Chủ Nhật, 19 tháng 4, 2015

Lớp Giáo Lý Dự Bị Hôn Nhân

HÔN NHÂN & GIA ĐÌNH



LỚP DỰ BỊ HÔN NHÂN
HÔN NHÂN - GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO
NHẬP ĐỀ
I. HÔN NHÂN TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA
Tông huấn của Đức Gioan Phaolô II về Gia đình, (Familiaris consortio) Giáo hội luôn bênh vực hôn nhân là vì xác tín sâu xa của định chế này nằm trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Hôn nhân và gia đình là gia sản quí giá nhất của nhân loại, là tế bào căn bản của xã hội loài người. Sức khỏe của cá nhân và của xã hội và của Kitô giáo có liên hệ mật thiết với sự phục vụ của cộng đồng hôn nhân và gia đình.
Nhưng ngày nay, hôn nhân và gia đình cũng như các định chế khác đang chịu những biến đổi mau lẹ và sâu đậm ảnh hưởng đến xã hội và văn hóa. theo tông huấn của Đức Gioan Phaolô II về Gia đình, sự biến chuyển đó có những dấu chỉ tích cực và tiêu cực:
- Tích cực:
Một mặt, người ta nhận thấy có một ý thức sống động hơn về tự do cá nhân và một sự chú ý nhiều hơn đến phẩm chất các tương quan liên vị trong hôn nhân; quan tâm hơn đến việc thăng tiến phẩm giá phụ nữ, việc sinh sản và giáo dục con cái .
- Tiêu cực:
Mặt khác, không thiếu những dấu chỉ cho thấy có sự suy thoái đáng lo ngại về một số giá trị căn bản như:
- Một quan niệm sai lầm trên lý thuyết và thực hành về sự độc lập giữa hai vợ chồng.
- Những mai một rất trầm trọng về tương quan quyền bính của cha mẹ đối với con cái.
- Những khó khăn cụ thể trong việc lưu truyền các giá trị như nhiều gia đình cảm nghiệm, con số các vụ ly dị gia tăng, nạn phá thai, sự lan tràn não trạng bài trừ sinh sản. (Số 6,2)
Trong tình trạng như thế, nhiệm vụ huấn giáo của Giáo hội là:
- Làm nổi bật các giá trị căn bản của hôn nhân và gia đình, hầu mọi người, nhất là người trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa hôn nhân khám phá ra giá trị cao đẹp của ơn gọi yêu thương và phục vụ sự sống, cũng như mở ra cho nhân loại những chân trời mới .
- Đưa Tin Mừng vào lòng xã hội ngày nay, góp phần xây dựng một thuyết nhân bản mới bằng cách đề ra một quan niệm mới mẻ về gia đình .
II. CÁC VĂN KIỆN LIÊN QUAN ĐẾN HÔN NHÂN - GIA ĐÌNH
- Thông điệp “Hôn nhân khiết tịnh” (Casti connubii) do Đức Piô XI ban hành  năm 1930
- Thông điệp “Sự Sống Con Người” (Humanae Vitae) do Đức Phaolô VI, năm 1968
- Tuyên ngôn của Công đồng Vaticanô II trong hiến chế “Vui Mừng Và Hy Vọng” (Gaudium et Spes): một cái nhìn tổng hợp về hôn nhân và gia đình
- Tông huấn “Về Gia Đình”(Familiaris Consortio) của Đức Gioan Phaolô II, tuyên ban ngày 22.11.1981
III. HUẤN GIÁO VỀ VIỆC CHĂM SÓC MỤC VỤ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO (GL 1063)
“Các chủ chăn buộc phải lo sao cho cộng đoàn Giáo hội của mình giúp đỡ các Kitô hữu để bậc hôn nhân được bảo tồn trong tinh thần Kitô Giáo và tiến tới trong sự hoàn thiện. Việc giúp đỡ này phải được thực hiện nhất là:
1. Bằng giảng thuyết, giáo huấn thích hợp cho trẻ em, cho thanh thiếu niên và người lớn, cả bằng các phương tiện truyền thông xã hội, để huấn luyện các Kitô hữu về ý nghĩa hôn nhân Kitô Giáo, về nghĩa vụ vợ chồng và về nghĩa vụ cha mẹ Kitô Giáo .
2. Bằng việc chuẩn bị bản thân đôi bạn để kết hôn hầu họ sẵn sàng nên thánh và đảm nhận những nghĩa vụ trong cuộc sống mới.
3. Bằng việc cử hành hôn nhân theo  phụng vụ cho hữu hiệu, để làm sáng tỏ việc đôi bạn biểu hiện và tham dự mầu nhiệm hợp nhất và tình yêu phong phú giữa Chúa Kitô và Giáo hội .
4. Bằng việc giúp đỡ các vợ chồng, để khi trung thành giữ gìn và bảo vệ giao ước hôn nhân, họ sống ngày càng thánh thiện và đầy đủ hơn trong gia đình. ( GL điều 1063) .
IV. CHUẨN BỊ BƯỚC VÀO ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN
1. Giúp các bạn trẻ học một chương trình giáo lý hôn nhân. Theo Tông huấn về gia đình số 66, việc học giáo lý hôn nhân trước lúc cử hành Bí Tích hôn nhân là cần thiết và bắt buộc. Không nên miễn chuẩn cách dễ dàng. Chỉ có những trường hợp thật đặc biệt mới có thể cho phép cử hành Bí Tích hôn nhân mà không qua lớp giáo lý hôn nhân.
2. Trang bị cho họ những kiến thức căn bản về đời sống tâm, sinh lý; hiểu biết về giới tính, cách thể hiện giới tính cách lành mạnh.
3. Giúp đôi bạn trẻ chuẩn bị sống cuộc đời đôi lứa là cuộc đời họ sẽ bước vào sau này, như cố gắng tạo công ăn việc làm ổn định, biết quản lý tài chánh, biết lãnh đạo gia đình cách khôn ngoan.
4. Giúp cho đôi vợ chồng tương lai biết làm việc tông đồ trong gia đình, Giáo Xứ, Giáo Phận và nói chung là Giáo Hội.
5. Giúp đôi bạn trẻ hiểu ý nghĩa của nghi thức hôn phối của Thánh lễ hôn phối, để họ có thể tham dự cách sốt sáng, tích cực và đón nhận nhiều ân sủng của Chúa.
===////===
BÀI HỌC:
01/ H. Tại sao phải chuẩn bị vào đời sống hôn nhân và gia đình ?
T. 1. Vì hoàn cảnh xã hội và văn hóa ngày nay đang làm cho nhiều bạn trẻ không hiểu đúng ý nghĩa, giá trị, mục đích của hôn nhân và gia đình, như ý định của Thiên Chúa.
2. Vì có học biết đầy đủ mới thành công hơn trong đời sống hôn nhân và gia đình.
02/ H. Học những gì để chuẩn bị ?
T. 1. Học ý nghĩa, giá trị, bản chất mục đích của hôn nhân và gia đình, mà trọng tâm là tình yêu vợ chồng nhằm khám phá ra giá trị cao đẹp của ơn gọi yêu thương phục vụ sự sống.
2. Học những kinh nghiệm quí giá của Giáo Hội giúp bảo đảm và hướng dẫn đời sống hôn nhân và gia đình đạt tới thành công tốt đẹp.
===//// ===
Bài 1
HÔN NHÂN CÔNG GIÁO LÀ MỘT BÍ TÍCH.
I. Nguồn gốc, ý nghĩa và bản chất hôn nhân
II. Hôn nhân tự nhiên
III. Hôn nhân Công giáo là một bí tích
IV. Mẫu mực hôn nhân Công giáo
A. Lời hướng dẫn
I. NGUỒN GỐC, Ý NGHĨA VÀ BẢN CHẤT CỦA HÔN NHÂN
1. Nguồn gốc Hôn nhân
- Chính Thiên Chúa  là Đấng tác tạo hôn nhân.
- Hôn nhân là sự sắp đặt khôn ngoan của Đấng Tạo Hóa để thực hiện ý định yêu thương của Người giữa nhân loại: “Đấng tạo hóa đã thiết lập và ban những định luật riêng cho đời sống chung thân mật và cho cộng đoàn tình yêu vợ chồng. Đời sống chung này được gầy dựng do giao ước hôn nhân, nghĩa là sự ưng thuận cá nhân không thể rút lại. Như thế bởi một hành vi nhân linh, trong đó hai vợ chồng tự hiến cho nhau và đón nhận nhau nhờ sự an bài của Thiên Chúa, phát sinh một định chế vững chắc và có giá trị trước mặt xã hội nữa”  (MV 48)
2. Ý nghĩa Hôn nhân:
- Công đồng Vaticanô II trong Hiến chế “Giáo Hội trong Thế Giới Ngày Nay” đã xác quyết: “Hôn nhân là cộng đồng sự sống và tình yêu, cộng đồng này được thiết lập nên bởi sự ưng thuận không thể rút lại được của hai người theo những luật lệ đặc biệt của tạo hóa (47-62)
Như vậy trong Hôn nhân có hai yếu tố căn bản:
- Bằng một hành vi có ý thức và tự do, hai người trao thân gởi phận và cam kết yêu thương tương trợ lẫn nhau.
- Hành vi đó được thực hiện theo luật lệ Thiên Chúa đã thiết lập.
3. Bản chất Hôn nhân:
- Hôn nhân là một giao ước nhờ đó người nam và người nữ làm thành một cộng đồng sống chung với nhau suốt đời; giao ước ấy, theo bản tính tự nhiên hướng tới thiện ích của hai vợ chồng và tới việc sinh sản và giáo dục con cái; giao ước hôn nhân giữa hai người đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy, được Chúa Kitô nâng lên địa vị một bí tích.
- Vì thế, giữa hai người đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy, không thể có giao ước hôn nhân thành sự mà không đương nhiên là bí tích (GL 1055). 
II. HÔN NHÂN NHÌN THEO PHƯƠNG DIỆN TỰ NHIÊN.
1. Hôn nhân là gì ?
- Trong tiếng Hán Việt, “hôn nhân” là việc cưới vợ, gả chồng cho con cái. Định nghĩa như thế là vì ngày xưa việc cưới vợ gả chồng thường do sự sắp đặt của cha mẹ.
- Ngày nay, hôn nhân là việc của đôi nam nữ, tự nguyện kết hôn với nhau, để sống yêu thương nâng đỡ nhau trong tình vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha mẹ.
- Từ “Hôn phối” cũng có nghĩa như từ “hôn nhân” tức là sắp xếp cho đôi lứa thành vợ thành chồng.
2. Hôn nhân là chuyện tự nhiên.
a. Trong thế giới sinh vật có hiện tượng: đực – cái, trống – mái, nam – nữ (sinh vật gồm động vật, thực vật. Con người cũng là một sinh vật, nhưng là sinh vật cao cấp nhất  trong các sinh vật)
b. Trong thế giới vật chất : có những loại vật chất được xem là mang tính dương hoặc tính âm và được phân loại theo giới tính : ông anh mặt trời, bà chị mặt trăng.
c. Trong thế giới nguyên tử: 1 dương điện tử ở giữa, 1 hoặc nhiều âm điện tử quay chung quanh.
d. Theo Triết học Á Đông: trời đất do hai nguyên tố Âm – Dương tạo nên. Âm Dương là đạo của trời đất, cương kỷ của vạn vật. (âm/dương thu hút vào nhau; còn âm/âm hoặc dương/dương thì đẩy xa nhau).
- Tuy nhiên khi nói đến giới tính người ta thường nghĩ tới thế giới sinh vật, từ cái nhụy đực, nhụy cái của cây bắp, đến việc lai giống các loại cây, đến việc kết hợp hài hòa giữa người nam và người nữ.
- Chính vì Thiên Chúa muốn con người và mọi loài sinh vật sinh sôi, nảy nở trên mặt đất. Thiên Chúa đã xếp đặt cho có đực – cái, trống – mái, nam –nữ có những cấu tạo khác nhau, có khuynh hướng thu hút lẫn nhau và bổ túc cho nhau. Vì thế, hôn nhân trước tiên la chuyện tự nhiên và xuất phát từ bản chất sinh vật của con người.
Xét về mặt cơ thể học : nam – nữ có những bộ phận thích hợp cho việc sống chung vợ chồng.
Xét về mặt tâm lý : có những khác biệt rõ ràng, khiến cho người nam và người nữ luôn tìm cách bổ túc cho nhau.
Trên bình diện hành động : người nam và người nữ có khả năng và cách thức hoạt động khác nhau. Vì thế, muốn đạt tới thành công, cần có sự phối hợp hành động giữa nam – nữ.
3. Loài người kết hôn có gì đặc biệt ?
Khác với loài vật, loài người có lý trí và tự do. Vì thế việc kết hôn của loài người cũng khác với loài vật.
- Nhờ có lý trí, con người hiểu được nguyên do, cách thức thể hiện và hậu quả của hôn nhân. Vì thế, cần đạt tới một lứa tuổi nào đó mới đủ trưởng thành để quyết định đi tới hôn nhân một cách sáng suốt, dứt khoát và với tinh thần trách nhiệm.
- Nhờ được tự do, con người có thể chọn lựa người bạn đời như lòng mình mong muốn. Việc lựa chọn này không chỉ dựa trên tình cảm mà còn dựa trên những tiêu chuẩn khách quan do lý trí đề ra. Chính sự tự do lựa chọn này làm tăng thêm trách nhiệm của người nam và người nữ trong việc kết hôn.
4. Khế ước hôn nhân
Hôn nhân của loài người là một khế ước được cam kết một cách ý thức và tự do giữa hai cá nhân bình đẳng, bình quyền và đồng trách nhiệm.
- Vì trước pháp luật, bất kể nam hay nữ đều có những quyền lợi và nghĩa vụ như nhau. Nam nữ được xem là bình đẳng và bình quyền, không phân biệt đối xử.
- Việc kết hôn được pháp luật công nhận qua khế ước hôn nhân. Khế ước này có nội dung rõ ràng: hai bên nam nữ công khai tuyên bố kết hôn và thề hứa giữ lòng chung thủy với nhau trong mọi tình huống và yêu thương nhau cho đến mãn đời.
- Luật hôn nhân đời, tức là hôn nhân dân sự, được áp dụng chung cho mọi công dân của một quốc gia. Cho dầu có tôn giáo hay không, mỗi công dân khi kết hôn cũng phải đăng ký kết hôn trước mặt cơ quan chính quyền hữu trách.
- Việc hôn nhân phải được công khai hoá, vì hôn nhân không chỉ liên quan đến đôi vợ chồng mà còn liên quan đến gia đình, Giáo Hội và xã hội. Do đó, Giáo Hội và xã hội có quyền đòi hỏi được thông báo, được góp ý kiến, được chứng kiến việc hôn nhân và được nhờ pháp luật can thiệp khi cần. Lợi ích của việc công khai hóa:
Giúp bảo vệ quyền lợi của các đương sự, ngăn ngừa kẻ khác xâm phạm hạnh phúc của mình.
Tạo điều kiện để xã hội can thiệp, khi các đương sự gây thiệt hại cho xã hội.
Vì tính cách xã hội và tầm quan trọng của hôn nhân, nên việc kết hôn phải được rao báo công khai và cần được ghi vào sổ sách, kèm theo chữ ký của người làm chứng.
III. HÔN NHÂN CÔNG GIÁO LÀ MỘT BÍ TÍCH.
1. Bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng do Chúa Giêsu thiết lập và được trao lại cho Hội thánh để ban sự sống thần linh cho chúng ta.
2. Chúa Giêsu thiết lập bảy bí tích là: Rửa tội, Thêm sức, Giao hòa, Xức dầu bệnh nhân, Tư tế và hôn phối .
3. Những bí tích khai tâm Kitô giáo: Thánh tẩy, Thêm sức và Thánh thể. Ba bí tích này đặt nền tảng cho ơn gọi chung của người môn đệ Đức Kitô, ơn gọi nên thánh và được sai đi rao giảng Tin Mừng cho thế giới.
- Khi lãnh nhận các bí tích khai tâm Kitô giáo, chúng ta nhận được sự sống mới của Đức Kitô, nhưng sự sống này được chứa đựng: “Trong những bình sành” (2 Cr.4,7) và có thể bị tội lỗi làm suy giảm hoặc hủy diệt. Chúa Giêsu Kitô là thầy thuốc chữa lành linh hồn và thể xác chúng ta. Người muốn Hội thánh, nhờ quyền năng Thánh Thần tiếp tục công cuộc chữa lành và cứu độ. Đó là mục đích của hai bí tích chữa lành: Bí tích giao hòa và bí tích xức dầu bệnh nhân .
- Hai bí tích xây dựng cộng đoàn là bí tích Truyền chức và hôn phối được lập ra nhằm phần rỗi tha nhân. Tuy nhiên, khi phục vụ tha nhân, hai bí tích này cũng góp phần cứu rỗi bản thân. Hai bí tích này vừa trao ban một sứ mệnh đặc biệt trong Hội thánh, vừa xây dựng cộng đoàn dân Chúa.
4. Mỗi bí tích đều có một dấu hiệu bên ngoài (thường gọi là chất thể, cử chỉ và lời đọc). Nhờ đó, việc Thiên Chúa ban ơn được ta cảm nhận rõ ràng hơn do chính giác quan của mình. Nói cách khác, nhờ những dấu hiệu bên ngoài, bí tích bày tỏ cho ta ơn Chúa.
Ví dụ: Trong bí tích rửa tội, việc đổ nước trên đầu, cho ta dễ thấy Chúa thanh tẩy ta; trong bí tích xức dầu bệnh nhân, việc xức dầu cho ta dễ thấy Chúa thêm sức cho ta.
5. Ban ân sủng: các bí tích không những diễn tả ân sủng nhờ các dấu hiệu, mà còn thực sự làm phát sinh ân sủng. Khi Hội thánh cử hành bí tích, thì Chúa Giêsu hành động để ban ơn cứu chuộc cho ta.
Ví dụ: Bí tích rửa tội thực sự biến đổi ta nên con cái Chúa. Bí tích xức dầu bệnh nhân thực sự ban cho người lãnh nhận ơn an ủi và ơn sức mạnh.
6. Hôn nhân Công giáo là một bí tích.
- Khi hai người ngoài Công giáo kết hôn, họ thực sự thành vợ chồng theo luật tự nhiên như một giao kết. Thiên Chúa ban cho họ những ơn tự nhiên để họ chu toàn trách nhiệm làm vợ làm chồng, làm cha làm mẹ, nhưng hôn nhân của họ chưa có giá trị và ân sủng bí tích.
- Còn hôn nhân nơi người Công giáo, ngoài tính cách giao kết tự nhiên, hôn nhân của họ trở thành bí tích và mang lại ơn sủng cứu độ. Ơn sủng này nâng đỡ đôi bạn trong việc hoàn thành sứ mạng và bổn phận của mình trong đời sống vợ chồng vừa ở chiều kích tự nhiên vừa ở chiều kích siêu nhiên. Tuy nhiên đối với người Công giáo, việc kết hôn chỉ có giá trị trước mặt Thiên Chúa trong điều kiện này là họ kết hôn theo luật Hội thánh.
- Bí tích hôn nhân trước hết là một lễ nghi tôn giáo, được cử hành trang nghiêm trong bầu khí tôn giáo. Bí tích này được tổ chức công khai (trừ một vài trường hợp đặc biệt) thường tại nhà thờ, trong đó những người sắp kết hôn đóng vai trò chủ lễ, vị giáo sĩ chỉ đóng vai trò chứng hôn, bên cạnh 2 nhân chứng pháp lý (không phân biệt có đạo hay không, không phân biệt có bà con với cô dâu chú rể hay không) cùng các người thân và cộng đoàn dân Chúa có mặt để cùng cầu nguyện.
