NGHI THỨC TUẦN THÁNH
Chúa Nhật Lễ Lá
Thứ Năm Tuần Thánh
Thứ Sáu TuầnTthánh
Thứ Bảy Tuần Thánh
Chúa Nhật Phục Sinh
I. CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM A, B, C:
“Vạn Phúc Đấng ngự đến nhân Danh Chúa”
Người dẫn
lễ:
Sau khi đã
sống 5 Tuần Mùa Chay trong cầu nguyện, chay tịnh, và chia sẻ bác ái, hôm nay
chúng ta được qui tụ lại để cùng toàn thể Hội Thánh khai mạc Tuần Thánh với
Chúa nhật Lễ lá này. Đây là tuần lễ trọng nhất trong năm phụng vụ, chúng ta
được phụng vụ đưa vào hiệp thông với Đức Giêsu trong những biến cố cuối đời của
Người. Chúng ta hãy sốt sáng và thành kính tham gia.
Trong tuần
thánh, người Kitô hữu lần lượt theo dõi từng chặng đường Vượt Qua của Chúa Giêsu
để cứu chuộc nhân loại và tôn vinh Thiên Chúa.
- Thứ năm
tuần thánh, chúng ta cùng vào phòng tiệc ly, tham dự bữa tiệc vĩnh biệt Chúa
Giêsu cùng ăn với các môn đệ, trước khi Người “bị nộp và tự hiến chịu khổ hình”
- Thứ sáu
tuần thánh, chúng ta cùng Mẹ Maria đứng dưới chân thánh giá Chúa, chứng kiến
tình yêu tột đỉnh của Người, như Người từng nói trước “không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của Người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13)
- Tối thứ
bảy tuần thánh sẽ là đêm canh thức Vượt Qua. Chúng ta mừng kính việc Chúa Giêsu
từ cõi chết sống lại, để ban cho loài người chúng ta nguồn sống mới là cùng
được sống lại với Người (HCPV. 5)
Riêng trong
ngày lễ lá hôm nay, ngày tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa, chúng ta hãy để
cho Đức Giêsu dẫn đường lên Giêrusalem và hiệp thông vào tâm tình quả cảm cương
quyết của Người, để khi chúng ta cùng thông phần vào thập giá Đức Kitô thì
chúng ta cũng được chia sẻ vinh quang Phục sinh với Người.
II. NGHI THỨC TƯỞNG NIỆM CHÚA VÀO GIÊRUSALEM:
Hình thức rước kiệu
Giáo dân tập
họp nơi thích hợp ngoài Nhà Thờ
Chủ lễ: mặc lễ phục
màu đỏ hay áo choàng
Ca đoàn hát: Tiền xướng
Mt 21, 9
“Hoan hô con vua Đavít
Chúc tụng vua Israel
Đấng nhân danh Chúa mà đến
Hoan hô Chúa trên các tầng trời”
Chủ lễ chào
giáo dân và nói vắn tắt những lời sau đây :
Anh Chị em thân mến
Chúng ta tụ
họp nơi đây, để cùng toàn thể Giáo hội khai mạc tuần thánh tưởng niệm mầu nhiệm
Vượt qua, tức là cuộc thương khó và Phục sinh của Đức Kitô.
Để chuẩn bị
tuần thánh, trong suốt mùa chay, chúng ta đã cầu nguyện, thống hối, chia sẻ
tình thương và bác ái huynh đệ.
Chúa nhật lễ
lá hôm nay là ngày kỷ niệm Đấng cứu thế vào thành thánh Giêrusalem để hoàn tất
mầu nhiệm Vượt qua đem lại cho loài người ơn cứu độ, chúng ta hãy đem cả niềm
tin mà hăng hái bước theo Người.
Xin Người
ban ơn để chúng ta thông phần đau khổ Người đã chịu trên thập Giá, hầu được
chia sẻ Vinh quang Phục sinh và sự sống của Người.
Chủ lễ đọc
lời nguyện sau đây:
Chúng ta hãy cầu nguyện
Lạy Thiên
Chúa toàn năng hằng hữu, xin Chúa làm phépX và thánh hóa những cành lá này, để chúng con cầm mà hoan
nghênh Đức Giêsu là vua chúng con. Xin ban cho mọi người chúng con đây là tín
hữu Chúa được theo Người vào Thành thánh Giêrusalem vĩnh cửu, người hằng sống
và hiển trị muôn đời. Amen.
Linh mục rẩy
nước thánh trên lá
Công bố bài
Phúc Âm:
- Năm A : Mt
21, 1-11
- Năm B : Mc
11, 1-10
- Năm C : Lc
19, 28-40
Tin Mừng Năm A
Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa.
Tin Mừng
Chúa Giêsu Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
1 Mấy ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su và các môn đệ đến
gần thành Giê-ru-sa-lem và tới làng Bết-pha-ghê, phía núi Ô-liu. Bấy giờ, Đức
Giê-su sai hai môn đệ và 2 bảo : "Các anh đi vào làng trước mặt
kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sắn đó, có con lừa con bên cạnh.
Các anh cởi dây ra và dắt về cho Thầy. 3 Nếu có ai nói gì với các
anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng, Người sẽ gởi lại ngay”. 4
Sự Việc đó xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ : Hãy bảo thiếu nữ Xi-on :
Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa
con, là con của một con vật chở đồ.
6 Các môn đệ ra đi và làm theo lời Đức Giê-su đã truyền. 7
Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, Trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và
Đức Giê-su cỡi lên. 8 Một đám người rất đông cũng lấy áo choàng trải
xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải
lên lối đi. 9 Dân chúng, người đi trước kẻ theo sau, reo hò vang dậy
: Hoan hô Con vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô
trên các tầng trời.
10 Khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, cả thành náo động, và
thiên hạ hỏi nhau : "Ông này là ai vậy ?” , 11 Dân chúng trả
lời : "Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét, xứ Ga-li-lê đấy."
Đó là lời Chúa.
Tin Mừng Năm
B
Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa.
Tin Mừng
Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
1 Mấy ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su và
các môn đệ đến gần thành Giê-ru-sa-lem, gần làng Bết-pha-nghê và Bê-ta-ni-a,
bên triền núi Ô-liu. Bấy giờ, Người sai hai môn đệ 2 và bảo: “Các
anh đi vào làng trước mặt kia. Tới nơi, sẽ thấy ngay một con lừa con chưa ai
cỡi bao giờ, đang cộc sẵn đó. Các anh cởi dây ra và đem nó về đây. 3 Nếu
có ai bảo: “ Tại sao các anh làm như vậy?’, thì cứ nói là Chúa cần đến nó và
Người sẽ gởi lại đây ngay”.4 Các ông ra đi và thấy một con lừa con
cột ngoài cửa ngõ, ngay mặt đường. Các ông liền cởi dây lừa ra. 5
Mấy người đứng đó nói với các ông : : “Các anh cởi con lừa ra làm gì vậy ?” 6
Hai ông trả lời như Đức Giê-su đã dặn. Và họ để mặc các ông. 7 Hai
ông đem con lừa về cho Đức Giê-su, lấy áo choàng của mình trải lên lưng nó, và
Đức Giê-su cỡi lên.8 Nhiều người cũng lấy áo choàng trải xuống mặt
đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá ngoài đồng mà rải. 9 Người
đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: Hoan hô! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân
danh Đức Chúa ! 10 Chúc tụng triều đại đang tới, triều đại vua
Đa-vít, tổ phụ chúng ta. Hoan hô trên các tầng trời !"
Đó là lời
Chúa.
Tin Mừng Năm C
Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca
Bấy giờ, Đức
Giêsu dẫn đầu các môn đệ, tiến lên Giêrusalem. Khi đến gần làng Bêt-pha-ghê và
làng Bêtania, bên triền núi gọi là núi Oliu, Người sai hai môn đệ và bảo : “Các anh đi vào làng trước mặt kia. Khi vào
sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh hãy cởi
dây ra và dắt nó đi. Nếu có ai hỏi : “tại sao các anh cởi lừa người ta ra”, thì
cứ nói : “Chúa có việc cần dùng!. Hai người được sai liền ra đi và thấy y như
Người đã nói. Các ông đang cởi dây lừa, thì những người chủ nói với các ông :
“tại sao các anh lại cởi lừa người ta ra ?”. hai ông đáp : “Chúa có việc cần
dùng”.
Các ông dắt
lừa về cho Đức Giêsu, rồi lấy áo choàng của mình phủ trên lưng lừa, và giúp
Người cỡi lên. Người đi tới đâu, dân chúng cũng lấy áo choàng trải xuống mặt
đường. Khi Người đến gần chỗ dốc xuống núi Ô-liu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng
bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa, vì các phép lạ họ đã được thấy. Họ hô lên
: Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao,
vinh quang trên các tầng trời!
Trong đám
đông, có vài người thuộc nhóm Pharisêu nói với Đức Giêsu : “Thưa Thầy, Thầy
trách môn đệ Thầy đi chứ!” Người đáp : “Tôi bảo các ông : họ mà làm thinh, thì
sỏi đá cũng sẽ kêu lên”.
