Đức tin và rao truyền Chúa Phục Sinh bằng gương sống đạo nhiệt thành. Dự lễ ngày Chúa Nhật còn tỏ ra mình là con cái hợp nhất với Giáo Hội. Biết thực hành giới răn Chúa trong việc thờ phượng và kính mến Ngài nữa.
HỌC HỎI:
1/ Để tỏ lòng tôn kính Chúa Thánh Thể và lịch sự với mọi người em phải làm gì khi đi dự lễ?
- Phải sửa soạn tâm hồn, để lòng thanh thản, và làm cho mình vui từ tối hôm trước khi nghĩ đến ngày mình được đến thờ phượng Chúa với cả Giáo Hội.
- Phải sửa soạn quần áo, đồng phục (không phải đồ đi chơi, đi tắm, đi ngủ) cho xứng hợp khi đến nhà thờ.
2/ Vào nhà thờ em phải thế nào?
- Lấy nước thánh làm dấu trên mình. Bái chào Chúa Thánh Thể trên bàn thờ "Lạy Chúa con thờ lạy Chúa". Vào ghế (nếu vào trước thì vô trong) quì. Nghiêm trang và sốt sáng đọc kinh (không nói chuyện, nghịch, nhìn lung tung…) và cầu nguyện. Rước Chúa và cám ơn Chúa sốt sáng.
3/ Phải xem lễ thế nào?
- Phải cầm sách, theo dõi sách và tham dự cùng Linh Mục với cả tâm tình con thảo để tôn thờ Chúa.
- Đứng ngồi, quì… theo nghi thức Phụng vụ chung.
- Xong lễ phải bái chào Chúa trước khi ra ngoài.
CẦU NGUYỆN:
Cho các em học thuộc lòng lời cầu nguyện này.
Xin giữ con tâm hồn luôn thanh khiết,
Như bông Sen tách biệt khỏi bùn nhơ.
Con biết mình rất yếu đuối dại khờ,
Xin giúp con giữ hồn thơ trong trắng.
D. ĐỜI SỐNG ĐỨC DỤC:
KHÔNG ĐỂ NGƯỜI MUA CHUỘC
Ông Mã Vi Hàn là một vị quan đời trước. Ông nổi tiếng là người thanh liêm chính trực. Lúc còn là học trò, được người nhà giàu cho ở ăn học. Vì muốn trả thù một người chòm xóm, nên đem 10 nén vàng đến cho Hàn Vi mà rằng: "Ta biết mẹ con nhà nghèo túng, ta muốn giúp. Con hãy cầm lấy 10 nén vàng đem về cho mẹ. Ta chỉ nhờ con vu tội rằng lão Cả Nam bên cạnh đã đến nhà đánh cắp thôi".
Nghe lời ấy, Vi Hàn thưa rằng: "Thưa cụ, xưa nay con học đã nhiều mà bài học này con chưa thấy dạy". Nói rồi ông nghĩ bụng rằng: Nhà này cậy tiền cậy của, muốn mua chuộc mình làm điều gian ác. Không phải là nhà ta ở được, thà rằng mù chữ còn hơn. Đêm đó Vi Hàn bỏ đi không ở nhà đó nữa.
Người ta nên bắt chước ông Mã Vi Hàn, không bao giờ để lòng mê tham tiền của mà làm điều phi nghĩa.
HỌC HỎI:
1/ Giải nghĩa:
Thanh liêm: người có lòng trong sạch, không gian tham, hối lộ, không chịu để ai mua chuộc.
Chính trực: Lòng ngay thẳng, thấy điều không đúng là nói liền.
Vu tội: Bày tội ra mà đổ oan cho người ta.
Mù chữ: Không biết chữ vì không được học.
Phi nghĩa: Làm điều ác, có hại cho người khác.
2/ Điều luật thứ mấy của Thiếu Nhi nói về chuyện này?
3/ Có nên thù oán và làm điều xấu hại người ta không?
4/ Câu ca dao này có ý nghĩa gì: "Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy"?
E. SINH HOẠT CHUYÊN MÔN:
BĂNG REO:
NGŨ QUAN
QT: Trời cho em đôi mắt.
TC: Để xem (Tay làm ống nhòm).
QT: Đôi tai.
TC: Để nghe (Hai tau che tai nghe ngóng).
QT: Lỗ mũi.
TC: Để thở (Lấy hơi thở).
QT: Cái miệng.
TC: Để yêu thương (Đưa tay lên hôn tay rồi thổi sang người khác).
QT: Đôi chân.
TC: Để đi (bước đều hai chân).
QT: Đôi tay.
TC: Để HOAN HÔ (vỗ tay theo điệu năm, ba).

TRÒ CHƠI:
TRÍ KHÔN VUA SALOMON
Vua Salomon được Chúa ban rất thông minh và nhớ dai. Bởi thế không mấy vị quan có thể qua mặt được Ngài. Để giúp các quan nhớ chuyện cũ, lâu lâu vua lại mở khoa thi để ôn luyện tài trí các quan. Cuộc thi như sau.
Chơi theo đơn vị Đội.
Luyện thính tai và trí nhớ.
Viết giấy cho mỗi đội.
Cho các em ngồi (ở một đầu sân) theo đơn vị đội, em nọ cách em kia một thước, làm các quan triều dự thi. Trưởng làm vua Salomon ngồi trên bệ cao ở đầu sân đối diện các quan.
Vua ra lệnh: Nhập triều. Người thứ nhất trong đội chạy lên bái kính vua và nghe vua ban đề thi . Sau khi nhận đề thi, người này chạy về nói nhỏ vào tai cho người thứ 2, người thứ 2 xuống nói cho người kế tiếp. Đến người cuối cùng lấy bút viết bài thi đã nghe được lên giấy và chạy lên trao cho vị quan cận thần để vua chấm. Vua sẽ đọc bài vua ra và đọc bài thí sinh nộp. Bài nào chép đúng được kể là quan có trí khôn xuất sắc.



BÀI MƯỜI SÁU
A. HỌC HỎI THÁNH KINH:
CÁC TIÊN TRI
SAU THỜI VÀNG SON CUA ISRAEL
1. Triều đại vàng son của Israel đã hết. Mười trong mười hai chi tộc bị phân rẽ và lập các vương quốc riêng. Phía Bắc là vương quốc Israel dưới quyền cai trị của Jeroboam, là người đốc công xây cất của vua Salomon. Phía Nam là quốc vương của Tộc Juda.
2. Dân Israel sớm bỏ Thiên Chúa vì các tượng bò Jeroboam dựng trong các thành. Thiên Chúa sai các tiên tri (Elia, Elia giữa thế kỷ thứ 9 và Tiên tri Amos, Hosea giữa thế kỷ thứ 8) khiển trách vua Chúa và tỏ cho dân con đường hối cải, nhưng đều bị từ chối không nghe.
3. Vào năm 721 người Syria sang đánh Israel, bắt dân chúng đi đày và đưa dân ngoại tới chiếm cứ đất đai của họ. Trong thời Israel phía Bắc bị tận diệt, thì vương quốc phía Nam do Hezekien cai trị, được Tiên tri Isaia, Jeremia và Josia chỉ giáo. Các ngài giúp dân Chúa phục hồi việc thờ Thiên Chúa và tuân giữ giới luật của Người.
4. Năm 598 Nebuchadnezzar cai trị dân xứ Babylon đem quân chiếm đất Jerusalem và bắt dân đi lưu đày. Họ đốt đền thờ, các dinh thự và phá sập các tường thành. Hòm Bia giao ước bị mất tích và không bao giờ thấy nữa.
5. Họ cũng cấm cản việc tôn thờ Thiên Chúa. Những ai bất tuân lệnh đều bị giết hết. Rất nhiều người được phúc tử đạo trong triều đại này, chẳng hạn như Eleaza (từ chối ăn đồ cúng), Bảy mẹ con bà Maccabêu, Mathathia cùng năm con trai…
6. Đến năm 63, Đại đế Pompay cai trị đế quốc Rôma. Tiếp đến là đại đế Herod, người tìm lùng giết con trẻ Giêsu.
B. HỌC HỎI PHONG TRÀO:
LỬA THIÊNG THÁNH THỂ
3/ Mục đích của Lửa thiêng Thánh Th
Phong trào dùng đêm lửa thiêng Thánh Thể như một phần chương trình huấn luyện về hai phương diện siêu nhiên và tự nhiên:
a/ Siêu nhiên:
Lửa thiêng với các nghi thức thấm nhuần tinh thần tôn giáo, giúp Đoàn viên nhìn nhận quyền năng Chúa hằng thể hiện trên mọi việc Ngài làm (Lửa, ánh sáng, sức nóng, nhiên liệu…). Biết khai thác nguồn phong phú của Thánh Kinh qua các tiết mục trình diễn. Biết hướng lòng về Chúa và ca ngợi kỳ công của Người đã làm cho dân Ngài (kịch, hoạt cảnh thánh kinh).