- Bí tích hôn nhân ban cho đôi bạn những ơn cần thiết trong đời sống hôn nhân và gia đình:
+ Ơn thánh hóa làm cho sức sống siêu nhiên nơi họ dồi dào hơn.
+ Ơn hiện sủng, để họ được trợ giúp khi thi hành công việc bổn phận hàng ngày.
Nhờ dòng suối ân sủng ấy, đôi bạn được nâng đỡ trong nỗ lực thánh hóa bản thân, trong trách vụ làm vợ chồng và làm cha mẹ.
Cộng đồng Vaticanô II: “vợ chồng Kitô hữu được củng cố và như được thánh hiến bằng một bí tích để chu toàn xứng đáng các bổn phận và phẩm giá trong bậc sống của họ. Nhờ sức mạnh của bí tích này, họ được thấm nhuần Đức tin, Đức cậy, Đức mến và ngày càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt của họ và thánh hóa lẫn nhau; và bởi đó, họ cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa” (MV. 48b).
IV. MẪU MỰC CỦA HÔN NHÂN CÔNG GIÁO:
Mẫu mực của hôn nhân Công giáo là sự kết hợp mầu nhiệm giữa Chúa Kitô và Hội thánh.
Tình yêu trong hôn nhân phát xuất từ nguồn mạch tình yêu Thiên Chúa và được tác thành theo gương kết hiệp của Chúa Kitô và Hội thánh.
1. Như xưa Thiên Chúa đã ký kết với Israel một giao ước tại núi Sinai theo giao ước này: Thiên Chúa  nhận Israel làm dân riêng, còn Israel nhận Thiên Chúa là Chúa và phụng thờ Người hết tình (x. Xh 19 – 20). Đó là giao ước cũ.
2. Vào “thời sau hết”, Chúa Giêsu lập Hội thánh: Người ký kết với Hội thánh một giao ước mới trong Máu Người (x. Mt 26, 26 – 29) để mãi mãi yêu thương trung tín và hiến thân cho Hội thánh. Còn Hội thánh cũng phải mãi mãi yêu mến, trung tín và hiến thân cho Chúa Kitô như vậy .
3. Trong hôn nhân Công giáo, đôi bạn cũng phải noi gương Chúa Kitô và Hội thánh: biết yêu thương kết hiệp mật thiết với nhau bằng một mối tình bền vững không chia sẻ; sẵn sàng hy sinh vì lợi ích của nhau và của con cái để giúp nhau thăng tiến về mọi phương diện. Có như thế, đôi bạn mới có thể đạt được mục đích hôn nhân là trọn đời yêu thương giúp đỡ lẫn nhau, sinh sản và giáo dục con cái .
4. Tự sức loài người, vợ chồng có cố gắng mấy đi nữa, cũng không với tới bầu trời hạnh phúc được. Nhưng bí tích hôn nhân sẽ giúp họ đạt được ước nguyện cao vời ấy.
Kết luận:“Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt”. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5, 31-32)
===////===
B. BÀI HỌC:
03/ H. Ý nghĩa đích thực của hôn nhân Công giáo là gì ?
T. Hôn nhân Công Giáo là:
1. Một ơn gọi, một sứ mạng mà Thiên Chúa kêu mời đôi nam nữ đón nhận.
2. Một bí tích Chúa Giêsu đã lập để kết hợp hai người tín hữu một nam và một nữ thành vợ chồng trước mặt Thiên Chúa và Hội thánh, và ban ơn lành để họ sống xứng đáng ơn gọi của mình
3. Một giao ước mà đôi nam nữ thỏa thuận yêu thương nâng đỡ nhau trong tình vợ chồng, sinh sản và giáo dục con cái trong nhiệm vụ làm cha làm mẹ, hợp nhất với nhau chung xây hạnh phúc gia đình.
04/ H. Chúa Giêsu ban những ơn gì trong bí tích hôn nhân?
T. Chúa Giêsu ban nhiều ơn đặc biệt để thánh hóa đời sống vợ chồng và giúp đôi bạn chu toàn nghĩa vụ đối với bạn mình và đối với con cái .
05/ H. Chúa Giêsu dạy gì về bí tích hôn nhân?
T. Chúa Giêsu dạy những người đã kết bạn phải sống một vợ một chồng, không được lìa bỏ nhau và phải sống hòa thuận yêu thương nhau suốt đời .
06/ H. Bậc hôn nhân của các tín hữu rất cao trọng vì sao?
T. Vì bậc ấy là một trong những con đường giúp các tín hữu nên thánh, và tình yêu vợ chồng là tượng trưng cho tình yêu của Chúa Kitô đối với Hội thánh .
07/ H. Mẫu mực của hôn nhân Công giáo là gì?
T. Mẫu mực của hôn nhân Công giáo là tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh .
08/ H. Tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh có những đặc điểm nào?
T. Tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh có những đặc điểm này:
- Sự kết hiệp phong phú giữa Chúa Kitô và Hội thánh
- Sự hiến thân trọn vẹn của Chúa Kitô cho Hội thánh
- Sự trung tín tuyệt đối của Chúa Kitô đối với Hội thánh.
09/ H. Trong hôn nhân Công Giáo, đôi bạn phải noi gương Chúa Kitô kết hợp với Hội Thánh như thế nào?
T. - Đôi bạn phải kết hợp mật thiết với nhau bằng một mối tình bền vững và không san sẻ
- Sẵn sàng hy sinh vì thiện ích của nhau và của con cái.
- Giúp nhau thăng tiến về mọi phương diện.
10/ H.Hôn nhân và gia đình có tầm quan trọng thế nào trong xã hội ?
T. Hôn nhân và gia đình là nguồn gốc, là nên tảng, là tế bào đầu tiên cung cấp công dân cho xã hội, gắn kết với xã hội một cách sống động và hữu cơ không thể tách rời.
11/ H. Hôn nhân và gia đình có tầm quan trọng thế nào trong Giáo Hội?
T. Hôn nhân và gia đình là cái nôi nuôi dưỡng, cung cấp các Kitô hữu cho Giáo Hội, là trường học để Giáo Hội có thể hội nhập vào xã hội loài người và phục vụ cho việc xây dựng Nước Thiên Chúa
12/ H. Bí tích hôn phối đem lại những hiệu quả nào?
T. Bí tích hôn phối liên kết đôi vợ chồng bằng một “dây hôn phối, không ai có quyền tháo gỡ, và ban cho họ ơn biết yêu nhau như Chúa Kitô yêu Giáo Hội, nhờ đó, họ sống trung thành và giúp nhau nên thánh trong đời sống vợ chồng, trong việc đón nhận và giáo dục con cái.
13/ H. Một gia đình Kitô hữu bắt đầu như thế nào?
T. Khi hai anh chị Ktô hữu yêu nhau và muốn kết bạn với nhau thành vợ chồng, họ xin Thiên Chúa và Hội thánh chứng nhận và chúc phúc cho tình yêu của họ. Họ đưa nhau đến nhà thờ, cùng với cha mẹ, họ hàng thân thuộc. Rồi trước mặt vị Linh mục (hoặc giám mục, hay phó tế) đại diện Hội thánh, trước mặt hai người làm chứng và cộng đoàn, họ cam kết nhận nhau làm vợ chồng và hứa chung thủy với nhau suốt đời. Đó là bí tích hôn phối (GH 35) .
Bí tích hôn phối làm cho vợ chồng thuộc về nhau mãi mãi và ban ơn cho họ chu toàn bổn phận đối với nhau và đối với con cái: sinh sản, nuôi dưỡng và giáo dục con cái nên những người con Thiên Chúa, sống gương mẫu trong xã hội. Nếu một bên Công giáo và một bên không Công giáo sẽ khó hòa hợp, việc giáo dục đức tin cho con cái khó thực hiện .
Bí tích hôn phối khiến cho mọi người trong gia đình được nên thánh nhờ biết làm tròn bổn phận, sống yêu thương và làm việc Tông đồ (MV 47-52)
===//// ===
BÀI 2
MỤC ĐÍCH CỦA HÔN NHÂN CÔNG GIÁO
I/ Trọn đời yêu thương giúp đỡ lẫn nhau
II/ Sinh sản và giáo dục con cái.
A. Lời hướng dẫn
Theo Hiến Chế Mục Vụ:
- “Hôn nhân và tình yêu vợ chồng, tự bản tính quy hướng về sự sinh sản và giáo dục con các. Con cái là ân huệ cao quí nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc cho cha mẹ. Thiên Chúa phán: “đàn ông ở một mình không tốt” (St 2, 18) Ngài là Đấng từ buổi đầu, đã dựng nên một người nam và một người nữ (Mt 19, 4) . chính Ngài muốn thông ban cho con người cộng tác một phần đặc biệt vào công việc tạo dựng của Ngài, Ngài đã chúc lành cho người nam và người nữ rồi nói: “các ngươi hãy tăng gia, sinh sản” (St 1,28) (HCMV số 50).
- Mục đích của hôn nhân Công giáo:
Mục đích của hôn nhân Công giáo đã được trình bày trong Kinh Thánh. Kinh Thánh có hai đoạn nói về Thiên Chúa tạo dựng loài người trong sách Sáng Thế:
- Sáng thế 1, 26-30
“ Thiên Chúa phán: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm bá chủ cá biển, chim trời , gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất … Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa chúc lành cho họ, và phán với họ: “hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất”.
Bằng những dòng đơn giản, trang trọng, tác giả đoạn văn trên cho biết:
+ Thiên Chúa dựng nên loài người một trật có nam có nữ theo hình ảnh Người.
+ Thiên Chúa đặt họ cai quản muôn loài muôn vật trên mặt đất.
+ Thiên Chúa  truyền cho họ hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất.
- Sáng thế (2,7-8 ; 2, 18-23)
“Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Êđen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra…
Đức Chúa là Thiên Chúa phán: “con người ở một mình không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy đất nặn ra mọi dã thú, mọi chim trời, và dẫn đến với con người, xem con người gọi chúng là gì: hễ con người gọi mỗi sinh vật là gì thì tên nó sẽ là thế. Con người đặt tên cho mọi súc vật, mọi chim trời và mọi dã thú, nhưng con người không tìm được cho mình một trợ tá tương xứng. Đức Chúa là Thiên Chúa cho một giấc ngủ mê ập xuống trên con người, và con người thiếp đi. Rồi Chúa rút một cái xương sườn của con người ra, và lắp thịt thế vào. Đức Chúa là Thiên Chúa lấy cái xương sườn đã rút từ con người ra, làm thành một người đàn bà và dẫn đến với con người.
Con người nói:
phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi ! nàng sẽ được gọi là đàn bà, vì đã được rút từ đàn ông ra” bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.
Với lối văn sống động, giàu hình ảnh, tác giả đoạn văn trên cho biết:
+ Sau khi dựng nên “con người”, tức là đàn ông, ông Adam Thiên Chúa mới tác tạo chim muông cầm thú, dẫn chúng đến cho Adam đặt tên.
+ Adam không tìm thấy trong muông chim cầm thú “một trợ tá tương xứng”.
+ Bấy giờ Thiên Chúa  mới tạo nên người nữ, cho làm bạn với Adam.
Như vậy, căn cứ vào Kinh Thánh, chúng ta thấy rằng: ngay từ thuở ban đầu, hai mục đích chính của hôn nhân không thể tách rời nhau đã được Thiên Chúa ấn định:
- Trọn đời yêu thương giúp đỡ lẫn nhau
- Sinh sản đầy mặt đất và giáo dục con cái.
Những mục đích chính yếu của hôn nhân là để hai người sống chung yêu thương, giúp nhau về thể chất lẫn tinh thần, nhất là giúp nhau hoàn thành ơn gọi và sứ mệnh mà Chúa trao phó.
I. TRỌN ĐỜI YÊU THƯƠNG GIÚP ĐỠ LẪN NHAU:
1. Theo giáo lý Công giáo thì tình yêu vợ chồng bao gồm một tổng thể trong đó có đủ mọi yếu tố cấu tạo nên ngôi vị: tiếng gọi của thân xác và của bản năng, sức mạnh của cảm tính và lòng yêu mến, khát vọng của tinh thần và của ý chí; tình yêu ấy nhắm đến một sự hiệp nhất sâu xa về ngôi vị, không chỉ là sự kết hiệp thành một thân xác, nhưng là sự hiệp nhất đến độ chỉ còn một trái tim, một linh hồn; tình yêu ấy đòi hỏi sự bất khả phân ly và trung tín trao hiến cho nhau một cách dứt khoát, nó mở ngõ cho việc sinh sản. Tắt một lời, đó chính là những yếu tố thông thường của tình yêu vợ chồng nhưng với một ý nghĩa mới mẻ, một ý nghĩa không chỉ thanh luyện và củng cố những yếu tố ấy nhưng còn nâng chúng lên cao độ, biến  chúng thành lời diễn tả những giá trị đặc biệt của Kitô giáo”. (GLCG 1643 –x. Tông huấn gia đình 13)
2. Tình yêu vợ chồng đòi hỏi sự trợ giúp tương hợp. Câu Kinh Thánh: “Adam không tìm được cho mình một trợ tá xứng đáng” diễn tả “cái thiếu cái cần” của Adam. Dù Adam được Thiên Chúa  cho cai quản muôn loài muôn vật trên mặt đất, ông vẫn cảm thấy thiếu, thấy trống vắng. Phải có cái gì để lấp đầy sự trống vắng đó. “cái để lấp đầy”, chính Thiên Chúa  đã ban cho Adam, đó là Evà. Khi Evà được đưa tới, Adam thốt lên: này xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi… từ nay  người nam sẽ bỏ cha mẹ mà gắn bó với vợ mình và cả hai thành một xương một thịt.” (St 2, 23-24)
Như thế, đôi bạn đến với nhau là do tình yêu thúc đẩy. Và tình yêu ấy phải dựa trên cùng một nhân tính và một phẩm giá ngang nhau mới có thể bù đắp cái thiếu của nhau để tương trợ nhau trong tình yêu và cuộc sống.
3. Tương trợ trong tình yêu và trong cuộc sống còn là để phục vụ sự sống mới. Vợ chồng yêu thương kết hợp với nhau trong đời sống hôn nhân sẽ nhắm tới việc tác sinh mầm sống mới và giáo dục chúng nên người và nên con Chúa. Đó là ơn gọi rất cao quý của cha mẹ Công giáo. Công đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Mục Vụ đã dạy: “con cái là ân huệ cao quý nhất của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc của cha mẹ… Nhờ đời sống lứa đôi, Người làm cho gia đình của Người ngày càng tiến triển và phong phú.
4. Để đạt được sự hòa hợp trong tình yêu và cuộc sống, đôi bạn, người này phải khám phá tâm hồn người kia và gọt giũa những góc cạnh của tâm hồn mình để có thể dung hợp trong đời sống lứa đôi.
Người nam và người nữ đến với nhau là để “lấp đầy” cho nhau, để bù đắp cái “thiếu” của nhau, cần học hỏi và tìm hiểu tâm lý sai biệt giữa nam và nữ và cách dung hợp của vợ chồng để tạo hạnh phúc.
5. Hạnh phúc hôn nhân là trạng thái hoàn toàn mãn nguyện trong tâm hồn, thể hiện được nguyện vọng sâu xa nhất của đôi bạn là được an toàn trong tình yêu: yêu và được yêu. Bí quyết tự nhiên của hạnh phúc gia đình là sự hòa hợp vợ chồng. Muốn gia đình êm ấm thuận hòa vợ chồng phải hiểu biết về những khác biệt tâm sinh lý nam-nữ để bổ túc cho nhau.
Khoa tâm lý học đã khám phá ra giữa nam và nữ có những nét tâm lý khác biệt nhau. Những tâm lý sai biệt ấy không loại trừ nhau mà bổ túc cho nhau.
Sau đây là những khác biệt tâm lý Nam–Nữ theo năm định luật tâm lý và cách dung hợp của vợ chồng để tạo hạnh phúc:
a) Luật ưu tiên
- Nam: thể xác ưu tiên
- Nữ: trái tim ưu tiên
Giải thích:
Nam:
- Ưu tiên cho thể xác, thích vẻ đẹp nữ giới
- Anh chú trong trước tiên tới cái đẹp thân xác và coi đó như cái chính yếu. Còn cái đẹp tâm hồn của chị anh nghĩ tới sau đó.
- Tình yêu bắt nguồn từ sắc đẹp.
- Dễ đam mê sắc đep.
- Thể xác rung động trước, sau đó trái tim mới hòa nhịp sau.
Nữ:
- Ưu tiên cho trái tim, tình yêu
- Trọng tài đức, yêu vì mến phục.
- Cần tình yêu hơn là thân xác.
- Sống trọn cho tình yêu.
- Tình yêu của chị nặng về lý tưởng và dâng hiến.
- Con tim rung động trước, thể xác mới rung động sau.
Dung hợp:
Vợ chồng cần cảm thông và chiều nhau. Chồng nên duy trì sự cảm phục của vợ, vợ phải biết làm đẹp cho chồng.
- Người chồng hãy nhớ vợ mình cần đến tình yêu chân thành, sâu sắc, tế nhị, cần sự nương tựa an toàn nơi anh. Hãy chăm sóc tình cảm của người vợ bằng những lời âu yếm, những cử chỉ thân thương.
- Người vợ đừng quên khía cạnh sắc diện là yếu tố ràng buộc chồng mình. Hãy giữ gìn và trau dồi dáng nét của mình: trang điểm, ăn mặc gọn gàng sạch sẽ dễ thương, khả ái; nhà cửa luôn ngăn nắp ấm cúng. Hãy biết chăm sóc nhu cầu vật chất của chồng.
b) luật phân cách.
- Nam: trái tim nhiều ngăn.
- Nữ: trái tim một ngăn.
Giải thích:
+ Quan niệm sống của người nam:
- Đời sống của người nam có 4 ngăn
     Tình yêu
     Công việc
     Lý tưởng
     Giải trí
- Người ta gọi là trái tim nhiều ngăn
- Đôi khi các ngăn này như biệt lập nhau, khiến chị không hiểu nổi anh, chẳng hạn khi anh say mê vào một công việc, xem ra anh quên tất cả, quên cả chị, điều này làm chị khó chịu.
+ Quan niệm sống của người nữ.
- Trái tim của người nữ như chỉ có một ngăn đó là tình yêu.
- Đời sống của chị là một trái tim và một tình yêu: yêu chồng, yêu con. Mối tình lớn lao ấy xâm chiếm và chi phối hoàn toàn con người chị. Mọi cái khác như công danh, giải trí như bị đẩy ra ven bờ của trái tim chị.
Dung hợp:
Đôi bạn phải biết trao đổi với nhau những vấn đề căn bản của cuộc sống chung: như nhân cách, tổ chức gia đình, công ăn việc làm, giao tế xã hội, sinh sản giáo dục con cái, đời sống tôn giáo, những giải trí … để dễ dàng thông cảm và hòa hợp với nhau.
- Người chồng cần nhớ rằng vũ trụ của chị là căn nhà, là mái ấm gia đình, trong đó có những người thân yêu. Chị quan tâm đến gia đình hơn nghề nghiệp con người hơn sự việc. Do đó, người chồng hãy biết chăm sóc đời sống tình cảm của vợ hơn, bằng cử chỉ và lời nói yêu thương, để chị khỏi tủi khi thấy chồng chỉ nghĩ tới công việc mà “bỏ rơi” chị.