Đó là lời
Chúa.
Sau tin
mừng, chủ lễ nói :
“Anh chị em
thân mến, chúng ta hãy noi gương dân thành Giêrusalem mà hoan hỉ lên đường nghênh
đón Đức Kitô, và chúng ta hãy tiến bước bình an.
Rồi bắt đầu
rước vào Nhà thờ cử hành thánh lễ
- Phường
trống
- Hương lửa.
- Thánh giá
có gắn nhành lá – đèn hầu (Giúp lễ)
- Thiếu nhi
Nam + Nữ
- Quí chức – tu sĩ cầm lá
- Linh mục
- Giúp lễ
- Giáo dân cầm
nhành lá
Hát điệp ca
:
“Dân do thái vui mừng ra đón Chúa
Tay phất cành Ôliu
Miệng reo hò ca tụng
Hoan hô Chúa trên các tầng trời”
(Lặp lại Điệp ca sau 1 vài câu TV. 23, TV,46)
III. THÁNH LỄ:
Sau khi rước
kiệu – linh mục đọc lời nguyện nhập lễ bắt đầu thánh lễ.
BÀI ĐỌC I: (Is. 50, 4-7)
Hướng dẫn: Đức Kitô
chính là người tôi trung được bài ca này giới thiệu. Do luôn vâng phục và cậy
dựa vào Thiên Chúa, Đức Kitô đã đứng vững trong mọi nỗi gian truân. Người trở
thành tấm gương khích lệ chúng ta kiên vững.
Bài trích
sách Tiên tri Isaia
Đáp ca: (Tv. 21)
BÀI ĐỌC II: (Phil 2, 6-11)
Hướng dẫn: Do hoàn
toàn vâng phục Thiên Chúa với lòng yêu mến, Đức Giêsu “là Thiên Chúa mà không nghĩ phải đòi cho mình được ngang hàng với Thiên
Chúa”, đã khai thông được tình trạng bế tắc mà Ađam và Evà đã đẩy nhân loại
vào, khi phận là tạo vật mà lại muốn ngang bằng Thiên Chúa. Chúng ta cần nghiền
ngẫm bài ca này.
Bài trích
thơ thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Philippê
BÀI ĐỌC III: (Lc 22, 14-23, 56)
Hướng dẫn: Bài tường
thuật này, thánh Luca, tác giả chuyên viết về lòng nhân ái, đã nêu bật tình yêu
mang mầu sắc từ bi thương xót của Đức Giêsu, qua đó, chúng ta khám phá ra tình
thương của Chúa Cha. Trong tấn bi kịch núi sọ, ơn cứu độ đã được tuôn đổ chan
hòa trên mọi người kể cả những kẻ đã đối xử tàn bạo với Người. Đứng trước thập
giá của Đức Giêsu, không một ai còn có thể tuyệt vọng.
Đọc bài
thương khó
- Hết bài
thương khó xướng: “Đó là lời Chúa” như thường lệ, nhưng không hôn sách.
- Giảng
- Đọc kinh
Tin kính
IV. SUY NIỆM LÚC RƯỚC LỄ :
1/ Lạy Chúa
Giêsu, chúng con đã bước vào tuần thánh, tuần lễ quan trọng nhất, cử hành những
mầu nhiệm trọng đại nhất trong lịch sử cứu độ. Xin Chúa luôn giúp chúng con
bước theo chân Chúa trong lúc Chúa được tung hô vạn tuế, cũng như trong khi
Chúa chịu khổ hình thập giá, để chúng con được chung phần vào sự sống vinh
quang của Chúa.
2/ Lạy Chúa
Giêsu, chúng con tin thật và vững vàng Chúa đang ngự trong tâm hồn chúng con.
Chúa đã chết vì yêu thương chúng con. Xin Chúa làm cho lòng nhân hậu Chúa rực
sáng và che lấp đi những thiếu sót, những cứng lòng, những ích kỷ, những đam mê
tội lỗi của chúng con. Xin đừng để cuộc khổ nạn của Chúa ra vô ích đối với
chúng con, nhưng mang đến cho chúng con sự sống đời đời.
3/ Lạy Chúa
Giêsu, trước mặt Chúa hôm nay, trong giây phút yêu mến Chúa nồng nàn này, chúng
con xin hứa với Chúa điều này là, chúng con không bỏ qua giây phút nào trong
cuộc sống chúng con mà không cố gắng sống cho Chúa, sống vì Chúa, chúng con sẽ
không bỏ qua cơ hội đau khổ nào mà không lợi dụng để mang lại vinh danh cho
Chúa. đấng đã chịu đau khổ để cứu rỗi chúng con.
=====//////=====
TAM NHẬT VƯỢT QUA
THỨ NĂM TUẦN THÁNH
THÁNH LỄ TIỆC LY
I. Những Đồ Cần Chuẩn Bị Trước:
1/ Trên bàn
thờ chánh
- Bàn thờ
trang trí trọng thể
- Nhà tạm để
trống
2/ Trên bàn
nhỏ cạnh bàn thờ chính
- Chén dĩa
thánh với bánh lễ, khăn lau chén, khăn thánh
- Riêng bánh
lễ, dự trù số cần thiết cho hôm nay và ngày mai
- Rượu nước,
khăn lau tay
- Chuông và
mõ
- Khăn
choàng để kiệu Mình thánh
- Nếu rửa
chân : chậu thau, bình nước, khăn lau tay, xà bông.
3/ Trong
cung thánh
- Ghế cho
chủ tế và người giúp lễ
- Ghế cho
những người được rửa chân
4/ Trong
phòng thánh
- Lễ phục
trắng
- Hương lửa
- Đèn nến
dùng khi đi kiệu Mình thánh
5/ Trên bàn
thờ sẽ đặt Mình thánh
- Nhà tạm,
khăn thánh
- Đèn hoa
II. Lời Dẫn Trước Thánh Lễ:
Hàng năm,
dân Do Thái vẫn ăn bữa tiệc Vượt Qua để tưởng niệm việc họ được Thiên Chúa giải
thoát khỏi ách nô lệ Ai Cập, lập giao ước với họ và đưa họ về miền đất hứa. Đó
là biến cố quan trọng nhất trong lịch sử Do Thái. Hôm nay, Chúa Giêsu Kitô đã
khai mào cuộc thương khó khi cùng với các môn đệ dùng bữa Vượt qua đó. Nhưng
Người đã muốn cho bữa ăn này trở thành bữa tiệc của giao ước mới, giao ước
Người lập khi đổ máu hy sinh trên thập giá. Vì thế, khi trao cho các môn đệ tấm
bánh và chén rượu, là đồ ăn thức uống đã trở thành Mình và Máu của Người, Người
đã thiết lập nghi thức tưởng niệm lễ tế mà hôm sau Người sẽ dâng trên thập giá.
- Hôm nay,
Giáo hội cử hành bữa tiệc ly của Chúa. Trong bữa tiệc này, Đức Giêsu đã cúi
xuống rửa chân cho các môn đệ để dạy các ông bài học khiêm nhường và bác ái.
Người cũng thiết lập bí tích thánh thể và thừa tác vụ linh mục, Người cũng trao
ban cho các môn đệ điều răn mới là tình bác ái huynh đệ.
- Vì thế
Phụng vụ chiều thứ năm tuần thánh là một lời ca tụng tình yêu vô biên của Thiên
Chúa trong Đức Giêsu Kitô.
- Tham dự
thánh lễ hôm nay, mỗi người chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu là bác
ái và khiêm hạ để sống đời sống Kitô hữu của mình. Hơn nữa, để biểu lộ lòng
biết ơn sâu xa với Chúa Giêsu, vì món quà tặng cao quí là chính Mình và Máu
Người, chúng ta hãy đến thờ lạy Chúa trong bí tích thánh thể.
Hát ca nhập lễ: Vinh Quang Của Ta (Hoàng Kim)
hay: Vinh Dự Của Chúng
Ta (Kim Long)
III. Thánh Lễ:
Hát Kinh Vinh Danh (rung chuông)
Phụng vụ lời Chúa
Bài đọc 1: Xh. 12,
1-8. 11-14)
Hướng dẫn: Sách xuất
hành đưa ra những chỉ thị bữa tiệc Vượt qua thời Cựu Ước, để tưởng niệm ơn Chúa
đã cứu dân Israel khỏi ách nô lệ Ai Cập, và để xin Chúa hoàn thành ơn cứu thoát
ấy. Nhưng dầu sao, biến cố ấy cũng chỉ là hình ảnh báo trước hy tế Đức Kitô sẽ
tiến dâng trên thập giá để giải thoát nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi, đưa con
người vào sống muôn đời trong Nước Chúa.
Bài trích
sách xuất hành
Đáp ca : TV 115
Bài đọc 2 : (1 cr 11,
23-26)
Hướng dẫn: Đoạn thư
gởi tín hữu Côrinthô là bản tường thuật xưa nhất về việc thiết lập bí tích
thánh thể. Mỗi khi cử hành thánh lễ, và đặc biệt là chiều nay, chúng ta tưởng
niệm hy tế thập giá của Đức Kitô, nhưng không chỉ tưởng niệm, thánh lễ còn liên
kết chúng ta ngay bây giờ vào cuộc “Vượt qua” của Người để tiến về cùng Chúa
Cha.