b/ Tự nhiên:
Biết tạo niềm vui cho nhau qua những phút giây đoàn tụ vui cuối ngày. Biết làm phát triển các năng khiếu tự nhiên (như hoạt bát, lanh lợi, bạo dạn, khéo léo…) nơi mình và thu nhận tài khéo của bạn. Biết học hỏi và khai triển tiềm năng phong phú chứa đựng trong Thánh kinh, qua gương thánh hiền, cái đức của tiền nhân, của lịch sử…
C. ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO:
THIÊN THẦN BẢN MỆNH
1/ Thiên Thần là loài nào?
Thiên Thần là loài thiêng liêng Chúa dựng nên chuyên lo việc phụng vụ. Các ngài được Thiên Chúa sai đi làm việc cho Chúa.
2/ Có bao nhiêu phẩm Thiên Thần?
Có rất nhiều phẩm Thiên Thần  và được chia thành 9 phẩm loại (cơ binh) khác nhau. Mỗi cơ binh giữ một phần vụ (việc) riêng. Tên các Thiên Thần không gọi do bản tính, nhưng gọi là chức vụ. Các Thiên Thần thường được nhắc đến là: Micael, Raphael, Gabriel, Uriel, Seraphim, Kerubim.
3/ Các Thiên Thần làm những việc gì?
Các Thiên Thần là các sứ giả của Chúa sai đi loan báo tin vui, chăm sóc gìn giữ loài người, giúp đỡ dẫn đưa kẻ lành, xua đuổi sự dữ, bênh vực cho em trước toà Chúa, soi sáng các sứ ngôn…
Trên thiên đàng các ngài dâng lời chúc tụng, chiêm ngưỡng và thờ lạy Thiên Chúa, tháp tùng và phục vụ Đức Mẹ và các Thánh…
4/ Thiên Thần Bản mệnh là ai?
Là Thiên Thần Chúa dành riêng cho sóc em từ lúc vào đời đến khi về trước toà Chúa. Ngài ở luôn bên em từng giây phút để săn sóc, giúp đỡ, chỉ dẫn, khuyên nhủ em làm lành lánh dữ. Ngài buồn khi em làm lỗi, ngài vui khi em làm lành…
5/ Em phải làm gì với Thiên Thần bản mệnh của em?
Em phải luôn nhớ ơn Ngài, cầu xin ngài giúp đỡ, soi sáng cho em làm đẹp ý Chúa. Tôn kính ngài và sẵn sàng nghe ngài đánh động trong lòng. Lại phải mừng lễ ngài cách sốt sáng nữa.
D. ĐỜI SỐNG ĐỨC DỤC:
SƠN  TINH THỦY TINH
Tục truyền rằng vua Hùng Vương thứ mười tám có nàng công chúa rất xinh. Sơn Tinh và Thủy Tinh đều muốn hỏi làm vợ.
Hùng Vương hẹn ai đem đồ lễ vật đến trước thì sẽ gả con cho. Sáng hôm sau, Sơn Tinh đến trước, lấy được vợ đem lên núi. Thủy Tinh đến sau, tức giận lắm, bèn làm mưa to gió lớn dâng nước lên đánh Sơn Tinh.
Sơn Tinh ở trên núi cao, hễ nước lên bao nhiêu thì lại làm cho núi cao lên bấy nhiêu. Thủy Tinh đánh mãi không được, phải rút về. Nhưng từ đó về sau, năm nào Sơn Tinh và Thủy Tinh cũng phải đánh nhau một lần. Khi hai bên đánh nhau thì trời mưa, nước sông dâng lên cao làm hại cả đồng ruộng, mùa màng.
HỌC HỎI:
1/ Giải nghĩa các chữ khó:
Sơn Tinh: Thần trên núi.
Thủy Tinh: Thần dưới nước.
Đồ lễ: Theo phong tục Việt Nam, khi có người đến dạm vợ, cha mẹ sẽ ra điều kiện thách cưới. Nếu nhà trai chấp nhận điều kiện thách cưới thì đưa đến để xin cưới. Các đồ thách cưới ấy gọi là đồ lễ.
2/ Đại ý bài nói gì?
Vì tại Việt Nam hàng năm đều có mưa to gió lớn, nước sông dâng lên ngập cả cánh đồng, làm cho dân gian mất mùa, đói khổ, người ta đổ cho thần mưa thần gió muốn làm hại dân làng, nên đặt ra chuyện này để truyền lại cho con cháu.
3/ Đọc cho các em tập viết một đoạn ngắn để quen viết.
4/ Tập viết: "Sau cơn mưa trời lại sáng".

E. SINH HOẠT CHUYÊN MÔN:
MẬT MÃ QUỐC NGỮ ĐIỆN TÍN
Mật mã quốc ngữ điện tín là dùng mẫu tự Quốc ngữ để viết bản tin, nhưng các dấu dùng theo cách (nguyên tắc) đánh điện tín.
1/ Nguyên tắc dấu:
Các dấu được đánh sau cùng các chữ bằng các mẫu tự sau:
- Dấu sắc dùng chữ S
- Dấu huyền dùng chữ Q
- Dấu nặng dùng chữ J
- Dấu hỏi dùng chữ Z
- Dấu ngã dùng chữ X
2/ Các mẫu tự có dấu được thay như sau:
Â: aa    Ê: ee                   Ô: oo       Đ: dd
Ă:aw    Ơ: ow          Ư: uw
Thí dụ thực hành:
Bản tin được viết như sau:
Ddi timq traij truwowngz ddeez nhaans tin.
Bản dịch:
Đi tìm trại trưởng để nhắn tin.
MẬT MÃ QUỐC NGỮ NGƯỢC
Loại mật mã này viết giống mật mã điện tín, nhưng phải đọc người lại, tức là đọc từ bên phải sang bên trái. Loại này cần có chìa khoá để dẫn vào.
Chìa khóa: Cá lội ngược giòng.
Thí dụ:
GNOODD SGNWOWUH QEEV JCWOWUGN
Bản dịch: Ngược về hướng Đông.

CẦU NGUYỆN:
Trưởng đánh Moorse cho các em một mệnh lệnh: các em đi tìm mật thư dấu ở ………………. mà đọc.
Mật thư viết bằng quốc ngữ điện tín như sau:
DDOCJ HAI LAANQ TRUWOWCS NHAQ TAMJ. CHUAS DAAYJ CON PHAIZ GIAAUQ LONGQ BACS AIS. YEEU THA NHAAN QUANGZ DDAIJ CHAWNGZ SO DDO. CAZ BANJ THAAN KEZ THUOOCJ LAANX KEZ THUQ, KHOONG TINHS TOANS DDUWOWCJ THUA HAY HOWN THIEETJ.