- Phần người vợ đã biết trái tim anh có 4 ngăn chắc chắn sẽ thông cảm với chồng trong những công việc làm ăn, giải trí, lý tưởng phục vụ.
+ Trái tim của anh 4 ngăn mà trái tim của chị chỉ có một ngăn không phân cách, còn anh có phân cách như thế anh mới có thể chu toàn trách nhiệm cả trong gia đình và ngoài xã hội.
+ Mỗi bên cần biết hy sinh sở thích vì lợi ích gia đình, song không phải vì thế mà đánh mất đi sắc thái riêng tư. Mỗi người hãy giữ bản lĩnh của mình mà làm phong phú cho đời sống chung.
c) Luật chi tiết.
- Nam: Lưu tâm đến điều tổng quát, cốt yếu.
- Nữ: Lưu ý tới chi tiết, từng khía cạnh.
Giải thích:
- Người nam : thường nhìn tổng quát, bỏ qua chi tiết, tiến thẳng tới vấn đề chính yếu trong công việc cũng như trong tình yêu. Anh phác họa rõ ràng chương trình hành động, lý luận vững chắc. Anh không thích một công việc không đòi hỏi tất cả nghị lực.
- Người nữ: thường lưu tâm tới những cái chi tiết, nhỏ bé. Một sự kiện nhỏ cũng có thể trở thành quan trọng, che lấp cái chính.
Thiên Chúa ban cho chị một trực giác thật bén nhạy về chi tiết để chị có thể chu toàn nghĩa vụ làm vợ và làm mẹ, chăm sóc cho chồng cho con.
Người Phi Châu có câu: “Người đàn ông thấy rừng, đàn bà thấy cả cây lẫn lá”.
Dung hợp:
Sự khác biệt tâm lý này thường là nguyên do cho nhiều vui buồn sướng khổ trong đời sống đôi bạn.
- Người chồng không nên quên các chi tiết có thể mang đến hạnh phúc cho vợ mình: một lời khen, một cái nhìn khích lệ, một quà tặng nhỏ, một cử chỉ yêu thương… Anh cũng tập suy nghĩ như cách chị suy nghĩ: mỗi ngày anh hãy biết hỏi chị về những chi tiết, những lo âu nhỏ, những niềm vui nhỏ của chị để chị được tràn ngập hạnh phúc, chồng cũng phải hiểu và cảm thông với bản chất tự nhiên của vợ, và giúp vợ tiến lên.
- Người vợ phải cố hiểu chồng, mở rộng tầm nhìn để vợ chồng thống nhất với nhau trong công việc cũng như trong đời sống vợ chồng. Chị đừng quá tỉ mỉ với anh, dặn dò từng chi tiết, lập đi lập lại những lỗi lầm nhỏ nhặt. Chị nên bớt đi những cái vụn vặt chỉ làm chồng bực dọc khó chịu. Hãy chia sẻ với những dự tính lớn lao của chồng.
d) Luật bất đồng cảm.
- Nam: phản ứng nhanh nhưng mau chấm dứt.
- Nữ: phản ứng chậm nhưng kéo dài.
Giải thích:
- Người nam: phản ứng bộc phát, sôi nổi, mau bốc nhưng cũng mau tàn. Cảm xúc của người nam bùng lên như ngọn lửa rơm và cũng mau tàn khi rơm cháy hết, không để lại sức nóng nào. Chính vì thế ta thường thấy “tiếng sét ái tình” xẩy ra cho nhiều thanh niên hơn là cho thanh nữ. Người nam thường phản ứng nhạy bén trong tình cảm yêu; sự giận hờn bộc lộ rõ rệt ra bên ngoài, nhưng lại mau nguôi, mau qua.
- Người nữ: phản ứng chậm chạp, êm đềm, chậm bốc chậm tàn. Do đó, tình yêu, cảm nhận, sự giận buồn từ từ đến, nhưng khi phát lộ thì gia tăng rất nhiều và tồn hại lâu dài.
Người Pháp nói: “đàn ông là chuyến xe lửa tốc hành, đàn bà là chiếc xe điện ngầm chạy chậm”.
Dung hợp:
- Người chồng cần phải tránh cử chỉ hấp tấp, hãy tỏ ra dịu hiền và kiên nhẫn trước phản ứng quyết liệt của chị. Hãy giúp chị thoát khỏi nỗi khổ tâm buồn tủi.
- Người vợ biết rằng chồng mình dễ nổi nóng, phản ứng tức thời mạnh bạo, chị nên tránh những lời nói, cử chỉ như đổ dầu vào lửa:
Chồng giận thì vợ bớt lời
Cơm sôi nhỏ lửa thì đời nào khê
Chị chỉ nên phân tích lẽ phải đường hơn khi anh đã nguôi giận. Chị cũng biết dùng sự khả ái để làm dịu lại tình thế.
Hiểu được luật bất đồng cảm, vợ chồng sẽ hiểu nhau, thông cảm, nâng đỡ nhau, tha thứ và chờ đợi nhau để đồng cảm, đồng điệu và quan tâm tạo hạnh phúc cho nhau, cả trong sự nên một thân xác.
đ) Luật thính giác.
- Nam: không thích nói, trầm ngâm.
- Nữ: thích nghe và ghi nhớ lâu dài.
Giải thích:
- Người nam: ở nhà thường trầm ngâm, ít nói, nhưng ở ngoài gia đình anh lại thao thao bất tuyệt. Vì đàn ông thích bàn những vấn đề có tính cách tổng quát như thể thao, bóng đá, chính trị, nghề nghiệp. Còn khi nói với vợ thì phải nói chuyện tâm tình, đi vào chi tiết vụn vặt, nên người chồng ngại nói.
- Người nữ: không chỉ là một trái tim mà còn là một cái tai. Những gì lọt vào lỗ tai sẽ rơi thẳng vào trái tim. Do đó, chị thích nghe, dễ tin những điều người ta nói, nhất là những lời âu yếm, tán tỉnh đường mật. Các lời người ta nói thường làm người nữ chú ý hơn là việc người ta làm. Người chồng có thể làm đủ thứ việc giúp chị, nhưng nếu anh không nói, chị vẫn cho là anh không yêu chị.
Dung hợp:
- Người chồng nên biết nói với vợ những lời âu yếm, an ủi, động viên, nâng đỡ vợ; năng nhắc lại những kỷ niệm êm đềm của ngày cưới, ngày mới yêu nhau, vì chị thích nghe và muốn sống lại dĩ vãng đó. Anh hãy thành thật khen cách phục sức, bình hoa trên bàn, tài làm bếp của chị. Anh hãy hỏi thăm chị về những công việc vặt vãnh: chuyện nhà cửa, bếp núc, chợ búa … Giọng nói phải dịu dàng, âu yếm, tôn trọng chị. Gắt gỏng, cộc cằn không bao giờ chinh phục được chị.
- Người vợ cũng cần nói với anh những điều anh thích nghe, và cũng phải biết lắng nghe những chuyện của anh như chuyện đá banh, chuyện thời sự, chuyện làm ăn, chuyện bạn bè… với một thái độ cởi mở, quan tâm và chia sẻ. Vợ cũng cần thông cảm với chồng, khi ở nhà, thường ít nói và dễ quên, nên khi cần phải căn dặn kỹ càng.
Yêu là muốn cho bạn mình tham dự vào những tâm tình, ý nghĩ và trao cho bạn cái quan trọng là chính “nội tâm” của mình.
Vậy anh chị hãy nói hãy nghe, hãy cởi mở tâm hồn: “một người khao khát nghe, và một người lên tiếng khen ngợi thì còn gì hòa điệu hạnh phúc hơn”.
Kết luận: Mỗi con người là một vườn ươm cây, đời sống vợ chồng là một vườn hoa chung, cần cả hai người sắp đặt, vun trồng cho vườn hoa hạnh phúc được triển nở. Phải bớt cái “tôi” để dành cho cái “chúng ta”, phải tuyển cái ưu của mình và của người kia, để loại cái dở, cái khuyết, hầu xây dựng gia đình hạnh phúc.
II. SINH SẢN VÀ GIÁO DỤC CON CÁI:
Cộng đồng hôn nhân được xếp đặt để cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa , do đó, những ai lựa chọn bí tích hôn nhân đều phải mở ngõ cho việc sinh sản. Bởi vì thiện ích của con cái vẫn được coi là điển hình, đến nỗi nếu loại trừ mục đích này thì sự ưng thuận hôn nhân bất thành. Ngoài ra vợ chồng còn phải lo cho con cái được giáo dục về nhân bản và Kitô giáo.
1. Nền tảng của việc sinh sản.
a. Do lệnh truyền của Thiên Chúa.
“Hãy sinh sôi nảy nở cho đầy mặt đất” (St 1, 28)
Chính Thiên Chúa ngay từ đầu dựng nên người Nam và người Nữ, đã muốn loài người nối tiếp nhau có mặt đông đảo trên địa cầu này. Thiên Chúa cũng ban cho loài người vinh dự được cộng tác với Người trong công trình tạo dựng.
b. Do bản chất nội tại của giới tính.
Tự bản tính, nam nữ thu hút lẫn nhau. Sự thu hút ấy thể hiện trọn vẹn khi đôi bạn hiến dâng tâm hồn và kết hợp thể xác; kết quả việc hiến dâng ấy, vừa là tạo hạnh phúc cho nhau, vừa là sinh ra những con người mới.
2. Giá trị việc sinh sản.
a. Nơi loài người, sinh sản là một hành vi nhân linh cao đẹp bao gồm cả lý trí, tự do và sinh lý, chứ không chỉ là một tác động bản năng thuần túy sinh lý như các vật hạ đẳng (THGĐ 11). Chính hành vi nhân linh cao đẹp này nâng con người lên địa vị trổi vượt muôn loài.
b. Sinh sản là sự cộng tác tuyệt hảo với Thiên Chúa trong việc tạo dựng “con người mới”. Con người mới ấy vừa là kết quả công việc Thiên Chúa, vừa là kết quả công việc loài người.
Đó chính là hồng ân tạo dựng tuyệt vời mà Thiên Chúa muốn chia sẻ cho loài người.
Đó cũng là ơn gọi rất cao quí của hôn nhân và là sự đóng góp lớn lao khiến cho cha mẹ được hạnh phúc (x. HCMV số 50)
3. Mục đích việc sinh sản.
a. Để cộng đoàn nhân loại ngày càng đông đảo nhờ những con người mới được sinh ra và được giáo dục. Thiên Chúa là Đấng “…từ buổi đầu đã dựng nên một người nam và một người nữ, chính Ngài muốn thông ban cho con người cộng tác một phần đặc biệt vào công việc tạo dựng của Ngài, Ngài đã chúc lành cho người nam và người nữ và nói: “các ngươi hãy tăng gia, sinh sản” (St, 1, 28).
b. Để loài người nối tiếp nhau, quản trị vạn vật theo ý định của Thiên Chúa, “Ta hãy tạo dựng loài người giống hình ảnh Ta, để họ làm chủ cá biển chim trời, muông thú trên đất và mọi côn trùng sống động trên địa cầu” (St 1, 26).
c. Để phát triển Hội thánh là nhiệm thể Chúa Kitô: “Nhờ đời sống lứa đôi, Thiên Chúa làm cho gia đình Người ngày càng triển nở, và phong phú hơn” (MV. 50).
d. Để cha mẹ sống mãi nơi con cái.
Thông điệp “sự sống con người” số 9 viết: “Tình yêu vợ chồng chính là tình yêu phong phú, không hề tiêu hao mất mát, trong việc kết hợp giữa vợ chồng. Trái lại, đủ sức tiếp tục tạo thành những đời sống mơi”.
===////===
B.BÀI HỌC:
14/ H. Mục đích hôn nhân Công giáo là gì ?
T. Căn cứ vào Kinh Thánh, ta thấy hai mục đích chính của hôn nhân Công giáo liên quan mật thiết với nhau và được Thiên Chúa ấn định ngay từ đầu: Trọn đời yêu thương giúp đỡ nhau. Sinh sản và giáo dục con cái.
15/ H. Làm thế nào để đôi bạn sống trọn đời yêu thương nhau?
T. Để sống trọn đời yêu thương nhau, đôi bạn phải:
+ Sống đạo tốt.
+ Tôn trọng phẩm giá và quyền lợi chính đáng của bạn mình.
+ Dung hợp những khác biệt về tâm sinh lý trong đời sống vợ chồng.
16/ H. Việc sinh sản có những ý nghĩa nào?
T. Việc sinh sản con cái có những ý nghĩa chính yếu này:
- Thiên Chúa cho loài người được vinh dự cộng tác với Ngài trong việc tạo dựng.
- Con cái là hoa quả tốt đẹp của tình yêu vợ chồng.
- Góp phần tăng thêm cộng đoàn nhân loại và phát triển Hội thánh.
17/ H. Bí tích hôn nhân giúp đôi bạn nên thánh cách nào?
T. Nhờ ơn thiêng của bí tích hôn nhân đôi bạn nên thánh trong niềm vui đón nhận nhau, sinh sản và giáo dục con cái.
18/ H. Hôn nhân có gắn liền với sinh sản không?
T. Bảo tồn nòi giống là một qui luật, đối với thế giới sinh vật cũng như đối với con người. Sinh sản là hệ quả đương nhiên của hôn nhân. Tuy nhiên, tạo hóa cũng đã giới hạn việc sinh sản một cách nào đó :
- Nơi loài vật : sự phát dục xảy ra có thời, có lúc và theo bản năng.
- Nơi cây cỏ :hoa trái theo mùa,
- Nơi loài người : sinh hoạt tính dục vừa lệ thuộc vào bản năng vừa lệ thuộc lý trí, nên không lệ thuộc vào thời gian. Con người có thể hạn chế và điều hòa sinh sản một cách đúng đắn theo luật tự nhiên.
===//// ===
BÀI 3
ĐẶC TÍNH HÔN NHÂN CÔNG GIÁO.
I. Hai đặc tính.
II. Nền tảng của hai đặc tính ấy.
A. Lời hướng dẫn:
1. Theo giáo luật điều 1056: “Những đặc tính chính yếu của hôn nhân là: tính đơn hôn và bất khả phân ly; trong hôn nhân Công giáo những đặc tính này càng đặc biệt bền vững, vì đó là một bí tích”.
2. Công đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Mục Vụ đã dạy; “bởi giao ước hôn nhân, người nam và người nữ không còn là hai, “nhưng là một xương một thịt” (Mt 19, 6) phục vụ và giúp đỡ lẫn nhau bằng sự kết hiệp mật thiết trong con người và hành động của họ, cảm nghiệm và hiểu được sự hiệp nhất với nhau mỗi ngày một đầy đủ hơn. Sự liên kết  mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly” (Mv. 48)
I. HAI ĐẶC TÍNH CỦA HÔN NHÂN
- Đơn nhất
- Bất khả phân ly
“Đặc tính chính yếu của hôn nhân Công giáo là đơn nhất, bất khả phân ly. Tục đa thê nghịch lại tính đơn nhất của hôn nhân. Ly dị là phân ly điều Thiên Chúa phối hợp. Từ chối sinh sản, đời sống hôn nhân mất đi “hồng ân cao quý nhất” là con cái (GLCG 1664)
1. Đơn hôn:
Hôn nhân tự nhiên luôn hướng tới sự đơn nhất, tức hôn nhân giữa một vợ một chồng (nhất phu nhất phụ), loại trừ đa thê hay đa phu đồng thời. Chỉ khi có đơn nhất, việc tự hiến hoàn toàn, điều cốt yếu của hôn nhân mới có thể thực hiện được, cũng như, việc dưỡng dục con cái chỉ có thể thực hiện được trong khung cảnh của một cộng đồng đời sống, vì sự chăm sóc về vật chất cho con cái thì chưa đủ, nhưng còn phải chăm sóc về tinh thần và tình cảm nữa.
2. Bất khả phân ly:
Hôn nhân không thể đoạn tiêu do sự thỏa thuận của hai vợ chồng (bất khả đoạn tiêu nội tại), hoặc do quyền lực tôn giáo hay dân sự nào (bất khả đoạn tiêu ngoại tại). Đặc tính hôn nhân bất khả phân ly là do luật Thiên Chúa thiết định (Ex Jure divino Positivo), dựa trên giáo huấn của Tin Mừng. Do đó, không chỉ là một lý tưởng, nhưng là một qui luật sống cần thiết cho một hôn nhân giao ước. Theo công đồng Vaticanô II, nền tảng tự nhiên của đặc tính này chính là thiện ích của hai vợ chồng, con cái và xã hội.
Hai tính chất đơn nhất và bất khả phân ly phát xuất từ ý định của Thiên Chúa, từ mục đích của hôn nhân và phẩm giá của hôn nhân Công giáo.
II. NỀN TẢNG CỦA HAI ĐẶC TÍNH HÔN NHÂN
1. Từ ý định của Thiên Chúa
- Trong lịch sử, hôn nhân một vợ một chồng là một điều rất cổ xưa nơi hầu hết các dân tộc.
- Luật hôn nhân bị vi phạm do những người giàu có và có quyền thế lấy nhiều vợ, ngay cả trường hợp chỉ một người được coi là chính thức, còn những người khác được coi là thê thiếp hoặc tình nhân.
- Đọc trong Cựu ước, ta thấy có chế độ đa thê:
  +·Ông Abraham lấy bà Xarai và người hầu Haga (x. St 16, 1-5)
  +·Thủ lãnh Giêđêon có 70 người con vì ông có nhiều vợ.
  +·Các Vua Chúa, ngoài hoàng hậu còn có nhiều cung phi và nàng hầu.
  +·Người chồng có quyền rẫy vợ dễ dàng vì những lý do nhỏ nhặt (x. Dnl 24, 1tt)
- Vào thời Chúa Giêsu, hôn nhân được trả lại đặc tính một vợ một chồng như  từ khởi đầu cuộc sáng tạo của Thiên Chúa. Hôn nhân với tư cách là bí tích và hình ảnh cuộc kết hợp bất khả phân ly giữa Chúa Kitô và Giáo hội, nên cũng có tính chất bất khả phân ly.
- Hầu hết các bản hiến pháp của các nước trên thế giới ngày nay đều không công nhận chế độ đa thê hay đa phu.
a. Trả lời những người biệt phái, Chúa Giêsu nhắc lại ý định của Thiên Chúa: “các ông không đọc thấy điều này sao: thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ” và Người đã phán: “vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Mt 9, 3-5): Chúa nói về tính đơn hôn.
b. Chúa Kitô cũng trả lời các người biệt phái rằng: “vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu không có thế đâu” ((Mt 19, 8): Chúa nói về tính bất khả phân ly của hôn nhân.
2. Từ mục đích của hôn nhân
Hôn nhân tự nhiên đòi buộc phải đơn hôn và vĩnh hôn.
* Từ bản chất, tình yêu hôn nhân đòi hỏi hai vợ chồng phải chung thủy, phải dứt khoát không tạm bợ: “sự liên kết mật thiết vẫn là sự tự hiến của hai người cho nhau, cũng như lợi ích của con cái buộc hai vợ chồng phải hoàn toàn trung tín và đòi hỏi kết hợp với nhau bất khả phân ly” (GLCG 1646).