Bài trích
thơ thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Côrintô
Câu xướng
trước Phúc Âm (Ga 13, 34)
Bài Phúc Âm
:
(Ga 13, 1-15)
Hướng dẫn: Đức Giêsu
đã yêu các môn đệ “đến cùng” về thời gian và về cường độ. Người đã diễn tả điều
ấy bằng hành vi rửa chân cho các ông để vừa báo trước cái chết cứu độ, vừa dạy
các ông một bài học về nếp sống cộng đoàn là khiêm nhường phục vụ trong yêu
thương.
Bài trích
Phúc Âm theo thánh Gioan
Giảng
Nghi thức
rửa chân
Hướng dẫn: Sau khi
dùng bữa với các môn đệ, Chúa Giêsu rửa chân cho các ông và nói : “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em
không? Thầy là Chúa, là Thầy, Thầy làm gương để anh em cũng làm như vậy”.
Cung cách của Chúa Giêsu là như thế tự hủy ra không, tự hạ tột bậc. Sự khiêm hạ
đó là một nét độc đáo của tình yêu Kitô giáo, khác hẳn với thứ tình yêu chiếm hữu. Tình yêu của Tin Mừng đòi
phải rửa chân cho anh chị em mình.
Hát: “Đâu Có
Tình Yêu Thương” hoặc “Ở Đâu Có Bác Ái” (của Hoàng Kim)
Không đọc kinh
Tin Kính
Lời nguyện
giáo dân
Chủ tế:
Anh chị em
thân mến,
Trong bữa
tiệc ly, trước khi chịu khổ hình thập giá, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích
thánh thể, chức linh mục thừa tác và rửa chân cho các tông đồ để bày tỏ tình
yêu cao vời của Thiên Chúa Cha và của chính Người đối với chúng ta, và cũng để
nêu gương bác ái và tinh thần phục vụ cho chúng ta. Tin tưởng vào tình yêu vô
biên ấy, chúng ta dâng lời cầu nguyện.
1/ “Cũng như Thầy đã rửa chân cho anh em, anh em
hãy rửa chân cho nhau”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho hàng giáo phẩm, giáo
sĩ và tu sĩ luôn nêu cao đời sống thánh thiện, được đầy lòng sốt mến phục vụ
các linh hồn, noi gương tinh thần yêu thương phục vụ của Đức Kitô.
Chúng con
cầu xin Chúa.
2/ “Như Thầy đã yêu thương anh em, anh em hãy
yêu thương nhau”. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho mọi Kitô hữu là những chi
thể của nhiệm thể Chúa Kitô, được giàu lòng thương xót và khiêm nhường như Thầy
chí thánh, để thế gian nhận ra Chúa Kitô là tình thương muốn cứu độ hết thảy
mọi người.
Chúng con
cầu xin Chúa.
3/ Trong bữa tiệc ly khi lập bí tích thánh thể, bí tích tình
yêu, Chúa Giêsu cũng lập nên chức linh mục. Chúng ta hãy cầu xin Chúa
cho cộng đoàn họ đạo chúng ta ý thức được tình yêu bao la của Chúa Kitô, Đấng
đã thiết lập bí tích thánh thể, để mọi người hiểu được giá trị của thánh lễ, mà
năng đến tham dự, thờ lạy, cảm tạ, cầu xin với Đấng hằng nâng đỡ và sẵn sàng
ban phát ơn thánh cho mọi người.
Chúng con
cầu xin Chúa.
4/ Cộng đoàn thánh thể hôm nay đang hướng về cộng đoàn Thiên
quốc mai sau. Chúng ta hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta luôn biết khiêm
tốn phục vụ lẫn nhau, và hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin, và một niềm
hy vọng được sống đời đời.
Chúng con
cầu xin Chúa.
Chủ tế:
Lạy Chúa
Giêsu Kitô, Chúa đã dùng lời nói và gương sáng dạy chúng con sống đúng tư cách
môn đệ Chúa trong cộng đoàn . Xin ban thánh thần giúp con biết tận tình áp dụng
giáo huấn của Chúa trong đời sống chúng con, để có thể làm chứng về tình yêu
của Chúa cho anh chị em. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen
IV. Suy Niệm Lời Chúa Lúc Rước Lễ:
1/ Lạy Chúa
Giêsu, trong bữa tiệc ly hôm nay Chúa đã thiết lập bí tích thánh thể để tưởng
niệm lễ tế là ngày mai, Chúa sẽ tự hiến trên thập giá. Nhờ rước Mình Thánh
Chúa, chúng con được nên một với Chúa, được tham dự vào lễ dâng mình của Chúa, được hưởng nhờ
công ơn cứu chuộc của Chúa đem lại cho chúng con. Xin Chúa giúp chúng con hiểu
được tình yêu Chúa dành cho chúng con khi Chúa lập bí tích thánh thể, để chúng
con siêng năng hơn, trong việc tham dự thánh lễ, và sốt sáng hơn mỗi lần được
rước Chúa vào lòng.
2/ Khi rửa
chân cho các môn đệ, Chúa Giêsu cụ thể hóa lời quả quyết của Ngài : “Thầy sống giữa anh em như người phục vụ” (Lc
22, 27). Trong ba năm rao giảng Tin Mừng ta thấy rõ Chúa Giêsu là Đấng đến trần
gian không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng là để phục vụ hết thảy mọi
người, phục vụ đến chết trên thập giá. Trong khả năng của mình, chúng ta hãy cố
gắng noi gương Chúa Giêsu yêu thương và phục vụ hết mọi người.
3/ “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy
yêu thương nhau, anh em hãy yêu
thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Gn 13, 34). Lời trăng trối của
Chúa Giêsu luôn là lệnh truyền cấp bách cho chúng ta trong mọi lúc mọi nơi. Cầu
xin Chúa ban cho chúng ta một lòng bác ái thực sự, để chúng ta có thể yêu thương
tha nhân như Chúa đã dạy.
V. Nghi Thức Kiệu Mình Thánh Chúa Sang Bàn Thờ Phụ:
(sau lời
nguyện hiệp lễ, linh mục đến trước bàn thờ bỏ hương, rồi quì gối xông hương 3
lần lên Mình Thánh Chúa. Rồi nhận khăn choàng cầm bình đựng Mình Thánh)
Đi Kiệu:
- Thánh giá
đi đầu, kế đến là các người cầm nến và hương lửa- chủ tế cầm MTC, trong khi đó
ca đoàn hát ca vãn : Pange Lingua (hoặc hát về Thánh thể)
- Khi đến
bàn thờ phụ, linh mục đặt Mình thánh trên bàn thờ, bỏ hương, xông hương, trong
lúc đó hát “Đây Nhiệm Tích” (Tantum
Ergo). Đoạn cất Mình thánh vào nhà tạm. Sau giây lát thinh lặng thờ lạy, linh
mục và các người giúp lễ bái gối trở vào phòng áo
- Chầu Mình
thánh chung-
=====//////=====
THỨ SÁU TUẦN
THÁNH
TƯỞNG NIỆM
CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA
Những Đồ Cần Chuẩn Bị Tình Trước :
1/ Trên bàn thờ chánh:
- Sách lễ
Rôma (hoặc Nghi Thức Tuần Thánh)
- Không
thánh giá, không trải khăn bàn thờ, không đèn.
- Chân để
đặt thánh giá.
- Dưới cấp
bàn thờ, dọn gối, nếu chủ sự phủ phục
2/ Trên bàn thờ nhỏ cạnh bàn thờ:
- Khăn trải
bàn thờ
- Khăn thánh
- Bình để
tráng chén
3/ Trong cung thánh;
- Giá sách
với bản “Cuộc Thương Khó”
4/ Trên bàn thờ đang có Mình thánh:
- Khăn
thánh, khăn choàng vai, chìa khóa nhà tạm, đèn.
5/ Trong phòng thánh:
- Lễ phục đỏ
cho chủ sự
- Thánh giá
có tượng Chúa, phủ khăn màu tím
- Hai đèn
hầu thánh giá lúc kiệu ra bàn thờ
Người hướng
dẫn:
Hôm nay, thứ
sáu tuần thánh, Hội thánh tưởng niệm và sống mầu nhiệm cứu độ của Chúa Giêsu,
qua sự chết đi vào sự sống, qua Thập giá đến vinh quang.
Đức Giêsu tự
hiến thân mình đến chết và chết trên thập giá. Vì thế Thánh giá là trung tâm
điểm ngày lễ hôm nay. Phụng vụ hôm nay đều bao trùm Thánh giá. Từ chiều hôm nay
đến ngày Chúa sống lại chúng ta chỉ thấy hình bóng của Thánh giá. Giáo hội mời
gọi các tín hữu đến dưới chân Thánh giá, vì Thánh giá là biểu tượng của vinh
quang. Thánh Phaolô nói: “người Do Thái
đòi những điềm thiêng dấu lạ, người Hy
lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan , còn chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng
đinh trên Thập giá”.