BÀI THỨ MƯỜI BẢY
A. HỌC HỎI THÁNH KINH:
LOAN BÁO GIOAN VÀO ĐỜI
1. Sau cùng, vua Sêza cầm quyền đế quốc Rôma, thống trị cả nước Judea và trao quyền cai trị cho vua Hêrôđê. Vào thời này chỉ còn một phần dân Do Thái tin vào Thiên Chúa và chờ mong Đấng Cứu Thế đến giải thoát họ. Thiên Chúa thương tình nên đã sai Con Một Ngài từ trời xuống cứu họ.
2. Hôm đó, tới phiên Thầy cả Zacharia vào dâng lễ trong đền thờ. Ngài đứng trước bàn dâng hương. Bỗng thấy Thiên Thần Chúa hiện ra đứng bên cạnh bàn thờ, Ngài hết đỗi lo sợ.
3. Thiên Thần Chúa lên tiếng bảo ngài: "Hỡi Zacharia, đừng sợ, Ta đến báo cho ngươi một tin vui, Này Elizabeth sẽ hạ sinh con trai và ngươi sẽ đặt tên con trẻ là Joan. Niềm vui hân hoan sẽ đến với ngươi và muôn người sẽ vui mừng vì con trẻ được sinh ra".
B. HỌC HỎI PHONG TRÀO:
CHUẨN BỊ LỬA THIÊNG
4/ Chuẩn bị gì cho đêm lửa thiêng Thánh Thể?
Trong đêm lửa thiêng cần chuẩn bị:
a/ Chọn khu vực để đốt lửa:
Xa rừng  cây, giữa sân cỏ bằng, rộng, dễ ngồi.
b/ Sửa soạn vật dụng:
- Sửa soạn củi và các vật dụng cần cho việc đốt lửa (diêm quẹt, đồ mồi lửa như dầu, cỏ khô…)
- Xếp củi theo một trong các cách sau đây: Hình tháp nhọn, hình nấc thang vuông, hình nhiều cạnh…
- Củi còn lại dùng dần xếp xung quanh vòng lửa.
- Dọn chỗ cho cha Tuyên Úy, các Trưởng cao cấp, quan khách tham dự. Tránh hướng gió tạt vào.
- Sửa soạn thùng nước đề phòng hoả hoạn.
c/ Quản trò (điều hành và náo hoạt của đêm lửa), quản ca (bắt hát xen kẽ các mục trình diễn), quản lửa (lo tiếp vận củi, giữ cho đống lửa cháy đều).
d/ Sửa soạn các mục trình diễn, đồ hoá trang: Kịch, hoạt cảnh, ca hát, vũ… Và làm tờ chương trình.
5/ Diễn tiến Lửa Thiêng Thánh Thể thế nào?
a/ Phần khai mạc Lửa Thiêng:
- Hướng dẫn người tham dự đứng quanh vòng lửa.
- Trưởng mời cha Tuyên Úy, quan khách tới dự.
- Người hướng dẫn đọc đoạn sách Thánh nói về ý nghĩa của lửa (Xuất Ai Cập 3:1-3; 19:16-20; Tông Đồ Công Vụ 2:1-4; Matthêu 28:1-4; Luca 2:8-11)…
- Cha Tuyên Úy hay Trưởng nói về ý nghĩa của lửa.
- Vũ mừng Lửa Thiêng.
b/ Phần trình diễn văn nghệ Lửa Thiêng: Các đội trình diễn các tiết mục văn nghệ đã được chỉ định và tập trước. Quản trò và quản ca phụ diễn xen kẽ các tiết mục vui.
c/ Phần bế mạc đêm Lửa Thiêng:
- Người tham dự đứng vai sát vai gần đống lửa
- Trưởng có đôi lời cám ơn các thành phần tham dự và cộng tác.
- Tuyên Úy hoặc Trưởng nhắn nhủ, nhắc lại ý nghĩa lửa tàn.
- Nắm tay nhau hát bài Mang lửa về tim, nhỏ dần và giải tán trong im lặng.
C. ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO:
GƯƠNG CÁC THÁNH
THÁNH BERNADETTE
Bernadette là một em gái nhỏ thuộc giai cấp nghèo trong xã Lộ Đức (Lourdes), nước Pháp. Năm 1854, khi Bernadette đang lo nhặt  củi bên hang núi, chợt thấy Đức Mẹ hiện ra đứng trên cửa hang trước mắt em. Mẹ mặc chiếc áo trắng dài, đầu trùm chiếc khăn voan xanh rủ xuống hai bờ vai… Hai chân gắn hai bông hồng. Đức Mẹ mỉm cười và mời em lần hạt Mân Côi với Mẹ.
Sau nhiều lần gặp gỡ, Mẹ dạy em công bố cho mọi người hay rằng "Hãy ăn năn tội và cầu nguyện". Mẹ còn hứa sẽ ban hạnh phúc thiên đàng cho em nữa.
Từ đó, nhiều người theo Bernadette ra hang núi lần hạt với em, nhưng họ không được diễm phúc nhìn thấy dung nhan mẹ. Mẹ lại dạy em bới đất dưới chân cho nước vọt ra, suối nước này đã chữa cho nhiều người khỏi bệnh.
Khi Bernadette hỏi tên, Mẹ ngước mắt lên trời và phán rằng: "Ta là Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Con hãy xin cha xứ xây tại đây một nhà nguyện tôn kính danh hiệu Mẹ".
Sau cùng Bernadette vào hiến thân theo ơn gọi tu trì và hy sinh chịu khổ đau suốt đời để cứu các linh hồn. Chị đã qua đời lúc ba mươi sáu tuổi.
HỌC HỎI:
1/ Bernadette là em bé thế nào?
2/ Ai đã hiện ra với em? Hiện ra để làm gì?
3/ Tên người nữ là ai?
4/ Điều nào chứng minh Người là Đức Mẹ?
5/ Đức Mẹ muốn chị làm, gì để cứu các linh hồn?
6/ Em muốn nên con Đức Mẹ không? Làm con mẹ phải thế nào?
D. ĐỜI SỐNG ĐỨC DỤC:
PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG
Về đời vua Hùng Vương thứ 6 có giặc Ân bên phương Bắc hay sang quấy nhiễu nước ta. Vua sai sứ đi khắp nước chiêu mộ người tài giỏi ra dẹp giặc.
Lúc ấy trong làng Phù Đổng có cậu bé lên ba tuổi mà chẳng biết nói, lại cũng chẳng đi được. Suốt ngày nằm ngửa trên giường. Nghe tiếng sứ giả kêu mời, cậu liền yêu cầu nhà vua đúc cho một con ngựa sắt và một cây roi sắt, để cậu đi đánh giặc.
Nhà vua cho người đúc ngựa, làm roi rồi đưa đến nhà. Cậu bé liền vươn vai đứng dậy, hoá thành người to lớn, nhảy lên ngựa sắt, cầm roi sắt phóng đi đánh đuổi giặc Ân.
Dẹp xong ngoại giặc, cậu phóng ngựa trở về, tới núi Sóc Sơn thì phi lên núi biến mất. Vua suy rằng cậu chính là Thiên thần hộ nước, nên đã lập đền để tưởng nhớ công ơn gọi là đền Phù Đổng Thiên Vương.
HỌC HỎI:
1/ Vua Hùng Vương trải qua bao nhiêu đời trị nước?
(18 đời).
2/ Sứ giả là ai?
(Là các vị quan tướng được vua sai đi thay mình chiêu mộ người tài).
3/ Cậu bé làng Phù Đổng là ai?
(Vua nghĩ là vị thần do trời sai xuống cứu nước Việt).
4/ Vua đã lập đền thờ để làm gì?
(Để ghi nhớ công ơn và để lưu truyền cho mọi người biết, nước Việt là nước của Tiên của Rồng  không dân nào diệt được. Lúc túng kế thì trời sẽ giúp).
5/ Em học gương gì nơi Phù Đổng Thiên Vương?
(Gương hy sinh cho quê hương và dân tộc).
6/ Tập viết:
“UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN”.
E. SINH HOAT CHUYÊN MÔN:
PHƯƠNG HƯỚNG
CÁC LOẠI ĐỊNH HƯỚNG
3/ Định hướng bằng mặt trời:
Đây là loại định hướng rất thuận lợi khi không có địa bàn. Dùng một cây gậy cắm xuống đất, để đầu gậy hướng về phía mặt trời nhưng không để cho bóng gậy lộ ra. Khoảng 10 phút sau, mặt trời di chuyển và bóng gậy in trên nền đất. Bóng này chỉ cho em biết hướng Đông.