* Với tinh thần trách nhiệm, hôn nhân một vợ một chồng và bất khả phân ly giúp cho đôi bạn dễ dàng đạt tới mục đích của hôn nhân là trọn đời yêu thương bổ túc cho nhau, cũng như cộng tác với Thiên Chúa trong việc sinh sản, giáo dục con cái. (GLCG 271)
a/ Đôi bạn chung sống là để giúp đỡ nhau. Sự giúp đỡ này chỉ đạt hiệu quả cao nhất, khi họ chung thủy với nhau. Còn nếu họ chia sẻ tình cảm với người khác hoặc chỉ có ý giúp đỡ nhau một thời gian thì sự giúp đỡ ấy không thể tận tình và hữu hiệu được.
b/ Sinh sản con cái là do sự kết hợp yêu thương vợ chồng. Nếu vợ chồng bất tín thì nguồn gốc đứa con sẽ bị nghi ngờ. Lúc đó làm sao họ có thể yên tâm chăm sóc giáo dục đứa con mà họ nghi ngờ không phải là con của mình được. Hoặc nếu vợ chồng ly dị, con cái phân tán, thì làm sao có thể giáo dục con cái chu đáo được ? 
3. Từ phẩm giá hôn nhân Công giáo
Phải nhìn nhận phẩm giá cá nhân bình đẳng giữa vợ chồng trong tình tương thân tương ái trọn vẹn, để nhờ đó, biểu hiện tính đơn nhất của hôn nhân đã được Chúa xác nhận. Tục đa thê trái với phẩm giá bình đẳng này và với tình yêu vợ chồng, vì tình yêu vợ chồng có tính đơn nhất và độc hữu.
Kết Luận: Hôn nhân Công Giáo được thiết lập mô phỏng tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo hội. Tình yêu vợ chồng có thể sánh với tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo hội, vì thế tình yêu này cũng phải là một tình yêu không chia sẻ, một tình yêu bền vững.
B.BÀI HỌC:
19/ H. Hôn nhân Công giáo có mấy đặc tính?
T. Hôn nhân Công giáo có hai đặc tính:
- Đơn hôn (một vợ một chồng).
- Bất khả phân ly (không được ly hôn – vĩnh hôn).
Trong hôn nhân Công giáo, vì lý do bí tích, những đặc tính này có sự bền vững đặc biệt.
20/ H. Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu dạy gì về bí tích hôn nhân?
T. Chúa Giêsu dạy những người đã kết hôn phải sống một vợ một chồng, không được lìa bỏ nhau, và phải sống hòa thuận yêu thương nhau suốt đời: “Điều gì Thiên Chúa đã phối hợp loài người không được phân ly” (Mt 19, 6).
21/ H. Nền tảng của hai đặc tính hôn nhân: đơn hôn và bất khả phân ly là gì ?
T. Nền tảng của hai đặc tính này phát xuất từ ý định của Thiên Chúa , từ mục đích và phẩm giá của hôn nhân Công giáo.
22/ H. Hôn nhân Công giáo đòi hỏi vợ chồng đồng phận về toàn thể cuộc đời nghĩa là gì ?
T. Nghĩa là vợ chồng liên kết với nhau cách trọn vẹn và bền vững bằng cả thể xác, lý trí và con tim, và phải trung thành với nhau trong suốt cuộc sống hôn nhân như thánh Phaolô trong thư gửi Tín hữu Corintô đã dạy: “còn những người đã kết hôn, tôi ra lệnh này, không phải tôi, mà là Chúa: vợ không được bỏ chồng… và chồng cũng không được bỏ vợ” (1 Cr 7, 10).
23/ H. Vợ chồng có thể tuân thủ luật đơn hôn và vĩnh hôn không?
T. Luật đơn hôn và vĩnh hôn trong bí tích hôn nhân là do luật Thiên Chúa thiết định, Giáo hội không có quyền chuẩn miễn. Nhưng nhờ ân sủng của bí tích, nhờ tình yêu và sự trưởng thành của vợ chồng, và vì hạnh phúc của con cái, gia đình Công giáo đã giữ được luật này cách trọn hảo.
===//// ===
I. Yêu thương.
II. Hòa thuận.
III. Trung thành.
IV. Giúp đỡ nhau.
A. Lời hướng dẫn.
Vợ chồng có những nghĩa vụ đối với nhau: phải tôn trọng nhau, hòa thuận thương yêu nhau, trung tín và giúp đỡ lẫn nhau; cũng như sau này, khi có con cái thì vợ chồng trở thành cha mẹ, lại có thêm nghĩa vụ với con cái.
24/ H. Vì sao vợ chồng phải yêu nhau ?
T. Vợ chồng phải yêu thương nhau vì những lý do này.
+ Vì giao ước hôn nhân bao hàm một tương giao liên vị, kết hợp cả tinh thần, tình cảm, thể xác của hai người, để trở thành một cộng đồng yêu thương, trở nên một xương một thịt như lời Chúa nói: “vì thế người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt” (Mt 19, 5).
+ Vì tình yêu là động lực mang lại sự toàn hảo cho hôn nhân, tạo điều kiện cho hôn nhân đạt tới cứu cánh, thiện ích của vợ chồng và con cái.
25/ H. Vợ chồng phải yêu thương nhau thế nào ?
T. Vợ chồng phải yêu thương nhau bằng:
+ một tình yêu trong sạch và thánh thiện: yêu nhau như Chúa dạy, yêu nhau vì tình nghĩa vợ chồng, không yêu vì duyên sắc, của cải danh lợi.
+ một tình yêu chân thành và quảng đại: biết chấp nhận cả những ưu điểm lẫn khuyết điểm của nhau để bổ túc, tha thứ và hoàn thiện nhau; biết chia sẻ niềm vui và hy vọng, lo toan và thử thách; biết tôn trọng và tín nhiệm nhau trong mọi hoàn cảnh.
26/ H. Vì sao vợ chồng phải hòa thuận ?
T. Vì phải “đồng phận với nhau về toàn thể cuộc đời” vợ chồng cần phải hòa thuận để chu toàn hôn ước, chung xây hạnh phúc gia đình, giáo dục con cái về ý nghĩa của tình yêu với Thiên Chúa và tha nhân: “thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn” Chúa cũng phán: “nhà nào bất thuận, nhà ấy không thể đứng vững” (Mc. 3, 25).
27/ H. Muốn hòa thuận vợ chồng phải làm gì ?
T. Muốn gia đạo thuận hòa êm ấm, vợ chồng cần theo lời khuyên sau đây:
- Vợ chồng phải nhường nhịn nhau:
+ Vợ nhịn chồng: “Chồng giận thì vợ bớt lời.
Cơm sôi nhỏ lửa một đời không khê
+ Chồng nhịn vợ: “một sự nhịn là chín sự lành
Cổ nhân dạy: “Lửa thì bốc lên cao, nước thì chảy xuống thấp, nhưng nước dập tắt được lửa”.
- Phải bàn hỏi nhau khi toan tính việc hệ trọng.
- Tiền bạc phải để làm của chung, tiêu dùng việc chung: “của anh của em là cớ hay sinh bất hòa”.
28/ H. Vì sao vợ chồng phải trung thành với nhau ?
T. Vì cả hai đã hoàn thành một giao ước hôn nhân, dựa trên sự tự do lựa chọn, nên buộc phải giữ lời cam kết trọn đời yêu thương và trung thành với nhau, như lời Chúa truyền: “Ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình”, (Mt . 19, 9) và “ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình” (Mt. 5, 32). Thánh Phaolô cũng dạy “vợ không có quyền trên thân xác mình, nhưng là chồng; cũng vậy, chồng không có quyền trên thân xác mình, nhưng là vợ” (1Cr. 7, 4)
29/ H. Khi ngoại tình phạm tội thế nào ?
T. Ngoại tình là tội rất nặng lỗi đức trong sạch và lỗi đức công bình với bạn mình, vi phạm thỏa ước hôn nhân với lời cam kết: trao thân gởi phận, tự hiến hoàn toàn và mãi trung thành với nhau.
30/ H. Vì sao vợ chồng phải trợ giúp nhau ?
T. Vì mục đích của hôn nhân là trọn đời yêu thương giúp đỡ nhau phát triển, hướng đến thiện ích của đôi bạn. Do đó, khi kết hôn thành vợ chồng, đôi bạn trở nên đồng hành với nhau, có trách nhiệm trợ giúp nhau về tinh thần và vật chất, để mối tương giao liên vị của đôi bạn mỗi ngày một hoàn thiện hơn, đức ái được triển nở trong đời sống gia đình của đôi bạn. Chúa nói: “con người ở một mình thì không tốt. Ta sẽ làm cho nó một trợ tá tương xứng với nó” (St 2, 18)
31/ H. Vợ chồng phải giúp đỡ nhau thế nào ?
T. Trong tương quan vợ chồng, yêu là sống cuộc đời người mình yêu. Do đó, vợ chồng phải biết giúp đỡ nhau về tinh thần lẫn vật chất, khi sống cũng như lúc chết một cách tận tình và chân thật, vì Chúa và vì ân nghĩa vợ chồng. Đôi bạn phải khuyến khích nhau bảo toàn và phát huy các giá trị nhân bản và thiêng liêng của đời sống gia đình, biết chia sẻ trách nhiệm với nhau trong việc sinh sản, dưỡng dục con cái, nhất là phải nâng đỡ nhau trong lúc bệnh hoạn đau yếu.
32/ H. Mối quan hệ trọn vẹn của vợ chồng sẽ dựa trên những điểm nào ?
T. Mối quan hệ vợ chồng muốn tốt đẹp, thân tình và trọn vẹn cần dựa trên một số điểm mà đa số lứa đôi hằng mong ước là:
-·Tình yêu
-·Sự thân mật và thể hiện giới tính
-·Sự trao đổi, trò chuyện
-·Sự gắn bó với nhau
-·Sự bình đặng và tôn trọng nhau
-·Sự hòa hợp tính tình
-·Đồng thanh và cùng chí hướng
- Hỗ trợ nhau trong cuộc sống
Tóm lại: trách nhiệm của vợ chồng:
1. yêu thương, nâng đỡ và chung thủy với nhau trọn đời như lời thề hứa.
2. Nên một cả thân xác lẫn tâm hồn, và cùng chung một trách nhiệm, cùng gánh vác những gánh nặng của gia đình, vui buồn cùng chia sớt.
3. Cùng hướng về một hướng: xây dựng tương lai cho gia đình, và bảo vệ sự bền vững của gia đình.
===//// ===
I. Quyền và bổn phận giáo dục.
II. Những mục tiêu giáo dục.
III. Bổn phận con cái đối với cha mẹ.
A. Lời hướng dẫn:
- Bổn phận giáo dục bắt nguồn từ trong ơn gọi đầu tiên của đôi bạn là dự phần vào công việc sáng tạo của Thiên Chúa. Khi sinh ra một ngôi vị mới trong tình yêu và do tình yêu, một ngôi vị mang sẵn trong mình ơn gọi phải lớn lên và phát triển, bậc cha mẹ cũng từ đó mà lãnh nhận bổn phận phải giúp đỡ hữu hiệu cho ngôi vị ấy được sống nhân bản trọn vẹn (GĐ 36).
- Cha mẹ có hai trách nhiệm đối với  con cái: sinh thành và dưỡng dục con cái.
Trách nhiệm sinh con và nuôi con:
Cha mẹ phải biết giữ gìn sức khỏe, vì sức khỏe của cha mẹ chi phối sức khỏe đứa con sắp sinh. Vì thế phải tránh say sưa rượu chè, không nghiền xì ke ma túy, không chơi bời bê tha, vì những thứ đó sẽ là tác nhân sinh ra những đứa con khuyết tật cả thể lý và tinh thần. Riêng người mẹ, từ khi mới mang thai, phải biết cẩn thận giữ gìn sức khỏe, bằng cách tránh làm những việc nặng, được nghỉ ngơi và bồi dưỡng. Người chồng cần chăm sóc vợ nhiều hơn và làm cho vợ được hạnh phúc. Để việc nuôi dưỡng con được tốt cần phải tìm hiểu và trao đổi với người có kinh nghiệm hơn. Nên cho con bú trong tháng đầu, vì sữa mẹ có nhiều sinh tố dinh dưỡng đề kháng chống bệnh tật.
Trách nhiệm giáo dục con cái.
Cần phải ý thức rằng chính cha mẹ, gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc  tạo nên nhân cách của con cái. Tại sao vậy ? là vì gia đình là môi trường đầu tiên, gần gũi nhất, thân thiết và lâu dài nhất mà con cái được sống trong đó. Cha mẹ là mẫu mực điển hình, để con cái nhìn vào mà phát triển nhân cách của nó. Cha mẹ là người tạo nên con bằng chính máu huyết, xương thịt của mình. Cha mẹ cũng là người đầu tiên ghi lên trang giấy trắng của tâm hồn đứa trẻ những hình ảnh, những tâm tình, những tư tưởng mẫu mực, và sẽ hằn lại mãi trong tâm hồn con cái những hình ảnh, tư tưởng và tâm tình ấy đến độ khó tẩy xóa, khó phai mờ.
I. Quyền và bổn phận giáo dục.
- Người Đức có câu tục ngữ: “đừng nên bứng cây già đem trồng chỗ khác
- Người Việt Nam: “uốn cây tự lúc còn non, dạy con từ thuở con còn ấu thơ
1/ Giáo dục con cái là hướng dẫn và giúp đỡ chúng phát triển toàn diện con người.
2/ Việc giáo dục con cái này là quyền lợi và bổn phận cha mẹ không ai có thể thay thế.
3/ Việc giáo dục là vinh dự của cha mẹ Công giáo, vì khi thi hành bổn phận giáo dục, họ biết mình cộng tác với tình yêu Thiên Chúa và trở thành người diễn đạt tình yêu của Người (MV. 50).
4/ Bậc cha mẹ hãy ghi nhớ điều này: “Gia đình là trường học đầu tiên dạy các đức tính xã hội cần thiết cho mọi đoàn thể (TN. Giáo dục Kitô giáo 3).
5/ Muốn giáo dục thành công cha mẹ cần quan tâm những điểm rất quan trọng này:
a. Cha mẹ phải hiểu biết giáo lý và sống đạo, như siêng năng cầu nguyện, tham dự thánh lễ và các bí tích; nêu gương đời sống cao đẹp về nhân cách, đạo đức và các khả năng khác, vì “Cha mẹ hiền lành để đức cho con”.
b. Cha mẹ phải thống nhất trong đường hướng và phương thức giáo dục: tìm hiểu tính tình và năng khiếu của con cái; tạo điều kiện thích hợp giúp chúng đạt tới mục đích.
c. Tạo bầu khí sống chung lành mạnh, cởi mở, thánh thiện, hòa thuận, yêu thương, vui tươi và tín nhiệm nhau.
II. Những mục tiêu giáo dục.
Trong giáo dục toàn diện con người, cha mẹ cần lưu ý những điểm chính yếu sau đây (nội dung giáo dục)
1. Giáo dục Tôn giáo.
- Quan điểm đầu tiên của cha mẹ Công giáo là phải dạy dỗ con cái từ tấm bé về niềm tin Kitô giáo: về Thiên Chúa, về đạo lý và cách sống đạo.
- Đặc biệt người mẹ thường gần gũi con hơn, nên có trách nhiệm thường xuyên và cụ thể hơn trong việc dạy dỗ con cái.
- Cha mẹ phải là mẫu mực điển hình trong đời sống của người tín hữu: siêng năng cầu nguyện, tham dự thánh lễ và các bí tích, nêu gương sáng đời sống hàng ngày… để con cái nhìn vào mà noi theo và phát triển nhân cách của chúng.
2. Giáo dục văn hóa.
- Cha mẹ phải dạy con từ cách đi đứng, cách nói cách gọi, cư xử lễ độ; khích lệ việc học hành, chọn và hướng dẫn sách báo, phim ảnh phù hợp với tuổi của chúng.
- Hướng dẫn những tình cảm đầu tiên của đứa bé dành cho ông bà, cha mẹ, anh chị em, chú bác cô dì …
- Giáo dục cho con cái biết nói lời lễ độ, cử chỉ bác ái, hành động công bằng hợp lý với tha nhân.
3. Giáo dục thể lý
Cần giáo dục con cái biết trau dồi sức khỏe thể lực, vì “một tâm hồn lành mạnh ở trong một thân thể tráng kiện”, đồng thời để chúng có khả năng làm việc và vui sống.
4. Giáo dục các Đức tính Nhân bản xã hội.
- Cha mẹ cần giáo dục con cái về các đức tính tốt như ngay thẳng, thành thật, công bằng, nhân ái, lòng tự trọng và tính tự chủ; nhất là rèn luyện những đức tính vốn được người Việt Nam quí chuộng: cần, kiệm, liêm, chính – nhân, nghĩa, lễ, trí, tín, - công, dung, ngôn, hạnh.
- Dạy con cái tránh xa những tính xấu như: gian dối, lừa đảo, thô bạo, biếng nhác, hẹp hòi, bất nhân, lối sống bê tha vô luân.
III. Bổn phận con cái đối với cha mẹ.
Bổn phận con cái đối với cha mẹ là phải hiếu thảo như lời Kinh Thánh: “ai kính sợ Chúa thì thảo hiếu với cha mẹ
- Là con cái đã thọ ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, nên phải biết trọng kính, thương yêu và đền đáp công ơn cao dày ấy bằng lời ăn tiếng nói và bằng hành động .
- Ca dao Việt Nam có câu:
“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
“mỗi đêm mỗi thắp đèn trời
cầu cho cha mẹ sống đời với con”
*
“cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng
con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày.
Anh chị em ruột thịt với nhau cần phải hết sức nâng đỡ đùm bọc, nhường nhịn, thương quý nhau theo kiểu:
chị ngã em nâng, tay đứt ruột mềm”.
*
Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”
B. BÀI HỌC:
33/ H. Giáo dục con cái là gì ?
T. Giáo dục con cái là hướng dẫn và giúp đỡ chúng phát triển con người toàn diện về thể lý, trí tuệ, đức hạnh và tôn giáo.
34/ H. Tại sao phải giáo dục con cái
T. Vì việc giáo dục con cái vừa là trọng trách chính yếu của bậc làm cha mẹ đã tuyên hứa khi nhận phép hôn phối, vừa là vinh dự được cộng tác với Thiên Chúa chăm sóc mầm non quí giá cho xã hội và Giáo hội.
- Vì con cái là tài sản của  cha mẹ nên phải quan tâm  xây dựng.
- Nếu con hư, hay con nên, đều ảnh hưởng trực tiếp đến cha mẹ.
- Trách nhiệm trước xã hội: phải xây dựng xã hội bằng cách đóng góp những mầm non tốt để làm chủ gia đình và xã hội mai sau, đồng thời góp phần ổn định trật tự xã hội.
35/ H. Tình trạng thanh thiếu niên hư hỏng là do những nguyên nhân nào ?
T. - Do ảnh hưởng xấu của xã hội: luân lý suy đồi, kỷ cương lỏng lẻo, quan niệm đạo đức lệch lạc.
- Do gương sống của người lãnh đạo, người lớn không chính trực, gian tham, hối lộ, bất công , lừa dối …
- Do sách báo, phim ảnh xấu, phản giáo dục.
- Quan trọng nhất là do thiếu giáo dục gia đình: cha mẹ không hiểu biết, không quan tâm, mải lo sinh kế, hay bất hòa, xào xáo… nên quên bổn phận giáo dục con, hoặc thiếu gương tốt trong gia đình.
36/ H. Muốn giáo dục thành công cha mẹ cần quan tâm những điểm nào ?
T. Cha mẹ phải:
+ Nêu gương đời sống cao đẹp về nhân cách, đạo đức và các khả năng khác. Bởi vì “cha mẹ hiền lành để đức cho con”.
+ Nhất trí với nhau trong đường hướng và cách thức giáo dục để việc giáo dục có hiệu lực.
+ Tạo bầu khí gia đình lành mạnh, cởi mở, thánh thiện, vui tươi và tín nhiệm nhau.