Phụng vụ hôm
nay cử hành lại sự vinh quang của Thiên Chúa qua mầu nhiệm thập giá chứ không
chỉ tưởng niệm lại một biến cố quá khứ đã diễn ra cách đây hơn 2000 năm.
Ngày nay,
trong cuộc sống bình thường mỗi ngày người Kitô hữu chia sẻ Thập giá Đức Ki-tô
bằng cách đảm nhận Thập giá đời mình không phải như một cái gì gây đau khổ,
nhưng còn hơn thế nữa, như một sự tháp nhập vào đời sống Đức Ki-tô, để như hạt
lúa mì rơi xuống đất, chết đi, nẩy mầm thành cây và sinh hoa trái.
Theo truyền
thống từ ngàn xưa, việc Giáo hội không cử hành thánh lễ hôm nay, không phải là
dấu hiệu tang tóc, nhưng là tập trung hơn vào những biến cố diễn ra trước biến
cố phục sinh, đó là Đức Ki-tô đã đi đến tột cùng của thử thách là sự chết, và
chết trên thập giá để cứu độ nhân loại.
Vì thế thập
giá đã trở nên nguồn sống cho nhân loại, khí cụ chiến thắng tội lỗi, và nguyên
nhân giải hòa chúng ta với Thiên Chúa. Chính nhờ cây gỗ thập giá mà niềm hân
hoan tràn ngập địa cầu.
Bằng tâm
tưởng, chúng ta hãy lần bước theo Chúa Giêsu trên con đường thương khó và tử
nạn của Ngài.
Xin Chúa cho
chúng ta được ăn năn thống hối chân thành: sẵn sàng chết đi với tội lỗi và sống
cho Chúa, vui lòng vác thập giá hàng ngày đi theo Chúa, với hy vọng sẽ được
cùng Người sống lại vinh quang.
Cộng đoàn
Dân Chúa họp nhau đây để cử hành nghi lễ tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa.
Nghi thức
phụng vụ chiều nay gồm có 3 phần :
Phần Thứ
Nhất Là Phụng Vụ Lời Chúa: Chúng ta sẽ nghe các bài đọc nói về
cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu: Người chính là Chiên Thiên Chúa,
Chiên vượt qua đích thực đã triệt để tuân phục Chúa Cha, đã tự nguyện chấp nhận
cái chết vì tội lỗi chúng ta và đổ máu mình ra để xóa tội và cứu độ chúng ta.
Phần Thứ Hai
Là Kính Thờ Thánh Giá: Đây là phần chính yếu
của nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh.
Thờ lạy và
hôn kính thánh giá là biểu lộ lòng tin kính, lòng biết ơn, lòng mến đối với
Chúa Giêsu, Đấng đã dùng thánh giá mà chuộc tội cho thiên hạ.
Phần Thứ Ba
Là Rước Lễ: Chúng ta sẽ được lãnh nhận Mình thánh Chúa để được hiệp
thông vào hiến tế của Chúa Giêsu trên thập giá, được nên một với Người, nhờ đó
chúng ta có đủ sức mạnh thiêng liêng kiên vững bước theo Người trên con đường
thập giá với niềm hy vọng được sống lại vinh quang với Người.
Phần I: PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Người hướng
dẫn:
Giờ đây,
linh mục chủ sự sẽ tiến ra trước bàn thờ để cử hành nghi thức tưởng niệm cuộc
khổ nạn của Chúa. Lúc linh mục phủ phục, là lúc chúng ta quì gối thinh lặng ghi
nhớ rằng, một chiều thứ sáu như chiều nay, Chúa Giêsu đã chịu chết trên thánh
giá để cứu chuộc chúng ta.
- (linh mục
lên bàn thờ đọc lời nguyện)
Lạy Chúa, vì
yêu thương chúng con vô ngần,
Chúa đã vui
lòng cho Con Một Chúa
đổ máu đào
trên thập giá
để hoàn
thành màu nhiệm Vượt Qua,
đem lại ơn
cứu độ cho loài người.
Giờ đây xin
Chúa nhớ lại tình thương ấy
mà thánh hóa
và che chở đoàn con luôn mãi.
Chúng con
cầu xin
Bài đọc 1: Isaia (52,
13-53, 12)
Người hướng
dẫn:
Phụng vụ lời
Chúa bắt đầu với đoạn sách Isaia. Ngôn sứ Isaia đã mô tả người tôi trung của
Thiên Chúa chịu khổ nạn để muôn người được trở nên công chính, và đem lại cho
họ phúc bình an. Năm trăm năm sau, những lời sách Isaia trước kia đã được ứng
nghiệm một cách kỳ diệu nơi Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, gúp ta hiểu hơn ý
nghĩa và hiệu lực của cái chết của Chúa Giêsu, đem lai ơn cứu chuộc cho ta.
- Lời
Chúa trong sách ngôn sứ Isaia-
(Đáp ca Tv
30, 2 …)
Bài đọc 2: Dt (4, 16;
5, 7-9)
Người hướng
dẫn:
Chúa Giêsu
đã chấp nhận thử thách , đau khổ, và cái chết, làm bằng chứng lòng Ngài hằng
vâng phục tôn ý Chúa Cha. Vì thế, Ngài
vừa là tư -tế , vừa là lễ vật hy sinh, trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho
những ai cũng biết vâng phục Ngài.
- Lời
Chúa trong thư gởi tín hữu Do Thái -
(Tung hô Tin
Mừng)
Người hướng
dẫn:
Hôm qua,
chúng ta đã tham dự bữa tiệc ly của Chúa. Giờ đây, chúng ta hãy theo Ngài rời
phòng tiệc, đi với các môn đệ sang vườn Ghết-sê-ma-ni. Trong bài thương khó
này, thánh Goan kể lại việc Chúa Giêsu bị bắt, dẫn đến trước Cai pha, điệu sang
Philatô, bị lăng nhục vác thập giá, tắt thở trên đồi Golgota và mai táng trong
huyệt đá – chúng ta hãy theo từng bước Chúa trên đường cực hình, cảm thông với
Ngài và đấm ngực ăn năn xin Ngài tha thứ.
(Hát bài thương khó)
Giảng
Lời nguyện
chung (10
lời nguyện)
Người dẫn
lễ:
Cuối phần
phụng vụ lời Chúa là những lời cầu nguyện đặc biệt quan trọng cho toàn thể Giáo
hội và thế giới, cho hết mọi hạng người
vì ơn cứu độ do Chúa Giêsu đã đổ máu ra để thực hiện, cần phải đạt tới hết mọi
người ở mọi nơi.
Phần II: THỜ LẠY THÁNH
GIÁ
(trong khi
linh mục chuẩn bị thánh giá cho cộng đoàn kính thờ, thì người dẫn lễ đọc)
Người dẫn
lễ:
Phần thứ hai
trong nghi thức chiều nay là kính thờ thánh giá. Thời xa xưa thập giá là bản án
nhục nhã đế quốc La mã dành cho các tử tội, nhưng từ ngày Chúa Giêsu tự hiến
trên thánh giá để cứu chuộc loài người, thập giá của Chúa Giêsu được gọi là
Thánh giá:Thánh giá là dấu hiệu tình yêu của Chúa Giêsu đối với loài người;
Thánh giá là dấu hiệu ơn cứu độ của Chúa Giêsu dành cho loài người. Tôn thờ
Thánh giá là tôn thờ Chúa Giêsu, Đấng đã thí mạng vì yêu mến chúng ta. Tôn thờ
Thánh giá là xin được đón nhận ơn cứu độ
Chúa Giêsu mang lại cho chúng ta.
- Hình thức thứ nhất (Mang thánh giá có
phủ khăn ra bàn thờ, hai người giúp lễ cầm nến cháy đi hai bên thánh giá. Linh
mục đứng trước bàn thờ, nhận thánh giá cởi 3 lần từng phần khăn che thánh giá,
giơ cao thánh giá lên và hát (đọc) : Đây là cây Thánh giá, nơi treo đấng cứu độ
trần gian.
- Hình thức thứ hai (Lm. đến cửa Nhà thờ nhận thánh giá
không phủ khăn, các người giúp lễ thì cầm nến cháy rồi đi kiệu qua lòng Nhà thờ
lên Cung thánh, rồi hát 3 lần như trên)
Cộng đoàn đáp: (chúng
ta hãy đến thờ lạy).
Rồi linh mục
đặt thánh giá ở câu lơn cho mọi người thờ lạy, hôn kính, (trong khi đó ca đoàn
hát những bài suy tôn Thánh giá)
(khi gần hết
người hôn kính thánh giá, các người giúp lễ trải khăn bàn thờ đặt khăn
thánh và sách lễ lên.)