4/ Định hướng bằng sao trời:
a/ Tìm hướng Bắc bằng sao Bắc Đẩu: ở phía Bắc có sao Bắc Đẩu và phía Nam có sao Nam Tào. Sao Bắc Đẩu là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Gấu nhỏ. Chòm sao Gấu nhỏ mắt khó thấy rõ (sao Bắc Đẩu là ngôi sao sáng nhất nằm ở chót đầu cái ghế dựa), nên phải nhờ chòm sao Gấu lớn để tìm ra. Hai chòm sao này có hình như cái ghế dựa gồm 7 ngôi sao. (Sao này ban đêm thấy xuất hiện từ tháng 3 đến tháng 8 còn các tháng khác phải chờ vào khuya hay gần sáng mới thấy).
Muốn tìm sao Bắc Đẩu em dài hai ngôi sao chân ghế một khoảng cách gấp 5 lần khoảng cách hai sao đó em sẽ thấy ngôi sao Bắc Đẩu.


BĂNG REO:
THEO GƯƠNG THẦY
Trưởng hô: Môn đệ (làm như chống gậy).
Các em hô: Hy sinh (Giang tay hình thánh giá)
Trưởng hô: Giêsu (Giơ hay tay như tượng Chúa làm vua).
Các em đáp: Hãm mình (bắt chéo tay trước ngực và quì một chân xuống đất).
Trưởng hô: Ấu Nhi (Đưa tay lên miệng mỉm chi).
Các em đáp: Theo Thầy (Đưa tay lên miệng mỉm chi).