37/ H. Cha mẹ có quyền ép duyên con cái không ?
T. Cha mẹ không có quyền ép duyên, nhưng có bổn phận giáo dục và chỉ dẫn cho con cái mình  trong bậc hôn nhân.
38/ H. Có khi nào con cái không buộc vâng lời cha mẹ không ?
T. Có như khi:
- Bắt con làm những điều có tội, hay trái phép đạo như bắt con ăn trộm ăn cắp, chém giết người trái phép.
- Ép con ở bậc tu trì khi con không có ơn Chúa gọi, ngăn cấm con vào dòng tu khi con có ơn Chúa gọi.
- Ép con kết hôn với người con không ưng thuận. Trong những trường hợp ấy, con cái phải vâng lời  Chúa hơn vâng lời cha mẹ.
39/ H. Ngày nay cha mẹ phải nhắm đến những điểm chính yếu nào hơn khi giáo dục con cái ?
T. Giáo Hội khuyên cha mẹ phải chú ý hơn đến mấy điểm chính sau đây:
1. Quí trọng phẩm giá và nhân cách con người hơn là của cải tiền bạc.
2. Có ý thức công bằng đích thực đối với hết mọi người
3. Có một tình yêu chân thành, vị tha, vô vị lợi.
4. Quí trọng giới tính để luôn luôn sống khiết tịnh.
40/ H. Cha mẹ có bổn phận nào đối với đạo hiếu ?
T. Cha mẹ phải luôn quí trọng, duy trì và sống cho trọn đạo hiếu  để nêu gương và dạy dỗ con cái.
41/ H. Theo truyền thống gia đình Việt Nam, đạo hiếu có vai trò nào ?
T. - Đạo hiếu, một truyền thống rất tốt đẹp, phù hợp với điều răn thứ bốn trong Kitô giáo.
- Đạo hiếu gắn liền với tình anh chị em họ hàng thân thuộc (hiếu và đễ) cần được duy trì và củng cố.
- Hiếu là “biết kính trọng cha mẹ, phụng dưỡng khi còn sống, lúc già yếu, cũng như sau khi chết”. (Phan Kế Bính, phong tục  Việt Nam)
- Đạo hiếu được bày tỏ trong việc lập bàn thờ hiếu kính tổ tiên dưới bàn thờ Chúa, và tổ chức lễ giỗ, lễ tảo mộ hàng năm.
===//// ===
BÀI 6
I. ĐIỀU KIỆN THÀNH LẬP BÍ TÍCH HÔN NHÂN
II. NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ HÔN NHÂN THÀNH SỰ
42/ H. Phải có điều kiện nào để thành lập bí tích hôn nhân?
T. Phải có những điều kiện này:
- Không mắc ngăn trở nào bởi luật tự nhiên và luật Giáo Hội.
- Hiểu biết về bí tích hôn nhân và đời sống gia đình.
- Có tự do kết hôn và công khai nói lên sự ưng thuận kết hôn theo nghi thức Hội thánh (GLCG câu 274)
43/ H. Để kết hôn thành sự và nên phải có những điều kiện nào?
T. Phải có những điều kiện này:
- Hai bên đã lãnh nhận bí tích rửa tội trong Hội thánh Công Giáo. Trường hợp kết hôn với người không Công Giáo phải có phép chuẩn khác đạo của Đấng bản quyền địa phương (GL, Đ 1086,1)
- Phải đủ tuổi theo Giáo luật qui định: nam trọn 16 tuổi, nữ trọn 14 tuổi, nhưng Hội thánh khuyên theo Dân luật của mỗi Quốc gia. Để tránh tảo hôn có hại cho tinh thần và thể xác, Hội Đồng Giám Mục có trọn quyền ấn định tuổi cao hơn để kết hôn cách hợp pháp (GL. Đ. 1083, 1,2). Luật hôn nhân gia đình Việt Nam qui định: nam 20, nữ 18.
- Đầy đủ ý thức và tự do ưng thuận kết hôn với nhau. Đây là lý do duy nhất tương xứng tác thành của hôn nhân (GL. ĐĐ 1057, 1095, 1096 …)
- Hôn nhân phải được cử hành theo nghi thức Hội thánh trước mặt người chủ trì hôn lễ, là vị thường quyền sở tại hoặc Linh mục chính xứ hoặc Linh mục hay phó tế đã được một trong hai vị trên ủy nhiệm, và trước mặt hai nhân chứng, (GL. Đ 1108)
===//// ===
44/ H. Bộ giáo luật 1983 định nghĩa ngăn trở như thế nào ?
T. Bộ giáo luật 1983 định nghĩa ngăn trở như sau: “ngăn trở tiêu hôn làm cho người ta mất khả năng kết hôn cách hữu hiệu” (Đ. 1073)
45/ H. Theo Giáo luật có mấy loại ngăn trở  hôn nhân ?
T. Có ba loại ngăn trở:
1. Ngăn trở về thể thức khi cử hành
2. Ngăn trở về ưng thuận kết hô
3. Ngăn trở về cá nhân của người kết hôn .
46/ H. Đâu là nguồn gốc phát sinh loại ngăn trở ?
T. Ta cần phân biệt:
Phát sinh do luật tự nhiên hay Thiên luật
a. Bất lực (vĩnh viễn hay tạm thời) (Đ. 1084)
b. Đã kết hôn hợp pháp trước đó (Đ. 1085)
c. Họ hàng huyết tộc trực hệ hay cấp hai của bàng hệ.
Qui định theo giáo luật
a. Chưa đủ tuổi Giáo luật định (Nam 16, Nữ 14) Đ. 1083
b. Khác đạo (có thể xin phép chuẩn) (Đ. 1086)
c. Đã lãnh nhận Chức Thánh (Đ. 1087, 1088)
d. Đã khấn trọn đời trong một dòng tu hay tu hội
e. Bị bắt cóc hay bị ép buộc kết hôn (Đ. 1089)
f. Tội ác (thông đồng trong việc ghết vợ hay chồng để lấy nhau) (Đ. 1090)
g. Họ hàng bàng hệ đến cấp thứ bốn
h. Ngăn trở công hạnh
i. Họ hàng dưỡng tử (con nuôi, anh chị em con nuôi).
47/ H. Thế nào là ngăn trở về thể thức cử hành hôn nhân ?
T. Một hôn phối giữa hai tín hữu Công Giáo hay chỉ một trong hai người là Công Giáo, chỉ thành sự khi được thực hiện:
- Với sự hiện diện của thừa tác viên hợp lệ.
- Với sự hiện diện của hai người làm chứng
Các thừa tác viên hợp lệ là:
+ Đức Giám Mục Giáo Phận
+ Linh mục chính xứ nơi một trong hai người đang cư ngụ.
+ Một Linh mục được ủy quyền chứng nhận hôn phối hợp pháp.
+ Một Phó tế được ủy quyền chứng nhận hôn phối hợp pháp.
Hai người làm chứng:
Hai người làm chứng chỉ được  hiểu là hai người hiện diện để đòi hỏi hai bên nam nữ muốn lập  gia đình với nhau bầy tỏ sự ưng thuận và chứng nhận sự bày tỏ ấy .
48/ H. Thế nào là ngăn trở về sự ưng thuận kết hôn ?
T. - “sự ưng thuận hôn nhân là một hành vi ý chí tự do, nhờ đó một người nam và một người nữ trao và nhận  chính bản thân của  nhau, do giao ước  bất khả thu hồi để  làm thành hôn nhân” (GL. Đ. 1057, 2)
- Do đó, trường hợp một người bị đe dọa, cưỡng ép, bắt buộc, do một hay nhiều người khác, dù cho là cha mẹ, và vì sợ hãi nặng, người ấy phải bày tỏ sự ưng thuận kết hôn, nhưng thực sự trong lòng không muốn. Hôn nhân ấy vô hiệu (bất thành)
49/ H. Thế nào là ngăn trở do dây hôn phối ?
T. - Ngăn trở do dây hôn phối là khi một trong hai người còn bị ràng buộc do một hôn nhân trước, mặc dầu chưa thành toại (hoàn hợp), có kết hôn cũng không thành (GL. Đ. 1085, 1)
- Ngăn trở do dây hôn phối thuộc luật tự  nhiên và luật Thiên Chúa thiết lập dựa trên hai đặc tính cốt yếu của hôn nhân là đơn nhất và bất khả đoạn tiêu, không một quyền năng nào có thể chuẩn, nên nếu còn dây hôn phối trước thì hôn nhân tiếp sau bất thành.
- Dây hôn nhân là một thực tại hữu thể học phát sinh khi hai người đã ưng thuận lấy nhau, chứ không phải là một thuộc tính tạo nên một bổn phận luân lý đòi hai vợ chồng trung thành với nhau bao lâu còn sống chung. Bản chất của dây hôn nhân là vĩnh viễn, tồn tại mãi cho tới khi chấm dứt cách hợp thức. Nó không tùy thuộc vào ý muốn của hai bên, bởi vậy ngay cả khi một trong hai hoặc cả hai rút lại sự ưng thuận và không còn quan hệ vợ chồng với nhau, nó vẫn còn.
50/ H. Thế nào là ngăn trở họ hàng ?
* Ngăn Trở Do Họ Máu
Đ. 1091. S.1 Trong họ máu hàng dọc (trực hệ), hôn nhân bất thành giữa mọi người tôn thuộc và ti thuộc (từ dưới lên và từ trên xuống) cả chính pháp lẫn tự nhiên (hoặc trong hoặc ngoài hợp pháp)
s.2 Trong hàng ngang (bàng hệ) hôn nhân bất thành cho đến hết bậc thứ bốn.
s.3 Ngăn trở họ máu không nhân lên. (bội tăng)
s.4 không bao giờ cho phép kết hôn, nếu hồ nghi hai bên có họ máu hàng dọc bất cứ bậc nào, hoặc hàng ngang 2 bậc.
- Ngăn trở họ máu hàng dọc và 2 bậc hàng ngang (cách nói thông thường là “đời”) thuộc luật tự nhiên, hàng ngang các bậc khác thuộc luật Giáo hội.
- Lý do cấm họ máu lấy nhau có tính chất xã hội (mở rộng quan hệ, bác ái …) luân lý (kính trọng), thể lý (con cái sinh ra khá hơn).
- Về cách tính họ máu, luật mới theo hệ thống Rôma được sử dụng hầu hết pháp chế các nước văn minh.
Ở hàng dọc, có bao nhiêu (đời) là bấy nhiêu bậc, nghĩa là, bao nhiêu người bấy nhiêu bậc, trừ gốc ra. (Đ.  108. s2.)
- Tôn thuộc là người bậc trên (vd con trai lấy mẹ)
- Ti thuộc là người bậc dưới (vd cha lấy con gái)
- Họ máu là chính pháp nếu do hôn nhân hợp thức, nếu không là tự nhiên.
Hôn nhân bất thành giữa mọi người trong họ máu hàng dọc.
Ở hàng ngang, có bao nhiêu người trong cả hai hàng cộng lại là bấy nhiêu người trong bậc, trừ gốc ra (K, 108. s.3)
Vd: Anh em là hai bậc
        Chú cháu là ba bậc
        Con chú con bác, con cô con cậu, dôi con dì là 4.
- Hôn nhân bất thành cho tới hết 4 bậc.
* Ngăn Trở Do Họ Kết Bạn:
Đ. 1092 Họ kết bạn hàng dọc hủy tiêu hôn nhân bất cứ bậc nào.
- Ngăn trở này thuộc luật Giáo hội, cấm hôn nhân của một người với người thân thuộc họ máu ở hàng dọc của người phối ngẫu. ( cha mẹ, ông, bà, con riêng, cháu riêng…)
Vd: Vợ không được kết hôn với cha chồng; con riêng của chồng không được kết hôn với dì ghẻ… khác với luật cũ, luật mới bỏ họ kết bạn hàng ngang (vậy: anh chồng có thể lấy em dâu, vợ chết có thể lấy em vợ…)
Họ kết bạn kéo dài tới chết, dù hôn nhân được tháo giải do bên kia chết đi. Không có họ kết bạn giữa những người họ máu bên kia (Affinitas non parit Affinitatem).
- Phép chuẩn về ngăn trở này do Đấng Bản quyền sở tại ban. Trong trường hợp đặc biệt thì do những vị nói ở các khoản 1079-1080.
* Cách tính liên hệ họ hàng
A

B                C

D                E

F                G
A sinh ra B và C
B sinh ra D
D sinh ra F
C sinh ra E
E sinh ra G
A, B, D, F liên hệ họ hàng trực hệ
A, C, E, G liên hệ họ hàng trực hệ
B và C là anh chị em ruột (liên hệ bàng hệ cấp hai)
B và E là hai chú cháu hay bác cháu hay cô cháu (bàng hệ cấp ba)
B và G là ông chú hay ông cậu hay bà cô với cháu (bàng hệ cấp bốn)
D và E là anh em chú bác (bàng hệ cấp bốn)
D và G (bàng hệ cấp năm - lấy nhau được)
E và F (bàng hệ cấp năm - lấy nhau được)
51/ H. Thế nào là ngăn trở do tội ác ?
T. Ai vì muốn kết hôn với người nào mà giết phối ngẫu của người ấy hay của chính mình, có kết hôn với người ấy cũng không thành. Hôn nhân cũng không thành sự giữa những người gây cái chết cho người phối ngẫu của mình bằng một hành động chung (đồng lõa) thuộc thể xác hay tinh thần. (GL. Đ. 1090, 1, 2)
- Ngăn trở này thuộc luật Giáo hội, lý do là để bảo vệ sự trung thành và đời sống vợ chồng.
- Có hai trường hợp, với yếu tố chung và chủ chốt là giết người phối ngẫu:
Trường hợp 1 (s.1):
+ Giết (đích thân hay nhờ người khác)
+ Người phối ngẫu (của mình hay của người mình muốn kết hôn)
+ Với chủ ý kết hôn (nếu giết vì mục đích khác thì không có ngăn trở)
NB. Chủ ý kết hôn có thể là của một bên mà thôi, không cần có việc hứa kết hôn với nhau.
Thí dụ: Nếu X giết vợ vì có chủ ý kết hôn với Y, thì có ngăn trở, dù Y không biết cả về ý định kết hôn lẫn tội sát thê của X.
Trường hợp 2 (s.2):
- Khi giết người phối ngẫu, có sự đồng lõa của người mình kết hôn, mà giữa hai người không cần có chủ ý kết hôn với nhau. Thí dụ: X nhờ Y cộng tác để giết vợ mình nhưng không chủ ý lấy Y. Sau tình cờ hai người kết hôn với nhau thì hôn nhân bất thành.
- Đồng lõa hay cộng tác bằng hành động:
Thể lý (cùng giết)
Luân lý(đồng ý, gợi ý, hay khuyên giết)
NB. Nếu chỉ đồng ý với việc giết đã xẩy ra rồi thì không đủ, vì không có mưu mô tính toán trong việc giết người.
52/ H. Thế nào là ngăn trở do bất lực ?
T. - Bất lực giao hợp có trước khi kết hôn và vĩnh viễn, hoặc bên nam hoặc bên nữ, hoặc tuyệt đối hoặc tương đối, tự bản chất là một ngăn trở tiêu hôn (GL. Đ. 1084)  
- Gọi là bất lực giao hợp là tiền hôn khi có trước hôn nhân; là vĩnh viễn khi không thể chữa trị, hủy tiêu hôn nhân, vì tự bản chất hôn nhân hướng tới sự giao hợp hoàn hảo là  cách hai người tự hiến cho nhau, và đón nhận nhau.
- Bất lực giao hợp là tiền hôn khi có trước hôn nhân; là vĩnh viễn khi không thể chữa trị mà không nguy hiểm đến tính mạng; là tuyệt đối khi không thể giao hợp với bất cứ người khác phái nào, nên hủy tiêu mọi hôn nhân; là tương đối khi không thể giao hợp với một số người nhất định. Do không cân xứng giữa hai cơ quan sinh dục hoặc do tâm lý, chỉ hủy tiêu hôn nhân giữa những người liên hệ.
- Bất lực giao hợp hủy tiêu hôn nhân xét tự chính bản chất của hôn nhân; vì hôn nhân tự bản chất hướng tới sự giao hợp hoàn hảo là cách hai người thực sự tự hiến cho nhau và đón nhận nhau.
53/ Ngăn trở do khác đạo, một bên Công Giáo, bên kia lương (GL 1086)
54/ Ngăn trở do Thánh chức (GL 1087); hoặc do khấn dòng (GL 1088)
55/ Ngăn trở do cưỡng đoạt, áp lực bắt cóc (GL 1089)
56/ Ngăn trở công hạnh hàng dọc, như chồng chung chạ tư tình với con riêng của vợ hoặc ngược lại (GL 1093).
57/ Ngăn trở do nhận theo pháp lý, như cha mẹ nuôi và con nuôi (GL 1094)
===//// ===
Công đồng Vaticanô II trong Hiến Chế Mục Vụ đã nói: “Tính dục cũng như khả năng sinh sản của con người trổi vượt một cách kỳ diệu hơn những gì thấy được ở các cấp sinh vật thấp hơn. Bởi vậy chính những hành vi đặc thù của đời sống vợ chồng, được thực hiện đúng theo phẩm giá đích thực của con người, đều phải được kính cẩn tôn trọng. Vì thế, khi cần hòa hợp tình vợ chồng với việc truyền sinh trong một tinh thần trách nhiệm, phải ý thức rằng giá trị luân lý của hành động không chỉ lệ thuộc vào ý muốn thành thực và việc cân nhắc các lý do, nhưng phải được thẩm định theo những tiêu chuẩn khách quan suy diễn từ bản tính của nhân vị và của hành động nơi nhân vị; những tiêu chuẩn ấy sẽ tôn trọng ý nghĩa trọn vẹn của sự trao hiến và sinh sản con cái trong khung cảnh tình yêu đích thực.
- Tính dục quả thật là một quà tặng Thiên Chúa trao ban. Bởi vì đó là mục đích của Thiên Chúa trong việc tạo dựng người nam và nữ để cả hai trở thành một xương một thịt (St. 2, 24) đồng thời là một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho hạnh phúc nhân loại.
- Sự trao hiến vợ chồng có thể canh tân và làm phong phú quan hệ lứa đôi, vì vậy, tình yêu của họ có thể trọn hảo và giống như tình yêu của Đức Ki-tô đối với  Hội thánh.
- Qua sự kết hợp nên một, bản thân người chồng hay vợ đều có cơ hội để trưởng thành và tạo lập một đời sống mới. họ có thể thực hiện được cuộc sống chung với khả năng cao nhất của mình bằng cách trao, cho và nhận lãnh tình yêu.
Thiên Chúa là Chúa sự sống, đã trao cho loài  người nhiệm vụ bảo toàn nòi giống. Đàng khác, tính dục và khả năng sinh sản nơi loài người trổi vượt hơn các sinh vật hạ đẳng. Vậy, để chu toàn nghĩa vụ ấy cách xứng hợp, đúng với phẩm giá của mình, đôi bạn phải nắm vững một số nguyên tắc luân lý sau đây:
Nguyên tắc 1:
“Trong hôn nhân theo luật tự nhiên và hôn nhân Công Giáo, các hành vi trao hiến vợ chồng, tự bản chất là cao quý và chính đáng”.
Phát xuất từ công đồng Vaticanô II: sự âu yếm được biểu lộ và hoàn hảo đặc biệt qua tác động riêng của hôn nhân. Vì thế sự kết hợp thân mật và thanh khiết của đôi vợ chồng là cao quý và chính đáng. Qua đó giúp nhau thêm phong phú trong hoan lạc và biết ơn, tạo hạnh phúc và gia tăng tình yêu, sự gắn bó của vợ chồng.