(linh mục và
giúp lễ đi rước Mình thánh từ bàn thờ phụ)
Phần III : RƯỚC LỄ
Người dẫn
lễ:
phần thứ ba
của nghi thức chiều nay là rước Mình Thánh Chúa. Chúa Giêsu Đấng xưa đã thí
mạng trên thập giá vì yêu mến chúng ta, chính Ngài đã lập bí tích Thánh thể, chính
Ngài giờ đây đang hiện diện thực sự trong hình bánh. Chúng ta hãy tỏ lòng tin
kính, yêu mến và biết ơn Ngài một cách trọn vẹn, qua việc sốt sáng rước Chúa
vào lòng.
- (sau kinh
Lạy Cha, và linh mục cầm Mình thánh, nâng lên và đọc “đây chiên Thiên Chúa…”
cộng đoàn rước lễ. Trong khi đó ca đoàn hát những bài thích hợp)
Gợi ý suy
niệm
Khi Hôn Kính
Thánh Giá
1/ Lạy Chúa,
vì những dấu đanh của Chúa. xin Chúa hãy chữa lành những vết thương tâm hồn
chúng con. Nguyện xin dòng nước mắt Chúa trở thành dòng suối niềm vui cho chúng
con. Nguyện xin cái chết của Chúa ban sự sống cho chúng con.
2/ Lạy Chúa,
xin cho chúng con được nhìn vào thánh giá Chúa như nguồn ơn cứu rỗi, xin cho
chúng con khi hôn kính thánh giá Chúa, biết hứng lấy tất cả nguồn mạch phong
phú của ơn cứu chuộc. Xin Chúa cũng biến đổi tất cả những thánh giá Chúa gởi
đến trong đời chúng con thành dụng cụ mang lại ơn cứu rỗi đời đời cho chúng
con.
3/ Lạy Chúa,
trước cảnh tượng Chúa Giêsu bị nhạo cười và mang thập giá, chúng con xin Chúa
ban ơn trợ giúp cho những người bị khinh rẻ, bị cô đơn cô thế, bị bỏ rơi, bị
đau khổ và nghèo khó… để họ đừng thất vọng nhưng luôn tin tưởng vào sự hiện
diện đầy nhân ái của Chúa. Chúng con cũng xin Chúa cho chúng con hiểu được giá
trị cứu độ trong những lao nhọc hàng ngày của chúng con, để chúng con biết dấn
thân phục vụ hạnh phúc cho mọi người.
Suy niệm lúc
rước lễ
1/ Chúa đã
dạy chúng con: “hạt giống reo vào lòng
đất mà không chết đi, nó chỉ trơ trọi một mình, nhưng nếu nó chết đi, nó sẽ
sinh cho đời nhiều bông hạt”. Xin Chúa ban sức sống cho chúng con, giúp
chúng con biết đi theo con đường tự
hiến, tự hủy của hạt lúa, để chúng con trở nên ích lợi cho mọi người.
2/ Chúa đã
dạy chúng con: “không có tình yêu nào cao
quí hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu”, chính Chúa
đã thể hiện tình yêu cứu độ đối với chúng con, nhất là đối với các tội nhân.
Chúa đã chấp nhận tất cả, kể cả hình phạt bị ném đá, kể cả khổ hình thập giá,
kể cả biến thịt mình nên của ăn của uống, để chúng con được sống, được làm con
Chúa. Chúng con xin dâng lên Chúa tâm tình tạ ơn và thống hối.
3/ Lạy Chúa,
xin cho mầu nhiệm thập giá là mầu nhiệm của tình yêu, luôn sống động trong tâm
hồn chúng con, để chúng con luôn biết noi gương Chúa Giêsu sống chan hòa yêu
thương như lời Chúa dạy: “chúng con hãy
yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương chúng con”. Ước gì lời Chúa dạy thấm
nhập vào tâm hồn và cuộc sống chúng con, thắp lên trong chúng con lòng mến Chúa
nồng nàn và yêu tha nhân thắm thiết chân thành.
Sau rước lễ:
* Có thể giữ
thinh lặng thánh trong giây lát, rồi Linh mục đọc lời nguyện hiệp lễ.
* Để giải
tán, Linh mục đứng quay về phía dân chúng, giơ tay trên họ và đọc lời nguyện
chúc lành trên dân Chúa.
* Mọi người
yên lặng ra về. Vào lúc thuận tiện lột khăn bàn thờ.
=====//////=====
THỨ BẢY TUẦN THÁNH
CANH THỨC VƯỢT QUA
I. Những Đồ Cần Chuẩn Bị Trước:
1/ Trên bàn thờ chính:
- Trải khăn
bàn thờ
- Nhà tạm
không Mình thánh, cửa mở.
2/ Trên bàn nhỏ cạnh bàn thờ chánh:
- Sách lễ
- Chén dĩa
thánh, khăn thánh, khăn lau chén, bình đựng bánh lễ.
- Rượu nước
khăn lau tay.
- Chuông để
rung lúc xướng kinh vinh danh.
3/ Trong cung thánh:
- Chân để
cắm nến Phục Sinh.
- Ghế chủ tế
và những người giúp lễ.
- Lu nước sẽ
làm phép.
- Bình sẽ
đựng nước thánh (với dùi rảy nước thánh) Nếu có rửa tội sau khi làm phép
nước, thì dọn thêm:
Sách nghi lễ
Rửa tội
Dầu thánh,
bông gòn để lau dầu
Áo trắng và
nến cho các tân tòng.
4/ Ngoài cửa chánh nhà thờ:
- Sách lễ
(hoặc Nghi Thức Tuần Thánh)
- Dĩa đựng 5
hạt hương.
- Bình hương
(và tàu hương)
- Nến nhỏ để
châm nến Phục Sinh
- Hỏa lò,
hộp quẹt, than.
5/ Trong phòng thánh:
- Lễ phục
trắng cho chủ tế
- Các bình
hoa để chưng trên bàn thờ sau khi xướng Kinh Vinh Danh
- Nến Phục
Sinh và nến cho những người giúp lễ.
II. Canh Thức Vượt
Qua:
Người dẫn lễ
đọc: (khi chủ tế
mặc lễ phục)
Suốt ngày
thứ bẩy hôm nay là ngày đại tang: Đức Giêsu đã chết trên thập giá và được chôn
cất trong huyệt đá vào lúc hoàng hôn. Từ chiều thứ sáu và suốt ngày thứ bẩy,
các Tông đồ tụ họp tại nhà tiệc ly, lòng tan nát và sợ hãi. Còn Mẹ Maria vẫn
luôn ở trong thái độ “ghi nhớ và suy niệm”
trong lòng mọi biến cố xẩy ra cho con của Mẹ. Nhưng từ sáng sớm tinh sương ngày
lễ Vượt Qua, Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết như lời Ngài đã báo trước. Ngài
đã chiến thắng sự chết trỗi dậy ra khỏi huyệt đá mới.
Như dân Do
Thái xưa kia trong tư thế tỉnh thức sẵn sàng, chờ đợi cột mây, cột lửa của Đức
Chúa xuất hiện là lên đường; như các người dự tòng xưa kia đêm nay tỉnh thức
đợi chờ giờ lãnh nhận phép rửa được khai tâm về Đức tin Ki-tô giáo, và được dìm
mình vào trong cái chết của Đức Kitô để được tái sinh vào chính lúc Chúa Kitô
phục sinh. Giờ đây chúng ta cùng canh thức chờ Chúa đến dẫn chúng ta vào ánh
sáng phục sinh
Ngay từ các
thế kỷ đầu, các Kitô hữu đã cử hành đêm nay như một cuộc rước long trọng khải
hoàn : Chúa Kitô, đêm nay đi từ tối tăm qua ánh sáng, đi từ cõi chết âm u tang
tóc tiến vào cõi sống tưng bừng hoan hỉ.
Chúa Giêsu
đã chết để tẩy trừ tội lỗi của chúng ta. Ngài đã sống để thánh hóa chúng ta, để
đưa chúng ta vào cuộc sống mới.
Buổi canh thức vượt qua đêm nay gồm
4 phần:
Phần 1: Thắp nến
Phục Sinh.
Gồm các nghi
thức làm phép lửa, nến Phục Sinh, kệu nến Phục Sinh và công bố Tin Mừng Phục
Sinh.
Phần 2: Phụng vụ
Lời Chúa.
Lời Chúa hôm
nay nhắc đến hai việc quan trọng, Chúa làm vì yêu thương loài người : một là
Chúa đã tạo dựng, hai là Chúa đã cứu chuộc. Những kỳ công Thiên Chúa đã làm để
cứu độ dân Ngài được Chúa Giêsu thực hiện qua sự chết và sự sống lại của Ngài,
được coi như một cuộc tạo dựng mới.
Phần 3: Phụng vụ
Phép Rửa
Chúa Giêsu
phục sinh đã dọn sẵn ơn cứu chuộc cho mọi người, để “ai tin
và chịu phép rửa sẽ được cứu độ” (Mc 16.16 ). Hôm nay linh mục làm phép
nước rửa tội, rồi mọi người cùng ôn lại “lời
hứa khi lãnh phép rửa” của chính mình,
để tuyên xưng đức tin và để vui mừng vì biết rằng mình đang được Chúa
phục sinh cứu độ.