BÀI MƯỜI TÁM
A. HỌC HỎI THÁNH KINH:
LOAN TIN ĐẤNG CỨU THẾ ĐẾN
1. Khoảng sáu tháng sau khi Zacharia chứng kiến việc xảy ra trong đền thờ, Thiên Thần Gabriel lại đến với trinh nữ Maria, họ hàng với bà Elizabeth tại thành Nazareth. Maria đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ vua Đavít.
2. Thiên Thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng tôn nữ". Thiên Thần lại nói tiếp: "Maria đừng sợ, Thiên Chúa đã ban cho tôn nữ đầy ân phúc của Ngài, Ngài đã tuyển chọn tôn nữ làm Mẹ một người con mang tên là Giêsu, có nghĩa là "cứu thế".
3. Thiên Thần lại cho Maria hay rằng bà chị họ Elizabeth cũng đã mang thai trong lúc tuổi già do quyền năng của Thiên Chúa làm nơi bà. Vì chẳng có gì mà Ngài không làm được. Khi Maria nghe hết sự thể, liền thưa lên rằng: "Này tôi là nữ tỳ Thiên Chúa, tôi xin vâng như ý Ngài. Xin thực hiện nơi tôi như lời Thiên Chúa truyền dạy".
4. Thế rồi Maria vội vã lên đường đến thăm bà Elizabeth, độ tám chục đặm đường dài về phía Nam. Khi bà Elizabeth thấy Maria đến, bà được đầy ơn Chúa Thánh Thần và cất tiếng rằng: "Em thật có phúc hơn muôn vàn phụ nữ và con trong lòng em đầy ơn phúc lạ lùng".
5. Maria cũng được đầy ơn Chúa, mẹ hát lên  lời ca ngợi Thiên Chúa rằng: Đấng đã làm cho tôi và con cái Người những sự thật trọng đại. Maria đã ở lại với bà Elizabeth độ ba tháng rồi mới trở về nhà mình.
B. HỌC HỎI PHONG TRÀO:
NGHI THỨC LÊN NGÀNH
(Tiến em Ấu lên Ngành Thiếu)
Sau thời gian ba năm sinh hoạt học hỏi trong Ngành, các em đã trở thành những Ấu Nhi xuất sắc, xuất sắc về tầm tuổi, xuất sắc về năng khiếu, xuất sắc về sinh hoạt và khả năng hiểu biết về phong trào… Tóm lại đã đến lúc cần đưa em vào môi trường mới, môi trường Ngành Thiếu để em tiếp tục học hỏi. Bởi đó Đoàn sẽ tổ chức lễ tiến em lên Ngành.
Lễ tiễn lên Ngành có liên hệ giữa hai Ngành do đó phải trong một buổi sinh hoạt chung các Ngành, Đoàn mới có thể thực hiện được.
Ngành Ấu và Ngành Thiếu tập họp tại hai địa điểm không xa nhau lắm, hai bên có thể thấy được những diễn tiến xảy ra. Hình thức tiễn đưa đánh động cho các em ra đi và các em còn lại nhiều lưu luyến và kỷ niệm. Lễ tiễn lên Ngành gồm hai phần:
A. Tại Ấu Đoàn:
1. Tập họp Ngành Ấu với một nghi thức trang trọng.
2. Chi  Đoàn Trưởng nói lý do buổi tiễn Ấu lên Ngành (Đã bao năm trời chung sống, Ấu đã lớn, cần phải tiếp tục học hỏi và vươn cao hơn. Các Huynh Trưởng rất hãnh diện đã đào tạo được các em Ấu xuất sắc, hoàn hảo trong khả năng và tầm tuổi để giới thiệu với phong trào và riêng với Ngành Thiếu những em Ấu Nhi tốt…..)
3. Giới thiệu tên các Ấu được lên Ngành (các em lên trình diện trước mặt các bạn).
4. Trưởng Ngành: nhắn nhủ riêng các em và khuyên các em ngoan ngoãn, chăm chỉ học hỏi…. Các Trưởng luôn nhớ các em gương mẫu trong Ngành. Nay các em là những gạch nối giữa Ấu và Thiếu, các em hãy ráng giữ tình thân Ấu Thiếu trong Đoàn. Chúa sẽ thương các em hơn nữa. …
5. Các Trưởng đến chào và bắt tay từ giã từng em. Sau đó các em chào Đoàn rồi theo Trưởng Ngành đi lên Đoàn.
6. Các em hát bài ca từ biệt.
B. Tại Thiếu Đoàn:
1. Tập họp Thiếu Đoàn lại.
2. Đoàn Trưởng nói lý do lần họp Đoàn này để đón các em Ấu lên Ngành. Các em trong Ngành vui vì Ngành có thêm các bạn đồng hành trên đường tiến thân học hỏi.
3. Trưởng Ngành Ấu dẫn em tới. Đoàn Trưởng và các Trưởng Ngành Thiếu ra tiếp đón, chào và bắt tay các Trưởng, các em. Dẫn các em vào trước mặt Đoàn. (Trưởng trực hô chào các Trưởng và các em Ấu).
4. Đoàn Trưởng giới thiệu các em Ấu với Đoàn và ban lời khích lệ, tỏ niềm vui có thêm những Thiếu mới. Cám ơn các Trưởng Ngành Ấu đã đào tạo cho Phong trào những em Ấu ngoan và vượt khả năng Ấu để lên Ngành.
5. Đoàn Trưởng mời các Đội Trưởng Thiếu lên nhận các đội viên mới. (Các Đội Trưởng chào, bắt tay, trao khăn Thiếu, dẫn em về Đội).
6. Đoàn hát mừng các Ấu mới.
7. Đoàn chào tiễn các Trưởng Ấu về Ngành.
8. Tiếp tục chương trình sinh hoạt ngành.
(Tốt hết nên cho sinh hoạt Đội, để giới thiệu các Đội viên và kết thân tình Đội).
C. ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO:
THÁNH TRẺ DON SAVIO
Dominic Savio, sinh năm 1842 tại làng Riva, nước Ý. Từ nhỏ Savio đã là một cậu bé ngoan hiền, thích chơi vui và làm việc bác ái. Khi lên năm tuổi, cậu đã được chọn vào đội Giúp lễ. Lúc lên 12 tuổi, Savio gặp cha Gioan Bosco đang chơi với các em, Savio thưa ngài rằng: "Thưa cha, con muốn trở nên một Linh Mục". Thế là từ đó cậu được cha cho vào trường thử.
Các thầy giáo rất mến Savio vì cậu rất tử tế và chân thành. Cậu học rất chăm và yêu mến đời cầu nguyện. Nhưng vì không đủ sức khoẻ, nên sau hai năm học cậu phải trở về gia đình.
Tuy sống trong gia đình nhưng Savio cũng cứ giữ chương trình như ở trường thử. Cậu ghi rõ trong sổ rước lễ lần đầu các điều phải làm  sau đây:
1/ Tôi sẽ năng đi xưng tội và rước Chúa hằng ngày.
2/ Tôi sẽ sống tốt hơn các ngày lễ trọng.
3/ Chúa Giêsu và Mẹ Maria phải là người bạn tôi yêu mến nhất.
4/ Tôi thà chết không thà phạm tội.
Nằm trên giường bệnh, cậu thốt lên rằng: "Ôi Thiên Đàng đẹp biết bao!". Nói rồi cậu nhắm mắt về với Chúa. Savio mới 40 tuổi đã được làm thánh và được tôn làm bổn mạng các bạn trẻ.
HỌC HỎI:
Đọc cho các em nghe chuyện và hỏi các em.
1/ Savio là người thế nào?
(Ngoan hiền, mến bạn, vui vẻ, ham học, cương quyết, có tâm hồn đạo đức…).
2/ Kể lại những lời hứa giữ của Savio sau khi xưng tội lần đầu.
3/ Savio có sợ chết không? Tại sao?
(được về trời cùng Chúa và Đức Mẹ).
4/ Em thích đức tính nào của Savio?
5/ Em muốn nên giống Savio không? Để chứng tỏ ý muốn của em, em sẽ làm gì trong tuần tới này?
CẦU NGUYỆN:
- Ba năm bé ở Phong Trào,
- Bé luôn ngoan ngoãn nêu cao tinh thần.
- Giêsu cùng bé rất thân,
- Yêu Ngài bé quyết ân cần chuyên chăm.
D. ĐỜI SỐNG ĐỨC DỤC:
ANH HÙNG TÍ HON
Vào đời vua Trần Nhân Tông, thường bị quân Mông Cổ sang xâm lăng nước ta. Lần đó vua đi thuyền tới bến Bình Than họp các tướng quân và người tài để bàn mưu giúp nước. Vì là thiếu niên mới 16 tuổi nên không được dự bàn. Quốc Toản tức giận, mặt đỏ bừng bừng, trong tay đang cầm trái cam, cậu bóp nát lúc nào không hay.
Quốc Toản lẳng lặng ra về, kêu gọi bạn bè, sắm sửa khí giới, thêu một lá cờ đề sáu chữ: "Phá cường địch, báo Hoàng Ân", rồi xuất quân tìm giặc đánh phá.
Trần Quốc Toản lập được nhiều chiến công oanh liệt tại bến Hàm Tử và bến Chương Dương. quân Mông Cổ bỏ chạy về Tàu và quân ta lấy lại được thành Thăng Long.
HỌC HỎI:
1/ Vì sao quân Mông Cổ đánh chiếm nước ta? (vì quân Mông Cổ cậy có quân binh hùng hậu, muốn thôn tính nước ta).
2/ Vua họp hội nghị Bình Than để làm gì?
3/ Tại sao Trần Quốc Toản không được dự bàn việc nước?
4/ Ông tức bực đến như thế nào?
5/ Đại ý bài này nói về cái gì? (Chí anh hùng cứu nước của một người trẻ hùng anh).
6/ Khi gặp những ý kiến hay, có lợi cho Đoàn, cho Giáo Xứ, em phải làm gì?
7/ Em học đức tính gì nơi Trần Quốc Toản?
E. SINH HOẠT CHUYÊN MÔN:
CA HÁT:


VIẾNG CHÚA:
Sau giờ sinh hoạt, Trưởng cho các em đứng im lặng đôi phút và hướng dẫn cho các em về việc rước lễ thiêng liêng. Sau đó cùng đọc kinh:

Lạy Chúa Giêsu, con tin thật Chúa đang ngự trong phép Thánh Thể. Con kính mến Chúa, con yêu mến Chúa. Con xin Chúa ngự vào lòng con cách thiêng liêng vậy. Con xin ẵm lấy cùng ước ao hợp làm một cùng Chúa luôn. Amen.