Tự hiến cho nhau trong sinh hoạt vợ chồng là hành vi cần thiết để biểu lộ tình yêu, làm phát sinh sự sống và là sự nâng đỡ cho lòng tín trung.
a/ Dấu hiệu biểu lộ tình yêu
- Mọi tình yêu chân thật đều phát xuất từ Thiên Chúa, vì “Thiên Chúa là tình yêu”. (1Ga . 4,16).
- Đức Phaolô VI quả quyết: Tình yêu vợ chồng “trước hết phải là một tình yêu hoàn toàn nhân bản, nghĩa là bao gồm cả xác lẫn hồn” (TĐ sự sống con người số 9)
- Chính Chúa Kitô đã ban dồi dào Ân sủng cho tình yêu đôi bạn qua bí tích hôn nhân, là dấu chỉ tình yêu Chúa Kitô và Hội thánh Người; mà hành vi trao hiến vợ chồng là để diễn tả và đem lại mối dây hiệp nhất yêu thương giữa hai người. Vì thế, mỗi khi ân ái, họ củng cố và đào sâu thêm mối liên hệ ân tình với nhau, giúp tình yêu giữa họ thêm mặn nồng và tăng trưởng. Nhờ đó đôi bạn thể hiện được mục đích hôn nhân là trọn đời yêu thương, sinh thành và dưỡng dục con cái.
- Nếu muốn tình yêu vơ chồng tồn tại qua các khó khăn của cuộc sống đôi bạn phải cố làm tăng triển một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu kiên nhẫn và luôn phục vụ; một tình yêu không bao giờ phai lạt, và thường biểu lộ qua thái độ cởi mở và thật tâm giữa hai người. Đó chính là hiện thân của đức ái.
b/ Dấu hiệu biểu lộ sự sống
- Tính dục là một trong những dòng chảy mạnh mẽ nhất tuôn trào sức sống, nó được dùng để khơi nguồn một sự sống mới, mà ở đâu có sự sống, ở đấy có tình yêu.
- Hôn nhân và tình yêu vợ chồng, tự bản chất, hướng về sự sinh thành và dưỡng dục sự sống. Giống như tình yêu kết hợp giữa Chúa Kitô và Hội thánh trổ sinh hoa trái không ngừng, sự trao hiến vợ chồng diễn tả tình yêu hợp nhất giữa hai người, nhờ đó, họ được tham dự vào công trình Sáng tạo của Thiên Chúa, tạo điều kiện cho một sự “sống mới” chào đời, là ân huệ cao quí nhất của Thiên Chúa ban cho loài người, và là sự đóng góp lớn lao kiến tạo hạnh phúc cho cha mẹ (Mv. 50)
c/ Dấu hiệu biểu lộ lòng trung tín
- Tính dục là ngôn ngữ thể xác, một ngôn ngữ có khả năng thông truyền những tư tưởng thầm kín, những cảm xúc riêng tư nhất và những nhu cầu sâu thẳm nhất cho nhau. Nói cách khác, tính dục là chất liệu xây dựng, vun đắp và gắn chặt liên đới giữa hai người.
- Tình yêu không chung thủy sẽ không còn là tình yêu mà chỉ là một hành vi giả dối. Cộng đồng Vaticanô II dạy: “Hôn nhân đã được chuẩn y bởi bí tích của Chúa Kitô, tình yêu ấy trung thành bất khả phân ly giữa cảnh đời thăng trầm, và do đó, loại hẳn mọi hình thức ngoại tình và ly dị (Mv 49)
- Nhờ hành vi tự nguyện trao hiến vợ chồng, qua đó, đôi bạn được hỗ trợ để mãi mãi trung tín suốt đời sống hôn nhân gia đình, tránh được ngoại tình và bất tín.
Do đó, các hành vi tự hiến vợ chồng tự bản chất là lương thiện và chính đáng. 
Nguyên tắc 2:
Luân lý Công Giáo tôn trọng thân xác, nhưng không thần hóa đời sống sinh lý.
a. - Thiên Chúa tạo dựng con người có hồn xác. Trách  nhiệm thuộc về con người toàn diện “hồn xác” ấy.
- Việc Chúa Giêsu xuống thế làm người, và phục sinh thân xác của Người từ cõi chết; niềm tin “xác loài người ngày sau sống lại”, khẳng định giá trị của thân xác.
b. Tuy nhiên, thân xác không phải là tất cả con người. Do đó các hành vi sinh lý chỉ có giá trị giới hạn. Vai trò của tính dục chỉ được Hội thánh đánh giá là cao quý khi nó được gắn liền với hôn nhân. Tính dục ngoài hôn nhân làm rối loạn tâm can, làm nghèo nàn tình yêu chân chính. Cho nên không thể quá đề cao hành vi trao hiến làm phương hại các giá trị cao quý hơn của con người.
Nguyên tắc 3:
Đời sống hôn nhân Công Giáo phải là đời sống trong sạch và tiết độ.
Luân lý Công Giáo đòi buộc mọi tín hữu phải sống trong sạch và tiết độ, kể cả những người sống bậc hôn nhân gia đình:
a. Trong sạch và tiết độ trong hành vi ân ái là thước đo tinh thần xả kỷ, hiến thân vì hạnh phúc và nhu cầu của người mình yêu.
b. Trong sạch và tiết độ còn là biểu lộ mức trưởng thành và tự chủ của đôi bạn biết yêu thương kính trọng nhau.
c. Phải trong sạch trong thân xác: hoan lạc tính dục được Thiên Chúa sắp đặt để nâng đỡ đời sống hôn nhân – gia đình. Do đó đòi hỏi tính dục và hôn nhân phải luôn đi đôi với nhau: chỉ những ai là vợ chồng của nhau mới có quyền trên thân xác nhau.
d. Chúa Giêsu còn căn dặn con người phải giữ trong sạch trong cả tư tưởng: “Ta bảo các ngươi, ai nhìn người nữ để thỏa mãn lòng dục, thì đã ngoại tình với nó trong lòng rồi” (Mt 5, 28). Như thế, người ta không được cố tình suy tưởng, và ước muốn điều tà dâm.
Do đó, thời kỳ đính hôn là thời điểm thuận lợi để hai người nam nữ tìm hiểu nhau, thì họ phải giữ gìn nhau trong kính trọng và xây dựng cho nhau, những cử chỉ sỗ sàng, thử nghiệm tình ái hoặc sống chung với nhau trong thời gian này là lỗi giới luật Chúa, làm thương tổn cho đời sống hôn nhân sau này.
58/ H. Giới tính là gì ?
T. Giới tính là toàn bộ những đặc điểm, tính cách, năng lực, bộ phận, nhờ đó ta phân biệt nam với nữ. Những đặc điểm này do Thiên Chúa phú ban cho mỗi giới. Chúng là tốt lành, chúng tác động toàn thể con người một cách tự nhiên tự động (bản năng).
59/ H. Tính dục là gì ?
T. Tính dục là toàn bộ những hiện tượng có thể cảm biết được khi người nam và người nữ vận dụng bản năng giới tính, để tiếp xúc, gặp gỡ người khác giới.
60/ H. Nam nữ khác biệt nhau thế nào ?
T. Nam nữ đều là người, bình đẳng với nhau, nhưng khác biệt nhau về mọi mặt: thể xác, nhận thức, tình yêu, tôn giáo, luân lý, tâm lý.
61/ H. Vợ chồng phải vận dụng giới tính để yêu thương nhau như thế nào ?
T. Phải tập làm chủ bản năng giới tính của mình và vận dụng chúng để gặp gỡ, hiệp thông, yêu thương nhau bằng tình yêu trao hiến vô vị lợi, tình yêu vị tha (agapé), chứ không bằng tình yêu chỉ muốn chiếm đoạt và sử dụng người khác như đồ vật, tình yêu vị kỷ (eros).
62/ H. Tình dục phục vụ cho tình yêu vợ chồng và gia đình thế nào ?
1. Tình dục là một nguồn mạch đem lại hoan lạc và hạnh phúc cho vợ chồng
2. Giúp cho tình yêu vợ chồng mở ngõ cho sự sống
3. Diễn tả sự phong phú của Thiên Chúa và góp phần xây dựng nền văn minh tình yêu.
63/ H. Luân lý tính dục trong đời sống hôn nhân là gì ?
T. Luân lý tính dục trong đời sống hôn nhân là tính cách hợp pháp do chính Thiên Chúa thiết lập cho đời sống vợ chồng.
64/ H. Luân lý tính dục có những nguyên tắc nào ?
T. Có những nguyên tắc này:
+ Các hành vi trao hiến vợ chồng, tự bản chất là lương thiện
+ Luân lý Công Giáo tôn trọng thân xác, nhưng không quá đề cao hành vi giới tính.
+ Phải có sự trong sạch và tiết độ trong đời sống vợ chồng.
65/ H. Sống trong sạch và tiết độ trong đời sống vợ chồng có ý nghĩa gì?
T. Sống trong sạch và tiết độ trong hành vi ân ái vợ chồng là thước đo tinh thần xả kỷ vì hạnh phúc và nhu cầu của người bạn mình, đồng thời biểu lộ mức độ trung thành và tự chủ của đôi bạn biết yêu thương và kính trọng nhau.
66/ H. Vợ chồng phải sống trong sạch và tiết độ thế nào ?
T. Phải sống trong sạch và tiết độ bao gồm tất cả đời sống vợ chồng: thể hiện nơi thân xác và trong tư tưởng
+ Phải trong sạch nơi thân xác, vì lạc thú tính dục được Chúa sắp đặt để nâng đỡ đời sống hôn nhân và gia đình, cho nên chỉ những ai là vợ là chồng của nhau mới có quyền trên thân xác nhau.
+ Phải trong sạch cả trong tư tưởng như Chúa Giêsu nói: “Ta bảo các ngươi, ai nhìn người nữ để thỏa mãn lòng dục, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi”. (Mt. 5, 28)
Như thế ngoài hôn nhân không ai được lạm dụng thể xác để hưởng lạc thú tính dục, cũng như; người ta không được cố tình suy tưởng và ước muốn điều tà dâm.
Bài 9
Làm cha mẹ có trách nhiệm không chỉ có nghĩa là đón nhận số con cái Chúa ban cho, mà là còn biết cân nhắc hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống để quyết định có thêm hay giới hạn số con cái. Đây là một trong những điểm trọng tâm của giáo huấn thông điệp “Sự Sống Con Người”.
- Có những lý do chính đáng cho phép vợ chồng được quyền giới hạn số con cái. Trong số 10 của thông điệp “Sự Sống Con Người”, Đức Phaolô VI đã viết: “nếu chúng ta xét đến điều kiện thể lý, tâm lý, kinh tế và xã hội, thì làm cha mẹ có trách nhiệm có nghĩa là sau khi cân nhắc và được hướng dẫn bởi lòng quảng đại, vợ chồng quyết định đón nhận nhiều con cái, nhưng cũng được xem là cha mẹ có trách nhiệm những ai vì lý do nghiêm chỉnh và vẫn tôn trọng những nguyên tắc luân lý, quyết định không có thêm đứa con nào nữa trong một thời gian nhất định hay vô hạn định”.
- Trong số 50 của hiến chế “Vui Mừng Và Hy Vọng”, công đồng Vaticanô II đưa ra nguyên tắc sau đây: “tôn trọng tuân phục Thiên Chúa, đồng tâm hiệp lực với nhau, vợ chồng sẽ tạo được cho mình một phán đoán ngay thẳng, biết xét đoán lợi ích riêng của họ cũng như của con cái đã có hay tiên liệu sẽ có. Đọc các dấu chỉ của thời đại, nhận định về hoàn cảnh vật chất hay tinh thần cuộc sống vợ chồng, và cuối cùng cũng biết nghĩ đến lợi ích của gia đình, xã hội và Giáo hội”.
Giáo huấn của Giáo hội trên đây là nguyên tắc cơ bản cho phép vợ chồng có thể nại đến để quyết định về số con cái. Các cặp vợ chồng nên cùng nhau quyết định trong tinh thần về số con cái sẽ sinh ra và khoảng cách chào đời của chúng. Khi làm thế, đương nhiên họ phải xét tới những yếu tố như điều kiện tài chánh, hoàn cảnh gia đình, kể cả khả năng đón nhận và chăm sóc con cái của chính họ. Khi mới kết hôn, hai vợ chồng có thể quyết định chưa có con ngay với nhiều lý do chính đáng. Họ có thể muốn dành thời gian để gần gũi nhau hơn, hiểu nhau hơn trước khi nhận trách nhiệm là cho chào đời một con người mới. Hoặc là để có thời gian chuẩn bị tổ ấm thật đầy đủ hầu đón tiếp con cái sau này.
Tuy nhiên điều quan trọng là đôi bạn phải luôn tôn trọng luật luân lý mà Hội thánh đã xác định.
Đôi bạn phải giải quyết việc sinh sản con cái thế nào cho phù hợp luật luân lý.
1. Đôi bạn phải tuân theo tiếng nói chân chính và ngay thẳng của lương tâm.
Giáo hội cũng thừa nhận rằng trọng tài cuối cùng xét đoán luân lý tính của mọi hành vi là lương tâm mỗi người.
- Lương tâm là tiếng nói của chính Chúa trong thẳm cung tâm hồn con người. Con người buộc phải lắng nghe và sống theo tiếng nói ấy. Lương tâm có khả năng định giá một hành động của con người là tốt hay xấu, đúng hay sai về mặt luân lý; để chỉ dẫn điều hay lẽ phải, đòi buộc làm lành lánh dữ, và phải trả lời trước mặt Thiên Chúa về các hành động của mình.
- Sống theo tiếng nói của lương tâm là hành động theo những tiêu chuẩn luân lý khách quan, nghĩa là hành động theo luật Thiên Chúa đã được Hội thánh giải thích và hướng dẫn, chứ không được theo phán đoán chủ quan mù quáng của mình.
- Đối với vấn đề điều hòa sinh sản cũng vậy: Đôi bạn phải ý thức mình không thể  hành động theo sở thích hoặc vì những lý do chủ quan; trái lại phải học biết luật Chúa, và áp dụng giáo huấn Hội thánh vào hoàn cảnh từng gia đình.
2. Những tiêu chuẩn luân lý hướng dẫn đôi bạn khi phải quyết định điều hòa sinh sản .
a. Liên quan đến tinh thần trách nhiệm.
Đôi bạn cần phải luôn nhớ rằng: sinh sản và giáo dục là hai trách nhiệm đồng thời của cha mẹ. Vì thế khi nghĩ đến việc sinh con, phải nghĩ đến những điều kiện tạm đủ để nuôi dưỡng và giáo dục chúng cách xứng hợp. Không thể chấp nhận sinh sản bừa bãi, thiếu khả năng hay phương tiện đón nhận, nuôi dưỡng và giáo dục con cái, cũng không thể chấp nhận những người ích kỷ, lười biếng, vì sắc đẹp mà  hạn chế số con cách mù quáng  và phi lý.
b. Liên quan tới quyết định đứng đắn.
Để quyết định điều hòa sinh sản, đôi bạn cần suy nghĩ chín chắn và quảng đại:
* Những lý do chính đáng để có con tùy theo hạn định, những lý do này có thể dựa trên điều kiện thể lý hay tâm lý của vợ chồng hoặc những yếu tố ngoại tại (số 16 TĐ. Sự Sống Con  Người):
- Những điều kiện thể lý, chẳng hạn, người vợ đau yếu: việc mang thai có thể gây nguy hại cho sức khỏe và tính mạng. Một người cha bệnh hoạn, hoặc mang bệnh truyền nhiễm dĩ nhiên sẽ truyền lại những di hại cho con cái.
- Về phương diện tâm lý, chẳng hạn , một người phối ngẫu đang trải qua khủng khoảng tâm lý không thể làm cha mẹ một cách có trách nhiệm trong một giai đoạn nào đó.
- Những yếu tố ngoại tại, chẳng hạn, vợ chồng đang trải qua những khó khăn kinh tế nghiêm trọng khiến họ không thể chu toàn bổn phận nuôi dưỡng con cái.
* Suy xét và cân nhắc kỹ lưỡng để quyết định của cả cha lẫn mẹ về số con mà họ có khả năng nuôi dưỡng và giáo dục, đó là thái độ có trách nhiệm.
* Nếu thụ thai dù ngoài ý muốn, đôi bạn phải quảng đại chấp nhận đứa con như là kết quả tiến trình sinh lý tự nhiên mà Thiên Chúa  đã thiết lập nơi loài người.
c. Liên quan đến chính hành vi vợ chồng
* Phải tôn trọng tính cách nhân bản việc phối hợp nam nữ và những khả năng sinh sản nơi con người.
* Phải tôn trọng bản chất tự nhiên của việc phối hợp vợ chồng là hướng về việc sinh sản trong bầu khí yêu thương của hai người.
* Phài tuân giữ giáo huấn của thông điệp “Sự Sống Con Người” về các phương pháp được sử dụng.
* Phải tôn trọng sự sống ngay từ lúc thụ thai.
III. NHỮNG PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU HÒA SINH SẢN
GIÁO HUẤN CỦA GIÁO HỘI
Giáo hội Công Giáo không chống đối việc điều hòa sinh sản. Thực ra Giáo hội luôn khuyến khích đôi bạn xây dựng gia đình trong tinh thần trách nhiệm. Giáo huấn của Giáo hội về vấn đề này thường bị hiểu lầm chỉ vì những thuật ngữ: kế hoặch hóa gia đình, điều hòa sinh sản, kiểm soát sinh sản,  ngừa thai … thường được mọi người  sử dụng đồng nghĩa với nhau. Giáo hội chỉ chống đối những phương pháp ngừa thai nhân tạo.
Nhưng lại coi phương pháp tự nhiên, là phương pháp không trái nghịch với chương trình của Thiên Chúa. Thuốc viên và những phương pháp ngừa thai nhân tạo khác là ngăn cản tiến trình tự nhiên.
Hệ thống 1: mục đích ngăn ngừa không cho tinh trùng gặp trứng, mà vẫn giữ quan hệ vợ chồng.
1. Dùng Thuốc ngừa thai Tây hoặc Đông y
2. Dùng bao cao su.
3. Xuất tinh ngoài âm đạo (giao hợp nửa chừng)
4. Phương pháp bịt cổ tử cung.
5. Thắt ống dẫn tinh hay cột buồng trứng (triệt sản).
Hệ thống 2: triệt phá mầm sống sau khi tinh trùng đã gặp trứng và đã thụ thai.
1. Đặt vòng tránh thai.
2. Hút điều hòa kinh nguyệt.
3. Nạo thai.
4. Phá thai dưới mọi hình thức.
Mối quan tâm của Giáo hội là tính luân lý của việc điều hòa sinh sản. Trong thông điệp “Sự Sống Con Người” số 14 ghi rõ:
- Phá thai và sát nhi là một tội ác. Trực tiếp phá thai là tội ác có kèm theo hình phạt
- Cấm bất  cứ hành động nào nhằm ngăn chặn sự sinh sản, dù như một mục đích hay chỉ như phương tiện, dù có hành động như vậy trước việc vợ chồng, hay việc vợ chồng đang tiến tới hậu quả tự nhiên của nó. (Humanae Vitae số 14)
- Giáo hội cấm sử dụng phương pháp ngừa thai, phá thai nhân tạo là vì sự sống con người là do Chúa ban, không ai có quyền hủy diệt.
- Sinh con với ý thức trách nhiệm để duy trì nòi giống và phụng thờ Thiên Chúa. bởi vậy Giáo hội không thể chấp nhận sự hủy diệt mạng sống con người từ trong trứng nước.
- Mỗi lần khi vợ chồng giao hợp với nhau, việc hôn nhân phải được mở ngõ để “có thể lưu truyền mạng sống” Humanae Vitae số 11)
- Là phương pháp hoàn toàn không trái nghịch với chương trình của Thiên Chúa: phương pháp này chỉ vận dụng việc hành kinh tự nhiên trong chức năng sinh sản của người nữ. những ngày người đàn bà có khả năng thụ thai là những ngày trứng rụng khỏi buồng trứng rơi vào tử cung. Nếu đôi vợ chồng có lý do chính đáng muốn ngưng tạm thời hay dài hạn việc sinh thêm con thì chỉ giao hợp với nhau trong những ngày không thể thụ thai trong chu kỳ phụ nữ.
- Khi “cư xử” như thế, họ chỉ tận dụng khả năng tự nhiên (do Thiên Chúa ) cung cấp cho họ.
Sau đây là mấy phương pháp tự nhiên tương đối dễ sử dụng và có hiệu quả:
+ Phương pháp Ogino – Knauss.
+ Phương pháp đo nhiệt độ
+ Phương pháp Billings.
Phương pháp Ogino – Knauss.
- Phương pháp này được khám phá vào năm 1930 do hai nhà khoa học nổi tiếng là Ogino (Nhật) và Knauss (Áo) đã cùng một lúc khám phá được chu kỳ phong phú tự nhiên nơi người nữ. Căn cứ vào kinh nguyệt có hai thời gian đầu và cuối không thụ thai.
- Cách sử dụng:
a. Quan sát: người vợ lưu ý và ghi rõ lịch hành kinh từ 08 đến 12 tháng, ví dụ sau 8 tháng có lịch trình như sau: 25, 27, 30, 28, 30, 27,26.29 .Ngày kinh thay đổi từ 25 đến 30 ngày.
b. Làm bài toán trừ: phải luôn nhớ hằng số:18 – 10
Lấy số nhỏ nhất trừ cho 18, ví dụ: 25 – 18 = 7 .
Ngày 7 là ngày cuối cùng của thời kỳ tương đối an toàn .
Lấy số lớn nhất trừ cho 10, ví dụ: 30 – 10 = 20 .
Ngày 20 là ngày đầu tiên của thời kỳ tuyệt đối an toàn .
c. Kết luận: nếu muốn hạn chế sinh con, muốn tránh thụ thai, vợ chồng phải kiêng cữ từ ngày 7 đến ngày 20 kể từ ngày bắt đầu có kinh.
Phương pháp đo nhiệt độ (thân nhiệt)
- Là phương pháp của bác sĩ Van de Velde, người Hòa Lan (1904) dựa vào sự thay đổi nhiệt độ trong thân thể người phụ nữ để tìm ra ngày rụng trứng.
- Cách thực hiện: mỗi buổi sáng lúc thức dậy, chưa bước xuống khỏi giường, chưa ăn uống gì, thì lấy một nhiệt kế đặc biệt (ghi rõ từ 365 – 375) đặt dưới lưỡi khoảng 5 phút để biết thân nhiệt độ của mình.
Ghi kết quả trên bảng theo dõi nhiệt độ. Nếu thân nhiệt chỉ 36 độ 6 hay 36 độ 7 là thời gian không thụ thai, còn khi đột ngột lên 37 độ 3, 37 độ 4 là thời gian thụ thai. Vậy khi thấy nhiệt độ bắt đầu hạ thì kiêng giao hợp trong 4 hoặc 6 ngày.
Có điều khó khi dùng phương pháp này là nhiều khi các phản ứng tâm lý như buồn rầu, lo âu, xúc động, bệnh lý… có thể làm cho nhiệt độ lên xuống bất thường.
Hai phương pháp Ogino – Knauss và đo nhiệt độ, nếu được dùng chung , thì kết quả có thể có được 95% .
Phương pháp Billings .
- Còn gọi là phương pháp định thời kỳ an toàn căn cứ trên triệu chứng chất nhờn.
- Phương pháp này do ông bà bác sĩ Billings người Úc tìm ra.
- Phương pháp này tóm tắt như  sau:
Những ngày người phụ nữ có thể thụ thai được là những ngày luôn luôn có chất nhờn tiết ra một ít từ cổ tử cung: từ chất nhờn dính và đục, đến trong, sang độ trong suốt, kéo sợi trắng như lòng trắng trứng gà. Đây là giai đoạn tột đỉnh của ngày trứng rụng: người nữ cảm thấy bị kích thích nhiều hơn bình thường. Tiếp theo là chất nhờn dính và đục, rồi hết chất nhờn. Âm hộ sẽ trở lại khô ráo bình thường.
Người phụ nữ cảm giác được chất nhờn trong suốt này khi đứng, ngồi hay đi lại và lúc đó đạt tới cao điểm của khả năng thụ thai nhất.
- Phải tránh tất cả mọi gần gũi sinh lý trong những ngày có chất nhờn, nếu không muốn thụ thai.
- Vào những ngày khô được gọi là những ngày an toàn vợ chồng gần gũi không gây nên việc thụ thai.
- Phương pháp này rất hiệu nghiệm đối với nhiều phụ nữ, miễn là họ biết áp dụng đúng các nguyên tắc trên.
Kết luận áp dụng:
1. Thời kỳ trứng rụng:
Thời kỳ khô ráo không có chất nhờn bài tiết là  thời kỳ an  toàn
tương đối (quãng 3-5 ngày). Nếu vòng kinh quá ngắn thì có thể không có thời kỳ khô ráo trước khi rụng trứng, do đó phải kiêng cữ
2. Thời kỳ ẩm ướt
Chất nhờn xuất hiện. Nếu hoàn toàn không muốn thụ thai thì kiêng cữ trong những ngày này (quãng 9 ngày)
Thời kỳ ẩm ướt do chất nhờn xuất hiện có thể ghi chú như sau cho một chu kỳ kinh nguyệt 28 ngày.
1-2-3
4-5-6-7-8
9-10-11
12
Kinh nguyệt
Khô ráo tương đối an toàn
Chất nhờn xuất hiện dính và đục dễ thụ thai
Chất nhờn trong và dính dễ thụ thai
Chất nhờn từ ngày 9-18
13
14
15-16-17
18-28
Chất nhờn trong suốt và trơn
Chất nhờn trong suốt kéo sợi trắng như lòng trắng trứng gà
Chất nhờn dính và đục
An toàn tuyệt đối
Tột đỉnh dễ thụ thai
Dễ thụ thai

3. Sau hiện tượng đột đỉnh của chất nhờn (trong hình là 14) kể từ ngày thứ Tư về sau (tức là bỏ đi thêm 3 ngày) là thời kỳ an toàn không thụ thai (quãng 11 ngày, trong hình vẽ là 18)
Kết luận: hiện nay các phương pháp tự nhiên đã được phổ biến và sử dụng rộng rãi, tỉ lệ thành công của chúng khá cao. Nhiều người không Công Giáo ngày càng thích sử dụng các phương pháp này, vì chúng không có những bất tiện như những phương pháp nhân tạo chẳng hạn như những hiệu ứng phụ có thể xẩy ra.
B. BÀI HỌC:
67/ H. Hội thánh dạy thế nào về việc sinh sản con cái ?
T. Hội thánh dạy: sinh sản phải có trách nhiệm, nghĩa là khi sinh con, cha mẹ phải lo lắng chăm sóc, dưỡng dục để chúng sống xứng đáng phẩm giá làm người và làm con Chúa. Do đó, đôi bạn cần suy xét thận trọng về sức khỏe, kinh tế, giáo dục … để có quyết định đứng đắn.
68/ H. Sinh sản có trách nhiệm là gì ?
T. Là không hạn chế không sinh con, cũng không sinh con bừa bãi, nhưng suy nghĩ và quyết định sinh con, tùy theo lợi ích của vợ chồng, con cái, xã hội và giáo hội.
69/ H. Tại sao Giáo Hội chủ trương sinh sản có trách nhiệm ?
T. Vì sinh sản có trách nhiệm vừa là thi hành ý định của Thiên Chúa, vừa đáp ứng đòi hỏi của tình yêu trao hiến trọn vẹn giữa vợ chồng, muốn đem lại lợi ích cho cả gia đình, xã hội, và giáo hội nữa.
70/ H. Những phương pháp nào giúp điều hòa sinh sản ?
T. Có hai phương pháp:
1. Một là phương pháp thuận tự nhiên
2. Hai là phương pháp phản tự nhiên.
71/ H. Phương pháp thuận tự nhiên là gì ?
T. - Là phương pháp căn cứ vào sinh hoạt tự nhiên của các cơ năng trong con người, các diễn tiến tuần hoàn theo cơ cấu thiên nhiên của các kích thích tố, chứ không phải dùng dụng cụ hoặc hóa chất làm cho diễn biến ấy bị ngăn chặn hoặc trở thành vô hiệu.
- Vợ chồng có thể dùng các phương pháp tự nhiên để tránh giao hợp với nhau trong thời kỳ trứng rụng, khi không muốn thụ thai, hoặc muốn được thụ thai thì giao hợp vào thời kỳ đó.
72/ H. Phương pháp nhân tạo là gì ?
T. - Là trực tiếp làm cho khả năng sinh sản vô hiệu, hoặc làm cho diễn biến truyền sinh bị ngăn chặn không thể đạt kết quả, như dùng dụng cụ, hoặc hóa chất để ngăn ngừa, hoặc giết chết tinh trùng không cho phối hợp với trứng.
- Các phương pháp nhân tạo có mục đích là ngừa thai, nên lỡ khi bị thụ thai, người ta dễ nghĩ đến phá thai..
- Là phương pháp ngăn cản tiến trình tự nhiên nên Giáo Hội không chấp nhận các phương pháp này.
73/ H. Giáo Hội dạy thế nào về sinh sản có trách nhiệm ?
T. Giáo Hội dạy những điều này:
1. Làm chủ bản năng giới tính
2. Hiểu biết hoàn cảnh cụ thể của gia đình để cùng nhau quyết định nên sinh con hay tạm ngưng.
3. Chỉ dùng những phương pháp ngừa thai tôn trọng luật tự nhiên.
4. Chấp nhận đứa con ngoài ý muốn (GLCG 413).
74/ H. Để có quyết định đứng đắn về việc điều hòa sinh sản, đôi bạn phải có những yếu tố nào ?
T. Đôi bạn phải có những yếu tố này:
- Lương tâm ngay thẳng, chân chính.
- Tinh thần trách nhiệm cao.
- Tuân giữ giáo huấn của Giáo hội về việc điều hòa sinh sản.
===////===
Bài 10
1. Hôn nhân là quyết định quan trọng nhất trong đời bạn. Do đó những điểm chính yếu bạn cần quan tâm thì cũng giống như  những điều mà bất cứ ai sắp kết hôn đều phải lưu ý. Bạn có thể đặt ra cho mình những câu hỏi sau:
- Tôi có thể sống trọn đời với người ấy không ? Tôi có thể chịu đựng mối liên hệ  này ngày này sang ngày khác suốt đời không ? Và người ấy có thể chấp nhận mối liên hệ tương tự như thế đối với tôi không ?
- Tôi có sẵn sàng yêu thương chăm sóc người ấy lúc vui cũng như lúc buồn, lúc ốm đau cũng như lúc mạnh khỏe không ? Tôi có chắc người ấy có sẵn lòng như thế đối với tôi không ?
- Người ấy có hiểu biết tôi đầy đủ (điểm xấu cũng như điểm tốt) để có thể gắn bó suốt đời  với tôi không ? Tôi có hiểu biết người ấy đầy đủ chưa, đủ để có thể gắn bó suốt đời ?
- Tôi có tự do, tự nguyện kết hôn chăng ? Tôi có chắc là không bị áp lực nào ?
Nếu bạn không thể thành thực trả lời “có” cho tất cả những câu hỏi này, thì xin bạn hãy bình tĩnh suy nghĩ thêm một thời gian nữa. Đính hôn mà tan vỡ cũng khó chịu lắm, nhưng hôn nhân mà tan vỡ thì thật là một thảm họa.
2. Trước khi kết hôn, đôi bạn phải dự lớp chuẩn bị hôn nhân. Lý do cũng đơn giản thôi. Người Công Giáo tin rằng hôn nhân là cho cuộc sống. Đây là một cam kết trọng đại suốt đời với nhiều đòi hỏi. Khi lứa đôi yêu nhau sâu đậm, thì họ dễ dàng lướt qua những vấn đề khó khăn còn nhiều mâu thuẫn. Chỉ sau đám cưới họ mới lôi ra đặt thành những vấn đề nghiêm trọng.
Linh mục phải đảm bảo rằng các đôi bạn nào kết hôn trong Giáo hội đều phải chín chắn, có khả năng chu toàn lời hôn ước, hiểu rõ việc họ sắp đảm nhận. Thật là không công bằng khi Giáo hội cứ cho các tín hữu kết hôn mà không được chuẩn bị gì cả, rồi lại đòi hỏi họ phải sống theo những chuẩn mực mà họ không hề ý thức là chính họ đã cam kết.
3. Khi sắp kết hôn, đôi bạn phải cầu nguyện, suy nghĩ chín chắn, tìm hiểu nhau và tìm hiểu với những người khôn ngoan. Học biết giáo lý, nhất là về bí tích hôn nhân, và phải sống đứng đắn trong sạch.
B. BÀI HỌC:
75/ H. Tại sao phải có thời kỳ đính hôn rồi mới thành hôn ?
T. 1. Vì thành hôn là chuyện trăm năm, có liên quan đến hạnh phúc toàn thể cuộc đời.
2. Vì cần thời gian để học hỏi ý nghĩa, mục đích của hôn nhân và gia đình Kitô giáo, để tìm hiểu nhau và gia cảnh đôi bên, nhờ đó quyết định kết hôn được sáng suốt, chín chắn và bảo đảm thành công hơn.
76/ H. Vì sao khi sắp kết hôn phải cầu nguyện ?
T. – Vì giao ước hôn nhân kết hợp hai người nam nữ nên vợ chồng là điều bí nhiệm, chỉ mình Chúa biết và se định, nên phải cầu nguyện xin Chúa soi sáng, hướng dẫn, hầu chọn được người bạn trăm năm đúng ý Chúa, hợp sở nguyện, để đời sống hôn nhân được thành công mỹ mãn.
- Khi sắp kết hôn phải cầu nguyện vì “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” và “nếu Chúa không xây thành, những người thợ xây đều khó nhọc vô ích”.
- Người có kinh nghiệm đã khuyên: “phải cầu nguyện một lần trước khi ra trận, hai lần trước khi vượt biển và phải cầu nguyện ba lần trước khi lập gia đình
76b/ H. Tại sao phải suy nghĩ ?
T. Phải suy nghĩ chín chắn, vì hôn nhân là việc vô cùng quan trọng trong cuộc đời. Nếu vội vàng, hấp tấp, liều lĩnh sẽ đưa đến hậu quả tai hại cho mình, cho bạn mình và cho xã hội.
77/ H. Vì sao phải tìm hiểu nhau ?
T. - Vì vợ chồng phải đồng phận với nhau về toàn thể cuộc đời, nên trước khi kết hôn cần phải tìm hiểu, người bạn đời cũng là bạn đồng hành tương lai của mình; những đức tính cần thiết, tình yêu chân thành, lòng đạo đức, trình độ học thức, gia cảnh, địa vị xã hội, nghề nghiệp, tài sản đôi bên, sức khỏe tinh thần và thể lý … để biết những gì có thể hòa hợp trong việc xây dựng tổ ấm hạnh phúc gia đình. Điều tâm niệm là ngày nào chưa biết rõ ý trung nhân và gia thế của họ, thì không nên vội vã tiến tới. Hôn nhân mà tan vỡ thì thật là một thảm họa.
- Trong khi tìm hiểu phải kính trọng nhau và can đảm giữ gìn thân xác và tâm hồn trong trắng. Phải luôn nhớ: “tiền dâm hậu thu” là một việc làm tội lỗi và nguy hại cho hạnh phúc hôn nhân sau này.
78/ H.Vì sao phải bàn hỏi ?
T. Vì một mình không đủ khôn ngoan, sáng suốt, nên dễ bị sai lầm khi chọn người bạn trăm năm. Hơn nữa, kinh nghiệm cho hay: nhận xét khách quan thường đúng hơn nhận xét chủ quan, và việc mình thì tối, việc người thì sáng. Vì thế trong việc lựa chọn kết hôn, phải bàn hỏi những bậc cao niên khôn ngoan đạo đức, giầu kinh nghiệm mà mình tín nhiệm, như ông bà, cha mẹ, cha linh hướng …
79/ H. Nên cư xử với nhau thế nào trong thời kỳ đính hôn ?
T. 1. Nên cư xử với nhau như đôi bạn chưa cưới, chứ không phải vợ chồng.
2. Nên yêu thương tôn trọng nhau và giúp nhau sống thời đính hôn với tình yêu trong trắng.
80/ H. Để tiến hành lễ hôn phối phải theo những thủ tục nào ?
T. Thủ tục kết hôn cần theo thứ tự sau đây:
- Phải trình diện với cha quản xứ trước khi đăng ký kết hôn phần đời (Thể thức tùy theo từng Giáo xứ)
- Việc học giáo lý hôn nhân và làm tờ khai hôn phối bên nào làm tại bên ấy.
- Cha quản xứ bên nam gởi giấy giới thệu, chứng chỉ bí tích rửa tội và thêm sức cho cha quản xứ bên nữ.
- Có giấy giới thiệu, giấy chứng nhận bí tích rửa tội và thêm sức, cha quản xứ bên nữ sẽ lập tờ rao hôn phối cho cả hai bên.
- Nếu không có gì ngăn trở theo giáo luật thì được đăng ký kết hôn phần đời. Sau đó cử hành bí tích hôn nhân. Muốn làm phép hôn phối bên nào tùy ý.
===////===
“Các bí tích có mục đích thánh hóa con người, xây dựng thân thể Chúa Kitô và sau cùng là thờ phượng Thiên Chúa. Tuy nhiên, là những dấu chỉ, các bí tích còn giữ vai trò huấn giáo nữa… Do đó, việc quan trọng là làm sao cho các tín hữu dễ dàng hiểu được những dấu chỉ của các bí tích, và hết sức siêng năng đón nhận các bí tích, được lập ra để nuôi dưỡng đời sống Kitô hữu” (PV.59)
- Nhờ bí tích rửa tội, đôi bạn được trở nên phần tử của Hội thánh. những ai đã rửa tội mới có thể cử hành bí tích hôn nhân.
- Nhờ bí tích hôn nhân đôi bạn được thông phần giao ước tình yêu của Chúa Kitô và Hội thánh.
Như vậy, lòng trung thành trong đức tin và đức mến mà mỗi người tuyên hứa khi chịu phép rửa tội cũng chính là lòng trung thành và tình yêu mà đôi bạn trao cho nhau  trong giao ước hôn nhân. Vì thế, khi đôi bạn sống bí tích rửa tội của mình trong đời sống  chung là làm cho chính lời giao ước hôn nhân của đôi bạn được thực hiện.
- Phép rửa rất cần cho được sống đời đời: “ai không sinh bởi nước và Thánh Thần, không được vào nước trời”. Do đó, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm thực hiện việc rửa tội cho con cái tùy theo các trường hợp sau đây:
a/ Trường hợp thông thường:
Khi đứa trẻ sinh chừng được một tháng, cha mẹ cần đưa con đến nhà thờ xin Linh mục rửa tội. Nên có sự hiện diện đông đủ của mọi phần tử trong gia đình.
b/ Trường hợp nguy tử:
- Khi em nhỏ chưa rửa tội mà đau nặng, thì cha mẹ, hay nhờ một người khác, lo liệu cho em được rửa tội ngay, bằng cách lấy nước lã đổ trên trán em, vừa đổ vừa đọc: “ T… Cha(mẹ) rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
- Ghi vào sổ gia đình Công Giáo, và trình với cha sở.
- Khi em khỏe lại có thể đưa em tới xin chịu “phép bù”
c/ Trường hợp tối khẩn:
- Mọi bào thai phải được rửa tội dù nó được bao nhiêu tháng:
Nếu bào thai chắc chắn còn sống thì rửa tội tuyệt đối: “ T…Cha(mẹ) rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Nếu hồ nghi thai đã chết thì rửa tội hồ nghi: “ T…Nếu còn sống, Cha(mẹ) rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
- Nếu sẩy thai thì xé bọc thai rồi đổ nước hoặc dìm vào nước, và đọc: “Nếu nên, ta rửa con, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
- Quái thai thì rửa tội hồ nghi: “Nếu con là người thì ta rửa con nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Theo Giáo luật  Đ. 1065 qui định:
“Người Công Giáo chưa được thêm sức phải lãnh nhận bí tích này trước khi được chấp nhận vào hôn nhân nếu việc ấy không gây bất lợi lớn.”
- Khi lãnh bí tích thêm sức người tín hữu được đầy ơn Chúa Thánh Thần, trở nên chứng tá đức tin, có nhiệm vụ bảo vệ và mở mang Nước Chúa.
- Khi lãnh bí tích hôn phối, đôi bạn trở thành nhân chứng cho tình yêu tự hiến và xây dựng Nước Chúa trong bậc sống hôn nhân của mình. Chính nhờ ơn Chúa Thánh Thần mà đôi bạn vượt qua được nhiều khó khăn thử thách trong cuộc sống chung để xây dựng hạnh phúc và giáo dục con cái nên người và nên con Chúa, góp phần mở mang Nước Chúa.
- Để lãnh nhận bí tích hôn phối cho kết quả, Hội thánh khuyên đôi bạn lãnh nhận bí tích sám hối để có thể dấn thân trong tình trạng ân sủng, xứng đáng đón nhận dồi dào ơn huệ Chúa ban trong ngày thành hôn.
- Nhưng trong suốt  cuộc sống hôn nhân, đôi bạn khó có thể tránh hết được những sai sót khuyết điểm về tình yêu, về lòng trung thành…đối với nhau gây nên cảnh ảm đạm cho cuộc sống chung. Bấy giờ bí tích giải tội sẽ xóa đi những lỗi lầm ấy và ban nhiều ơn giúp đôi bạn phấn khởi tiến bước trong cuộc sống hôn nhân gia đình với những cố gắng mới, tinh thần mới: xả kỷ, hy sinh, quảng đại, tha thứ, hòa hợp yêu thương nhau nồng thắm hơn.
* Phép Thánh thể chính là nguồn mạch của hôn nhân Kitô Giáo: hy lễ Thánh thể diễn lại giao ước tình yêu giữa Đức Kitô và Hội thánh, vì giao ước ấy đã được ký kết bằng máu của Ngài trên thập giá. Chính trong hy lễ của giao ước mới và vĩnh cửu ấy mà các đôi bạn Kitô hữu tìm được nguồn mạch tuôn trào làm cho giao ước hôn nhân của họ được đúc khuôn từ bên trong, và được sinh động bền bỉ. (GĐ.57)
* Công Đồng Vaticanô II Nhắc lại tương quan đặc biệt giữa thánh thể và hôn nhân khi đòi hỏi rằng bình thường  bí tích hôn nhân phải được cử hành trong thánh lễ.
* Trong thánh lễ hôn phối, đôi bạn được hưởng ơn vô giá là Hiệp lễ. Nhờ đó, đôi bạn được tham dự vào giao ước tình yêu giữa Chúa Kitô và Hội thánh. Nhờ kết hợp mật thiết với Chúa, đôi bạn được Chúa làm bạn đồng hành, được Người trợ lực suốt cuộc đời.
- Hôn phối và truyền chức là hai bí tích phục vụ sự hiệp thông, nhằm  xây dựng một xã hội do chính Chúa Kitô thiết lập,đó là Hội thánh.
- Bí tích hôn phối làm tăng số con cái trong Hội thánh, bí tích truyền chức tuyển chọn các thừa tác viên phục vụ Hội thánh. Chính ơn gọi Linh mục được gieo mầm từ trong gia đình, cho nên gia đình được gọi là ‘chủng viện sơ khai’ (ĐTLM, 2). Công đồng Vaticanô II khuyên: “cha mẹ hãy thận trọng giúp đỡ con cái lựa chọn ơn gọi; và nếu thấy chúng có ơn thiên triệu, họ hãy thận trọng nuôi dưỡng ơn thiên triệu đó. (TĐGD 11)
- Trong lễ cưới, đôi bạn hứa trọn đời yêu thương và chung thủy với nhau cho đến chết. Cái chết niêm ấn lòng trung tín trọn vẹn của họ.
- Ở biên giới sự sống và sự chết, Phép Xức Dầu Bệnh Nhân kết thúc đoạn đường lữ hành và mở ra cho cuộc sống vĩnh cửu.
- Trên giường hấp hối, đôi bạn thấu triệt được ý nghĩa cao đẹp cuộc sống chung đầy nỗ lực của mình, đó là cuộc đồng hành với Chúa Kitô, là thời gian thử thách và tinh luyện tình yêu, là đoạn đường dẫn tới cuộc sống mai sau vĩnh cửu đầy hạnh phúc.
- Hãy lo liệu cho bệnh nhân lãnh nhận bí tích xức dầu khi còn tỉnh táo.
- Những người thân yêu có mặt giờ phút ấy để cầu nguyện cho bệnh nhân, cũng như để hỗ trợ tâm lý cho bệnh nhân vì lúc đó bệnh nhân thường rất sợ cô độc.
===////===
Đồng hành với con người, Giáo hội vẫn không ngừng quan tâm đến mục vụ gia đình, coi gia đình như con đường mình phải đi, và như đối tượng hàng đầu trong chương trình cứu rỗi được Chúa trao phó. Công đồng Vaticanô II đã dành trọn một chương trong Hiến Chế Mục Vụ cho việc huấn giáo về gia đình. Tông huấn về gia đình được công bố ngày 22.11.1981 và nhiều văn kiện khác tất cả đều nói lên gia đình là đối tượng của tình yêu mục tử của Giáo hội.
81/ H. Vì sao Giáo hội cần chăm sóc mục vụ cho người sắp kết hôn?
T. Vì hôn nhân và gia đình cần thiết cho hạnh phúc của cộng đồng Kitô giáo và cho việc phúc âm hóa xã hội. Do đó, Giáo hội có quyền mong đợi những người sắp kết hôn có được sự trưởng thành và cam kết đích thực.
82/ H. Tại sao Hội thánh nhấn mạnh nhiều về mục vụ hôn nhân gia đình ?
T. Vì gia đình Công Giáo là nơi con cái nhận được lời loan báo đầu tiên về đức tin. Đây là lý do để mái ấm gia đình được gọi cách chính đáng là “Hội thánh tại gia” là cộng đoàn ân sủng và cầu nguyện, là trường dạy các đức tính nhân bản và đức ái Kitô giáo.
83/ H. Vì sao Hội thánh Công Giáo lại nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của đời sống gia đình ?
T. Một gia đình tươi vui hạnh phúc, cung cấp cho con cái bầu khí trong lành, trong đó, đứa trẻ học biết tương giao với người khác: biết quan tâm, chia sẻ, thương yêu, tha thứ. Vì thế cha mẹ là những thầy cô giáo đầu tiên và quan trọng nhất hình thành những nét căn bản cho những tương giao của chúng với người khác và với Thiên Chúa.
84/ H. Vì sao gọi gia đình Công Giáo là Hội thánh tại gia ?
T. Vì gia đình Công Giáo là tế bào của Hội thánh, là một cộng đồng yêu thương, phản ánh tình yêu Chúa Kitô đối với Hội thánh cần phải được xây dựng theo nếp sống mẫu mực của Hội thánh, gồm ba chức vụ: tư tế, ngôn sứ, vương giả trong chiều kích Hội thánh toàn cầu.
85/ H. Gia đình Công Giáo phải thực hiện chức năng Tư tế, Ngôn sứ, Vương giả thế nào ?
T. + Về chức năng Tư tế:
“Như Hội thánh là Dân Tư Tế, luôn dâng lên Thiên Chúa lời ca ngợi, cảm tạ qua kinh nguyện, qua các nghi thức phụng vụ, nhất là phụng vụ bí tích, gia đình cũng phải thực thi chức năng Tư tế của mình, đó là:
- Siêng năng cầu nguyện, chuyên chăm tham dự các bí tích, cách riêng bí tích thánh thể.
- Biết dâng hiến cuộc đời theo thánh ý Chúa với vui buồn sướng khổ trong ý nguyện cầu cho Hội thánh, cho các chương trình mục vụ của Giáo xứ, Giáo phận và Hội thánh đạt kết quả tốt đẹp.
- Cần làm sao để mọi thành phần trong gia đình Công Giáo tham dự vào bí tích thánh thể, nhất là các ngày Chúa nhật và lễ trọng (GĐ 61)
+ Về chức năng Ngôn sứ:
- Như Hội thánh hằng kiên trì thực hiện chức năng Ngôn sứ bằng cách trung thành lắng nghe, sống và loan báo Tin Mừng, mỗi người cũng phải biết đón nhận, sống và thông đạt lời Chúa cho mọi phần tử trong gia đình; cũng phải biết học hỏi các Giáo huấn của Đức Giáo Hoàng, của Đức Giám Mục Giáo phận, để làm sáng lên nét mới mẻ và sức mạnh của Tin Mừng trong đời sống hằng ngày, trong gia đình và xã hội.
- Ngày nay, việc dạy giáo lý tại gia đình trở nên cần thiết để hiểu, sống và làm chứng cho Tin Mừng (GĐ. 52)
+ Về chức năng Vương giả:
Như Hội thánh luôn phục vụ Nước Thiên Chúa và làm cho nước ấy lan tỏa trong lịch sử, đôi bạn và cha mẹ Công Giáo cần tìm kiếm Nước Thiên Chúa qua việc quản trị các thực tại trần gian, và sắp đặt chúng theo ý Thiên Chúa; giúp mọi phần tử trong gia đình phục vụ Đức Kitô hiện diện nơi mọi người, theo hoặch định cứu độ của Thiên Chúa, hầu làm cho đời sống Hội thánh tại địa phương được triển nở tốt đẹp.
Bài 13
Công đồng Vatican II nhắc lại tương quan đặc biệt giữa thánh thể và hôn nhân khi đòi hỏi rằng bình thường bí tích hôn nhân phải được cử hành trong thánh lễ.
- Hôn nhân Công Giáo là một bí tích. Khi người Công Giáo kết hôn, họ tin rằng chính Thiên Chúa  phối hợp họ. Tình yêu giữa hai người trở nên dấu chỉ tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho họ. Vì thế khi kết hôn, người Công Giáo không xem đây chỉ đơn giản là một hợp đồng giữa hai người nam nữ với nhau. Họ còn thấy hôn nhân là chuyện có liên can sâu xa tới Thiên Chúa và toàn thể cộng đoàn Hội thánh nữa: đó là lý do tại sao người Công Giáo tổ chức lễ cưới trong nhà thờ.
- Người Công Giáo phải cử hành bí tích hôn nhân trước mặt đại diện Hội thánh, bởi vì: như mọi bí tích khác, hôn nhân là bí tích của Hội thánh, tức là một phương tiện đem lại ơn Chúa Thánh Thần qua trung gian của Hội thánh, và trao cho vợ chồng trách nhiệm góp phần xây dựng Hội thánh.
86/ H. Nghi thức hôn phối là gì ?
T. Đôi tân hôn đến trước mặt limh mục và hai nhân chứng để tuyên bố ưng thuận lấy nhau theo luật Hội thánh.
87/ H. Ai là chủ lễ bí tích hôn phối ?
T. Chính hai vợ chồng là chủ lễ bí tích hôn phối, khi trao đổi ưng thuận lấy nhau, còn linh mục chỉ là chứng nhân mà thôi. Vì thế, nếu không có linh mục, vẫn có thể cử hành bí tích hôn phối trước mặt hai người làm chứng, với điều kiện Giám mục Giáo phận đã cho phép trước cách tổng quát.
87b/ H. Nghi thức hôn phối diễn tiến thế nào ?
T. Trước hết linh mục đòi hỏi đôi hôn nhân về ba điều:
- Sự tự do kết hôn.
- Sự ưng thuận lấy nhau là sống với nhau suốt đời
- Sự đón nhận và giáo dục con cái
Kế đó đôi bạn long trọng nói lên lời cam kết nhận nhau làm vợ chồng suốt đời.
Chính việc hai người xác  nhận mình tự do ưng thuận và công khai cam kết yêu nhau suốt đời là việc quan trọng, vì chúng làm thành bí tích hôn phối.
88/ H. Ý nghĩa của câu hỏi: “anh chị có thật sự tự do hay là bị ép buộc” ?
T. Đây không phải là một câu hỏi máy móc theo nghi thức, nhưng là để hai người xác định với chính mình và với mọi người hành vi của mình là hoàn toàn tự do và trưởng thành. (không có tự do này, hôn nhân bất thành)
89/ H. Ý nghĩa câu hỏi: “một khi đã thành hôn, anh chị có sẵn sàng yêu thương và tôn trọng nhau suốt đời không ?”.
T. Yêu thương là chuyện dĩ nhiên rồi, nhưng hai tiếng ý nghĩa ở đây là “kính trọng và suốt đời”. Vì yêu thì phải thật sự kính trọng người yêu: làm cho người yêu lớn lên, chứ không phải làm cho người yêu tan biến đi. Suốt đời: vì dây ràng buộc hai bên chỉ hết khi một trong hai người qua đời. Lời cam kết này nói lên đặc tính vĩnh hôn của hôn nhân Công giáo.
90/ H.Câu hỏi về việc đón nhận và giáo dục con cái có ý nghĩa gì?
T. Sự sẵn sàng này rất cần thiết vì lấy nhau với mục đích không sinh con thì hôn nhân bất thành. Hơn nữa đôi bạn còn phải cam kết giáo dục con cái về nhân bản và Kitô giáo.
91/ H. Hai người bắt tay nhau chỉ sự gì ?
T. Bắt tay nhau chỉ sự trao hiến cho nhau, đồng thời biểu thị sự ưng thuận làm vợ chồng, trước mặt Thiên Chúa và Giáo hội.
92/ H. Lời cam kết hôn nhân có ý nghĩa như thế nào ?
T. Lời hôn ước có tính cách pháp luật và xã hội, cho nên đòi nêu đích danh và phải được tuyên bố trước mặt linh mục, hai người chứng và cộng đoàn: chính việc hai người xác nhận mình tự do và công khai cam kết yêu nhau suốt đời rất quan trọng, vì chúng làm thành bí tích hôn phối.
93/ H. Chiếc nhẫn vợ chồng trao cho nhau chỉ sự gì ?
T. Trao nhẫn là biểu hiện tình yêu và lòng chung thủy với nhau suốt đời. Chiếc nhẫn cũng là kỷ vật vợ chồng trao tặng nhau, nhân ngày lễ thành hôn, để nhắc nhở lời cam kết đáng ghi nhớ hôm nay và mãi mãi duy trì một tình yêu chung thủy và tròn đầy.
(Sau khi hai người trao nhẫn cho nhau, đôi tân hôn, hai người chứng và linh mục cùng ký vào sổ hôn phối. Cũng có khi việc này được thực hiện sau thánh lễ tại văn phòng Giáo xứ).
===////===
MỤC LỤC
HÔN NHÂN - GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO................................................1
NHẬP ĐỀ........................................................................................(1 - 3)
III . HUẤN GIÁO VỀ VIỆC CHĂM SÓC MỤC VỤ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH CÔNG GIÁO...........................................................................2
III . CHUẨN BỊ BƯỚC VÀO ĐỜI SỐNG HÔN NHÂN......................3
II- HÔN NHÂN TỰ NHIÊN .................................................................6
IV. MẪU MỰC CỦA HÔN NHÂN CÔNG GIÁO:.............................11
B. BÀI HỌC:........................................................................................12
A. Lời hướng dẫn.................................................................................15
II) SINH SẢN VÀ GIÁO DỤC CON CÁI:.........................................25
B.BÀI HỌC:........................................................................................27
BÀI 3 ĐẶC TÍNH HÔN NHÂN CÔNG GIÁO.........................(28 - 33)
I). HAI ĐẶC TÍNH CỦA HÔN NHÂN...............................................29
B.BÀI HỌC:........................................................................................32
BÀI 4NGHĨA VỤ VỢ CHỒNG CÔNG GIÁO..........................(33 - 36)
B. BÀI HỌC:........................................................................................34
I. BỔN PHẬN YÊU THƯƠNG............................................................34
II. BỔN PHẬN HÒA THUẬN..............................................................34
III. BỔN PHẬN TRUNG THÀNH.......................................................35
VI. BỔN PHẬN TRỢ GIÚP NHAU.....................................................36
BÀI 5  PHẬN CHA MẸ VÀ CON CÁI GIÁO DỤC CON CÁI…………………………………………………………(37 - 44)
B. BÀI HỌC:........................................................................................41
BÀI 6 ĐIỀU KIỆN CỦA BÍ TÍCH HÔN NHÂN........................(44- 45)
A . Lời hướng dẫn................................................................................52
B. BÀI HỌC.........................................................................................57
Bài 9 LƯƠNG TÂM CÔNG GIÁO VÀ VẤN ĐỀ ĐIỀU HÒA SINH SẢN.......................................................................................(59 - 69)
I. GIÁO HUẤN CỦA HỘI THÁNH....................................................59
II. LƯƠNG TÂM VÀ TRÁCH NHIỆM..............................................60
III. NHỮNG PHƯƠNG PHÁP NGỪA THAI......................................62
A. những phương pháp ngừa thai nhân tạo..........................................63
Luân lý tính...........................................................................................63
B.Phương pháp tự nhiên.......................................................................64
B. BÀI HỌC:........................................................................................68
Bài 10 CHUẨN BỊ KẾT HÔN...................................................(70 - 73)
A. Lời hướng dẫn.................................................................................70
B. BÀI HỌC:........................................................................................71
A. Lời Hướng Dẫn................................................................................73
I) HÔN PHỐI VÀ PHÉP RỬA.............................................................74
II). HÔN PHỐI VÀ THÊM SỨC..........................................................75
III). HÔN PHỐI VÀ GIẢI TỘI............................................................75
IV). HÔN PHỐI VÀ THÁNH THỂ.....................................................76
V). HÔN PHỐI VÀ TRUYỀN CHỨC.................................................76
VII). HÔN NHÂN VÀ XỨC DẦU BỆNH NHÂN..............................77
Bài 12 MỤC VỤ HÔN NHÂN GIA ĐÌNH................................(77 - 78)
A Lời hướng dẫn..................................................................................77
B. BÀI HỌC:........................................................................................78
Bài 13 CỬ HÀNH BÍ TÍCH HÔN NHÂN.................................(80 - 82)
A. Lời hướng dẫn.................................................................................80
B.BÀI HỌC:………………………………..........................................81
===///// ===

Lm. Giuse Phạm Thanh Minh

0 nhận xét:

Đăng nhận xét