Phần 4: Phụng vụ
Thánh Thể.
Phụng vụ
thánh thể là chóp đỉnh của cuộc cử hành đêm nay : chúng ta hãy đón nhận tình
yêu cứu độ của Chúa Kitô phục sinh vào tâm hồn và cuộc sống của chúng ta.
(giờ đây,
xin mời cộng đoàn đứng hướng về cuối nhà thờ, nơi đó chủ tế sẽ làm phép lửa mới
và làm phép nến Phục Sinh).
Phần Thứ Nhất
NGHI THỨC THẮP NẾN PHỤC SINH
I.Làm Phép Lửa Và Chuẩn Bị Nến
Linh Mục chào: - Chúa ở
cùng anh chị em
- và ở cùng cha
Anh chị em
thân mến
Trong đêm
rất thánh này, đêm Đức Giêsu Chúa chúng ta, đã hoàn tất mầu nhiệm vượt qua, tức
là từ cõi chết sống lại. Hội thánh kêu mời con cái ở khắp nơi trên hoàn cầu,
cùng họp nhau mà canh thức cầu nguyện.
Vậy chúng ta
hãy cùng nhau chăm chú nghe lời Chúa, và sốt sáng cử hành bí tích tưởng niệm
Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, với niềm hy vọng sẽ được cùng Người chiến
thắng sự chết, và cùng Người luôn sống kết hợp với Chúa Cha.
Làm phép lửa:
Chúng ta
dâng lời cầu nguyện:
Lạy Chúa,
Chúa đã sai con một, đến giãi ánh vinh quang rực rỡ của Chúa vào lòng tín hữu.
Xin thánh hóaX ngọn lửa
mới này, và trong suốt thời gian mừng lễ vượt qua, xin cho niềm khao khát nước
trời, cũng bừng lên thiêu đốt lòng chúng con, và thanh tẩy muôn vàn tội lỗi, để
mai sau chúng con xứng đáng vào thiên quốc tham dự lễ ánh sáng muôn đời. Chúng
con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con .Amen.
Chuẩn bị nến phục sinh:
1/ Đường dọc
: Đức Kitô vẫn là một
2/ Đường
ngang : Hôm qua cũng như hôm nay
3/ Chữ Alpha
: là anpha và omêga
4/ Chữ Omêga
: nghĩa là khởi nguyên và tận cùng
5/ Viết số
đầu của năm góc trái phía trên : người làm chủ thời gian
6/ Viết số
thứ 2 của năm, góc phải phía trên : và muôn thế hệ
7/ Viết số
thứ 3 của năm, góc trái phía dưới : Vạn tuế Đức Kitô, đấng vinh hiển quyền năng.
8/ Viết số
thứ 4 của năm, góc phải phía dưới : Vạn vạn tuế. Amen.
Gắn năm dấu
đanh:
1/ Vì năm
vết thương
2/ Chí thánh
và vinh hiển
3/ Xin Chúa
Kitô
4/ Gìn giữ
5/ Và bảo vệ
chúng ta . Amen.
- Linh Mục lấy lửa mới thắp nến Phục Sinh.
Xin Đức
Kitô, Đấng Phục Sinh vinh hiển chiếu giãi ánh sáng của Người để phá tan bóng
tối đang bao phủ lòng trí chúng ta.
II. Kiệu Nến Phục Sinh:
- Linh Mục
cầm nến phục sinh nâng cao và hát :
Ánh Sáng
Chúa Kitô
Mọi người
đáp:
Tạ
Ơn Chúa
- Linh Mục
giơ nến cao lần hai và hát : ánh sáng ….
(lấy lửa từ
nến phục sinh thắp vào nến của mình và kiệu tiếp tục)
- Khi đến
trước bàn thờ, cầm nến quay về phía giáo dân và hát như hai lần trước. (thắp
hết nến trong nhà thờ).
III. Công Bố Tin Mừng Phục Sinh:
Người dẫn lễ : Ngày xưa, giữa lúc nhân loại đang chìm đắm trong tội lỗi,
bóng tối và sự chết, Chúa Kitô đã phục sinh mang lại sự sống, ánh sáng, ân
sủng, chiến thắng và vinh quang cho mọi người. Hôm nay cũng thế, giữa đêm tối
đang bao trùm thánh đường, nến phục sinh tượng trưng Chúa Kitô phục sinh, từ
cuối nhà thờ tiến lên cung thánh chiếu tỏa ánh sáng, sự sống và hân hoan cho
mọi người chúng ta.
Hát công bố
Tin Mừng phục sinh.
Phần Thứ Hai
PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
Người dẫn lễ : Bây giờ đến phần phụng vụ lời Chúa, những ai cầm nến xin
tắt đi, xin mời cộng đoàn ngồi lắng nghe lời Chúa
- Linh Mục
khuyên bảo dân chúng những lời sau đây :
- Người dẫn
lễ giới thiệu bài đọc một (St. I, 1-2, 2) trích từ sách sáng thế. những chương
đầu sách sáng thế, là một bài ca phụng vụ, mượn những quan niệm bình dân thời
xưa về vũ trụ để tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa, đấng dùng quyền năng và
thần khí của Ngài mà sáng tạo muôn loài. Đêm nay, Giáo Hội đọc đoạn văn này để
nói rằng: trong mầu nhiệm vượt qua, tức mầu nhiệm tử nạn và phục sinh. Chúa
Kitô đã khai mào một tạo thành mới, còn tốt đẹp hơn nữa, Ngài đã dùng nước
thánh tẩy và ơn Thánh Thần để đưa chúng ta vào tạo thành mới đó.
(Một người
đọc bài một tại giảng đài).
Lời Chúa
trong sách sáng thế.
- Đáp Ca.
- Hết đáp ca
linh mục đọc lời nguyện, mọi người đáp. Amen.
Người dẫn lễ
:
Bài đọc 2 trích từ sách xuất hành (Xh 14,15-15,1 ). Bằng thể văn anh hùng ca,
sách xuất hành quảng diễn và đề cao việc Thiên Chúa giải thoát dân người, khi
Người cho họ đi bộ qua Biển Đỏ. Biến cố này tiên báo cuộc xuất hành mới, mà Thiên
Chúa cho chúng ta thực hiện : khi đi qua nước thanh tẩy chúng ta cũng được giải
thoát khỏi vòng nô lệ tội lỗi và được trở thành dân Thiên Chúa. Vì thế, chúng
ta cũng có thể hát bài ca chiến thắng: Vang Lên Muôn Lời Ca.
(Một người
đọc bài đọc 2 tại giảng đài)
Lời Chúa
trong sách xuất hành
- Đọc hoặc
hát đáp ca
- Hết đáp
ca, Linh Mục đọc lời nguyện, mọi người đáp . Amen.
Người dẫn lễ
:
Bài đọc 3 trích sách ngôn sứ Isaia (Is 54,5-14). Chương 54 sách Isaia trích từ
sách yên ủi Israel, viết trong thời lưu đày Babylon. Dân Israel được Chúa coi
như bạn trăm năm, nhưng họ đã phản bội. Dầu vậy, tình yêu của Chúa vẫn trung
thành và bất diệt, không hề đổi thay. Vì thế Chúa sẽ cho họ trở về và sẽ xây
dựng lại Giêrusalem. Đó cũng chính là tình yêu của Chúa đối với chúng ta, nhờ
đó mà ta được cứu chuộc.
(Một người
đọc bài 3 tại giảng đài)
Lời Chúa
trong sách ngôn sứ Isaia
- Đọc hoặc
hát đáp ca
- Hết đáp
ca, Linh Mục đọc lời nguyện, mọi người đáp .Amen.
- Linh Mục
xướng Kinh Vinh Danh : Rung chuông, đốt nến và bưng bông lên bàn thờ, dứt kinh
vinh danh linh mục đọc lời nguyện mọi người đáp .Amen.
Người dẫn
lễ: Bài thánh thư
trích từ thư gởi tính hữu Rôma. Bài thánh thư hôm nay là một trong những đoạn
văn căn bản về bí tích thánh tẩy. Thánh Phaolô nói: trong phép rửa, chúng ta
được liên kết với mầu nhiệm vượt qua của Đức Kitô. Thật vậy khi được dìm vào
nước thánh tẩy, ta cùng chết, cùng được mai táng với Đức Kitô và khi ra khỏi
nước ta cùng sống lại với Người và bước vào cuộc sống mới.
(Một người
đọc thánh thư ở giảng đài)
Lời Chúa
trong thư của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Rôma
- Sau câu
đáp “tạ ơn Chúa” cộng đoàn đứng.
- Linh Mục
long trọng xướng haleluia và cộng đoàn lặp lại (3 lần) rồi đọc hoặc hát đáp ca,
sau đó linh mục đọc Tin Mừng và giảng.
Phần Thứ Ba
PHỤNG VỤ PHÉP
RỬA
Người dẫn lễ
:
Phần thứ ba trong nghi thức hôm nay là phụng vụ phép rửa, buổi canh thức mừng
Chúa sống lại, hôm nay là dịp để chúng ta nhớ đến bí tích rửa tội mỗi người
chúng ta đã lãnh nhận và long trọng tuyên xưng lại đức tin vào Chúa phục sinh.