BÀI THỨ MƯỜI CHÍN
A. HỌC HỎI THÁNH KINH:
CHÚA GIÊSU GIÁNG SINH
1. Ít tháng sau khi bà Elizabeth sinh Gioan, hoàng đế Rôma truyền cho mọi người trong vùng Palestine phải trở về quê quán để khai sổ gia đình (vào thế kỷ thứ 6 trước Thiên Chúa Giáng Sinh).
2. Giuse và Maria lên đường về Bethlehem, trong thành Đavít, vì các Ngài thuộc giòng tộc Đavít. Giuse phải đưa bạn mình cùng đi để săn sóc vì Maria sắp đến ngày sinh con.
3. Khi hai người tới Bethlehem thì thành phố đã đầy người. Quán trọ cũng hết nên chẳng tìm được chỗ nghỉ đêm. Các ngài phải rời thành phố ra ngoài hang bò lừa mà trú. Nơi đây con trẻ đã sinh ra và đặt nằm trong máng cỏ.
4. Đêm đó bọn mục đồng vẫn còn thức canh giữ đoàn chiên. Thiên Thần Chúa hiện ra với họ và bảo rằng: "Đừng sợ, Ta đem cho các ngươi một tin rất đỗi vui mừng. Đêm nay Đấng Cứu Thế Giêsu đã sinh ra cho các ngươi trong thành Đavít. Hãy đến mà coi. Đây là dấu để các ngươi nhận ra Ngài: một con trẻ sơ sinh nằm trong máng cỏ".
5. Tức thì họ vội vã tìm đến, họ thấy Giuse, Maria và thấy con trẻ đang nằm trong máng cỏ. Họ quì xuống thờ lạy Ngài, rồi trở về vừa đi vừa ca ngợi vinh quang Thiên Chúa. Tám ngày sau con trẻ chịu phép cắt bì và được đặt tên là Giêsu. (Có nghĩa là Cứu Thế).
HỌC HỎI:
1/ Chúa Giêsu sinh ra ở đâu? (trong hang bò lừa). Tại sao? (vì không còn chỗ trọ).
2/ Ai là người đến thờ lạy Chúa trước nhất? Tại sao họ được ơn này? (vì là người đơn thật, nghèo khó).
3/ Các mục đồng làm gì khi thấy Chúa? Khi ra về họ tỏ ra thế nào?
4/ Chúa Giêsu làm gương gì cho em? (khiêm nhượng, bé nhỏ, vâng lời ba mẹ, không kêu khóc, đòi hỏi…)
5/ Cho các em nhận các vai trong bài học và cho các em đóng kịch về cảnh Chúa sinh ra. Mở nhạc Giáng Sinh khi diễn kịch.
B. HỌC HỎI PHONG TRÀO:
LỀU THÁNH THỂ
Ngày xưa khi dân Do Thái được Chúa ban cho họ hai bia đá có khắc ghi 10 giới luật, Chúa lại truyền cho Moisen phải đóng một cái kiệu đẹp, dát vàng rồng và có bốn Thiên Thần chầu xung quanh, để đặt hòm bia thánh. Đi đâu họ cũng phải khiêng kiệu bia thánh đi trước. Đến nơi họ phải để kiệu vào trong lều tạm dành riêng cho việc tế lễ tôn thờ Chúa. Lều đó gọi là nhà Chúa, là Lều Thánh. Chúa truyền làm như vậy để chứng tỏ Chúa và dân luôn luôn ở bên nhau, dân luôn ở dưới con mắt chăm nom của Chúa.
Ngày nay Phong trào nhìn nhận Chúa Giêsu Thánh Thể là Chúa cơ binh cai quản Phong trào và huấn luyện Đoàn viên, nên mọi trong sa mạc đều phải có lều tạm tôn kính Chúa Thánh Thể, gọi là Lều Thánh Thể. Lều Thánh Thể là hồn sống sa mạc, là trung tâm nuôi dưỡng tinh thần Chúa, tinh thần sống đạo của sa mạc sinh. Trong sa mạc mà thiếu Lều Thánh Thể là thiếu hồn sống của Phong trào. Do đó mọi hoạt động trong sa mạc sẽ bị tự nhiên hoá, mà ngày xưa Moisen gọi là "Họ bỏ Chúa - mà thờ bò" tôn thờ thần tượng, tôn thờ vật chất vậy.
HỌC HỎI:
1/ Bia đá giới luật của dân Do Thái có từ bao giờ? (từ khi Chúa trao cho Moisen trên núi Sinai - Xuất Ai Cập 24:12-18).
2/ Kiệu bia Thánh của người Do Thái thế nào? (Xuất Ai Cập 25:10-22).
3/ Kiểu mẫu nhà tạm của dân Do Thái ngày xưa thế nào? (Trưởng diễn tả cho các em nghe kiểu mẫu trong sách Xuất Ai Cập 26).
4/ Trong Lều Thánh Thể của Thiếu Nhi Thánh Thể có những gì? (Bàn thờ tôn kính Thánh Thể Chúa, Đức Mẹ, sách Thánh, sách cầu nguyện, hoa nến trưng bày…)
5/ Em làm gì mỗi khi qua Lều Thánh Thể? (Cúi đầu chào kính Chúa và than thở cầu nguyện. Tỏ vẻ tôn kính xung quanh khu vực lều Thánh Thể).
C. ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO:
GƯƠNG CÁC THÁNH
THÁNH TÊRÊSA NHỎ
(Têrêsa Hài Đồng Giêsu)
Teresa từ lúc lên ba tuổi đã thề hứa không từ chối Chúa điều gì. Bởi thế càng lớn lên Chúa càng yêu thương Têrêsa hơn và biến đổi Têrêsa thành một thiếu nữ đầy yêu thương với tâm hồn thật đơn sơ bé nhỏ và rộng rãi bao dung. Khi chịu lễ lần đầu, Têrêsa hứa nhận Chúa là người bạn đáng yêu nhất trên đời.
Khi được 15 tuổi, Têrêsa dâng mình cho Chúa trong tu viện, vì Têrêsa muốn làm tông đồ cho các linh hồn và các Linh Mục bằng việc hy sinh, hãm mình, cầu nguyện, sống đời yêu mến và sống bé nhỏ như trái bóng trên tay Chúa Giêsu hài đồng.
Khi Têrêsa chết, chị ôm chặt cây Thánh giá vào ngực mình, mắt ngước lên trời và miệng than thở: "Con yêu Chúa, lạy Chúa là Chúa con, con yêu mến Chúa". Chị qua đời lúc 24 tuổi (năm 1897) và được làm Thánh nên gương cho mọi người.
HỌC HỎI:
1/ Điểm đặc biết của Têrêsa lúc ba tuổi là gì?
2/ Ai là người bạn Têrêsa yêu nhất?
3/ Tại sao Têrêsa dâng mình cho Chúa? Têrêsa thích sống như thế nào? Em muốn nên giống Têrêsa không?
4/ Tại sao Têrêsa ôm ghì thánh giá vào lòng?
5/ Em làm gì mỗi khi trông thấy Thánh Giá Chúa? Em có để Thánh Giá trên giường ngủ của em không? Có hôn Thánh giá trước khi ngủ không? Hãy về làm như chị Têrêsa để Chúa mỉm cười với em nghe.
D. ĐỜI SỐNG ĐỨC DỤC:
VÌ NƯỚC QUÊN MÌNH
Lê Lợi là một nông gia giàu có tại làng Lam Sơn, tỉnh Thánh Hoá. Tính ông rất hào hiệp, thẳng thắn và đầy lòng thương người. Vào thời ấy, nước ta bị quân Minh bên Tàu cai trị, ức hiếp dân chúng. Thấy dân chúng cực khổ, ông bèn chiêu quân kháng chiến chống quân Minh.
Suốt mười năm cầm cự, nhiều lần bị thua phải rút về Chí Linh và bị bao vây rất nguy khốn. May có Lê Lai là người yêu nước đã xin giả làm Lê Lợi ra khơi chiến phá vòng vây. Quân Minh Thấy Lê Lai, tưởng là Lê Lợi, liền đổ xô lại, đuổi bắt và giết đi.
Nhờ thế Lê Lợi thoát khỏi vòng vây để tiếp tục tìm đường cứu nước.
Sau khi đánh đuổi giặc Minh về Tàu, Lê Lợi lên ngôi lấy hiệu là Lê Thái Tổ và truy tặng Lê Lai làm đại thần vì nghĩa, vì nước quên mình. Từ đó nước ta được an hoà thịnh vượng.
HỌC HỎI:
1/ Giải nghĩa chữ khó:
Hào hiệp: Người có chí lớn.
Ức hiếp: đàn áp, lấy của cải và bắt làm việc nặng nhọc.
Kháng chiến: đứng ra chống lại kẻ làm hại quê hương.
Quân Minh: Lính Tàu dưới quyền nhà Minh cai trị.
Đại thần vì nghĩa: ông quan lớn có lòng với nước với vua.
2/ Lê Lợi là người có tâm hồn thế nào?
3/ Lê Lai là người thế nào?
4/ Để trở thành người yêu quê hương, em phải làm gì? (học hành cho nên người tài, nhớ tới quê hương, tìm học biết về quê hương, bênh vực và giúp đỡ người đồng hương, trong các phong tục và tập quán quê hương….)
E. SINH HOẠT CHUYÊN MÔN:
CÁC LOẠI ĐỊNH HƯỚNG
5/ Định hướng Nam bằng sao Thánh giá:
Sao Thánh giá xuất hiện ở phía Nam bán cầu khoảng từ tháng 5 đến tháng 7. sao Thánh giá giúp ta tìm ra vị trí của sao Nam Tào (Nam cực). Chúng ta sống trên phần Bắc Bán Cầu nên không thấy được sao Nam Tào,  cũng như người sống ở Nam Bán Cầu như Úc  Châu, Nam Phi, Nam Mỹ Châu… lại không thấy sao Bắc Đẩu.
Có 2 cách tìm ra hướng Nam bằng sao Thánh giá:
a/ Nhìn thấy sao Thánh giá rồi, ta kéo dài một đoạn ra gấp 4 lần thân Thánh giá ta sẽ gặp sao Nam Tào.
b/ Bên cạnh chòm sao Thánh giá, có hai vì sao sáng đẹp vào bậc nhất các vì sao phía Nam mà người dân Việt Nam gọi là sao Cân nước (vì nhìn hai sao này để biết nước lên hay nước xuống). Nhìn thấy rồi, em kẻ một đường trung trực (đường chia đôi hai ngôi sao ra) em sẽ gặp đường kéo dài của sao Thánh giá tại N. Do đó sao Nam Tào, tức hướng Nam chính xác.