- Linh Mục
và các người giúp và giúp lễ đi đến giếng rửa tội
(nếu phải
làm phép giếng nước rửa tội, nhưng lại không có ai sắp chịu phép rửa tội) Linh mục khuyên bảo:
Anh chị em
thân mến,
Chúng ta hãy
cầu xin Thiên Chúa là Cha toàn năng thánh hóa nước này, để những ai nhờ nước
này mà được tái sinh, cũng được họp đoàn với con cái Chúa trong Đức Ki-tô.
Kinh Cầu Các Thánh
(Hai ca viên
hát kinh cầu. Mọi người đứng và đáp lại)
Làm Phép Nước
1/ Làm phép
nước rửa tội: (linh mục
chấp tay đọc lời nguyện)
Lạy Chúa, Chúa
dùng quyền năng vô hình mà làm cho các bí tích trở nên hữu hiệu lạ lùng. Và qua
dòng lịch sử cứu độ, Chúa đã bao lần dùng nước do chính Chúa tạo thành để bày
tỏ hiệu năng của phép thánh tẩy. Quả vậy, ngay từ lúc vũ trụ khởi nguyên, Thánh
thần Chúa đã bay là trên mặt nước, để từ đó nước hàm chứa năng lực thánh hóa
muôn loài. Chúa lại dùng nước hồng thủy làm hình ảnh tiên báo phép rửa ban ơn
tái sinh, vì thời đó cũng như bây giờ, nước biểu thị quyền năng Chúa vừa tiêu
diệt tội lỗi lại vừa khai mở một đời sống mới.
Chúa đã giải
thoát con cháu ông Ap-ra-ham khỏi vòng nô lệ mà dẫn qua biển đỏ ráo chân, để họ
tượng trưng cho một dân tộc mới, là những người được thanh tẩy sau này. Và sau
hết, khi đến thời đến buổi, chính Con Một Chúa đã lãnh nhận phép rửa của thánh
Gioan trong dòng nước sông Giodan và được Chúa Thánh Thần ngự xuống trên mình.
Lúc bị treo
trên thập giá, Người đã để cho máu cùng nước từ cạnh sườn chảy ra. Và sau khi
sống lại, Người đã truyền cho các môn đệ rằng: “anh em hãy đi giảng dạy và
làm phép rửa cho muôn dân, nhân danh Chúa Cha, và Chúa Con, và Chúa Thánh
thần”. Vậy giờ đây, lạy Chúa, xin thương nhìn đến Giáo hội và khơi lên giữa
lòng Giáo hội nguồn nước thánh tẩy. Xin cho dòng nước này được thấm nhuần Thần
khí của Đức Ki-tô, để nhân loại Chúa đã dựng nên theo hình ảnh Chúa được thanh
tẩy khỏi mọi vết nhơ con người cũ và tái sinh làm người mới nhờ nước và Thánh
thần.
Linh mục
nhúng nến phục sinh vào nước một hoặc ba lần, đọc:
Lạy Chúa,
nhờ công ơn Con Một Chúa, xin cho nước này đầy tràn sức mạnh của Chúa Thánh
thần, để những ai được dìm trong nước thánh tẩy này, nghĩa là cùng chết và chịu
mai táng với Đức Ki-tô cũng được sống lại với Người, để hưởng phúc trường sinh.
Người hằng sống và hiển trị muôn đời.
Đáp: Amen.
Trong lúc
LM. Lấy nến PS ra khỏi nước thì giáo dân tung hô:
“Chúa tụng
Chúa đi, suối mạch nước tràn đầy
Muôn ngàn
đời hãy ca tụng suy tôn”
2/ Làm phép
nước thánh:
LM:
Anh chị em
thân mến,
Giờ đây
chúng ta cầu xin Chúa thánh hóa nước này, để chúng ta rẩy trên mình mà nhớ lại
bí tích thánh tẩy ta đã lãnh nhận. Cúi xin Chúa đổi mới chúng ta giúp chúng ta
luôn trung thành sống theo ơn thánh Người đã ban.
(LM: Giang tay đọc tiếp)
Lạy Thiên
Chúa toàn năng hằng hữu, trong đêm cực thánh này, chúng con là dân Chúa, đang
họp nhau canh thức cầu nguyện, để tưởng nhớ công ơn Chúa đã sáng tạo chúng con
cách lạ lùng, và cứu chuộc còn lạ lùng hơn nữa. Xin thương nhậm lời chúng con
và thánh hóa nước này do chính Chúa đã dựng nên, để làm cho ruộng đất phì nhiêu
mầu mỡ, cho thân xác con người được sạch sẽ và thoải mái. Và trải qua lịch sử
cứu độ, nước thiên nhiên đã trở nên khí cụ tình thương hải hà: Quả vậy, Chúa
dùng nước Biển Đỏ cứu dân riêng khỏi vòng nô lệ, và làm vọt lên giữa sa mạc khô
cành một nguồn nước cho dân giải khát. Các ngôn sứ cũng dùng hình ảnh nước mạch
tuôn trào để tiên báo Chúa sẽ thiết lập một giao ước mới với loài người chúng
con. Và sau hết khi Đức Ki-tô chịu phép rửa tại sông Giodan, Chúa đã thánh hóa
nước trong lành, để thanh tẩy con người tội lỗi chúng con. Và chúng con được tái
sinh nên con người mới. Vậy giờ đây khi chúng con rẩy nước thánh trên mình, để
nhớ lại bí tích thánh tẩy chúng con đã lãnh nhận, xin Chúa cho tất cả chúng con
được chia sẻ niềm vui với anh chị em chịu phép thánh tẩy trong mùa Vượt Qua
này. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen.
Lập lại lời tuyên hứa rửa tội
LM:
Anh chị em
thân mến,
Nhờ mầu
nhiệm Vượt Qua, chúng ta được mai táng với Đức Ki-tô trong bí tích thánh tẩy,
để được cùng Người sống đời sống mới. Bởi thế, giờ đây, thời gian thanh luyện
của mùa chay đã kết thúc, chúng ta cùng nhau lập lại những điều đã tuyên hứa
khi lãnh nhận bí tích thánh tẩy: là từ bỏ XaTan với tất cả những gì thuộc về
nó, và trung thành phụng sự Chúa trong Hội thánh Công giáo.
LM 1:
Để sống cho
xứng đáng là con cái tự do của Thiên Chúa, anh chị em có từ bỏ tội lỗi không?
CĐ: Thưa từ bỏ
LM 2:
Để khỏi làm
nô lệ tội lỗi, anh chị em có từ bỏ những quyến rũ gian tà không?
CĐ: Thưa từ bỏ
LM 3:
Anh chị em
có từ bỏ Xa Tan là đầu mối gây ra mọi
tội ác không?
CĐ: Thưa từ bỏ.
LM 1:
Anh chị em
có tin kính Thiên Chúa là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất không?
CĐ: Thưa tin
LM 2:
Anh chị em
có tin kính Đức Giêsu Kitô là Con Một
Chúa Cha và là Chúa chúng ta, đã được Đức trinh nữ Maria sinh ra, đã chịu khổ hình và mai táng,
đã từ cõi chết sống lại và đang ngự bên hữu Chúa Cha không?
CĐ: Thưa tin.
LM 3:
Anh chị em
có tin kính Chúa Thánh thần, tin kính Giáo hội thánh thiện và Công giáo, tin
mầu nhiệm hiệp thông trong dân thánh, tin có ơn tha tội, tin xác phàm sẽ sống
lại và tin có sự sống đời đời không?
CĐ: Thưa tin
LM (kết thúc):
Thiên Chúa
là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã giải thoát chúng ta khỏi vòng tội lỗi,
và cho chúng ta được tái sinh nhờ nước và Thánh thần. Nguyện xin Người ban ơn
gìn giữ chúng ta luôn kết hiệp với Đức Ki-tô để được sống muôn đời.
CĐ. Amen.
Rảy nước
thánh: Tôi đã
thấy nước …
Sau rảy nước
thánh – bỏ kinh Tin Kính – đọc lời nguyện giáo dân.
Lời Nguyện Giáo Dân
Linh mục: Anh chị em thân mến.
Đức Giêsu
Kitô, đã xuống thế làm người, và là Đấng sáng lập Đạo chúng ta, đã chết và sống
lại đúng như lời Ngài đã tiên báo. Trong niềm tự hào và phấn khởi đó, chúng ta
dâng lên Chúa những lời nguyện xin:
1/ Đức Giêsu Kitô là mặt trời công chính, là ánh sáng thế
gian.
– Xin cho chúng con biết trung kiên bước theo Ngài, để được sống trong ánh
sáng, đồng thời biết chiếu giãi ánh sáng của Ngài ra chung quanh, bằng đời sống
chứng nhân, để mọi người nhận ra ánh sáng chân lý, Tin Mừng yêu thương cứu độ
của Chúa.
(Chúng ta cùng cầu xin Chúa)
2/ Đức Giêsu Kitô đã mang lửa tình yêu của Thiên Chúa đến
trong thế gian. – xin cho chúng ta được lửa ấy nhóm lên trong lòng chúng
ta, để chúng ta biết sống trọn vẹn cuộc đời mến Chúa yêu người như Chúa.
(Chúng ta cùng cầu xin Chúa)
3/ Cả đời sống
Kitô hữu là sống bí tích rửa tội. – xin cho mỗi
người chúng con biết quan tâm sống trọn những lời hứa khi lãnh nhận bí tích rửa
tội: cùng với Đức Ki-tô chết đi đối với tội lỗi, và sống một đời sống mới, để
được sống lại vinh quang với Ngài.
(Chúng ta cùng cầu xin Chúa)
4/ Đức Ki-tô đã
sống lại thật rồi! Phúc cho những ai không thấy mà tin. – Xin cho chúng con là những người đã xác tín vào biến cố độc nhất vô nhị
ấy, biết hoàn toàn tín thác vào Chúa Phục Sinh, để chiến đấu và chiến thắng mọi
gian nan thử thách trong cuộc đời, với hy vọng sẽ đạt được chính Chúa và Nước
Trời làm gia nghiệp muôn đời.
(Chúng ta cùng cầu xin Chúa)
Linh mục: Lạy Chúa Giêsu Kitô, đêm nay chúng con đã long trọng
mừng kỷ niệm Chúa Phục Sinh. Xin cho chúng con vững tin vào Chúa, là Đấng đã
chiến thắng ma quỉ, thế gian, xác thịt và sự chết, để được sống hạnh phúc đời
đời với Chúa. Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen
Phần Thứ Tư
PHỤNG VỤ THÁNH
THỂ
Người dẫn lễ: Chúa Giêsu Phục Sinh đang yêu mến
Chúa Cha bằng một tình yêu tuyệt đối như lúc Ngài dâng mình trên thánh giá.
Chúa Giêsu Phục Sinh cũng đang yêu mến chúng ta bằng một tình yêu vô biên như
lúc Ngài thí mạng vì chúng ta. Xin Chúa Giêsu Phục Sinh cho chúng ta được kết
hiệp trọn vẹn với Ngài trong thánh lễ này, để trong cuộc sống, chúng ta luôn
biết dâng mình cho Thiên Chúa, và luôn biết hiến mình vì anh em.
Gợi Ý Suy Niệm Lúc Rước Lễ
1/ Lạy Chúa
Giêsu thánh thể, hôm nay chúng con long trọng cử hành tiệc mừng Chúa sống lại.
Giờ đây, chính Chúa Kitô sống lại vinh hiển đang ngự giữa chúng con, trong tâm
hồn chúng con. Chúng con cảm tạ và thờ lạy Chúa, vì Chúa đã nhập thể, chịu khổ
hình và mai táng, đã sống lại vì chúng con, để chúng con cũng được sống lại
vinh hiển với Chúa.
2/ Chúa Kitô
Phục Sinh đang ở giữa chúng con, Ngài là nguồn sống và hy vọng sống lại vinh
quang của chúng con. Xin Chúa cho chúng con hàng ngày giữa lòng cuộc sống cùng
với Giáo hội “loan truyền việc Chúa chịu
chết và tuyên xưng việc Chúa sống lại” bằng những cố gắng thanh luyện trong
hy vọng và mừng vui.
3/ Ca mừng
Chúa Kitô Phục Sinh, xin cho cộng đoàn chúng con đang chìm đắm trong lề thói
xưa cũ biết nỗ lực sống lễ Phục Sinh và đổi mới thiêng liêng hàng ngày, bằng
cách cố gắng sống liên kết với nhau như anh em, quan tâm đến những nhu cầu của
nhau, để người ta có thể nói: “Kìa xem họ
yêu thương nhau biết bao”.
4/ Chúa
Giêsu đã bước vào vinh quang Phục Sinh, trở nên linh thiêng để tiếp cận và thấu
nhập vào cuộc đời của từng người chúng ta trong mọi khoảnh khắc. Xin Chúa hãy
làm sáng lên mầu nhiệm sự chết và sống lại của Chúa Giêsu trong cuộc đời chúng
con, xin tăng thêm lòng tin mến để qua thánh lễ này, và qua mọi bước đường đời
chúng con gặp được Chúa Giêsu Phục Sinh và trung kiên nên chứng nhân cho Ngài.
=====//////=====
CHÚA NHẬT
PHỤC SINH
MỪNG CHÚA
SỐNG LẠI
I. Dẫn Vào Thánh Lễ: Anh chị em
thân mến.
Hôm nay cùng
với Giáo hội toàn cầu, cộng đoàn họ đạo chúng ta long trọng mừng kỷ niệm Chúa
sống lại. Đó là một biến cố có thật, một biến cố có một không hai trong lich sử
nhân loại, và là một biến cố siêu việt. Đó cũng chính là chân lý tuyệt đỉnh,
niềm tin cốt lõi của Đạo Công giáo chúng ta, như lời thánh Phaolô đã khẳng
định: “Nếu Đức Ki-tô đã không sống lại
thì lời rao giảng của chúng tôi là hư luống và đức tin của anh chị em cũng
trống rỗng” (1 Cr. 15, 14)
Và chúng ta
nên nhớ rằng: Chủ nhật hay Chúa nhật là ngày của Chúa Kitô vì là ngày Người
sống lại, là ngày thứ nhất của tuần lễ Do Thái, liền sau ngày Sabát.
Dường như
Chúa Kitô có ý muốn chọn chính ngày ấy để sống lại, hiện ra với các môn đệ và
cùng “bẻ bánh với các Ngài”
Vì thế, mỗi
thánh lễ Chúa nhật, chúng ta đều tưởng niệm biến cố Chúa Phục Sinh: Chúa hiện
diện giữa chúng ta và trao ban lương thực thiêng liêng nuôi dưỡng linh hồn
chúng ta.
Chúng ta hãy
vui mừng lên và nguyện xin vinh quang của Đấng Phục Sinh rạng chiếu trên chúng
ta.
II. Lời Nguyện Giáo
Dân:
Linh mục: Anh chị em thân mến.
Trong niềm
tin tưởng và phấn khởi mừng ngày Chúa chúng ta Phục Sinh vinh quang: chúng ta
cùng dâng lời cầu nguyện:
1/ Chúa đã thiết lập Hội thánh như bí tích cứu độ phổ quát. – Xin cho
mọi thành phần dân Chúa biết sống trọn vẹn niềm tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh, và
nhiệt tình loan báo Tin Mừng này cho hết mọi người.
(chúng ta cùng cầu xin Chúa)
2/ Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Anh em đã được chỗi dậy từ cõi chết cùng với Đức Ki-tô, nên anh em hãy tìm kiếm những gì thuộc về thượng
giới, nơi Đức Ki-tô ngự bên hữu Thiên Chúa, chớ đừng chú tâm vào những gì thuộc
hạ giới”. – Xin cho chúng con biết lo cho linh hồn mình được khỏe mạnh, lo
mến Chúa yêu người, và lập nhiều công đức, hơn là lo cho thân xác, lo tìm kiếm
tiền tài, danh vọng lạc thú trần gian.
(chúng ta cùng cầu xin Chúa)
3/ Số phận của kiếp người đã được phục hồi tận căn, nhờ
sự Phục Sinh của Đức Ki-tô. Vì thế, thánh Phaolô đã khuyên nhủ chúng ta rằng: “không ai được sống, được chết cho chính
mình, mà phải sống, phải chết cho Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta” (2
Cr. 5, 15). – Xin cho chúng con biết sống khôn ngoan theo lời khuyên nhủ này,
để chúng con cùng được sống lại, và được hưởng vinh phúc đời đời với Đức Ki-tô
Phục Sinh.
(chúng ta cùng cầu xin Chúa)
4/ “Đấng Phục Sinh” muốn lưu ý mỗi người chúng ta về một
điểm độc đáo này: “Nào Đức Ki-tô lại
chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới được vào trong vinh quang đó sao?”.
(Lc. 24, 25-26). – Xin Chúa cho chúng con biết “từ bỏ mình” và “vác thập giá mình hàng ngày” để được
thông phần vào cuộc tử nạn và Phục Sinh của Đức Ki-tô.
(chúng ta cùng cầu xin Chúa)
linh mục: Lạy Cha chí thánh, khi làm cho Đức Ki-tô sống lại, Cha
đã “tuyên dương” đời sống và đạo lý của Con Cha là mẫu mực tuyệt hảo. Xin Cha
thương ban ơn trợ giúp cho chúng con, để chúng con có đủ khả năng kiên vững
sống theo gương mẫu và đạo lý của Con Cha, nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ được
Cha thương chấp nhận chúng con là “những
người con yêu quí của Cha”. Chúng con cầu xin nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con.
Amen.
=====//////=====
TUẦN THÁNH 2015
Lm Giuse
Phạm Thanh Minh
0 nhận xét:
Đăng nhận xét