Lên Ngành Thiếu em sẽ được học biết nhiều về sao trời và cách tìm hướng khác nữa.
HỌC VUI NHỚ HOÀI:




BÀI THỨ HAI MƯƠI
A. HỌC HỎI THÁNH KINH:
CHÚA GIÊSU GIỮA MUÔN NGƯỜI
1. Khi con trẻ Giêsu sinh ra tại Bethlehem, thì có ba nhà khôn ngoan thông hiểu về sao trời, thấy nửa đêm có ngôi sao lạ chiếu sáng khắp không gian, các ngài hiểu rằng đó là sao báo có vua mới sinh ra và họ đã tìm đến thờ lạy con trẻ.
2. Vừa đủ 40 ngày (theo luật thanh tẩy), cha mẹ đưa con trẻ vào đền thờ dâng cho Thiên Chúa. Sau đó ít ngày, Thiên Thần lại hiện ra bảo Giuse rằng: "Hãy đưa con trẻ và mẹ Ngài trốn sang đất Ai Cập, vì vua Hêrôđê đang tìm con trẻ mà giết".
3. Ít năm sau, vua Hêrôđê qua đời, Thiên Thần lại báo cho Giuse trong giấc ngủ rằng: "Hãy đem Con trẻ và mẹ Ngài về quê hương, vì nhà vua lùng giết Ngài đã chết". Ông bà lại lên đường về Galilê và sinh sống tại làng Nazareth.
4. Trong thời gian sinh sống tại đây, Chúa Giêsu cũng ngày một lớn khôn. Khi lên 12 tuổi, Ngài cùng cha mẹ lên Jerusalem dự lễ. Ngài nhìn Thành Thánh, nhắm nhìn đền thờ Thiên Chúa… Ngài đếm bước trong sân, chiêm ngưỡng bàn thờ… Ngài thổn thức nghĩ mình là Con Chúa và đây là nhà Cha mình.
5. Khi lễ hết ai nấy đều trở về gia đình, còn Ngài ở lại mà cha mẹ chẳng hay biết. Ngài đã ngồi giữa các thầy thông giáo, nghe họ nói và hỏi họ nhiều điều. Mọi người đều hết sức ngạc nhiên về những lời đối đáp khôn ngoan của Ngài.
B. HỌC HỎI PHONG TRÀO:
NGÀNH THIẾU TRONG PHONG TRÀO
Thiếu Nhi Thánh Thể Việt Nam
Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể gồm mọi thành phần và mọi lứa tuổi. Thành phần lãnh đạo và điều hành là các cha Tuyên Úy, các Thầy Souer Trợ Úy, Huynh Trưởng các cấp. Nhưng thành phần chính mà Phong trào nhằm đào luyện là Đoàn sinh.
Đoàn Sinh được chia thành 4 ngành: Ấu Nhi, Thiếu Nhi, Nghĩa Sỹ và Hiệp Sỹ (Ngành mới). Ấu Nhi là nhỏ nhất của Phong trào mà em là người đã được hướng dẫn học hỏi trong suốt 3 năm trường. Ngành Thiếu là Ngành em sắp  sửa hội nhập.
Nói đến lên Ngành là em cảm thấy lưu luyến bao kỷ niệm cũ, nhớ thương những bạn bè cùng sinh hoạt xum vầy…. Nhưng em lại cảm thấy như mình lớn hơn rồi, trò chơi nhỏ bé không hợp nữa, bài học ấy mình đã qua rồi. Em thấy mình xứng đáng lên Ngành, xứng đáng đeo khăn Thiếu, xứng đáng chơi với các bạn cùng lứa và nhiều cái xứng đáng khác nữa…
Nhưng lên Ngành Thiếu em vừa tròn 10 tuổi và học lớp 5. Lên Ngành Thiếu em mang khăn xanh nước biển, màu biển chỉ sự hy sinh (Khẩu hiệu của Ngành), hy sinh với Chúa để cứu rỗi các linh hồn. Màu nước biển chỉ sự hãm mình, khắc phục gian khó để nên Tông đồ nhiệt thành của Chúa Giêsu. Lên Ngành Thiếu em thấy tự tin hơn về những gì đã học, thích học hỏi hơn vì nhiều điều em chưa biết, thích thi đua hơn vì thấy các bạn lớn người nào cũng giỏi, cũng tài. Tóm lại, lên Ngành Thiếu em có nhiều cái thích.
C. ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO:
THÁNH TRẺ TARSIÔ
Tarsiô là cậu bé người Ý, rất bạo dạn và can đảm, cậu thường vào giúp lễ tại các hầm trú ẩn ngoài thành Rôma, nơi các giáo hữu ẩn trốn khỏi cơn bắt bớ dưới thời cấm đạo.
Một hôm Tarsiô lén đem Mình Thánh Chúa cho các vị tín hữu trung thành giữ đạo Chúa, đang bị giam cầm trong ngục tù. Cậu bị bọn lính canh đuổi bắt vì thấy cậu giữ Mình Thánh trong mình. Chúng tìm mọi cách để tước đoạt nhưng cậu không chịu buông, mặc cho chúng đánh đập cho đến chết. Cậu đã chịu tử đạo vì Thánh Thể Chúa. Các tín hữu đã chôn xác cậu dưới hầm trú nơi cậu thường giúp lễ.
Chuyện Tarsiô nhắc nhớ em rằng biết bao tín hữu đã yêu mến Thánh Thể, vì Thánh Lễ và Thánh Thể có sức làm cho họ can đảm dám hy sinh đến chết để làm chứng cho Chúa. Tarsiô cũng nhắc nhớ em yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể là người bạn thân nhất của em. Ngài sẽ giúp em nên hoàn thiện và làm cho em nên can đảm dám hy sinh và chịu mọi sự khó hằng ngày vì Chúa như Tarsiô đã làm, vì Tarsiô đã phục vụ vì yêu Chúa thôi. Chúng ta được một lòng yêu mến Thánh Thể Chúa.
HỌC HỎI:
1/ Cấm đạo là gì?
(là không cho người ta theo đạo Chúa, bắt theo đạo Phật, đạo ông bà…)
2/ Người Công Giáo có chịu bỏ đạo không?
(Hầu hết người Công Giáo không chịu bỏ đạo, họ sẵn sàng chết chẳng thà bỏ đạo).
3/ Ở Rôma, nước Ý có cấm đạo, còn Việt Nam có cấm đạo không?
(có cấm đạo trên 300 năm và số người chết vì đạo rất nhiều. Người chết vì đạo có sổ bộ bên Toà Thánh lên tới trên một trăm ngàn người).
4/ Có bao nhiêu vị được phong Thánh?
(Có 117 vị được phong Hiển Thánh ngày 19 tháng 6 năm 1988 tại Vatican).
5/ Các Thánh Tử Đạo chịu những khổ hình nào?
(Tù, nhịn đói, đánh đập, cắt thịt, chém đầu, chặt chân tay, voi dày, thú giữ cắn xé…)
6/ Em bắt chước các Thánh gương gì?
(Sống đạo bằng gương sáng, tỏ mình là người Công Giáo, can đảm chịu khó, không phạm tội…)
7/ Cho các em đóng kịch Thánh Tarsiô tử đạo.
D. ĐỜI SỐNG ĐỨC DỤC:
ĐẠI PHÁ QUÂN THANH
Vào cuối đời, nhà Lê mỗi ngày một suy yếu, khiến nhà Thanh bên Tàu hay nhòm ngó. Lợi dụng thời cơ nhà Lê cầu cứu, nên vua Thanh sai Tôn Sỹ Nghị đem 20 vạn quân sang xâm chiếm Bắc Hà.
Được tin cấp báo, Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ liền lên ngôi hoàng đế, lấy hiệu là Quang Trung. Rồi từ Phú Xuân, vua Quang Trung tiến quân ra Bắc dẹp giặc.
Vua Quang Trung có tài hành binh chớp nhoáng. Trong 5 ngày, ngài đánh tan quân Thanh. Tôn Sỹ Nghị phải bỏ cả ấn tín chạy trốn về Tàu. Gò Đống Đa là mồ chôn hàng vạn quân giặc.
Hàng năm, cứ đến ngày mồng 5 Tết, dân chúng lại mở hội lớn ở Đống Đa, để kỷ niệm ngày đại thắng và gọi là giỗ tổ Quang Trung vậy.
HỌC HỎI:
1/ Tại sao quân Thanh lại sang xâm chiếm nước ta?
(Vì vua cuối đời nhà Lê quá nhu nhược, không biết cai trị nước, lại sợ mất ngôi nên cầu cứu vua Tàu cho quân sang canh giữ hộ).
2/ Em biết vua Quang Trung là ai?
(Là người nông dân quê ở Bình Định, thấy vua cuối đời nhà Lê chỉ ăn chơi, không biết trị nước, nên đứng lên kêu gọi dân chúng vùng khởi nghĩa).
3/ Vua Quang Trung đánh đuổi quân Tàu trong mấy ngày?
(5 ngày).
4/ Tại sao tướng Tôn Sỹ Nghị lại chạy về Tàu?
(Vì là dịp tết nên quân Tàu mải ăn chơi, quên cả canh phòng, gác giữ, nên bị đánh bất ngờ không trở tay kịp, phải bỏ cả ấn tín mà chạy).
5/ Ấn Tín là gì?
(Là chiếu chỉ vua nhà Thanh ban quyền cho Tôn Sỹ Nghị sang cai trị nước Nam).
6/ Tập viết:
"Con sâu làm rầu nồi canh".
E. SINH HOẠT CHUYÊN MÔN:


VŨ ĐIỆU:
1/ Sau mỗi câu a. vỗ tay hai cái. b. bật 2 cái c. Đập đùi 2 cái, d. dậm chân 2 cái
2/ Số người chẵn đứng vòng tròn.
a. Tay hai em cùng đôi vỗ tay phải vào nhau. Lại vỗ tay trái. Bình vỗ tay phải rồi cả hai đưa tay lên trời vỗ hai cái.
b. Tay hai em cùng đôi bắt tay nhau. Tình đổi đôi và cứ thế tiếp tục. Cuối câu như a2.
c. và d. hát hết câu, đưa hai tay lên trời rồi dập vào ngực.
CỨU THƯƠNG:
CÁCH CHỮA NGỘP THỞ
A. Khi bệnh nhân còn tỉnh táo:
Nếu bệnh nhân còn ho, còn nói, còn thở không cần người chữa, gọi bác sĩ đến.
Nếu bệnh nhân không ho, không nói, không thở mới cần giúp bằng cách:
- Đập mạnh vào lưng cho thở ra.
- Ép mạnh vào bụng.
B. Khi bệnh nhân bất tỉnh: (không biết nữa).
Cần làm thông đường thở cho nạn nhân như sau:
- Ngửa đầu ấn mạnh sau lưng cho không khí vào dễ thở.
- Bịt mũi thổi hơi vào miệng.
- Ấn mạnh vào bụng cho hơi thoát ra.
XIN LƯU Ý:
Xin đừng thực tập trên người không bị nghẹt thở, có thể gây nguy hiểm.
TRÒ CHƠI:
GIOSUÊ CHIẾN THẮNG
Sau khi đã chiếm được đất Canaan, những nước lân cận muốn gây chiến nên Giosuê thúc quân chiếm 5 thành còn lại. Đang chiến đấu thì trời tối, Giosuê xin Chúa cho mặt trời ngừng lặn để ông đánh cho xong, quân Do Thái tiến vào như vũ bão, đặt mìn, đặt chông giết hết các quân còn lại. Đánh xong mặt trời mới lặn hẳn. (Giosuê 10).
- Chơi đêm đông người theo đơn vị nhóm.
- Luyện nhanh trí, sức lực dẻo dai, mưu trí.
- Cây cờ nhóm, đèn pin, vé chông, v1 mìn.
Chia các em thành hai nhóm, một nhóm cột khăn lên cánh tay trái, một nhóm trên cánh tay phải. Tại hai đầu sân chơi vẽ hai vòng tròn lớn làm doanh trại, quân mình canh gác xung quanh nhưng không được vào trong doanh trại (Phe đối phương được vào). Phát cho mỗi nhóm một số vé có hình vẽ mũi chông, trái mìn để đặt vào doanh trại đối phương (găm vào cờ).
Nghe còi lệnh khởi quân, hai phe rình bắt lấy khăn (Ai bị mất khăn bị về tù) đối phương và canh giữ doanh trại mình để đối phương không lọt doanh trại được. Nếu vào được mà không mất khăn, có quyền gắn mìn, chông lên cờ rồi tìm cách thoát ra ngoài. Khi đã vào doanh trại rồi phe địch không được vào doanh trại để giết nữa.
Sau hồi ngưng chiến sẽ kiểm kê các quân lính chết và số mìn, chông gài được nơi doanh trại địch để gắn huy chương chiến thắng.
KÝ HIỆU ĐÁNH VÀ NHẬN TIN:
A. PHÍA NGƯỜI NHẬN TIN:
1/ Bằng lòng nhận tin, Đánh chữ P
2/ Không (chưa) nhận tin, Đánh chữ K
3/ Xin đánh lại chữ cuối, Đánh chữ C
4/ Hiệu rồi (nhận xong rồi), Đánh chữ R
B. PHÍA NGƯỜI ĐÁNH TIN:
1/ Chú ý, bản tin sẽ truyền đi: (múa số 8 nhiều lần trước mặt)
2/ Đánh lầm, xin nhận lại chữ cuối: 8A
3/ Sửa soạn đánh tin đi dùng chữ: L
4/ Xin huỷ bỏ cả câu đánh chữ: N
5/ Ngắt sau khi đánh hết một chữ:
C. CÁCH ĐÁNH SỐ:
1/ Khi đang đánh chữ đổi sang số thì dùng ký hiệu đưa hai cờ lên trước mặt. sau đó mới đánh số.
2/ Số 1 đánh chữ A
2 đánh chữ B
3 đánh chữ C….(tiếp theo)   0 đánh chữ J
=====//////=====

Lm Giuse Phạm Thanh Minh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét